Tây Nguyên "khát"

14:15 | 30/05/2017

1,852 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tây Nguyên là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng với nhiều nguồn tài nguyên quý được thiên nhiên ban tặng có diện tích đất đỏ bazan rộng lớn thuận lợi cho canh tác các cây trồng, nhất là các cây trồng đặc sản nhiệt đới có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, chè và nhiều loại cây trồng khác.

Bazan chảo lửa

Ngoài tiềm năng phát triển nông nghiệp, vùng đất bazan - Tây Nguyên còn là trung tâm phát triển văn hóa xã hội với âm hưởng mênh mông, bát ngát của núi rừng; Du khách khi tới Tây Nguyên không thể nào quên được cái nắng, cái gió, cái chân chất tình người, lưu luyến bình dị của đất trời Tây Nguyên.

Các nguồn tài nguyên rừng, đất bazan, con người, văn hóa của vùng đất Tây Nguyên chỉ có thể phát huy hiệu quả khi kết hợp chặt chẽ với tài nguyên nước. Lịch sử phát triển loài người và sự hưng thịnh cũng như diệt vong của nhiều vùng đất và nhiều nền văn minh nhân loại đều liên quan đến nguồn nước. Do vậy, việc đánh giá hiện trạng sử dụng nguồn nước trên vùng đất bazan - Tây Nguyên có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của miền này.

Trong những năm gần đây, nhiều nhà khoa học và báo chí đã quan tâm đến vấn đề nguồn nước tại Tây Nguyên, nhìn chung đều dưới các góc nhìn thiên về lo lắng: TS Đào Trọng Tứ (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) cho biết, 4 dòng sông lớn nhất của Tây Nguyên là Sêrêpôk, Sê San, sông Ba và Đồng Nai có tổng lượng nước mặt trung bình năm gần 50 tỉ m3, hiện có 190 thủy điện lớn nhỏ được xây dựng trên sông chính và các nhánh sông. Từ đó, các sông lớn của Tây Nguyên bị thủy điện chia cắt và gần như không còn là dòng sông mà trở thành hệ sinh thái hồ với dòng chảy lững lờ.

Theo GS.TSKH Đặng Trung Thuận và thạc sĩ Trịnh Phương Ngọc (Hội Địa chất Việt Nam), nguồn nước Tây Nguyên dồi dào nhưng trong quá trình hoạt động thủy điện đã chuyển nước từ Tây Nguyên sang lưu vực khác, làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt nước ở đây. Theo đó, hiện có 4 công trình thủy điện lớn gồm Đắkđrinh (Kon Tum), An Khê - Ka Nak (Gia Lai), Đa Nhim và Đại Ninh (Lâm Đồng) và sắp đến là thủy điện Thượng Kon Tum đã chuyển nước từ Tây Nguyên về miền Trung với khối lượng lớn 130m3/giây. Như vậy, mỗi năm Tây Nguyên mất 2,9 tỉ m3 nước, gây thiếu hụt nước và nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng vào mùa khô.

Đầu năm 2016, nhiều tờ báo đã lên tiếng về tình trạng khô hạn ở Tây Nguyên. Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng cho rằng, Tây Nguyên không còn nước dồi dào, hiện tượng tụt mạch nước ngầm xảy ra nghiêm trọng. Biện pháp bền vững là sử dụng nước ngầm hợp lý trước tình trạng người dân khai thác quá mức, không có thẩm định của cơ quan chuyên môn. Đợt hạn này cũng là cơ hội để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tránh phá vỡ quy hoạch, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Theo tài liệu nước dưới đất khu vực Tây Nguyên của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam: nguồn nước dưới đất của khu vực Tây Nguyên chủ yếu từ nước trong các lỗ rỗng và nước trong các khe nứt với các tầng chứa nước chính từ trên xuống dưới.

Nước ngầm khu vực Tây Nguyên phần lớn liên quan đến đá bazan lỗ rổng, nứt nẻ, còn đá trầm tích và biến chất bên dưới có tiềm năng nước rất thấp trừ khu vực vùng trũng Krông Pắc-Lắk và đồng bằng Ea Súp.

Khai thác vô tội vạ

Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu tài nguyên nước ngầm thuộc Đại học Bách khoa TP HCM và Hội Dầu khí Việt Nam đã có các chuyến khảo sát thực tế tại Tây Nguyên vào mùa khô 2016 và 2017. Qua chuyến đi, các chuyên gia tiếp xúc với các hộ dân tại Cư Jút, Krông Ana, Krông Nô và Gia Lai, tất cả các nơi đều có nhiều bức xúc về nguồn nước: cả người trồng trọt lẫn đơn vị khoan giếng.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên rất bức xúc và mong mỏi có được nguồn nước để duy trì sản xuất: Cà phê nhiều nơi trơ trọi; tiêu cần ít nước hơn nhưng trong vòng 7 ngày nếu không có nước coi như vườn tiêu vứt bỏ. Do đó, khi cấp bách người dân phải mua lại nước để tưới; trong khu vực đất của mỗi hộ dân khoan rất nhiều giếng (thông thường 5-7 giếng đặc biệt có gia đình khoan đến 19 giếng trong diện tích vườn chưa đến 1ha). Phần lớn các giếng là khô, nếu có nước thì rất ít. Hiện tại, hầu hết người dân Tây Nguyên đang suy nghĩ cần khoan sâu xuống để tìm các tầng nước bên dưới nên các giếng khoan mỗi ngày một sâu hơn (xuống hết phần bazan, đi vào sâu trong tầng trầm tích).

Triển khai thăm dò và theo dõi quá trình khoan lấy nước tại các một số vị trí, nhất là các hộ có số lượng giếng khoan trên 3 giếng không có nước, cho thấy thực trạng tồn tại vị trí có nước chỉ cách vị trí giếng khoan khô 10-20m, thậm chí tại Cư Jút giếng có nước chỉ cách giếng khoan khô 5m với chiều sâu 80m. Có hộ phát hiện có nước tại độ sâu 80m, nhưng muốn nhiều hơn nên đã yêu cầu khoan sâu xuống 120m tới trầm tích xảy ra hiện tượng mất nước hoàn toàn không bơm lên được.

Vì sao nguồn nước ngầm tại Tây Nguyên có hiện trạng như hiện nay? Nước ngầm hay còn gọi là nước dưới đất được chứa trong lỗ rỗng, hang hốc hoặc nứt nẻ của đất đá. Cũng như nước bề mặt, nước ngầm cũng có nguồn cấp và thoát; thông thường nguồn cấp của nước ngầm là nguồn nước thấm từ bề mặt do mưa và các nguồn cấp từ sông, hồ. Vùng thoát của nước ngầm thông thường là suối, sông, hồ, biển. Nhìn dưới góc độ biện chứng có thể nói: nước ngầm là tác nhân có cơ chế gìn giữ, điều hòa nước do tạo hóa ban tặng cho con người, giúp các vùng đất gìn giữ sự sống, giúp các con sông tồn tại trong mùa khô; tích giữ nước trong mùa mưa.

Trong cơ chế hình thành nước ngầm một lượng rất quan trọng là nước mưa hằng năm; phần lớn nước mưa sẽ tạo thành dòng chảy mặt, một lượng không nhỏ sẽ ngấm vào đất tạo thành mạch nước ngầm. Khi còn rừng với 4,5 tầng lá, hệ thống cây cối dày đặc sẽ làm giảm động lực nước mưa chống xói mòn đất và gia tăng thời gian ngậm nước của đất làm tăng lượng nước ngầm. Hiện tại, do nạn khai thác rừng quá giới hạn, các cây công nghiệp chỉ còn một tầng lá che phủ đất nên khi mưa xuống sẽ làm đất dễ xói mòn và nước không có nhiều thời gian để thấm. Mặt khác, quá trình bê tông hóa nông thôn và hệ thống đường phát triển làm giảm đáng kể diện tích đất có khả năng thấm nước.

Các sông lớn của Tây Nguyên bị thủy điện chia cắt trở thành hệ sinh thái hồ với dòng chảy lững lờ, đã làm cạn kiệt nguồn điều hòa cho các tầng nước ngầm bên dưới; các dòng sông chỉ còn là nguồn thoát của các mạnh ngầm. Trong năm 2016, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu các nhà máy thủy điện trên sông Srêpôk xả nước phục vụ lễ hội đua voi theo đề nghị của huyện Buôn Đôn.

Với hiện trạng và khai thác tài nguyên nước như hiện nay đã và đang làm thương tổn nặng nề vùng đất trù phú này - nóc nhà đang bị hư hại. Hãy cùng nhau gìn giữ nguồn nước cho Tây Nguyên cũng chính là gìn giữ nguồn lợi nông, lâm thổ sản, bản sắc văn hóa dân tộc.

Tây Nguyên đang rất khát, rất cần nước để đất mẹ lại cần mẫn đem lại nguồn lợi cho mọi người, hiện trạng sử dụng và khai thác nước ngầm đang chứa nhiều tiềm tàng nguy hiểm - tàn phá nguồn nước, phá vỡ cân bằng hiện có của tự nhiên.

Để khắc phục hiện tượng này, cần có các giải pháp đồng bộ về nghiên cứu cơ bản về phân bố hiện trạng nước ngầm, gia tăng diện tích thấm nước mưa, giữ lượng nước mưa. Cần có quy hoạch và quy trình khai thác nước ngầm cho từng khu vực và đánh giá hiệu suất kinh tế giữa thủy điện và thủy lợi - trả lại các dòng sông nguồn nước vốn có của nó…

Rời Tây Nguyên, xe qua đoạn đường đất đỏ, từng dòng đất cuộn lên bụi bám đầy xe và cây cối khô quắt ven đường như từng dòng máu phun lên từ đất mẹ tạo cho mọi người một niềm day dứt ân hận như đứa con không biết phụng sự mẹ hiền.

Nhóm tác giả N.X.Khá, T.Q.Thanh, T.B.Ngọc, T.V.Xuân

(Hội Dầu khí Việt Nam)

DMCA.com Protection Status