Thu ngân sách từ dầu thô giảm 12,2%

10:30 | 16/07/2021

8,768 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2021, các khoản thu ngân sách Nhà nước đều có sự tăng trưởng, vượt dự toán, chỉ riêng thu từ dầu thô chỉ đạt 80,7%, giảm 12,2% so với cùng kỳ.

Trong thông báo được phát đi sáng 16/7, Bộ Tài chính cho biết, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2021 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19.

Trên thế giới, một số quốc gia, nhất là Mỹ, Anh và các nước EU đã đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19, qua đó bước đầu khôi phục hoạt động kinh tế và đời sống xã hội.

Ở trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 1,81%), lạm phát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Trong nửa đầu năm 2021, đã tổ chức thành công các sự kiện chính trị quan trọng, như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Việt Nam là quốc gia duy nhất trong các nước được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia giữ nguyên hệ số tín nhiệm và nâng triển vọng lên mức tích cực.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch Covid-19 từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng mới của vi-rút, lây lan nhanh, khó kiểm soát hơn, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Người lao động dầu khí trên giàn PQP-HT (giàn xử lý trung tâm tại mỏ Hải Thạch)
Người lao động dầu khí trên giàn PQP-HT (giàn xử lý trung tâm tại mỏ Hải Thạch) (Ảnh tư liệu)

Trong bối cảnh nêu trên, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm toàn ngành Tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất các giải pháp chính sách tài khoá, góp phần tích cực vào những kết quả đạt được trong việc thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Kết quả, về thu NSNN, 6 tháng đầu năm 2021 đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó: thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 50%), trong đó 48 địa phương đạt trên 55% dự toán; có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả thu NSNN 6 tháng được đánh giá là tích cực. Trong đó, các khoản thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng lưu ý, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là ở một số địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn, nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và kết quả thu NSNN trong các tháng tiếp theo.

Về chi NSNN, theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, chi NSNN ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 28,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 51,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Riêng về chi đầu tư phát triển, đến hết tháng 6, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương mới phân bổ được 88,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao; giải ngân vốn 6 tháng đầu năm mới đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt xấp xỉ 33,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

“Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước (6 tháng mới đạt xấp xỉ 7,4% kế hoạch), chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nguyên nhân chủ yếu là do các Bộ, ngành và địa phương, chủ dự án chậm trễ, không có khối lượng thực hiện để thanh toán”, Bộ Tài chính cho biết.

Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 6 tháng đầu năm có thặng dư (thu lớn hơn chi), trong đó, cân đối ngân sách trung ương bội chi khoảng 63 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương thặng dư xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo của Petrovietnam, 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động của Tập đoàn tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Làn sóng Covid-19 mới đã tác động sâu rộng đến mọi mặt sản xuất, kinh doanh (SXKD) của Tập đoàn; nhiều chuỗi cung ứng hàng hoá, nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp... Mặt khác, hoạt động dầu khí trên Biển Đông cũng gặp phải không ít khó khăn; nhiều điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách cho hoạt động dầu khí chậm được đổi mới, tháo gỡ; qua đó tác động tiêu cực đến hoạt động SXKD của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn, thách thức đó, nhờ việc kiểm soát tốt công tác an toàn, phòng, chống dịch bệnh, phát huy kinh nghiệm, hiệu quả trong công tác quản trị điều hành, tận dụng cơ hội từ sự phục hồi của kinh tế thế giới và giá dầu tích cực, Petrovietnam đã bám sát kế hoạch, diễn biến tình hình thị trường, hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ chính được giao. Nổi bật là tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 299,3 nghìn tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch 6 tháng, tăng 22% so với cùng kỳ 2020; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 45,2 nghìn tỷ đồng, vượt 42% kế hoạch 6 tháng, tăng 33% so với cùng kỳ 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 21,3 nghìn tỷ đồng, vượt 165% kế hoạch 6 tháng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020.

Hải Anh

Xử lý các vướng mắc để sớm đưa dự án nhiệt điện Thái Bình 2 vào khai thác, sử dụngXử lý các vướng mắc để sớm đưa dự án nhiệt điện Thái Bình 2 vào khai thác, sử dụng
Trong 6 tháng qua, kết quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với mức tăng của giá dầuTrong 6 tháng qua, kết quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với mức tăng của giá dầu
Chuyển đổi số tại Công ty mẹ -Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là nhiệm vụ cần thiết, phù hợp xu thếChuyển đổi số tại Công ty mẹ -Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là nhiệm vụ cần thiết, phù hợp xu thế
"Ba tại chỗ" trên các công trình dầu khí
Tái cơ cấu đáp ứng chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt NamTái cơ cấu đáp ứng chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Giải pháp cấp bách gỡ vướng cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2Giải pháp cấp bách gỡ vướng cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2

DMCA.com Protection Status