Tin tức kinh tế ngày 7/6: Tín dụng tăng trưởng mạnh
Tín dụng tăng trưởng mạnh |
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng, vàng trong nước giảm giá
Sáng 7/6 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn Kitco ở mức 1.858,8 USD/ounce, tăng 10,3 USD/ounce so với cuối phiên giao dịch cuối ngày hôm qua.
Trong khi đó, mở cửa phiên sáng 7/6, trên thị trường vàng trong nước, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,55 - 69,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cùng giảm 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào bán ra so với phiên giao dịch cuối ngày 6/6. Chênh lệch giá mua - bán hiện là 900.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 68,50 - 69,40 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch cuối ngày hôm qua. Chênh lệch giá bán cao hơn giá mua là 900.000 đồng/lượng.
NHNN: Nợ xấu bất động sản gần 37.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi các đại biểu Quốc hội, tính đến cuối tháng Tư tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt hơn 2,288 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021 và chiếm tỷ trọng 20,44% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu là 1,62% (tương đương 37.000 tỷ đồng).
Hiện nay, khoảng 94% dư nợ bất động sản là cho vay trung và dài hạn (chiếm từ 10%-25%), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay đối với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với các ngân hàng.
Còn dư địa kiểm soát lạm phát cả năm 2022
Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV gửi đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết: Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, ngay từ đầu năm 2022, Bộ đã chủ động tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả năm trình Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá. Trên cơ sở đó, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương để định hướng trong công tác điều hành giá năm 2022.
Cơ quan quản lý này nhận định, với diễn biến CPI bình quân 5 tháng năm 2022 tăng 2,25%, hiện vẫn còn dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 4%.
Tín dụng tăng trưởng mạnh
Báo cáo ngành ngân hàng của Công ty chứng khoán VNDirect vừa công bố cho thấy nhu cầu tín dụng tăng mạnh nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh quay trở lại sau đại dịch.
Bằng chứng là tín dụng hệ thống đã tăng 8% từ đầu năm tính đến cuối 31/5 vừa qua, trong khi đó so với cùng kỳ năm ngoái mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế chỉ đạt mức 5%.
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi nhằm “chặn đà tăng” giá xăng dầu
Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trước bối cảnh của dịch bệnh và chiến tranh đang diễn ra, tiếp sau việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, cần thiết phải có phương án điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN) đối với mặt hàng xăng để đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu, tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN, đồng thời, đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các FTA mà Việt Nam ký kết.
Do đó, hiện Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Bộ Tài chính cho hay, thực hiện theo phương án này mặc dù có thể không tác động nhiều đến việc làm giảm giá xăng trong nước, do hiện nay xăng nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc với mức thuế nhập khẩu FTA là 8% nhưng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực Trung Đông.
Từ đó, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.
Lãnh đạo NHNN khẳng định không siết tín dụng vào bất động sản
Tại tọa đàm "Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản" tổ chức ngày 7/6, các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cho rằng tín dụng bị siết, trong khi ngân hàng thương mại cũng như Ngân hàng Nhà nước khẳng định không siết tín dụng BĐS.
Tại tọa đàm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cho rằng có nhiều nguyên nhân làm giá BĐS trong thời gian qua tăng mạnh, trong đó một phần là do đại dịch, dòng tiền không có nơi để "chảy vào", cộng với nguồn cung bị thiếu nên BĐS là tâm điểm.
Ông Đào Minh Tú cũng khẳng định rất chia sẻ với các DN BĐS nhưng ngay từ "siết" tín dụng đã làm ảnh hưởng tâm lý người mua, trong khi Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ ra văn bản nào nói việc sẽ siết tín dụng, chặn tín dụng… Vì chặn là chặn đường phát triển của thị trường BĐS, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Tin tức kinh tế ngày 6/6: Việt Nam trở thành nước xuất khẩu điện thoại lớn thứ 2 thế giới Xuất khẩu gỗ tăng trưởng trở lại; Facebook, Google, Microsoft đã nộp 4.518 tỷ đồng tiền thuế; Việt Nam trở thành nước xuất khẩu điện thoại lớn thứ 2 thế giới… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 6/6. |
P.V (Tổng hợp)