Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam trong tình hình mới

12:37 | 14/08/2023

9,304 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngành công nghiệp khí Việt Nam trong thời gian qua đã có những phát triển, thành quả vượt bậc, đóng góp rất tích cực cho nền kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia. Trong bối cảnh xu hướng xanh hóa các nguồn nguyên, nhiên liệu đang diễn ra rất mạnh trên toàn thế giới, công nghiệp khí được dự báo sẽ đóng vai trò đầu tàu, then chốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Để thực hiện điều này, rất cần những cập nhật, bổ sung về cơ chế, chính sách, để tiếp tục thúc đẩy, tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành.

Những đổi thay qua hơn 30 năm hình thành và phát triển

Qua hơn 30 năm hình thành và phát triển từ những năm 1990 và kể từ khi dòng khí đầu tiên được đưa vào bờ ngày 26/04/1995 từ mỏ Bạch Hổ đến nay Việt Nam đã xây dựng ngành công nghiệp khí lớn mạnh, hiện đại, hoàn chỉnh ở tất cả các khâu: Thu gom – xuất, nhập khẩu – vận chuyển – chế biến - tồn trữ - kinh doanh khí và sản phẩm khí, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực quốc gia, phát triển kinh tế đất nước; tham gia tích cực và khẳng định được uy tín trên thị trường kinh doanh sản phẩm khí quốc tế. Với vai trò dẫn dắt, chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam, hiện nay mỗi năm Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) vận chuyển và cung cấp khoảng 8 - 10 tỷ m3 khí cho các nhà máy điện, đạm, khách hàng công nghiệp; kinh doanh 2 – 2,2 triệu tấn LPG/năm; kinh doanh khoảng 90 – 100 nghìn tấn condensate/năm; doanh thu đạt 3,5 - 4 tỷ USD và lợi nhuận trước thuế 500 - 700 triệu USD/năm; nộp NSNN khoảng 300 triệu USD/năm; tổng tài sản khoảng 3,6 tỷ USD.

Qua hoạt động SXKD, PV GAS đáp ứng nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất gần 11% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm cả nước và chiếm lĩnh khoảng 65 - 70% thị phần LPG toàn quốc; là doanh nghiệp đầu tiên trong nước nhập khẩu và kinh doanh LNG.

Ngành công nghiệp khí phát triển lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia
Ngành công nghiệp khí phát triển lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia

Những kết quả đạt được của ngành công nghiệp khí Việt Nam có vai trò quan trọng của cơ chế, chính sách dẫn đường, tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành, trong đó đặc biệt là Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 23/7/2015 về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Cho đến nay, sau hơn 8 năm triển khai, các doanh nghiệp đánh giá Nghị quyết số 41-NQ/TW đã định hướng và tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam nói chung trong đó có ngành công nghiệp khí Việt Nam nói riêng; nhiều mục tiêu lớn đã và đang được triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh các xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra rất nhanh cả ở trong và ngoài nước, xu hướng xanh hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cũng như sự phát triển nhanh của thị trường năng lượng cạnh tranh trong nước thì việc xem xét, tổng kết, phân tích, đánh giá để có những cập nhật, điều chỉnh phù hợp, tạo tiền đề cho ngành công nghiệp năng lượng dầu khí tiếp tục phát triển là cần thiết và cấp bách.

Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam trong tình hình mới

Ở trong nước, thời gian qua các nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu phát điện làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ khí/LNG cho phát điện. Nguồn khí trong nước bước vào giai đoạn suy giảm nhanh, đặc biệt nguồn khí từ hệ thống Nam Côn Sơn 1, Hàm Rồng-Thái Bình; trong khi kế hoạch phát triển các nguồn khí mới chậm hơn dự kiến (Sư tử trắng 2B, Lô B); nguồn khí nội địa có giá rẻ giảm sâu, thay vào đó là các nguồn khí có giá cao (Thiên Ưng, Đại Hùng, Sao Vàng - Đại Nguyệt, PM3 - Cà Mau). Thị trường kinh doanh LPG trong nước có sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn cung; giá LPG biến động thất thường khó dự đoán. Ngoài ra, do thời gian vận hành khai thác đã lâu, sự cố phía thượng nguồn ngày một tăng; chi phí bảo dưỡng sửa chữa cho các công trình khí ngày càng tăng trong khi nguồn khí ngày một giảm sâu làm giá thành sản phẩm tăng, giảm hiệu quả kinh doanh,… Hiện tại, nước ta đã nhập khẩu thành công chuyến hàng LNG đầu tiên nhưng chưa có những cơ chế, quy định cho việc định giá và tiêu thụ khối lượng LNG nhập khẩu của các nhà máy điện trong nước; tăng những rủi ro, thách thức để đảm bảo sự thành công của dự án LNG đầu tiên của đất nước.

Để hiện thực hóa mục tiêu ngành công nghiệp khí Việt Nam

Nghị quyết 55/NQ-BCT của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh yêu cầu phát triển công nghiệp khí, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mục tiêu đưa ra là đủ năng lực nhập khẩu khí LNG khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và 15 tỷ m3 vào năm 2045.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) được Chính phủ thông qua mới đây cũng đã định hướng phát triển các dự án nhà máy điện dùng nhiên liệu truyền thống chuyển sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với quy mô rất lớn từ 0% năm 2020 lên xấp xỉ 22.400 MW năm 2030, chiếm gần 14,9% tổng quy mô nguồn năm 2030.

Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam trong tình hình mới
Cần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với sự phát triển của ngành trong tình hình mới

Trên cơ sở thực hiện các định hướng chính sách của nhà nước, với vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam và xác định sứ mệnh: “Mang nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế xã hội và mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước và cộng đồng xã hội”, PV GAS đã và luôn đi tiên phong trong thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành, đồng thời đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai với việc tập trung đầu tư phát triển các dự án thuộc lĩnh vực chính, cốt lõi, đảm bảo hiệu quả đầu tư, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng; đặc biệt là ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG.

Từ năm 2020 đến nay, có rất nhiều dự án khí lớn đang trong quá trình triển khai cũng như đưa vào vận hành: Năm 2020 hoàn thành chuỗi dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 2 và Sao Vàng Đại Nguyệt; Tiếp tục tập trung nghiên cứu, triển khai hàng loạt các dự án nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của PV GAS (dự án đường ống Lô B – Ô môn, dự án đường ống thu gom vận chuyển khí mỏ Sư Tử Trắng, dự án nâng công suất đường ống Phú Mỹ-TP. Hồ Chí Minh, dự án tách ethane tại GPP Dinh Cố, dự án bồn chứa LPG Thị Vải, dự án cấp khí cho Nhà máy điện Long An 1& 2, dự án kho LPG lạnh tại Bắc Bộ;…).

Đặc biệt, với mục tiêu đề ra trong các định hướng phát triển năng lượng của đất nước, trong tương lai gần việc sử dụng LNG để phát điện là tất yếu. Hiện thực hóa mục tiêu này, PV GAS đã đi tiên phong và đang tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng trong lĩnh vực LNG như: Tháng 7/2023 vừa qua đã hoàn thành chạy thử hệ thống hạ tầng nhập khẩu LNG qua kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải và tổ chức bàn giao, tiếp nhận vận hành Kho cảng LNG Thị Vải, đường ống dẫn khí LNG tái hóa Thị Vải – Phú Mỹ; Tiếp tục triển khai dự án mở rộng nâng công suất kho chứa LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn/năm; triển khai hạ tầng nhập khẩu tại Sơn Mỹ và Bắc Bộ nhằm hình thành 3 trung tâm cung ứng LNG trên toàn quốc. Mục tiêu năm 2024 nhập khẩu trên 0,5 triệu tấn LNG.

Nhằm phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam theo các chủ trương, định hướng, chiến lược đặt ra trong tình hình mới, các doanh nghiệp mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục duy trì định hướng xuyên suốt: “Phát triển lĩnh vực công nghiệp khí an toàn, hoàn chỉnh, đồng bộ...; Phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước làm công cụ điều tiết của Nhà nước đối với thị trường, đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng và an ninh quốc gia”; Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư theo nhiệm vụ chính trị, các dự án nguồn điện cấp bách, các hoạt động góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Bên cạnh đó, để đảm bảo thành công cho dự án LNG đầu tiên của Việt Nam cũng như thực hiện các mục tiêu chiến lược đề ra trong lĩnh vực này, cần sớm hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan, đặc biệt là xem xét, xây dựng và phê duyệt cơ chế chuyển ngang (pass through) khối lượng và giá LNG bao gồm giá LNG hàng hóa và cước phí tồn trữ, tái hóa, vận chuyển, phân phối sang giá bán điện nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, cũng như đáp ứng mục tiêu đảm bảo LNG có thể là một nguồn nhiên liệu ổn định lâu dài cho phát điện.

Mai Phương

Công nghiệp khí - Những bước đi đầu tiênCông nghiệp khí - Những bước đi đầu tiên
Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam bộ: 20 năm vững bước trên một tầm cao mớiCông ty Vận chuyển Khí Đông Nam bộ: 20 năm vững bước trên một tầm cao mới
PV GAS: Bản lĩnh dẫn dắt ngành công nghiệp khíPV GAS: Bản lĩnh dẫn dắt ngành công nghiệp khí
Đón chuyến tàu LNG đầu tiên và triển vọng ngành công nghiệp khíĐón chuyến tàu LNG đầu tiên và triển vọng ngành công nghiệp khí

DMCA.com Protection Status