Thu ngân sách giảm đáng kể do tình hình Covid-19

10:16 | 21/09/2021

1,566 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, dự báo công tác thu ngân sách nhà nước trong những tháng cuối năm 2021 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Số thu giảm mạnh tại hầu hết các sắc thuế

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước trong tháng 8/2021 ước đạt 78,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu ngân sách nhà nước 8 tháng của năm 2021 ước đạt 1.004,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù, tiến độ thu nội địa, khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách, 8 tháng của năm 2021 vẫn đạt khá so với mức thực hiện cùng kỳ những năm gần đây, song diễn biến thu qua các tháng có xu hướng giảm dần, cho thấy dấu hiệu bị nhiều ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Tổng thu tháng 8 so với tháng 5 và tháng 6/2021 (là các tháng có cùng điều kiện thu, không phải kỳ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp) chỉ bằng 78,2% và 84%, tương ứng số thu thấp hơn khoảng 19,2 nghìn tỷ đồng và 13,1 nghìn tỷ đồng.

Thu ngân sách nhà nước 8 tháng của năm 2021 bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, thu ngân sách nhà nước tháng 8/2021 đã giảm đáng kể do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, thu ngân sách của ngành Thuế tháng 8/2021 đạt hơn 68,8 nghìn tỷ đồng, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thực tế số thu ngân sách tháng 8/2021 đã cho thấy tác động nặng nề của dịch Covid-19 đến hầu hết hoạt động của nền kinh tế. Số thu giảm mạnh ở hầu hết các sắc thuế chính như: Thuế giá trị gia tăng chỉ đạt 57%, thuế tiêu thụ đặc biệt đạt 59,5%, thuế thu nhập cá nhân đạt 60% số thu bình quân 7 tháng của năm 2021. Đặc biệt, số thu lệ phí trước bạ tháng 8/2021 chỉ đạt 970 tỷ đồng, mức thấp đột biến kể từ tháng 1/2020, thấp hơn mức bình quân 7 tháng của năm 2021 hơn 2,3 nghìn tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, nếu tính theo khu vực kinh tế, số thu tháng 8/2021 từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh chỉ đạt 24,7 nghìn tỷ đồng, bằng 43% so với số thu bình quân 7 tháng của năm 2021. Riêng những địa phương thực hiện giãn cách xã hội, số thu trong tháng 8/2021 giảm hơn 10% so với mức bình quân trong 7 tháng của năm 2021.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu trong tháng 8/2021 đạt hơn 27,1 nghìn tỷ đồng, giảm 14,35% so với tháng 7/2021. Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, do dịch Covid-19 trong tháng 8 diễn biến phức tạp, riêng 19 tỉnh phía Nam, kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm 56 tỷ USD.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước 8 tháng ước đạt 918,1 nghìn tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 187,3 nghìn tỷ đồng, bằng 39,2% dự toán. Tính đến hết tháng 8/2021, ngân sách nhà nước đã chi 18,8 nghìn tỷ đồng, trong đó 17,2 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch; 1,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Nỗ lực trong những tháng cuối năm

Trước những khó khăn, thách thức đặt ra, ngành Tài chính đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, nhằm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước cả năm 2021. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đang đứng trước khó khăn, thách thức rất lớn. Ngành Tài chính vừa phải bảo đảm kinh phí cho hoạt động của bộ máy, vừa bảo đảm chi cho công tác chống dịch Covid-19. Do đó, đòi hỏi toàn ngành phải dốc sức, dốc lòng, bằng những sáng tạo, sáng kiến để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Số thu ngân sách từ thu nội địa, thu thuế xuất nhập khẩu đều giảm, trong khi phải tăng chi cho phòng chống dịch, nên ngành Tài chính phải linh hoạt trong điều hành, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và triệt để tiết kiệm chi.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lưu ý, điều đáng lo ngại hiện nay đó là, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của nhiều nước trên thế giới tăng trưởng cao, Việt Nam lại có mức tăng trưởng thấp, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số thu ngân sách nhà nước. “Khi nền kinh tế có vững chắc, doanh nghiệp vững thì các mục tiêu về tài chính - ngân hàng mới vững được. Do đó, ngành Tài chính phải nỗ lực phấn đấu, sáng tạo hơn nữa triển khai nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo Cục trưởng Cao Anh Tuấn, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm 2021, từ nay đến cuối năm, ngành Thuế tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch Covid-19 tại từng địa bàn và tiến độ thu ngân sách tương ứng, để đánh giá, phân tích, đề xuất với các cơ quan chức năng giải pháp thu hiệu quả.

Trong tháng 9/2021, Tổng cục Thuế sẽ tập trung hoàn thành để trình Bộ xem xét ký ban hành Thông tư hướng dẫn chung về Quản lý thuế; Thông tư hướng dẫn thu cổ tức, lợi nhuận còn lại; Thông tư hướng dẫn về hóa đơn, chứng từ; Thông tư hướng dẫn về thuế GTGT; tiếp tục tập trung thực hiện đề án về hóa đơn điện tử theo tiến độ và lộ trình.

Cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục triển khai đôn đốc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến việc hoàn thuế, miễn giảm, gia hạn thuế, chống trốn thuế và chuyển giá năm 2020, các cơ quan liên quan…; tăng cường triển khai các giải pháp thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại qua các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Xây dựng kế hoạch triển khai kết nối cung cấp thông tin cá nhân qua sàn giao dịch thương mại điện tử; chỉ đạo, triển khai các biện pháp tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT, tập trung những lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao trong hoàn thuế, qua đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Song song với đó, các cục thuế phân tích cụ thể từng địa bàn, khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu, từ đó xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để triển khai các giải pháp quản lý thu hiệu quả. Đối với gói giải pháp miễn, giảm thuế, Tổng cục Thuế tiếp tục theo dõi, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính có phương án đánh giá tác động thu, xây dựng các kịch bản thu ngân sách phù hợp; đồng thời, tuyên truyền để các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng tiếp cận chính sách hỗ trợ.

M.C

DMCA.com Protection Status