Đảm bảo an ninh năng lượng:

Thị trường hóa giá năng lượng

11:49 | 10/05/2013

301 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) – Ngày 9/5 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp cùng Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Năng lượng Việt Nam – Đầu tư và phát triển bền vững”. Diễn đàn thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học đầu ngành đến từ Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, các đơn vị nghiên cứu thuộc Tập đoàn PVN, EVN, Vinacomin cũng như các tổ chức quốc tế.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp – Bộ Công Thương Dương Đình Giám, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đồng chủ trì diễn đàn. Diễn đàn là dịp để Bộ Công Thương tập hợp thêm những góc nhìn mới, toàn diện và khách quan hơn đối với Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2007.

Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi tham luận tại Diễn đàn

Các diễn giả đều cho rằng: hệ thống năng lượng Việt Nam đang thiếu đi một Quy hoạch tổng thể. Bên cạnh đó, giá năng lượng ở mức thấp đang tạo ra những lực cản không đáng có với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực mang tính chiến lược này… Tham luận tại Diễn đàn, ông Trần Viết Ngãi nêu ra hàng loạt vấn đề xung quanh việc cung cấp và sử dụng năng lượng; các giải pháp để Việt Nam đạt được sự phát triển bền vững vì mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; động viên các doanh nghiệp nỗ lực hơn trong phát triển kinh doanh gắn với việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; sử dụng tiết kiệm và phát triển bền vững nguồn năng lượng trong tương lai... được mổ xẻ hoàn toàn khách quan và mang tính xây dựng cao. Tuy vậy, có một thực tế các diễn giả cũng như đại biểu đều nhất trí: đó là ngành năng lượng Việt Nam đang thiếu đi một Quy hoạch tổng thể.

Các quy hoạch phân ngành Điện, Than, Dầu-khí, Năng lượng mới và tái tạo hiện nay được các ngành tự xây dựng đảm bảo tốt việc cung cấp năng lượng cho nền kinh tế. Tuy vậy, nếu xét đến an ninh năng lượng bền vững thì không ai dám chắc. Nhận xét về Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII), ông Trần Viết Ngãi cho rằng hệ thống năng lượng Việt Nam phải có một Quy hoạch tổng thể, thống nhất, đồng bộ thì các phân ngành mới có thể phát triển bền vững.

“Điều đó dẫn đến cơ cấu, tỉ lệ đầu tư chưa hợp lý giữa các phân ngành, giữa các giai đoạn quy hoạch. Bên cạnh đó, giá của các loại nhiên liệu - năng lượng là đầu vào đầu ra của nhau, nhưng lại thiếu sự cân đối và tương quan hợp lý. Điển hình là giá than nội địa tính cho các Dự án Nhà máy nhiệt điện chạy than trong Quy hoạch điện VII không phản ánh đầy đủ thành phần chi phí nhiên liệu trong quá trình sản xuất”.

Xung quanh Quy hoạch điện VII, để nâng công suất toàn hệ thống từ 27.000MW hiện tại lên 75.000MW như Quy hoạch, ngành điện cùng các thành phần kinh tế phải hoàn thành một khối lượng công việc quá sức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đã chững lại vì khủng hoảng. Dự báo nhu cầu sử dụng điện vào năm 2020 là 300-362 tỉ kWh, tương đương GDP 200 tỉ USD. Một ví dụ nhỏ để thấy rằng Quy hoạch điện VII chắc chắn sẽ phải điều chỉnh trong thời gian tới.

Trong khi đó, chuyên gia Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, chúng ta đã khai thác gần hết thủy điện – nguồn “ngon” nhất và dễ đầu tư hiệu quả nhất. Để đáp ứng được Quy hoạch điện VII một cách tương đối, thì EVN chỉ có thể cậy nhờ cả vào điện than và điện khí. Năng lượng tái tạo, năng lượng mới chưa thể có “đất diễn” vào thời điểm hiện tại, tất cả cũng nằm ở nút thắt chính sách giá.

“Nếu EVN cùng các thành phần khác trong nền kinh tế có kịp hoàn thiện tiến độ cho các nhà máy nhiệt điện thì Vinacomin cũng chẳng biết lấy đâu ra than mà đốt lò. Vinacomin có lẽ là Tập đoàn khó khăn nhất trong các doanh nghiệp Nhà nước đang gánh vác an ninh năng lượng nước nhà. Lương công nhân không tăng đã 2 năm nay, tỉ suất đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác tăng theo cấp số nhân, trong khi than bán cho nền kinh tế chỉ tương đương 73-75% giá thành. Chúng ta có quy hoạch cứng, quy hoạch mềm. Quy hoạch cứng thì Nhà nước phải làm, còn quy hoạch mềm là đề tài gợi ý cho đầu tư nước ngoài cũng như các thành phần kinh tế khác. Vậy mà phần cứng còn lao đao, thì ai dám lao vào phần mềm bây giờ?”, ông Đỗ Hữu Hào chia sẻ với tư cách người chủ trì diễn đàn.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) phản biện, vấn đề mấu chốt của hệ thống năng lượng Việt Nam chính là vốn. “Các ngành năng lượng khát vốn trầm trọng, hùng mạnh như PVN, EVN còn phải dừng, giãn, thậm chí sang nhượng lại các Dự án được đánh giá rất khả quan để “thu mình” lại. Tôi cho rằng, Chính phủ nên sớm thay đổi giá năng lượng theo hướng hợp lí với giá thành sản xuất thì tình hình sẽ rất khả quan. Tôi biết có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài bỏ nhiều công của tìm hiểu điều kiện để đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới tại Việt Nam. Nhưng khi đàm phán giá bán điện thì họ đành chào thua. Họ không thể đầu tư khi chúng ta chỉ mua giá điện thương phẩm bằng 75-80% giá thành sản xuất được. Đó là một phần lý do khiến 10 năm qua hệ thống năng lượng nhận được Dự án đầu tư nước ngoài hết sức hạn chế”.

Hữu Tùng

DMCA.com Protection Status