Tìm dầu ở sa mạc lửa
Algeria là một đất nước có lịch sử lâu đời gắn với các cuộc chiến tranh. Kể từ sau khi giành độc lập vào năm 1962, tình hình an ninh, chính trị, xã hội của Algeria có nhiều biến động, đỉnh điểm là cuộc nội chiến kéo dài 10 năm (1992-2002) làm hơn 160.000 người thiệt mạng. Nguyên nhân chính là việc quân đội can thiệp vào kết quả của cuộc bầu cử tháng 12/1991. Cuối cùng, mọi việc tạm yên khi quân đội đưa Tổng thống hiện tại, ông Abdelaziz Bouteflika lên nắm quyền. Sau sự kiện 11/9 tại Mỹ, Al-Qaeda đã thành lập chi nhánh tại Bắc Phi và lấy vùng miền núi phía tây của Algeria làm địa bàn hoạt động.
Một giếng khoan thăm dò nhìn từ trực thăng |
Lực lượng này thường xuyên tổ chức các cuộc đánh bom khủng bố, tấn công cảnh sát, người nước ngoài để gây tiếng vang, làm bất ổn chính quyền. Cán bộ của PVEP Algeria đã từng gặp nguy hiểm trên đường đi công tác, khi bom nổ cách mũi xe khoảng 20m. Sau đó, vì an toàn mà các chuyến công tác nếu không cần thiết sẽ cử cán bộ địa phương đi, nếu người nước ngoài đi thì phải tổ chức lực lượng quân đội hộ tống để đảm bảo an toàn, tiêu chuẩn là 4 người lính bảo vệ cho một người nước ngoài. Cao điểm của sự nguy hiểm là năm 2008, khi Al-Qaeda tấn công trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Alger, Tòa án nhân dân tối cao, chỉ cách văn phòng của PVEP Algeria có 1km.
Những ai đã từng có cơ hội đến Algeria và đến được địa phận sa mạc Sahara, mới có thể thấu hiểu được những nỗ lực thích nghi mà những con người ngày đêm làm việc trên sa mạc như chúng tôi trải qua. Là một nước có khí hậu Địa Trung Hải, dọc theo những vùng biển với mùa đông ẩm ướt và khắc nghiệt, mùa hè nóng bức, hanh khô, đặc biệt là sa mạc Sahara nóng đến cháy da, cháy thịt. Khu vực khai thác của mỏ Bir Seba có kết nối với mỏ MOM nằm ở khu vực Touggourt, sâu trong sa mạc Sahara. Khu vực này có khí hậu nhiệt đới hoang mạc, lượng mưa dưới 50mm/năm. Ban ngày nhiệt độ cực kỳ nóng nực, nhưng đêm xuống, không khí khô đã làm cho lượng nhiệt biến mất nhanh chóng khiến thời tiết về đêm mát lạnh (thậm chí rất lạnh). Chênh lệch nhiệt độ trong ngày có thể lên tới hàng chục độ. Nhiệt độ cao nhất đã từng được ghi lại tại khu vực là 50.6oC (123.1oF).
Algeria là một đất nước nông nghiệp khá phát triển, tuy nhiên tập trung nhiều ở khu vực duyên hải phía bắc có điều kiện khí hậu thuận lợi, mưa nhiều hơn. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là các loại hạt, củ quả, rau hiếm. Ngoài ra, thịt cừu và ôliu cũng được rất được ưa chuộng. Các sản phẩm khác hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài như thịt bò, hải sản… nhưng lại không có thịt lợn do đây là nước Hồi giáo. Việc tổ chức ăn uống của PVEP Algeria được thực hiện thông qua công đoàn, xây dựng 1 bếp ăn tập thể với đầu bếp người Việt Nam (sau huấn luyện và thay bằng người địa phương), dựa trên các thực phẩm ngoài thị trường và các gia vị, thực phẩm khác CBNV mang từ Việt Nam sang để chế biến món ăn cho phù hợp với khẩu vị của người Việt. Tuy nhiên, trong hoạt động thi công, nhà thầu giàn khoan sẽ cung cấp dịch vụ ăn uống tại giàn (catering service) nên anh em Việt Nam phải chấp nhận ăn theo phong cách Hồi giáo – thú thực là rất khó ăn.
Không ai hiểu chính xác những khó khăn vất vả này hơn anh Nguyễn Quốc Thập – Phó tổng giám đốc PVN – người thuyền trưởng đầu tiên chỉ đạo công tác thực địa trong giai đoạn thăm dò thứ nhất (2003-2005), trực tiếp điều hành thi công các chiến dịch thu nổ địa chấn và chiến dịch khoan thành công, mở ra những triển vọng tốt đẹp cho dự án. Có lần nói chuyện với anh em mới sang dự án, ngoài việc khắt khe yêu cầu từng cá nhân phải đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ, anh động viên khuyến khích anh em tranh thủ học thêm ngoại ngữ để vừa hỗ trợ thêm công việc vừa có thể giao tiếp với người bản xứ, để có được những người bạn mà qua đó có cơ hội hiểu thêm về văn hóa của nước bạn, một điều anh cho là “may mắn” mà không phải ai cũng có cơ hội trải qua.
Chỉ với 30 con người, 26 nam và 4 nữ. Lúc cao nhất, số nhân viên Việt Nam tại PVEP Algeria cũng chỉ có 45 người. Có người ở độ tuổi 51 và trẻ nhất ở độ tuổi 24. Chỉ chừng đó con người trong suốt chiều dài phát triển gần mười năm qua, tập thể cán bộ nhân viên PVEP Algeria đã gặt hái được nhiều thành công trong quá trình điều hành và triển khai dự án. Thành công lớn nhất chính là các báo cáo phát hiện cuối cùng (FDR) và báo cáo đầu tư của mỏ Bir Seba, đã được nước chủ nhà và các bên phê duyệt cho tiến hành công tác phát triển khai thác.
Chuyên gia Algieria và Việt Nam trao đổi kinh nghiệm (ảnh Phúc Nguyên - Nam Thắng) |
Ngày 10/2/2009, thỏa thuận về việc thành lập liên doanh điều hành chung Bir Seba (BRS Groupement) đã được ký kết giữa các bên tham gia, trên cơ sở đó ngày 13/12/2009 đã hoàn thành đăng ký kinh doanh cho BRS
Groupement. Đây là một quyết định lịch sử, thể hiện được sự ủng hộ chính thức của nước chủ nhà cho công tác phát triển mỏ Bir Seba và mỏ MOM để đưa vào khai thác với trữ lượng dầu thu hồi là 175 triệu thùng. Đây là thành công của dự án đồng thời cũng là thành công của ngành Dầu khí Việt Nam ở dự án đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài.
Trong quá trình điều hành dự án, PVEP Algeria cũng đã giám sát chỉ đạo nhà thầu khoan đạt được 2 kỷ lục tại Algeria về khoan nhanh nhất (3,25m/giờ tại giếng BRS-9) và khoảng khoan dài nhất, đặc biệt khi khoan thân giếng xiên và ngang với choòng khoan thấm nhiễm 6” K505BPX khi khoan trong địa tầng Hamra (208,5m tại giếng BRS-10), được các nhà thầu dầu khí nước ngoài và nước chủ nhà đánh giá cao.
Với những thành tích đã đạt được, PVEP Algeria đã nhận được rất nhiều những danh hiệu thi đua của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí. Trong đó, đỉnh cao là năm 2008, PVEP Algeria đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Để đạt được những thành công trong suốt thời gian qua, không thể không nói đến vai trò quan trọng của cấp ủy Đảng PVEP Algeria trong mối quan hệ xuyên suốt với Đảng ủy cấp trên và trực tiếp chỉ đạo chính quyền, phối hợp với các đoàn thể hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết theo chủ trương đường lối của Đảng là một việc làm thường xuyên, giàu tính thực tiễn và được tổ chức khoa học, hấp dẫn. Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng có đề cập tới sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một số cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo, gây mất lòng tin ở đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Quán triệt vấn đề này, Chi bộ PVEP Algeria luôn nhắc nhở các đảng viên giữ vững phẩm chất và phát huy vai trò của Đảng trong đời sống, liên hệ với các tổ chức đoàn thể để phát hiện, bồi dưỡng các quần chúng ưu tú thành các đối tượng Đảng. Có thể nói ở PVEP Algeria, vai trò của tổ chức Đảng được phát huy một cách toàn diện. Chi bộ luôn được đánh giá là trong sạch, vững mạnh, công tác phát triển Đảng được coi trọng, nội bộ công ty luôn đoàn kết. Đặc biệt, trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chi bộ PVEP Algeria đã đạt danh hiệu “Chi bộ điểm”. Bên cạnh đó chi bộ cũng thường xuyên liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan ngoại giao tại Algeria để trao đổi thông tin, tranh thủ sự hỗ trợ từ các tổ chức này trong việc triển khai nhiệm vụ chính trị được giao.
Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể trong công ty như Công đoàn, Đoàn Thanh niên cũng được tổ chức thành lập và hoạt động có hiệu quả để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, nâng cao đời sống tinh thần của CBNV, được Công đoàn PVN khen ngợi trong các lần đoàn sang thăm và làm việc tại Algeria. Những hoạt động Công đoàn và Đoàn Thanh niên tại PVEP Algeria đã lan tỏa sang cả cộng đồng Việt Nam, tạo nên một hình ảnh sống động về những người lao động dầu khí ở Algeria.
Tiền thân của PVEP Algeria là Chi nhánh PIDC-Alger được thành lập và chính thức hoạt động tại Algeria ngày 12/7/2003, đến ngày 7/12/2007, chi nhánh được đổi thành Công ty TNHH MTV Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí Algeria (Công ty Dầu khí Algeria – PVEP Algeria) chiểu theo Quyết định số 4113/QĐ-DKVN của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam và được giao nhiệm vụ quản lý và thực hiện công tác thăm dò và khai thác dầu khí tại lô 433a & 416b vùng Touggourt, Algeria, trong một dự án có tổng mức đầu tư lên tới 2 tỉ USD và kéo dài 29 năm. Dự án có sự tham gia góp vốn của các công ty Sonatrach (Algeria) 25%, PTTEP (Thái Lan) 35% và PVEP (Việt Nam) 40% trong đó PVEP nắm quyền điều hành, như vậy nhiệm vụ của PVEP Algeria là thay mặt PVEP quản lý vốn và tài sản của PVEP và các công ty đầu tư vào dự án. |
Ghi chép của Nguyễn Hùng Sơn
-
[Video] Petrovietnam công bố quyết định bổ nhiệm Trưởng Ban Quản lý Hợp đồng dầu khí
-
[PetroTimesTV] Petrovietnam công bố quyết định bổ nhiệm Trưởng Ban Quản lý Hợp đồng dầu khí
-
Petrovietnam công bố quyết định bổ nhiệm Trưởng Ban Quản lý Hợp đồng dầu khí
-
PVEP gặp mặt cán bộ hưu trí nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi