Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (15/11-21/11)

05:56 | 22/11/2021

516 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Maersk sáp nhập Noble trở thành nhà cung cấp giàn khoan lớn thứ 3 thế giới; Rosneft tìm cách thích ứng yêu cầu môi trường của châu Âu; Sinopec đặt mục tiêu phát triển hydro đến năm 2030; Shell công bố kế hoạch đơn giản hóa cấu trúc, có thể dẫn đến việc chuyển trụ sở chính tới Vương quốc Anh… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (15/11-21/11)

Eni thông báo liên kết với BF Group (Ý) để phát triển các sản phẩm nông nghiệp bền vững nhằm sản xuất nhiên liệu sinh học. Thông qua liên doanh bình đẳng (50% Eni, 50% BF), các dự án sẽ được phát triển để nghiên cứu và thử nghiệm giống cây có dầu để sử dụng làm nguyên liệu trong các nhà máy chế biến sinh học của Eni. Ngoài ra, thỏa thuận giữa các công ty quy định việc Eni mua cổ phần thiểu số trong công ty con của BF Bonifiche Ferraresi và việc Eni tham gia vào vốn cổ phần của BF thông qua việc tăng vốn dự trữ. Sáng kiến ​​này là một phần trong chiến lược của Eni nhằm đạt được tổng lượng carbon trung hòa vào năm 2050. Eni cũng chỉ ra rằng dầu cọ sẽ không còn được sử dụng trong các quy trình sản xuất của mình từ năm 2023.

Cũng trong tuần qua, giám đốc điều hành của Eni nói rằng giá dầu thô quay trở lại mức 100 đô la/thùng là hoàn toàn có thể. Mặt khác, tình huống này sẽ không thể tránh khỏi. Theo Eni, sự trở lại mức giá 100 đô la/thùng dầu có thể sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do sự “chịu đựng” của các ngành công nghiệp với giá năng lượng cao không kéo dài. Những tác nhân tham gia vào ngành công nghiệp dầu mỏ ngày càng nói về khả năng quay giá dầu trở lại 100 đô la/thùng dầu, nhưng phần lớn chỉ ra rằng quyết định của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác (OPEC+) là một yếu tố quyết định quan trọng với mức giá này.

TechnipFMCPetronas Technology Ventures Sdn Bhd (PTVSB), một công ty con của Petronas, thông báo rằng họ đã đạt được thỏa thuận thương mại hóa một màng xử lý khí tự nhiên độc đáo giúp giảm phát thải khí nhà kính (GHG). Theo TechnipFMC, công nghệ loại bỏ carbon dioxide và hydrogen sulfide bằng cách sử dụng màng thấm ướt, hiệu quả hơn 30% so với các quy trình xử lý khí hiện có và có thể giảm đáng kể lượng phát GHG. Thông qua thỏa thuận thương mại hóa công nghệ, TechnipFMC sẽ sử dụng và tích hợp công nghệ màng được cấp phép từ Petronas như một phần trong danh mục sản xuất của mình trong các dự án trên khắp thế giới, bên ngoài Trung Quốc.

ADNOC công bố khoản đầu tư trị giá 6 tỷ USD vào hoạt động khoan dầu thô ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nhằm tăng năng lực sản xuất. UAE là một trong những nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đạt trung bình 4,2 triệu thùng/ngày. ADNOC cho biết khoản đầu tư 6 tỷ USD sẽ nâng công suất sản xuất dầu thô của họ “lên 5 triệu thùng/ngày vào năm 2030”. Các khoản đầu tư của ADNOC bao gồm các hợp đồng với một số công ty, theo một tuyên bố được công bố vào ngày thứ hai của Hội nghị dầu mỏ quốc tế ở Abu Dhabi.

Ngày 10/11, các công ty khoan Maersk DrillingNoble Corp thông báo rằng họ đã đạt được thỏa thuận dứt khoát để hợp nhất các hoạt động của mình. Thực thể mới được thành lập sẽ sở hữu tổng cộng 39 giàn khoan, mà Westwood Global Energy ước tính sẽ đại diện cho số giàn khoan lớn thứ 3 trên thế giới, sau China Oilfield Services và Valaris. Công ty mới bao gồm nhiều giàn khoan tự nâng có khả năng hoạt động trong những môi trường khó khăn nhất. Nó cũng sẽ là một trong những công ty sở hữu những giàn khoan “trẻ” nhất trên thế giới với tuổi thọ trung bình là 8,1 năm/giàn khoan.

Thực thể mới sẽ hoạt động vào giữa năm 2022 và sẽ được niêm yết tại New York và Copenhagen. Các đối tác kỳ vọng số giàn khoan kết hợp sẽ đạt tỷ lệ sử dụng 100%, thu nhập trung bình hàng ngày là 223.776 USD.

Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga Rosneft hôm thứ Tư tuần trước đã công bố kế hoạch tăng cổ phần trong nhà máy lọc dầu PCK, nằm ở Schwedt, Đức, từ 54 lên 92%, bằng cách mua lại cổ phần của Shell, một dấu hiệu cho thấy kế hoạch dài hạn đối với lĩnh vực hydrocarbon của Nga ở châu Âu bất chấp những lo ngại về môi trường ngày càng tăng. Nhà máy lọc dầu ở Schwedt sản xuất 12 triệu tấn dầu tinh luyện mỗi năm và cung cấp nhiên liệu cho 90% khu vực và thủ đô Berlin. Vụ mua bán này “thể hiện tầm quan trọng chiến lược của thị trường Đức đối với Rosneft. Công ty đang xây dựng mối quan hệ lâu dài với các đối tác Đức”, ông Igor Setchine, chủ tịch Rosneft cho biết trong tuyên bố. Rosneft đã chỉ ra rằng họ muốn lập "các dự án carbon thấp, có tính đến chương trình nghị sự về môi trường hiện tại của Liên minh châu Âu (EU)" tại nhà máy lọc dầu này.

Sinopec tiết lộ tại Đại hội Thương mại Dầu khí Quốc tế lần thứ 10 về mối quan tâm mạnh mẽ của mình đối với nền kinh tế hydro. Jiang Ning, chuyên gia tại Sinopec Marketing, nói rằng vào năm 2025, Trung Quốc có thể xem xét sản xuất hydro với giá cả cạnh tranh. Để đạt được điều này, mức giá của hydro và diesel phải lần lượt là 4,69 USD/kg và 0,74 USD/lít chưa bao gồm thuế. Sinopec là công ty lọc dầu lớn nhất thế giới về công suất. Công ty con Marketing của nó có mạng lưới bán nhiên liệu quốc gia lớn nhất với 30.716 trạm bán lẻ. Các yếu tố này cấu thành cơ sở hạ tầng đầu tiên cho phép công ty trở thành nhà cung cấp hydro hàng đầu ở Trung Quốc. Theo chiều hướng này, vào cuối tháng 9/2021, công ty Shanghai Petrochemical (công ty con của Sinopec) đã khai trương trung tâm cung cấp hydro tại Thượng Hải, với mức giá 40 nhân dân tệ (6,26 USD)/kg. Một quan chức cấp cao của công ty cho biết mức giá này gần như tương đương với việc sử dụng xăng. Tuy nhiên, điểm yếu của mạng lưới cung ứng và giá xe chạy bằng hydro chỉ cho phép trung tâm cung ứng cho các phương tiện công cộng.

Jiang Ning cho biết việc xây dựng các trạm tiếp nhiên liệu hydro là mục tiêu chính của Sinopec để giảm lượng khí thải. Theo nghĩa này, 4 dự án sản xuất hydro xanh đang được tiến hành: 20.000 tấn hydro/năm từ năng lượng mặt trời ở Kuqa, Tân Cương; 10.000 tấn hydro từ năng lượng gió ngoài khơi ở Chương Châu, Phúc Kiến; 10.000 tấn/năm hydro từ năng lượng gió và mặt trời ở Ordos, Nội Mông; 100.000 tấn hydro/năm từ năng lượng tái tạo ở Ulanqab, Nội Mông. Tính đến cuối tháng 9/2021, Sinopec đã xây dựng 31 trạm nạp hydro. Công ty có kế hoạch đầu tư 4,6 tỷ USD vào hydro từ năm 2021 đến năm 2025. Mục tiêu là nâng công suất sản xuất hydro xanh lên hơn 500.000 tấn/năm vào năm 2025.

Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc đã chấp nhận yêu cầu của China National Offshore Oil (CNOOC) về đề xuất niêm yết thứ cấp tại Thượng Hải. Công ty dầu khí quốc doanh Trung Quốc đang có kế hoạch bán 2,6 tỷ cổ phiếu lên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải để tài trợ cho các dự án dầu trị giá 35 tỷ nhân dân tệ (5,4 tỷ USD) của mình. Đề xuất này diễn ra vào thời điểm CNOOC đang tìm cách khai thác thị trường chứng khoán địa phương sau khi bị Sở giao dịch Chứng khoán New York hủy niêm yết vào đầu năm nay như một phần của lệnh hành pháp thời Tổng thống Trump chống lại các công ty Trung Quốc. CNOOC - tập đoàn dầu khí thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc niêm yết trên cả Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong và NYSE vào tháng 2/2001.

Tuần qua, Lukoil đã đệ trình một kế hoạch phát triển sơ bộ cho mỏ dầu Eridu ở Iraq, Argus Media trích dẫn nguồn tin từ Bộ Dầu mỏ Iraq. Công ty khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga đã giành được mỏ dầu Eridu cùng với Inpex của Nhật Bản, trong vòng đấu thầu thứ tư của Iraq vào năm 2012. Mỏ được phát hiện vào năm 2017, dự kiến cho 250.000 thùng dầu mỗi ngày và chứa 7 tỷ thùng.

Thông tin này được Lukoil đưa ra trong bối cảnh vào tháng 9/2022, các hạn chế của OPEC+ sẽ được gỡ bỏ.

Đầu tuần trước, Shell đã công bố kế hoạch đơn giản hóa cấu trúc của mình, có thể dẫn đến việc chuyển trụ sở chính tới Vương quốc Anh, vốn trước giờ tại Hà Lan. Tập đoàn dầu khí Anh - Hà Lan giải thích rằng đề xuất của họ nhằm mục đích chấm dứt cấu trúc kép vốn được đặc trưng bởi sự đồng tồn tại của cổ phiếu loại 'A' và 'B', thông qua việc thiết lập một mã cổ phiếu duy nhất. Công ty cho biết điều này là để "đơn giản hóa cơ cấu cổ phần" nhằm "tăng cường khả năng cạnh tranh của Shell", vì lợi ích của cả cổ đông và các mục tiêu môi trường của Shell. Công ty nói rõ rằng cổ phiếu của họ sẽ vẫn được niêm yết tại Amsterdam, London và New York.

Gã khổng lồ năng lượng có kế hoạch chuyển trụ sở chính, hiện đặt tại The Hague, sang Vương quốc Anh. Điều này đồng nghĩa, các cuộc họp của hội đồng quản trị và ủy ban điều hành sẽ diễn ra tại London. Tại đây cũng sẽ đặt trụ sở làm việc của giám đốc điều hành và giám đốc tài chính của công ty. Mặc dù vậy, Shell có kế hoạch duy trì các hoạt động tại The Hague, như tập hợp các dự án, công nghệ, thượng nguồn, khí đốt tích hợp và năng lượng tái tạo. Tất cả các nghị quyết này - cũng bao gồm dự án đổi tên công ty từ Royal Dutch Shell plc thành Shell plc - sẽ được đưa ra biểu quyết tại một cuộc họp đại hội đồng trong tương lai.

TotalEnergies đã khởi động lại đơn vị luyện cốc và chưng cất dầu thô lớn tại nhà máy lọc dầu Port Arthur, Texas, sản xuất 225.500 thùng mỗi ngày. Các hoạt động này đã bị đóng cửa vào ngày 9/9 do sự cố mất điện tại nhà máy lọc dầu.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (8/11 - 14/11)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (8/11 - 14/11)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (1-7/11)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (1-7/11)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (25/10 - 31/10)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (25/10 - 31/10)

Nh.Thạch

AFP

DMCA.com Protection Status