Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (5/-10/12)

15:00 | 11/12/2022

5,925 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Lãnh đạo Chevron họp kín với quan chức Venezuela; Rosneft công nhận thiệt hại nghiêm trọng vì bị tịch thu tài sản ở Đức; Petrobras điều chỉnh kế hoạch 5 năm; Aramco ký kết 3 thỏa thuận lịch sử; RWE kiện tụng Gazprom; Lukoil chỉ trích quyết định của Chính phủ Ý… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (5/-10/12)

Ông Claudio Descalzi - Giám đốc điều hành của Eni cho biết, châu Âu không thể chỉ dựa vào năng lượng tái tạo để thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng của mình, vì một mình năng lượng tái tạo không có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của các quốc gia. Giám đốc điều hành của Eni tin rằng, châu Âu phải kết hợp năng lượng tái tạo với những giải pháp khác, chẳng hạn như khí đốt. Hơn nữa, chính sách áp trần giá khí đốt không phải là một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng năng lượng. Ngoài ra, tình trạng thiếu khí đốt trong kế hoạch chuyển dịch sẽ làm trì hoãn các khoản đầu tư dài hạn cần thiết.

Các quan chức Venezuela và Giám đốc điều hành của công ty dầu mỏ Mỹ Chevron Corp đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 7/12 để thảo luận về phương thức hoạt động và quản lý tại liên doanh giữa họ. Cuộc gặp diễn ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ cấp giấy phép cho Chevron hồi tháng 11, một phần trong nỗ lực của Washington nhằm khuyến khích các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập, hướng tới một cuộc bầu cử vào năm 2023. Bộ trưởng dầu mỏ Venezuela, Tareck El Aissami; Chủ tịch công ty nhà nước PDVSA, Asdrubal Chavez; và người đứng đầu Chevron tại Venezuela, Javier La Rosa, đã lên kế hoạch trong tuần này để giải quyết vấn đề đối với các công nhân của bốn liên doanh do PDVSA Chevron. PDVSA và Chevron đang đàm phán để mở rộng lợi ích và khuyến khích hoạt động tốt hơn tại các cơ sở, đặc biệt là tại nhà máy nâng cấp Petropiar, dự kiến ​​sẽ cung cấp dầu thô nặng cho Mỹ.

Rosneft ngày 7/12 công bố các khoản thiệt hại do bị tịch thu tài sản ở Đức. Thông báo của Ronseft ghi nhận khoản lỗ 56 tỷ rúp do chuyển giao tài sản của công ty tại Đức cho cơ quan chức năng của nước này. Theo thông báo của Rosneft: “Trong quý 3/2022, tác động tiêu cực đáng kể nhất đến lợi nhuận là do chuyển giao tài sản của Rosneft cho Cơ quan Lưới điện Liên bang Đức, dẫn đến khoản lỗ 56 tỷ rúp. Việc chuyển giao tài sản cũng làm giảm 76 tỷ rúp tiền mặt”.

Đồng thời, lợi nhuận ròng của Rosneft theo tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) từ tháng 1 đến tháng 9/2022 đã giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 591 tỷ rúp. Tuy nhiên, Rosneft đã có các chỉ số hoạt động tích cực và giá thị trường tăng đã cho phép công ty tăng doanh thu thêm 15,7% lên 7.202 tỷ rúp.

Công ty dầu mỏ đa quốc gia Petrobras (Brazil) quyết định tăng vốn đầu tư thêm 15% cho kế hoạch 5 năm tới. Petrobras sẽ rót thêm 10 tỷ USD vào các khoản đầu tư theo kế hoạch. Như vậy, công ty dầu mỏ này sẽ đầu tư tổng cộng 78 tỷ USD vào kế hoạch 5 năm, kéo dài từ năm 2023 cho đến năm 2027. Tuy nhiên, Petrobras sẽ không có bất kỳ thay đổi nào về chiến lược. Họ sẽ tập trung sản xuất nhiên liệu hóa thạch và sẽ duy trì hướng đi này cho đến khi Tổng thống Jair Bolsonaro kết thúc nhiệm kỳ. Nhìn chung, kế hoạch đầu tư sẽ có sự gia tăng chi phí. Trong khi đó, Petrobras đã hạ mục tiêu sản xuất cho năm 2023 và duy trì sản lượng tương đương 100.000 thùng dầu/ngày. Theo Petrobras, chi phí khoan giếng tăng đã kéo chi phí đầu tư gia tăng theo. Chưa kể, Petrobras cũng phê duyệt đề xuất khoan bổ sung trong ngắn hạn cho một số dự án. Như vậy, hoạt động thăm dò và khai thác dầu mỏ sẽ chiếm 83% chi phí đầu tư. Ngoài ra, Petrobras đã đặt mục tiêu khai thác 3,1 triệu thùng vào năm 2027, đồng thời tăng đầu tư vào việc giảm phát thải khí carbon. Do đó, những khoản này sẽ chiếm 6% tổng chi phí đầu tư.

Aramco Saudi trong tuần này đã hoàn tất 3 giao dịch thông qua công ty con Aramco Overseas Company BV, có trụ sở tại Hà Lan. Các thỏa thuận liên quan đến các hoạt động lọc hóa dầu, thương mại và kinh doanh nhiên liệu máy bay. Theo đó, Aramco Overseas Company BV mua lại 30% cổ phần của một nhà máy lọc dầu ở Gdansk, Ba Lan, công suất 210.000 thùng/ngày. Aramco cũng mua lại 100% cổ phần một công ty thương mại và nhận chuyển nhượng 50% trong liên doanh tiếp thị nhiên liệu máy bay với BP ​​Europa SE. Như vậy, các thỏa thuận này thể hiện một bước quan trọng trong chiến lược dài hạn của Aramco. Công ty đang tìm cách tăng công suất lọc hóa dầu, đồng thời mong muốn mở rộng danh mục sản phẩm trên toàn bộ chuỗi giá trị hydrocarbon. Các giao dịch cũng nhằm mục đích thiết lập một nền tảng vững chắc để phát triển kinh doanh hơn nữa. Aramco đang tìm cách mở rộng năng lực sản xuất từ ​​hydrocarbon sang hóa chất. Công ty đặt mục tiêu đạt 4 triệu thùng/ngày.

Công ty Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) kêu gọi các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực hydrocarbon tiếp tục thăm dò và khai thác tại nước này, với lý do tình hình an ninh đã được cải thiện. Trong thập kỷ qua, Libya thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ bạo lực giữa các phe phái đối địch từ phía Đông và phía Tây, điều này đã ảnh hưởng đến việc khai thác các mỏ, vận chuyển hydrocarbon đến các bến cảng. NOC giải thích rằng họ đưa ra lời kêu gọi này sau khi đã tiến hành "đánh giá" tình hình an ninh và ghi nhận "sự cải thiện đáng kể" trên một số địa điểm.

Công ty năng lượng RWE của Đức đã kiện Gazprom ra tòa trọng tài để được bồi thường cho việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Đức, một phát ngôn viên của công ty cho biết hôm thứ Ba, vài ngày sau thông báo tương tự từ tập đoàn Uniper. Chi tiết về số tiền yêu cầu bồi thường không được tiết lộ. Tập đoàn RWE đã ký hợp đồng với Gazprom của Nga để cung cấp khí đốt với công suất 15 terawatt giờ vào năm 2022. Một phần trong hợp đồng này đã không được thực hiện do sự cắt giảm kể các đợt giao khí đốt của Nga thông qua Đường ống Nord Stream từ tháng 6, sau đó là hoàn toàn kết thúc kể từ tháng 9, trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine. Do đó, để cung cấp cho khách hàng của mình, công ty Đức phải mua trên thị trường giao ngay ngắn hạn, với giá cả rất cao.

Vào hôm 5/12, ông Eugene Maniakhine - Quản lý cấp cao tại tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Lukoil (Nga) cho biết, công ty đang đàm phán về việc bán nhà máy lọc dầu ISAB ở Sicily. Dự kiến quá trình thỏa thuận sẽ hoàn tất “với tốc độ kỷ lục”, tức vào cuối năm 2022. Trước đó, vào hôm 1/12, để tránh phải đóng cửa ISAB và đảm bảo tính liên tục cho nguồn cung năng lượng quốc gia, Chính phủ Ý đã quyết định đặt nhà máy lọc dầu này dưới sự “quản lý tạm thời” của nhà nước. Theo tạp chí Financial Times, Lukoil đang đàm phán với công ty đầu tư Crossbridge Energy Partners (Mỹ) để bán lại nhà máy lọc dầu này. Tài sản sẽ có trị giá ước tính từ 1 - 1,5 tỷ euro. Ông Eugene Maniakhine cho biết, tuy lệnh cấm vận của EU có hiệu lực từ ngày 5/12, “nhà máy lọc dầu vẫn được chuẩn bị đầy đủ để duy trì hoạt động liên tục trong thực trạng thị trường mới này”. Dù nhà máy đã tạm thoát khỏi nguy cơ ngừng sản xuất, vị quản lý cấp cao này chỉ trích Chính phủ Ý đã có một hành động “không công bằng và không hữu ích” khi họ tự quyết định tiếp quản nhà máy lọc dầu này. Theo ông Eugene Maniakhine, đó là một bước đi vô tình “tiếp tay cho nguy cơ đóng cửa nhà máy, tạo ra trở ngại cho quá trình chuyển nhượng tài sản lại cho chủ sở hữu mới”. Ông cũng nói thêm: “Nhà nước không có thẩm quyền quyết định số phận của một nhà máy lọc dầu”.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (14-19/11)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (14-19/11)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (21-26/11)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (21-26/11)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (28/11-4/12)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (28/11-4/12)

Nh.Thạch

AFP

DMCA.com Protection Status