Tin tức kinh tế ngày 8/12: Lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở năm 2022 là 4,8%/năm
Lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở năm 2022 là 4,8%/năm |
Giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục tăng nhẹ
Mở cửa phiên sáng 8/12, giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 60,70 - 61,40 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch giá mua và bán vàng đang là 700.000 đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 60,55 - 61,15 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với phiên ngày 7-12. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 600.000 đồng/lượng.
Còn tại Công ty Phú Quý, giá vàng miếng đang được giao dịch ở mức 60,73 - 61,23 triệu đồng/lượng, tăng 80.000 đồng/lượng so với phiên liền trước.
Trên thị trường thế giới, chốt phiên giao dịch tại Mỹ, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.786 USD/ounce, tăng 7 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua.
Lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở năm 2022 là 4,8%/năm
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN.
Cụ thể, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN là 4,8%/năm.
Người tiêu dùng Việt ngày càng chuộng bơ, sữa và trái cây Mỹ
Tối 7/12, tại một sự kiện quảng bá nông sản, thực phẩm Mỹ tổ chức tại TP HCM, ông Robert Greenan, quyền Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM, cho biết mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng năm 2021, Việt Nam vẫn tiếp tục là thị trường quan trọng cho xuất khẩu nông sản của Mỹ nói chung và các sản phẩm sữa bang California nói riêng.
Ông Robert Greenan thông tin năm 2020 xuất khẩu sản phẩm sản phẩm sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa (kem, bơ, phô-mai,…) của Mỹ sang Việt Nam đạt mức 75 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019. Đà tăng trưởng vẫn tiếp tục trong 9 tháng đầu năm 2021 với giá trị 84,5 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện trong 5 năm
Sáng (8/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp để xem xét các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội.
Buổi làm việc sáng nay, Chính phủ trình xin ý kiến nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ đề nghị sửa đổi nội dung liên quan đến biểu thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm từ 5% đến 12% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu, kể từ khi luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành. Từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh mức tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước).
Thị trường thịt bò thế giới sẽ thiếu hụt trong năm 2022
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), báo cáo mới nhất của Rabobank về thị trường thịt bò quý 4/2021 và dự báo năm 2022, thị trường thịt bò toàn cầu năm 2022 tiếp tục khan hiếm. Nguyên nhân chính là do sự thu hẹp ngành chăn nuôi bò ở Mỹ. Điều này sẽ gây căng thẳng cho các thị trường đang có nhu cầu lớn về nhập khẩu thịt bò.
Tín dụng dự báo tăng tốc mạnh trong tháng cuối năm
Theo báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, chỉ trong tháng 11, các ngân hàng thương mại đã “bơm” ra thị trường khoảng 126.600 tỷ đồng tín dụng, tăng gần gấp đôi so với tháng 10 và gấp 3 lần so với thời điểm tháng 8 - 9/2021.
Trước đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 25/11, tăng trưởng tín dụng đạt 10,1% so với cuối năm 2020.
Con số này cho thấy tín dụng có sự phục hồi mạnh mẽ trong 2 tháng qua, khi cuối tháng 9/2021 tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ ở mức 7,9% và cao hơn nhiều so với mức 8,4% trong 11 tháng năm 2020.
Theo SSI, nhu cầu tăng mạnh trong môi trường lãi suất thấp và quan điểm nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng phục hồi mạnh trong quý IV/2021.
Điện khí chiếm 10,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống
Thông tin với báo chí chiều 8/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong tháng 11, tình hình tiêu thụ điện có dấu hiệu tăng trưởng trở lại so với các tháng trước sau khi kinh tế xã hội từng bước hồi phục trong trạng thái bình thường mới. Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 11/2021 đạt 20,71 tỷ kWh (tương đương khoảng 690,3 triệu kWh/ngày), tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 11 tháng đạt 233,67 tỷ kWh, tăng 3,6% so với cùng kỳ, trong đó điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 113,48 tỷ kWh, chiếm 48,56% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.
Về mức độ và tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện chính trong hệ thống điện quốc gia, trong 11 tháng năm 2021, thủy điện huy động đạt 72,04 tỷ kWh, chiếm 30,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Nhiệt điện than huy động đạt 108,32 tỷ kWh, chiếm 46,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Tua bin khí huy đạt 24,36 tỷ kWh, chiếm 10,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 26,88 tỷ kWh, chiếm 11,5% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống, trong đó điện mặt trời đạt 24,46 tỷ kWh, điện gió đạt 2,27 tỷ kWh. Nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 02 triệu kWh. Điện nhập khẩu đạt 1,34 tỷ kWh, chiếm 0,6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Tin tức kinh tế ngày 7/12: Mỳ tôm Hảo Hảo, mỳ Đệ Nhất đồng loạt bị thu hồi tại Pháp Giá mua USD tại các ngân hàng tăng mạnh, vượt mốc 23.000 đồng; Việt Nam chi hơn 600 triệu USD nhập khẩu thịt heo; Mỳ tôm Hảo Hảo, mỳ Đệ Nhất đồng loạt bị thu hồi tại Pháp… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 7/12. |
P.V (Tổng hợp)