Tin tức kinh tế ngày 4/1: Lạm phát năm 2023 được dự báo khoảng 3,5%

21:25 | 04/01/2023

6,816 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tín dụng năm 2022 tăng trưởng 14,5%; Lạm phát năm 2023 được dự báo khoảng 3,5%; Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đem về hơn 700 triệu USD… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 4/1.
Tin tức kinh tế ngày 4/1: Lạm phát năm 2023 được dự báo khoảng 3,5%
Lạm phát năm 2023 được dự báo khoảng 3,5% (Ảnh minh họa)

Giá vàng trong nước và thế giới đồng loạt tăng mạnh

Trên thị trường thế giới, giá vàng hôm nay (4/1) tiếp đà tăng với giá vàng giao ngay tăng 10,2 USD lên mức 1.838,5 USD/ounce.

Theo đà tăng của thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước vượt ngưỡng 67 triệu đồng/ lượng.

Cụ thể, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 66,3 triệu đồng/lượng mua vào và 67,12 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng DOJI ở khu vực Hà Nội niêm yết ở mức 66,1 triệu đồng/lượng mua vào và 67,1 triệu đồng/ lượng bán ra. Tại TP HCM, vàng thương hiệu này mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.

Lạm phát năm 2023 được dự báo khoảng 3,5%

Nhận định về tình hình lạm phát trong nước, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhận định, chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2022 cùng với nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong năm 2023 sẽ khiến áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn.

"Lạm phát so với cùng kỳ năm trước có khả năng đạt đỉnh vào tháng 1-2023 và sau đó sẽ quay trở lại mức trung bình của giai đoạn 2016 - 2022, khoảng 3%. Lạm phát trung bình năm 2023 được dự báo sẽ ở mức khoảng 3,5%", theo TS Nguyễn Đức Độ.

TS Nguyễn Đức Độ cho rằng, có thể nhận định, áp lực lạm phát tại Việt Nam năm 2023 sẽ không quá lớn. Bởi lẽ, các áp lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tệ, tỷ giá hay nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023.

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đem về hơn 700 triệu USD

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu cá tra sang tất cả các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng 2-3 con số nhờ nhu cầu và giá xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, tháng 11, lần đầu tiên kể từ đầu năm, xuất khẩu cá tra đã bị sụt giảm so với cùng kỳ, là dấu hiệu tác động của lạm phát tại các thị trường.

Trong số các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc thu hút số doanh nghiệp xuất khẩu đông đảo nhất. Năm 2022, có hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam có mặt hàng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc, mang về doanh số hơn 700 triệu USD, chiếm 29% tổng xuất khẩu cá tra.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, các nước ASEAN cũng có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này đạt 183 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. ASEAN chiếm 8% tổng xuất khẩu cá tra gần 2,3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm nay.

Giá thanh long tăng cao

Là một trong những vùng chuyên canh thanh long lớn, hiện nay nông dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã và đang tích cực chăm sóc đợt trái bán vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và xông đèn để xử lý thanh long ra hoa trái vụ chuẩn bị hàng hóa cho thị trường rằm tháng giêng 2023.

Hiện giá thanh long Tiền Giang hiện được thương lái mua ở mức cao gấp 3 lần so với thời điểm cách đây một tháng, giúp người trồng phấn khởi vì thu được lợi nhuận cao. Các vựa thanh long ở các huyện Chợ Gạo, đang thu mua thanh long ruột đỏ loại 1 với giá trên 34.000 đồng/kg, loại 2 với giá 28.000 - 30.000 đồng/kg và loại 3 là từ 23.000 - 25.000 đồng. Với giá mua như trên, nhà vườn trồng thanh long phấn khởi, yên tâm đầu tư vào cây thanh long sau thời gian giảm giá mạnh.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu thủy sản số một của Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu (XK) thủy sản tháng cuối cùng của năm 2022 tuy giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng nhờ tăng trưởng liên tục trong 10 tháng đầu năm nên ngành thủy sản đã cán đích năm 2022 với kim ngạch XK 11 tỷ USD, tăng gần 24% so với năm 2021. Đây cũng là mức kỷ lục của ngành sau 20 năm gia nhập thương mại thủy sản toàn cầu.

Về thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường số 1 của XK thủy sản Việt Nam khi cán mốc hơn 2,1 tỷ USD năm 2022. Riêng trong tháng 12/2022, XK thủy sản sang Mỹ đã giảm mạnh 40%.

Đáng chú ý, XK thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và Hongkong lần đầu tiên chạm mốc 1,8 tỷ USD (tăng 57% so với năm 2021). Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam. XK thủy sản sang Nhật Bản năm 2022 đạt 1,7 tỷ USD.

Tín dụng năm 2022 tăng trưởng 14,5%

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng năm 2022 ước tăng khoảng 14,5% so với đầu năm. Ước tính, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2022 - mức tăng lớn nhất 5 năm trở lại đây. Như vậy, đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng.

Trước đó, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn hệ thống mới tăng 12,87% so với cuối năm 2021. Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày cuối cùng của năm 2022, đã có hơn 170.000 tỷ đồng được các ngân hàng giải ngân cho vay, tương đương mức tăng trưởng tín dụng 1,63%.

Tin tức kinh tế ngày 3/1: Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 tăng 15%

Tin tức kinh tế ngày 3/1: Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 tăng 15%

Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 tăng 15%; Việt Nam chi gần 1,4 tỉ đô la nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt; Tập trung xử lý 6 tổ chức tín dụng yếu kém, 8 dự án chậm tiến độ… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 3/1.

P.V (t/h)

DMCA.com Protection Status