Tin tức kinh tế ngày 28/11: Sản xuất kinh doanh thanh long ở Bình Thuận gặp khó khăn

21:36 | 28/11/2021

9,402 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Khánh thành nhà máy điện gió 1.500 tỉ đồng đầu tiên tại Bến Tre; Cao su Việt Nam nhập khẩu vào Ấn Độ tăng gần gấp đôi giá trị; Sản xuất kinh doanh thanh long ở Bình Thuận gặp khó khăn… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 28/11.
Tin tức kinh tế ngày 28/11: Sản xuất kinh doanh thanh long ở Bình Thuận gặp khó khăn
Sản xuất kinh doanh thanh long ở Bình Thuận gặp khó khăn

Cuối tuần vàng lao dốc không phanh

Đầu ngày 28/11 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang đứng mức 1.791,8 – 1.792,8 USD/ounce, giảm sâu so với phiên giao dịch liền trước và “bốc hơi” 3% trong cả tuần.

Trong nước, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC cũng theo đà lao dốc, hiện giao dịch mức 60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 60,8 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm khoảng 250.000 đồng ở chiều mua vào và 200.000 đồng ở chiều bán ra.

Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng ở mức 60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 60,8 triệu đồng/lượng (bán ra).

Khánh thành nhà máy điện gió 1.500 tỉ đồng đầu tiên tại Bến Tre

Ngày 28/11, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Bến Tre tổ chức lễ khánh thành Nhà máy điện gió V1-3 Bến Tre. Đây là công trình điện gió đưa vào vận hành thương mại đầu tiên của tỉnh.

Dự án nhà máy điện gió V1-3 Bến Tre được đầu tư xây dựng tại vùng biển thuộc huyện Ba Tri do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Bến Tre làm chủ đầu tư.

Dự án có bảy trụ turbine gió, với công suất 30 MW, sản lượng trung bình hơn 90 triệu kWh/năm, dự án có vốn đầu tư hơn 1500 tỉ đồng. Dự án đi vào hoạt động trong 14 năm đầu mỗi năm đóng góp cho ngân sách trên 20 tỉ đồng.

Nghệ An livestream giới thiệu, quảng bá sản phẩm cam Vinh

Ngày 28/11, tại vườn cam Thiên Sơn, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An đã tổ chức livestream kết nối, tiêu thụ cam Vinh và đặc sản Nghệ An.

Đây được xem là một giải pháp để quảng bá hình ảnh, chất lượng, giá trị của thương hiệu cam Vinh cũng như các đặc sản khác của Nghệ An đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, từ đó nâng cao hình ảnh, vai trò, năng lực sản xuất các sản phẩm của tỉnh, tiến tới thúc đẩy phát triển công nghệ số và mở rộng giao dịch các mặt hàng nông nghiệp trên các sàn giao dịch điện tử.

Cao su Việt Nam nhập khẩu vào Ấn Độ tăng gần gấp đôi giá trị

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2021, nhu cầu cao su của Ấn Độ tăng mạnh khiến nước này phải nhập khẩu nhiều hơn vì sản lượng trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.

Thông tin từ Bộ Thương mại Ấn Độ, cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, Ấn Độ nhập khẩu 867,41 nghìn tấn cao su, trị giá 1,72 tỷ USD, tăng 41,2% về lượng và tăng 74% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Ấn Độ, nhập khẩu cao su từ các thị trường này đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường lớn thứ 4 cung cấp cao su cho Ấn Độ với 69,14 nghìn tấn, trị giá 132 triệu USD, tăng 46,5% về lượng và tăng 92,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Xây dựng thương hiệu chanh leo Việt Nam tại Australia

Sáng nay, 28/11, Bộ Công thương thông tin tới báo chí, để thúc đẩy thị phần chanh leo Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã chính thức triển khai “Chương trình xây dựng thương hiệu chanh leo Việt Nam tại Australia”

Australia là quốc gia sản xuất chanh leo với hơn 4.700 tấn/niên vụ. Khoảng 91% chanh leo trồng tại nước này được đưa ra thị tiêu thụ dưới dạng trái cây. Trong khi, hiện nay, chanh leo tươi Việt Nam chưa được mở cửa tại Australia nên hầu như chỉ xuất sang nước này dưới dạng nhân, ruột đông lạnh. Do đó, chanh leo Việt Nam chưa có thương hiệu tại Australia.

Từ thành công mở thị trường sầu riêng Ri6 tại Australia, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã kiến nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Australia triển khai Chương trình xây dựng thương hiệu chanh leo Việt Nam tại thị trường này.

Sản xuất kinh doanh thanh long ở Bình Thuận gặp khó khăn

Dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng. Thị trường trong nước và xuất khẩu bị thu hẹp trong khi phí vận chuyển và kinh phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hạn chế, doanh thu không đủ chi khiến nhiều cơ sở kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Ông Võ Huy Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết, thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc với gần 90% sản lượng mỗi năm. Thời gian gần đây, Trung Quốc thường thay đổi chính sách và quy định, không nhất quán về điều kiện quản lý kiểm tra, kiểm soát cũng như hoạt động xuất - nhập khẩu thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, khiến tình trạng ùn ứ phương tiện dẫn đến hư hỏng hàng hóa thường xuyên xảy ra.

Hiện nay, Hiệp hội thanh long Bình Thuận cũng kiến nghị các Bộ, ngành liên quan cùng đàm phán trao đổi với các cơ quan chức năng Trung Quốc đảm bảo thực hiện theo đúng Hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước. Cụ thể là việc đưa ra chính sách, quy định nhất quán việc xuất khẩu tiểu ngạch tại các cửa khẩu phía Bắc có tính lâu dài và ổn định. Có như vậy, hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định.

Song song đó, Hiệp hội cũng đề nghị ngân hàng cần có những cách làm linh hoạt, để có giải pháp hỗ trợ tín dụng, tài chính thông qua việc tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay, đồng thời ban hành hướng dẫn cơ chế hỗ trợ lãi suất cho vay tín dụng mới trong năm 2021 – 2023 để bổ sung vốn lưu động giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã thanh long khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”.

Ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp 4.0 Việt Nam

Ngày 28/11, Hội đồng Doanh nghiệp 4.0 Việt Nam được thành lập sau khi Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á xem xét, phê duyệt.

Ông Nguyễn Dũng Thương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á cho biết, rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã đề nghị Viện nghiên cứu, chủ trì thành lập một tổ chức Hội bao gồm những doanh nhân, doanh nghiệp đã và đang ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động quản lý doanh nghiệp, kết nối kinh doanh, xúc tiến thương mại...nhằm hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

Đây chính là tiền đề, cơ sở để Viện báo cáo Trung ương Hội Khoa học Đông Nam Á - Việt Nam thành lập “Hội đồng doanh nghiệp 4.0 Việt Nam”, trực thuộc Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á.

Chứng khoán Mỹ, giá dầu trải qua ngày tồi tệ nhất vì biến thể Covid mớiChứng khoán Mỹ, giá dầu trải qua ngày tồi tệ nhất vì biến thể Covid mới
Chứng khoán bùng nổ vẫn… thua lỗ hơn 20%Chứng khoán bùng nổ vẫn… thua lỗ hơn 20%
Vì đâu cổ phiếu IDI tăng bằng lần?Vì đâu cổ phiếu IDI tăng bằng lần?
Nghệ thuật kiếm lời của giới đầu tư chứng khoán: Lướt 10% ngon ơNghệ thuật kiếm lời của giới đầu tư chứng khoán: Lướt 10% ngon ơ
"Tháo chạy" khỏi cổ phiếu đầu cơ, VN-Index giảm 5 điểm mà ngỡ hơn 50 điểm

P.V (Tổng hợp)

DMCA.com Protection Status