Tin Thị trường: Giá khí đốt tại châu Âu giảm trở lại

19:33 | 06/06/2024

29,693 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Thị trường đã phản ứng "thái quá" trước quyết định của OPEC+; Giá khí đốt tại châu Âu giảm trở lại do khôi phục hoạt động tại Na Uy...
Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Thị trường phản ứng "thái quá" trước quyết định của OPEC+

Tính đến đầu giờ chiều nay 6/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 74,46 USD/thùng - tăng 0,53%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 78,72 USD/thùng - tăng 0,4%.

Các nhà phân tích hàng hóa tại Standard Chartered đã chỉ ra rằng việc giảm giá là hậu quả của việc thị trường bị chi phối bởi sự kết hợp giữa chủ nghĩa bi quan về kinh tế vĩ mô, bán khống đầu cơ và giao dịch thuật toán quá nhiệt tình lấn át các nhà giao dịch dựa trên nguyên tắc cơ bản cung cầu. Theo dữ liệu từ Bridgeton Research Group, thị trường dầu tương lai hiện đã chuyển sang vị thế bán ròng Brent, so với vị thế mua ròng vào cuối tuần trước.

OPEC+ mới đây đã đồng ý gia hạn hầu hết các đợt cắt giảm sản lượng dầu đến năm 2025 trong bối cảnh nhu cầu tăng trưởng yếu, sản lượng của Mỹ tăng và lãi suất cao. OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu, bao gồm 3,66 triệu thùng mức cắt giảm trước đó sẽ hết hạn vào cuối năm 2024 và việc cắt giảm tự nguyện của tám thành viên 2,2 triệu thùng/ngày, hết hạn vào cuối tháng 6 năm 2024.

Thông báo này đã dẫn đến một đợt bán tháo giá dầu, với giá dầu Brent giao trước một tháng giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng - xuống dưới 77 USD/thùng, giảm mạnh 8 USD/thùng so với mức cao của năm ngoái và thấp hơn 15 USD/thùng so với mức cao nhất từ ​​đầu năm tới tháng 4.

Các nhà kinh tế hiện đang dự đoán việc cắt giảm lãi suất của Fed vào tháng 9. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí vay, điều này có thể khuyến khích hoạt động kinh tế và thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ.

Trong khi đó, các nhà phân tích của ANZ lưu ý rằng, các nhà giao dịch cũng đang xem việc bán tháo dựa trên số liệu tồn kho của Mỹ là "quá mức".

Giá khí đốt tại châu Âu giảm do khôi phục hoạt động tại Na Uy

Sau khi tăng vọt hồi đầu tuần do tin tức về việc gián đoạn nguồn cung từ Na Uy, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã giảm trở lại khi có báo cáo cho rằng tình trạng này sẽ kết thúc vào ngày 7/6.

Hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên TTF của Hà Lan, chuẩn cho giao dịch khí đốt của châu Âu, đã tăng 10,4% lên 40,94 USD (37,78 euro) mỗi megawatt giờ trong giao dịch sáng đầu tuần nay, sau khi lưu lượng khí đốt tự nhiên của Na Uy giảm mạnh. Đây được xem là mức giá cao nhất tại trung tâm khí đốt của châu Âu kể từ tháng 12. Giá khí chuẩn tại Anh cũng tăng 15% do nguồn cung từ Na Uy đến Anh bị tê liệt.

Alfred Hansen, người đứng đầu bộ phận vận hành hệ thống đường ống tại Gassco, một nhà điều hành đường ống của Na Uy, nói rằng việc gián đoạn hoạt động bắt nguồn từ sự cố tại giàn khoan Sleipner Riser vào Chủ nhật, khi xuất hiện một vết nứt trên đường ống dẫn khí đốt.

Việc ngừng hoạt động cũng làm tăng giá khí đốt bên ngoài châu Âu do lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung sẽ hút thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ vào châu Âu, làm giảm lượng khí đốt sẵn có cho người mua châu Á và thị trường khí đốt nội địa Mỹ.

Trên thực tế, điều này làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của châu Âu trước sự biến động giá khí đốt tự nhiên do châu Âu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Tháng 4 vừa qua, các nhà quản lý danh mục đầu tư đã tăng đặt cược giá khí đốt tăng ở châu Âu lên mức cao nhất trong sáu tháng. Các nhà quản lý tiền tệ lo ngại rằng tình trạng ngừng hoạt động ngoài kế hoạch ở Na Uy trong mùa hè, nhu cầu khí đốt tự nhiên cao hơn ở châu Á và việc chấm dứt thỏa thuận trung chuyển khí đốt hiện tại đối với khí đốt qua đường ống của Nga đi qua Ukraine vào cuối năm 2024 có thể làm giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu cũng như các nước khác và đẩy giá lên.

Doanh số bán xe điện của Trung Quốc ở châu Âu tăng

Doanh số bán ô tô điện (EV) do Trung Quốc sản xuất ở châu Âu đã tăng 23% trong 4 tháng đầu năm 2024, bất chấp nỗ lực của giới lãnh đạo EU nhằm thiết lập các rào cản đối với những mặt hàng nhập khẩu này để bảo vệ các nhà sản xuất nội địa.

Tờ Financial Times trích dẫn dữ liệu do Schmidt Automotive Research tổng hợp, cho thấy khoảng 119.300 ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc đã được đăng ký ở Tây Âu, bao gồm Anh, từ tháng 1 đến tháng 4/2024. Hơn một nửa trong số này, tương đương 54%, là xe của các thương hiệu Tây Âu cũng như Tesla và xe điện thương hiệu Nhật Bản. Phần còn lại là các thương hiệu EV của Trung Quốc.

Sự gia tăng số lượng xe điện của Trung Quốc sang châu Âu khiến Chính quyền nơi đây lo lắng về khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô trong khối. Để ngăn chặn bất kỳ tác động bất lợi nào từ hàng nhập khẩu của Trung Quốc, Brussels đã mở một cuộc điều tra về ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc với cáo buộc trợ cấp không công bằng.

Dữ liệu hồi tháng 3 cho thấy cuộc điều tra này đã khiến xuất khẩu xe điện của Trung Quốc sang EU giảm 19% trong hai tháng đầu năm.

Ngoài cuộc điều tra, EU cũng đang xem xét áp thuế 20% đối với xe điện của Trung Quốc, điều này sẽ khiến Trung Quốc thiệt hại gần 4 tỷ USD doanh thu. Tuy nhiên, nó cũng khiến người mua xe điện ở châu Âu phải trả giá, Viện Kinh tế Thế giới Kiel cảnh báo.

Hiện tại, thuế nhập khẩu đối với xe điện Trung Quốc là 10%.

Bình An

DMCA.com Protection Status