Thị trường dầu thô 11 tháng qua không theo bất cứ quy luật nào

18:36 | 20/11/2021

5,990 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tại kỳ họp lần thứ II của Tiểu ban Hóa - Chế biến Dầu khí và Kinh tế - Tài chính thuộc Hội đồng Khoa học Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, khi phân tích về thị trường dầu thô 11 tháng qua, các chuyên gia đã đánh giá là không theo bất cứ quy luật nào trong lịch sử.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí (VPI), xu hướng chung về giá dầu thô thế giới liên tục tăng cao qua 10 tháng năm 2021. Nếu đầu tháng 1/2021, giá dầu rơi vào khoảng 55 USD/thùng thì đến đầu tháng 11/2021 giá dầu đã lên tới 85 USD/thùng. Trong đó có 2 yếu tố ảnh hưởng sâu đến giá dầu là cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC và các cường quốc dầu mỏ thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga... Bên cạnh đó là 2 đợt đại dịch Covid-19 bùng phát khiến giá dầu sụt giảm mạnh.

Thị trường dầu thô 11 tháng qua không theo bất cứ quy luật nào
Giá dầu thô liên tục “nhảy múa” với những bước tăng giảm lên đến hàng chục USD/thùng.

Theo đó, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Ấn Độ vào tháng 4/2021 đã khiến giá dầu thô sụt giảm từ 70 USD/thùng xuống hơn 60 USD/thùng và khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2021 khi biến chủng Delta khiến dịch Covid-19 lây lan mạnh trên phạm vi toàn cầu khiến giá dầu cũng “rơi” từ 76 USD/thùng xuống 66 USD/thùng. Từ đầu tháng 9 đến nay, giá dầu lại tiếp tục leo dốc với đỉnh điểm giá dầu Brend lên đến 85 USD/thùng.

Một số chuyên gia cho rằng, giá dầu diễn biến bất thường dù vẫn chịu tác động lớn bởi diễn biến của dịch Covid-19 nhưng các kế hoạch khôi phục kinh tế, tác động từ việc siết chặt các quy định về môi trường đã gây ra sự thiếu hụt năng lượng toàn cầu, đẩy sức cung về dầu khí vượt nguồn cầu trung bình khoảng 1,9 triệu thùng dầu/ngày, khiến giá dầu đã liên tục leo cao trong năm 2021.

Trong tháng 9, trung bình giá dầu vào khoảng 74,4 USD/thùng, còn trung bình giá dầu Brent tháng 10 vừa qua đã lên đến 83,6 USD/thùng. Trong đó, giá dầu liên tục tăng trong 3 tuần đầu và giảm nhẹ vào tuần thứ 4 của tháng 10. Phân tích biên độ tăng giảm giá dầu trong tháng qua, chuyên gia thị trường của VPI cho biết trong tuần đầu tiên của tháng 10 (giá dầu tăng 4,4%), các thông tin tích cực ảnh hưởng đến giá dầu như việc OPEC+ giữ mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày; giá khí và than tiếp tục tăng cao; Anh nới lỏng du lịch, cấp phép cho 47 quốc gia được bay thẳng vào nước này, đặc biệt là Mỹ quyết định tăng dự trữ dầu thô thêm 2,3 triệu thùng lên 420,9 triệu thùng.

Tuần thứ 2 của tháng 10, giá dầu tiếp tục đà tăng của tuần 1 với biên độ tăng trưởng 1,9% khi một số quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục nới lỏng đi lại liên quan đến Covid-19; Chính phủ Trung Quốc phân bổ 109 triệu thùng dầu thô bổ sung hạn ngạch nhập khẩu cho 2021, cho phép các nhà máy lọc dầu tiếp tục mua hàng; Trung Quốc và Mỹ bắt đầu nối lại đàm phán thương mại và dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 6,1 triệu thùng lên 427 triệu thùng.

Trong tuần thứ 3 diễn ra việc các quốc gia OPEC+ không thay đổi kế hoạch sản lượng bất chấp kêu gọi từ Mỹ và Ấn Độ; đàm phán hạt nhân giữa Iran và EU được nhận định sẽ sớm quay lại; nguồn cung khí và than tại châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương hạn chế hỗ trợ giá năng lượng tăng cao và dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 0,4 triệu thùng xuống mức 426,6 triệu thùng đã đẩy giá dầu lên mức 85 USD/thùng, mức cao nhất 7 năm qua.

Trong tuần cuối tháng 10, việc Iran mong muốn sớm quay lại bàn đàm phán thỏa thuận hạt nhân vào cuối tháng 11, cộng với sự cố đường ống tại Libya khiến nguồn cung dầu thiếu hụt và cuộc đảo chính tại Sudan khiến nguồn cung dầu thô thế giới một lần nữa đứng trước nguy cơ giảm sâu so với cầu. Đặc biệt là Mỹ lại tiếp tục tăng dự trữ dầu thô. Nhưng trái ngược quy luật, giá dầu trung bình của tuần này lại giảm nhẹ và hồi phục do tình hình dịch bệnh tái bùng phát trên khắp thế giới.

Thị trường dầu thô 11 tháng qua không theo bất cứ quy luật nào
Giá dầu thô lập đỉnh mới trong vòng 7 năm qua với mức 85 USD/thùng.

Các chuyên gia cho rằng, OPEC+ và các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đang đóng vai trò quan trọng trong việc tăng giá dầu “bất thường” trong hơn 10 tháng qua. Theo đó, bất cứ một động thái nào của OPEC+ cũng tác động trực tiếp lên giá dầu. Đơn cử như thực hiện triệt để cam kết cắt giảm sản lượng, mức độ tuân thủ trung bình 10 tháng năm 2021 ở mức 113% và vai trò của Saudi Arabia (~30% sản lượng OPEC) đã giữ nhịp thị trường ổn định. Hay vào tháng 7/2021, khi khó khăn trong đàm phán mục tiêu cắt giảm của OPEC+ đã khiến giá dầu vọt tăng 75 USD/thùng, trong tháng 10, OPEC+ tiếp tục mức cắt giảm 400 nghìn thùng/ngày cũng khiến giá dầu vượt ngưỡng 80 USD/thùng, lập đỉnh mới trong vòng 7 năm qua với 85 USD/thùng vào ngày 17/10/2021.

Trên bình diện các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới, 10 tháng qua đều đạt lợi nhuận cực lớn. Trong đó ghi nhận Exxon Mobil - 14,5 tỷ USD, Chevron - 10,6 tỷ USD, TotalEnergies - 10,5 tỷ USD và Shell - 9,02 tỷ USD. Kết quả có được nhờ cắt giảm mạnh chi phí trong năm 2020 cùng với giá dầu tăng tốt trong năm 2021. Đây là sự trở lại ngoạn mục của các tập đoàn dầu khí lớn bởi trong những tháng đầu năm 2020, các tập đoàn trên đều bị lỗ nặng từ 1 đến hơn 4 tỉ USD.

TS. Lê Xuân Huyên đánh giá cao nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí trong việc tập hợp thông tin, đánh giá thị trường, đồng thời lưu ý các nhà khoa học dầu khí cần phải mạnh dạn có hướng nhìn nhận vấn đề riêng, đưa ra các dự báo. Từ đó, nâng cao chất lượng tư vấn cho lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc quản trị, nâng cao hiệu quả công tác thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí.

Có thể thấy rằng, trong năm 2021, diễn biến giá dầu đã nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia dầu khí cũng như các tổ chức tài chính thế giới. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí (VPI) cho rằng, năm 2022, giá dầu thế giới sẽ quay trở lại với quy luật cung cầu, nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau khi kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 nên giá dầu trung bình vẫn ở mức cao, vào khoảng trên dưới 70 USD/thùng. Đây là dự báo khá lạc quan cho các tập đoàn dầu khí thế giới phục hồi sau khủng hoảng cũng như có đủ nguồn lực để thực hiện các kế hoạch dịch chuyển năng lượng.

Thành Công

Sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí hiện hành đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết Sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí hiện hành đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết
Tự hào truyền thống, hành động vì tương lai ngành Dầu khí Việt Nam Tự hào truyền thống, hành động vì tương lai ngành Dầu khí Việt Nam
Hướng đến sự phát triển bền vững Hướng đến sự phát triển bền vững
Petrovietnam - 60 năm hướng về phía trước Petrovietnam - 60 năm hướng về phía trước

DMCA.com Protection Status