Phát triển năng lượng tái tạo nhìn từ Quy hoạch điện VIII

"Tạo hành lang pháp lý về năng lượng tái tạo ở thời điểm hiện tại là vô cùng cần thiết"

20:03 | 28/12/2023

9,279 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Năng lượng tái tạo (NLTT) được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng trên thế giới và sẽ dần thay thế nhiên liệu hoá thạch trong tương lai gần. Nguồn năng lượng này sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm phát thải nhà kính, đóng góp trực tiếp vào cam kết giảm phát thải ròng về 0, trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Đánh giá tầm quan trọng của sự phát triển NLTT trong Quy hoạch Điện VIII, chiều ngày 28/12/2023, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) tổ chức Hội thảo Phát triển NLTT nhìn từ Quy hoạch Điện VIII: Khai thác dưới góc độ quy định pháp luật và thực tiễn.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp sát thực tế, đại biểu đưa ra nhiều tình huống tranh chấp phát sinh cụ thể và hướng giải quyết của các chuyên gia, luật sư.

Tiến sĩ Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng UEL: Theo nghiên cứu của cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), đến năm 2025 NLTT sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp ⅓ lượng điện trên thế giới. Việt Nam là một trong các nước có điều kiện thuận lợi để phát triển NLTT, với đường bờ biển dài, tổng số giờ nắng trong năm dao động khoảng 1.400 - 3.000 giờ, cường độ bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4-5 kWh/m2/ngày, phù hợp phát triển thuỷ điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối…

Tiến sĩ Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng UEL

Phát triển NLTT trở thành định hướng phát triển nền kinh tế trong tương lai, cũng như an ninh năng lượng. Đây còn là cuộc chạy đua năng lượng của các quốc gia tạo nên vị thế cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Điều này cho thấy Việt Nam cần đẩy nhanh trong lĩnh vực này, khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển NLTT để tạo sức cạnh tranh cho cả nền kinh tế.

Nhận thấy tầm quan trọng hàng đầu của ngành công nghiệp NLTT, nên thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn NLTT. Đảm bảo cung cấp điện để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, góp phần vào việc giảm phát thải nhà kính và tăng chủ động trong việc cung cấp điện. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nên các quy định, chính sách, pháp luật vẫn còn chưa bao quát, theo sát được các vấn đề phát sinh: Chính sách tạo điều kiện phát triển công nghệ, cơ chế, hệ thống giao dịch các tín chỉ NLTT; thủ tục cấp phép, vận hành dự án; các chính sách và hướng dẫn cụ thể liên quan đến tài chính và cơ chế hỗ trợ đầu tư. Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển NLTT cần được quan tâm nghiên cứu, làm rõ từ góc độ học thuật lẫn thực tiễn giải quyết tranh chấp, nâng cao nhận thức của các bên liên quan, góp phần giảm thiểu các tranh chấp phát sinh và đóng góp chung vào mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 của Việt Nam.

Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC: Điểm mới của Quy hoạch điện VIII là ưu tiên phát triển NLTT, hướng đến mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế xã hội. Bước đi này cũng phù hợp với xu hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học - công nghệ của thế giới.

Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC

Để triển khai Quy hoạch Điện VIII hiệu quả, cần có được sự trợ lực, củng cố từ các cơ chế, chính sách đặc thù. Các cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành rà soát sửa đổi một số văn bản pháp luật liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng. Thị trường cấp điện Việt Nam cần tạo sự công bằng, minh bạch.

Hiện tại, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều quan tâm đến khung pháp lý về năng lượng, đặc biệt các vấn đề liên quan đến Quy hoạch điện VIII, giá điện, hợp đồng mua bán điện. Vì vậy, tạo hành lang pháp lý về NLTT ở thời điểm hiện tại là vô cùng cần thiết.

Từ góc độ giải quyết tranh chấp, qua thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, chúng tôi thấy rằng, các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực năng lượng có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây. Thực tế cho thấy, các dự án năng lượng thường kéo dài, nhiều hạng mục, chưa kể lĩnh vực này còn có khả năng liên quan đến nhiều yếu tố khác như địa chất, chính trị, môi trường. Tranh chấp trong lĩnh vực năng lượng có phần phức tạp hơn so với các lĩnh vực khác, không chỉ phát sinh giữa các doanh nghiệp mà còn phát sinh giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư với Nhà nước; tranh chấp không chỉ phát sinh trên hợp đồng giữa các bên mà trong một số trường hợp còn liên quan đến khung pháp lý, chính sách, hiệp ước.

Tiến sĩ, Luật sư Lê Nết, Công ty Luật TNHH LNT&Partners, Trọng tài viên VIAC: Quy hoạch Điện VIII đặt nền móng cho một tương lai trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Trong khi năng lượng gió và lưới điện sẽ trải qua sự phát triển lớn, các dự án năng lượng mặt trời cũng sẽ tiếp tục đóng góp vào cấu trúc năng lượng quốc gia. Đến năm 2050, khả năng kết hợp của các dự án năng lượng gió và mặt trời sẽ chiếm khoảng 71% tổng công suất.

Tiến sĩ, Luật sư Lê Nết, Công ty Luật TNHH LNT&Partners, Trọng tài viên VIAC

Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn, đặc biệt là trong việc chuyển đổi các dự án từ LNG sang thủy điện và từ than sang amonia. Quy hoạch Điện VIII không chỉ nhằm hợp pháp hóa các dự án gặp vấn đề về tài liệu, mà còn là bước quan trọng trong việc thúc đẩy dự án chuyển đổi và làm rõ các dự án khác.

Để triển khai Quy hoạch Điện VIII một cách hiệu quả, Bộ Công Thương cần phải đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn về cách chuyển đổi dự án từ LNG sang thủy điện và từ than thành dự án amonia. Ngoài ra, FIT cho các dự án chuyển đổi và thị trường giá điện cạnh tranh cũng cần được làm rõ.

Trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới đang chịu tác động của nhiều yếu tố biến động, Việt Nam cần có những quyết định và hướng dẫn linh hoạt để đảm bảo rằng nó sẽ tiếp tục đóng góp vào nỗ lực toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch.

Ông Nguyễn Phan Dũng Nhân, Tập đoàn Bamboo Capital: Tới năm 2030, Việt Nam cần 135 tỷ USD đầu tư vào việc phát triển các dự án điện gió, LNG, và lưới điện để đạt được các mục tiêu trong Quy hoạch Điện VIII. Số tiền khổng lồ này thể hiện một nhu cầu rất lớn của Việt Nam nhưng cũng đồng thời tạo ra thách thức rất lớn đối với việc huy động vốn.

Ông Nguyễn Phan Dũng Nhân, Tập đoàn Bamboo Capital

Các cam kết ở mức quốc gia tạo ra nền tảng cho việc thu hút vốn đầu tư nhưng việc chậm trễ trong việc xây dựng các quy định mang tính thực thi có thể làm Việt Nam “lag behind” trong việc thu hút vốn đầu tư (đặc biệt là chính sách về giá).

Đặc thù của các dự án NLTT có các thách thức nhất định về việc thu hút vốn đầu tư. Hợp đồng mua bán điện (PPA) áp dụng đối với các dự án năng lượng tái tạo còn nhiều rủi ro cho các đơn vị phát triển nên khó thu hút được nguồn vốn nước ngoài trừ khi có giá FIT đủ cao.

Cơ sở hạ tầng lưới điện còn chưa phát triển tạo ra các rủi ro rất lớn về việc quá tải và cắt giảm sản lượng. Quan ngại ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài/ngân hàng nước ngoài đối với “sức khỏe tài chính” của EVN. Sự thay đổi pháp luật của ảnh hưởng tới dòng vốn cho các dự án NLTT.

Luật sư Ngô Quỳnh Anh, Công ty Luật TNHH EPLegal: Trong hoạt động năng lượng, có nhiều tranh chấp điển hình: Tranh chấp phát sinh do chính sách thay đổi; tranh chấp thỏa thuận không cạnh tranh (M&A, PPA, LLA, RTA, EPC...); tranh chấp phát sinh liên quan đến thuê đất/ quyền sử dụng đất; tranh chấp từ các vấn đề môi trường.

Luật sư Ngô Quỳnh Anh, Công ty Luật TNHH EPLegal

Ngoài ra còn có các tranh chấp điển hình khác: Tranh chấp về điều khoản thanh toán; tranh chấp về tiến độ hoàn thành hợp đồng; tranh chấp chất lượng thực hiện công việc; tranh chấp liên quan đến đơn phương chấm dứt hợp đồng EPC; tranh chấp phát sinh từ sự kiện bất khả kháng…

Để xử lý tranh chấp trong các dự án năng lượng, các bên có xu hướng giải quyết tranh chấp theo phương thức thương lượng, kế đến là hoà giải. Khi hòa giải không thành công mới cần đến trọng tài, cuối cùng là giải quyết vấn đề tại toà án.

Điển hình tranh chấp giữa nhà đầu tư Việt Nam và tổ chức kinh tế cho vốn đầu tư nước ngoài, hoặc giữa những nhà đầu tư trong nước với nhau hoặc giữa một tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với Cơ quan Nhà nước: hướng giải quyết bằng trọng tài hoặc tòa án Việt Nam.

Tranh chấp trong đó có một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại Điều 23.1 Luật Đầu tư: giải quyết bằng tòa án Việt Nam, trọng tài trong nước, trọng tài nước ngoài, trọng tài quốc tế hoặc trọng tài vụ việc thành lập theo thỏa thuận của các bên.

Bài 6: ĐBQH Phạm Thuý Chinh: Việc ban hành Luật về năng lượng tái tạo là hết sức cần thiếtBài 6: ĐBQH Phạm Thuý Chinh: Việc ban hành Luật về năng lượng tái tạo là hết sức cần thiết
Thách thức lớn nhất của phát triển Năng lượng tái tạo?Thách thức lớn nhất của phát triển Năng lượng tái tạo?
Bài 7: PGS.TS Ngô Trí Long: Vướng mắc về giá là rào cản lớn nhất với phát triển năng lượng tái tạoBài 7: PGS.TS Ngô Trí Long: Vướng mắc về giá là rào cản lớn nhất với phát triển năng lượng tái tạo
TS Thái Doãn Hoàng Cầu: Luật NLTT cần đảm bảo cân bằng hài hoà các mục tiêu an ninh, hiệu quả và bền vữngTS Thái Doãn Hoàng Cầu: Luật NLTT cần đảm bảo cân bằng hài hoà các mục tiêu an ninh, hiệu quả và bền vững

Xuân Giảng

DMCA.com Protection Status