Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (29/8-4/9)

04:00 | 04/09/2022

6,057 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Equinor hoàn tất thủ tục rút khỏi Nga; Schlumberger thành lập liên doanh với các công ty ngoài khơi Na Uy; Các công ty dầu khí Trung Quốc đạt lợi nhuận kỷ lục; Sonatrach có phát hiện dầu mới; Gazprom Neft có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng dầu tại mỏ chính ở Siberia… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (29/8-4/9)

Vào hôm 2/9, Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Sinopec (Trung Quốc) cho biết sẽ giảm 40% mục tiêu sản xuất hydro. Trước đó, Sinopec đặt tham vọng đạt sản lượng 120.000 tấn/năm vào năm 2025.

Công nghệ sản xuất hydro sẽ được ứng dụng chủ yếu vào lĩnh vực giao thông vận tải. Hiện nay, Sinopec đang xây dựng các trạm nạp hydro tích hợp vào trạm nhiên liệu trên toàn quốc. Sinopec cho biết, họ sản xuất hydro bằng hệ thống điện phân chạy từ nhiên liệu tái tạo, kết hợp với các công nghệ lọc dầu và hóa học truyền thống đã có sẵn. Hiện Sinopec chưa công bố lý do đẩy lùi mục tiêu, nhưng tập đoàn dầu khí này đặt định hướng sẽ phát triển hoạt động kinh doanh hydro một cách “chủ động và trật tự”. Theo một giám đốc cấp cao của Sinopec, tính đến cuối tháng 6, công ty đã xây dựng được 83 trạm nhiên liệu hydro. Hiện có 13 trạm khác đang được xây dựng. Vào tháng 3/2022, nhà hoạch định kinh tế của Trung Quốc - Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cho biết Trung Quốc dự kiến sẽ có 50.000 phương tiện chạy bằng hydro từ nay cho đến năm 2025. Trước đó, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu sản xuất 100.000 - 200.000 tấn hydro xanh sản xuất từ ​​năng lượng tái tạo.

Vào hôm 2/9, tập đoàn năng lượng Equinor (Na Uy) cho biết đã hoàn tất việc rút khỏi Nga, giữ cam kết của Na Uy khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Ngày 28/2, Equinor thông báo sẽ bắt đầu quá trình thoái hóa vốn và rút khỏi các liên doanh với Nga, với lý do “không thể lưu lại” khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Vào tháng 3/2022, công ty đã cho ngừng tiếp thị dầu Nga. Vào tháng 5/2022, Equinor đã ký thỏa thuận bán cổ phần trong các liên doanh của Nga cho đối tác lâu năm là công ty dầu khí nhà nước Rosneft (Nga). Hiện Equinor chỉ còn duy nhất một tài sản ở Nga: Mỏ dầu Kharyaga, do công ty Zarubezhneft (Nga) điều hành. Vào tháng 7, tập đoàn dầu TotalEnergies (Pháp) cũng đã công bố ý định bán hết số cổ phần còn lại từ dự án Kharyaga cho Zarubezhneft. Hôm 9/2, Equinor cho biết: “Chúng tôi xác nhận có thể rút ra khỏi dự án Kharyaga. Sau đó, Equinor sẽ không còn tài sản hoặc dự án nào tại Nga”. Sau một thời gian bị chỉ trích vì sở hữu nhiều tài sản ở Nga, vào ngày 26/8, TotalEnergies thông báo sẽ bán 49% cổ phần trong mỏ khí đốt Termokarstovoye cho công ty khí đốt Novatek (Nga). Mặt khác, hai ông lớn dầu mỏ Anh là Shell BP cho biết đang có kế hoạch rời khỏi Nga, nhưng vẫn chưa hoàn tất thủ tục rút lui.

Chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn dầu khí tư nhân Lukoil - Ravil Maganov, đã qua đời sau một "căn bệnh nghiêm trọng", công ty thông báo trong một tuyên bố hôm thứ Năm, mà không cung cấp thêm chi tiết. Trước đó, một số phương tiện truyền thông và hãng thông tấn của Nga, trích dẫn các nguồn tin giấu tên, cho rằng Ravil Maganov đã qua đời tại Bệnh viện Lâm sàng Trung ương ở Moscow. Một số nguồn tin cho rằng ông đã rơi từ một cửa sổ. Hiện tại, cảnh sát vẫn chưa đưa ra thông tin chính thức về vụ án này. Ravil Maganov, sinh năm 1954, là một trong những nhà lãnh đạo lịch sử của tập đoàn, được thành lập vào tháng 11/1991. Theo Lukoil, ông đã đề xuất tên của công ty.

Vào tháng 3/2022, Lukoil là một trong số rất ít các công ty Nga kêu gọi chấm dứt cuộc tấn công của Nga ở Ukraine. Cuộc chiến này dẫn đến một loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các tập đoàn lớn và quan chức cấp cao của Nga. Vào cuối tháng 4, tỷ phú Vaguit Alekperov, khi đó là chủ tịch của tập đoàn Lukoil, đã từ chức một tuần sau khi bị Anh đưa vào danh sách những nhân vật Nga bị Vương quốc Anh trừng phạt.

Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho biết nước này có trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ đủ để khai thác trong 100 năm tới. Alexey Miller, người đứng đầu tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom nói, đồng thời cho biết một số mỏ của Gazprom sẽ vẫn cung cấp khí đốt kể cả vào năm 2120. Ông Miller đã đưa ra dự báo lạc quan về sự phát triển của các nguồn tài nguyên rộng lớn ở bán đảo Yamal của Nga, đồng thời nói thêm rằng Gazprom đang chuẩn bị khai thác mỏ khí Kharasavey và bắt đầu phát triển các mỏ sâu Bovanenkovo. Nga hiện sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới.

Gã khổng lồ dầu mỏ đa quốc gia Schlumberger, cùng hai tập đoàn năng lượng ngoài khơi Na Uy Aker SolutionsSubsea 7, đã thông báo thành lập một liên doanh trong phân khúc khai thác dầu mỏ ngoài khơi. Cụ thể, Schlumberger sẽ cùng Aker Solutions hợp nhất các hoạt động của mình trong lĩnh vực khai thác dầu dưới đáy biển. Còn Subsea 7 sẽ cùng Schlumberger góp vốn vào các hoạt động trên. Dự kiến thỏa thuận sẽ hoàn tất ký hết vào cuối năm 2023. Schlumberger sẽ sở hữu 70% cổ phần, Aker Solutions chiếm 20%, còn Subsea 7 chiếm 10%. Tổng giám đốc điều hành Schlumberger Olivier Le Peuch nhận xét: “Liên doanh này là tập hợp của các công ty đẳng cấp thế giới, với nhiệm vụ cung cấp các công nghệ cho hoạt động dưới đáy biển. Nhờ đó, giúp khách hàng của chúng tôi cải thiện năng lực khai thác dầu và giảm chi phí phát triển tổng thể”. Hiện tên liên doanh chưa được công bố. Dự kiến liên doanh này sẽ có khoảng 9.000 nhân viên trên toàn thế giới và tạo ra hơn 100 triệu USD lợi nhuận trong trung hạn. Đồng thời, liên minh hiện tại giữa Schlumberger và Subsea 7 trong phân khúc dưới biển cũng sẽ được tích hợp vào liên doanh. Được biết, Schlumberger và Subsea 7 bắt đầu hợp tác từ năm 2018. Sau khi tích hợp, mối quan hệ hợp tác sẽ được gia hạn lên 10 năm. Qua liên doanh này, Aker Solutions sẽ đạt lợi nhuận 1 tỷ USD. Sau khi trả cổ tức 20%, công ty sẽ thu về 700 triệu USD.

Trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine thúc đẩy giá năng lượng tăng vọt, lợi nhuận của các ông lớn dầu mỏ Trung Quốc như Sinopec, PetroChina Cnooc đều tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022. Vào hôm 29/8, Tập đoàn đại chúng Sinopec - công ty lọc dầu lớn nhất châu Á đã công bố đạt lợi nhuận ròng 43,53 tỷ nhân dân tệ (6,37 tỷ euro) từ tháng 1/2022 – 6/2022, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số bán các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Sinopec đã giảm 9,8% trong hơn một năm. Theo đó, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và biện pháp dịch tễ ở Trung Quốc đã đè nặng lên nhu cầu tiêu thụ trong giai đoạn này. Về phần mình, PetroChina - công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), cũng đạt lợi nhuận ròng 82,39 tỷ nhân dân tệ (12,05 tỷ euro) trong nửa đầu năm, tăng 55,3% so với năm trước. Theo cơ quan báo chí Bloomberg, đây là thành tích lịch sử trong giai đoạn nửa năm đối với nhà sản xuất dầu thô hàng đầu Trung Quốc. Cùng thời điểm năm ngoái, PetroChina đã kiếm được 53 tỷ nhân dân tệ. Theo báo cáo công bố vào hôm 25/8 của PetroChina, trong nửa đầu năm, một số “yếu tố địa chính trị nhất định như cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã khiến giá dầu trung bình tăng đáng kể” ở cấp độ toàn cầu. Về phần mình, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (Cnooc) - nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc, đã ghi nhận lợi nhuận ròng tăng hơn gấp đôi trong nửa đầu năm: 71,89 tỷ nhân dân tệ (10,50 tỷ euro), so với 33,3 tỷ nhân dân tệ của một năm trước đó. Tuy nhiên, Cnooc đã cảnh báo về một “môi trường đầy phức tạp và biến động” trong giai đoạn nửa cuối năm.

Sonatrach cho biết hôm 24/8 rằng họ đã phát hiện ra một kho vàng đen tại khu nhượng quyền Sbâa, nằm ở Adrar, một địa phương ở phía tây nam của đất nước. Đây là lần đầu tiên sau 28 năm dầu mỏ được xác định trong khu vực. Phát hiện này là kết quả từ các hoạt động khoan thành công của Hassi Illatou Est-1 (LTE-1). Theo ước tính đầu tiên do công ty nhà nước Algeria cung cấp, địa điểm này sẽ chứa từ 48 đến 150 triệu thùng dầu. Hiện tại, không có thông tin nào bị rò rỉ về chiến lược dự kiến ​​trong khuôn khổ phát triển và khai thác mỏ.

Trong vài tháng qua, công ty dầu mỏ Algeria đã liên tục có các phát hiện vàng đen và khí đốt trên khắp đất nước. Thành công trong hoạt động này có thể làm tăng ảnh hưởng trong khu vực của Sonatrach đồng thời củng cố tầm vóc chiến lược của Algeria trong việc cung cấp dầu trên thế giới.

Nhà sản xuất dầu có tốc độ phát triển nhanh nhất của Nga, Gazprom Neft, có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng tại một mỏ dầu lớn ở Tây Siberia với việc giới thiệu một đơn vị mới, công ty cho biết hôm thứ Ba. Công ty đặt mục tiêu tăng sản lượng dầu từ mỏ dầu Zhagrin lên 5,5 triệu tấn (hơn 110.000 thùng/ngày) trong năm 2022 nhờ tăng thêm một cơ sở chế biến mới. Năm ngoái, sản lượng từ mỏ này là 2,5 triệu tấn. Cơ sở mới khai trương này cũng sẽ giúp nâng sản lượng lên mức 8 triệu tấn dầu vào năm 2023 và bắt đầu phát triển các tài sản khác thuộc cụm Zima (Winter) ở Tây Siberia. Năm 2021, Gazprom Neft sản xuất khoảng 101 triệu tấn hydrocacbon, bao gồm 62 triệu tấn dầu thô.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (22-28/8)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (22-28/8)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (15-21/8)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (15-21/8)

Nh.Thạch

AFP

DMCA.com Protection Status