Tàu Côn Sơn và dấu ấn trong thi công rải ống dự án phát triển mỏ Kình Ngư Trắng – Kình Ngư Trắng Nam

10:50 | 10/07/2025

4,076 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chiến dịch thi công rải ống tại dự án phát triển mỏ Kình Ngư Trắng – Kình Ngư Trắng Nam (KNT-KTN) đã ghi một dấu ấn trong lịch sử thi công rải ống: Tàu Côn Sơn – con tàu hơn nửa thế kỷ tuổi đời đã hoàn thành nhiệm vụ thi công 42,8 km đường ống ở độ sâu tới 65 mét- quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Thành công này đã giúp Vietsovpetro vừa đảm bảo tiến độ thi công, vừa tiết kiệm được chi phí hàng triệu USD trong tình hình chi phí vật tư, trang thiết bị, tàu tăng cao và khan hiếm do biến động địa chính trị trên thế giới.

Phù hợp với định hướng phát triển của Liên doanh Vietsovpetro nói riêng và Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) nói chung, việc nỗ lực tìm kiếm, xây dựng và khai thác các mỏ mới ở vùng nước sâu, xa bờ là ưu tiên hàng đầu. Trong hành trình ấy, Vietsovpetro, đơn vị thành viên của Petrovietnam đã xây dựng, phát triển và vận hành các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Nam Rồng - Đồi Mồi, Gấu Trắng, Thỏ Trắng, Cá Tầm, Kình Ngư Trắng và Kình Ngư Trắng Nam.

Đối với dự án Phát triển mỏ Kình Ngư Trắng – Kình Ngư Trắng Nam (KNT-KTN) thuộc lô Lô 09-2/09, với các bên tham gia là Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), OA Zarubeznhef và Vietsovpetro, trong đó Vietsovpetro là nhà điều hành. Việc xây dựng lắp đặt các tuyến ống nội mỏ KNT-KTN và liên mỏ KNT với mỏ Bạch Hổ thuộc lô 09-1 là hết sức cần thiết nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có của Vietsovpetro để đạt hiệu quả kỹ thuật – kinh tế cao nhất.

Để vận chuyển hệ thống nước ép vỉa, khí gaslift và sản phẩm dầu khí của các mỏ nói trên, Vietsovpetro đã xây dựng một hệ thống các tuyến đường ống nội mỏ - liên mỏ. Đến nay, Vietsovpetro đã có hơn 200km tuyến đường ống ngầm được thực hiện thành công bởi tàu rải ống Côn Sơn.

Tàu rải ống Côn Sơn – thuộc sở hữu Vietsovpetro là một trong những tàu rải ống hiệu quả kinh tế nhất của khu vực Đông Nam Á chuyên thực hiện các dự án thi công rải ống công trình biển. Tàu Côn Sơn được đóng từ năm 1969 với chiều dài thân tàu là 110,3 m, trọng tải toàn phần của tàu (DWT) là 6.952 tấn, dung tải đăng ký (GRT) đến 7.355 tấn, sử dụng cẩu có sức nâng lên tới 350 tấn. Tàu rải ống Côn Sơn gồm các thiết bị chính như sau: Cẩu để di chuyển vật liệu ống vào dây chuyền hàn ống; Hệ thống xử lý ống để cắt vát đầu ống và xếp ống; Các trạm hàn; Bộ phận kéo ống có công suất kéo ống lớn hơn lực kéo tối đa (Tensioner); Trạm kiểm tra không phá huỷ (NDT); Trạm bọc các chỗ nối ống hiện trường; Stinger dùng để đỡ ống trong lúc chuyển tiếp ống từ tàu xuống đáy biển; 08 bộ tời neo để dùng cho việc định vị và di chuyển tàu trong quá trình thi công.

Trong tình hình chi phí vật tư, trang thiết bị, tàu bè tăng cao và khan hiếm do biến động địa chính trị trên thế giới. Để thực hiện dự án KNT-KTN, ban lãnh đạo Vietsovpetro xác định sử dụng đội ngũ nhân lực có trình độ tay nghề cao, cơ sở và trang thiết bị sẵn có để chủ động trong công việc, tiến độ và tiết kiệm ngân sách. Do đó, tàu Côn Sơn ngoài nhiệm vụ được giao cho Lô 09-1, tàu Côn Sơn còn nhận thêm nhiệm vụ thi công rải ống cho dự án KNT-KTN thuộc Lô 09-2/09.

Với tổng chiều dài của 3 tuyến ống thi công yêu cầu trong chiến dịch lần này là 42,8 km với chiều sâu 65m là lớn nhất từ trước tới nay là một bài toán thách thức không hề dễ cho tàu Côn Sơn, một con tàu đã vận hành và khai thác hơn nửa thể kỷ.

Ngoài ra, do tính chất đặc thù và đòi hỏi tiến độ liên tục của công tác rải ống trên biển, nên việc kiểm soát sự ổn định tải trọng giữ ống lên đến hàng chục tấn là rất quan trọng. Đặc biệt khi rải ống tới độ sâu 65 mét nước biển thì càng đòi hỏi khả năng làm việc của thiết bị trên tàu phải ở mức cao nhất và hoàn hảo nhất.

Nắm bắt được khó khăn đó, Ban lãnh đạo Vietsovpetro đã yêu cầu tập trung các đội ngũ chuyên gia, kỹ sư tính toán biện pháp thi công, áp dụng các sáng kiến, khoa học công nghệ để tàu Côn Sơn đáp ứng được công việc trên, đảm bảo được các chỉ tiêu an toàn và kinh tế - kĩ thuật.

Ngày 11/4/2024 tàu Côn Sơn chính thức khởi hành ra biển để thực hiện nhiệm vụ rải ống quan trọng:

Tàu Côn Sơn và dấu ấn trong thi công rải ống dự án phát triển mỏ Kình Ngư Trắng – Kình Ngư Trắng Nam
Tàu Côn Sơn và dấu ấn trong thi công rải ống dự án phát triển mỏ Kình Ngư Trắng – Kình Ngư Trắng Nam
Lắp đặt Stinger
Tàu Côn Sơn và dấu ấn trong thi công rải ống dự án phát triển mỏ Kình Ngư Trắng – Kình Ngư Trắng Nam
Tàu Côn Sơn và dấu ấn trong thi công rải ống dự án phát triển mỏ Kình Ngư Trắng – Kình Ngư Trắng Nam
Kết nối các đoạn ống bằng mối hàn
Tàu Côn Sơn và dấu ấn trong thi công rải ống dự án phát triển mỏ Kình Ngư Trắng – Kình Ngư Trắng Nam
Tàu Côn Sơn và dấu ấn trong thi công rải ống dự án phát triển mỏ Kình Ngư Trắng – Kình Ngư Trắng Nam
Rải ống xuống biển

Phát huy kinh nghiệm sẵn có và tinh thần lao động bền bỉ của gần 200 kỹ sư, công nhân, sau 55 ngày thi công khẩn trương và liên tục trên biển – làm việc 24/24, xuyên lễ, vượt qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt với mưa giông, sóng lớn – tàu Côn Sơn đã tự lực thực hiện thành công việc rải các tuyến ống theo đúng kế hoạch đề ra. Việc chủ động khai thác tối đa nguồn lực nội bộ của Vietsovpetro không chỉ đảm bảo tiến độ thi công, mà còn giúp dự án tiết kiệm hơn triệu đô la Mỹ khi không phải thuê tàu rải ống từ các đơn vị bên ngoài.

Tàu Côn Sơn và dấu ấn trong thi công rải ống dự án phát triển mỏ Kình Ngư Trắng – Kình Ngư Trắng Nam
Tàu Côn Sơn thực hiện rải ống tại mỏ KNT-KTN

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức như nước sâu, chiều dài tuyến ống lớn và điều kiện thời tiết thất thường, nhưng với quyết tâm cao, các kỹ sư, chuyên gia và công nhân đã làm việc không ngừng nghỉ theo tinh thần "Một đội ngũ, một mục tiêu" để hoàn thành nhiệm vụ. Sự hoàn thành của tuyến ống ngầm này không chỉ góp phần vào việc thành công của dự án mà còn khẳng định sự thích ứng linh hoạt trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp hàng hóa, vật tư ống ngầm, thiết bị thi công do ảnh hưởng xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại, cấm vận, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Vietsovpetro tiếp tục triển khai thành công các dự án trọng điểm trong tương lai như Thiên Nga – Hải Âu, dự án khí Lô B …

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo Vietsovpetro, các bên tham gia và Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam, cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, một dấu ấn trong lịch sử thi công rải ống của tàu Côn Sơn đã được thiết lập, góp phần quan trọng vào thành công chung của dự án, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ Petrovietnam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Trần Lê Phương - Nguyễn Sỹ Han

DMCA.com Protection Status