"Tôi chỉ là một mắt xích nhỏ..."

13:00 | 08/03/2013

6,160 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Được lựa chọn là người đại diện cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong một liên doanh lớn như Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng số vốn lên đến 9 tỉ USD, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn Võ Thị Thanh Ngọc vô cùng khiêm tốn. Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chị đã dành cho Petrotimes một cuộc trò chuyện...

Nếu tự thấy không làm được tôi sẽ nói “Tôi không làm được”

PV: Dư luận rất ngạc nhiên khi biết “tướng cầm quân” của một dự án lọc hóa dầu là nữ, chị có bất ngờ khi được giao trọng trách này không?

PTGĐ Võ Thị Thanh Ngọc: Nhắc đến tướng cầm quân của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn thì phải là PTGĐ phụ trách khâu sau của Tập đoàn Trần Thị Bình, người trực tiếp hằng ngày dẫn dắt dự án từ những bước đầu tiên. Tôi tiếp cận dự án từ 2007 và nhận nhiệm vụ PTGĐ năm 2010 tiếp theo anh Cao Hoài Dương. Quả thật, khi nhận nhiệm vụ tôi đã lo lắng nhiều hơn bất ngờ vì nhận thức được trách nhiệm và sự phức tạp (tôi tiếp cận dự án từ năm 2007 và nhận nhiệm vụ PTGĐ năm 2010). Nhờ sự tin tưởng, giúp đỡ chỉ đạo sát sao của cấp trên, sự chia sẻ và giúp đỡ của các đồng nghiệp tôi đã vững tâm thực hiện nhiệm vụ.

PV: Đây được coi là dự án lớn đầu tiên của Việt Nam có sự tham gia của các nhà thầu nước ngoài ngay từ đầu, nhưng lại được điều hành bởi phần lớn là các “nữ tướng” lọc hóa dầu. Chị có thấy điều đó là đặc biệt?

PTGĐ Võ Thị Thanh Ngọc: Người nữ tướng tham gia đàm phán liên doanh, theo sát chỉ đạo từ những ngày đầu mới thành lập liên doanh tháng 4/2008 là PTGĐ Trần Thị Bình, về hạ tầng chuẩn bị cho dự án dưới sự chỉ đạo của PTGĐ Nguyễn Thị Thu Hà. Đây thực sự là các nữ tướng của ngành.

TS Võ Thị Thanh Ngọc

Dự án là tâm huyết của bao thế hệ lãnh đạo ngành Dầu khí. Nguyên Chủ tịch HĐTV Đinh La Thăng, nguyên Tổng giám đốc Trần Ngọc Cảnh đã khăn gói sang các nước bạn để kêu gọi và trực tiếp đàm phán điều khoản đầu tư, giúp đỡ dự án những ngày đầu chuẩn bị. Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu luôn theo sát chỉ đạo, quyết đoán, kết hợp nhịp nhàng với các bộ liên quan để báo cáo Chính phủ quyết định đạt được thỏa thuận về bảo lãnh ưu đãi đầu tư.

PV: Chị “say nghề” thế, xin hỏi, chị bước vào ngành lọc hóa dầu bắt đầu từ khi nào?

PTGĐ Võ Thị Thanh Ngọc: Năm 1997 tôi chính thức ký hợp đồng với Trung tâm Đào tạo Dầu khí nay là Trường cao đẳng Nghề dầu khí thuộc Tập đoàn với nhiệm vụ là giáo viên. 5 năm học tập tại Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành hóa dầu, các khóa học sau đó tại các nước cũng là lọc dầu và chế biến khí.

PV: Có lý do đặc biệt nào khiến chị chọn học chuyên ngành tưởng chỉ dành cho nam giới này?

PTGĐ Võ Thị Thanh Ngọc: Gia đình tôi mỗi người một ngành nghề, ba tôi là dược sĩ quân đội, mẹ là kỹ sư thiết kế giao thông. May mắn là tôi có người cô ruột Võ Thị Liên là TS Lọc hóa dầu, cũng nhiều năm công tác trong ngành Dầu khí.

 Tôi thích môn hóa từ hồi học cấp II (có lẽ ảnh hưởng của ba tôi là dược sỹ), thi đại học điểm hóa lúc nào cũng cao hơn những môn khác. Tính tôi tò mò, từ bé các câu hỏi tại sao làm tôi “thanh toán” toàn bộ giá sách của ba mẹ từ cấp 2, kể cả các sách về thuốc và biệt dược của ba. Tôi tin rằng học hóa giải thích cho mình nhiều nhất các câu hỏi tại sao trong cuộc sống hàng ngày. Chọn khối A để thi Đại học thì Bách Khoa là số 1 với tôi, và trong đó ngành hóa dầu là ngành mới, tổng hợp các kỹ thuật công nghệ tiên tiến của nhiều ngành, tính tôi lại thích khám phá những điều mới lạ, nên việc chọn ngành này như là một hiển nhiên vậy.

Sau này, những câu hỏi “tại sao” không còn chỉ trong phạm vi kiến thức khoa học mà còn trong cuộc sống, các vấn đề xã hội… Tôi luôn thầm cảm ơn ngôi trường Bách Khoa Hà Nội, nơi có những người thầy đáng kính và môi trường giáo dục, nơi trang bị cho tôi cách nghĩ, cách suy luận để tự tìm ra con đường dẫn tới đáp án của chính mình.

PV: Được lựa chọn là người đại diện cho PVN trong một liên doanh lớn như Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng số vốn lên đến 9 tỉ USD, bản thân chị gặp phải những khó khăn gì?

PTGĐ Võ Thị Thanh Ngọc: Liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn có sự tham gia của đối tác Nhật Bản và Kuwait, các đối tác có kinh nghiệm lâu năm dồi dào và các chuyên gia giỏi trong các công tác chuẩn bị dự án, xây dựng và vận hành nhà máy lọc hóa dầu. Giai đoạn 5 năm kể từ khi thành lập công ty liên doanh tháng 4/2008 đến nay là giai đoạn chuẩn bị, trong đó việc xác định tổng mức đầu tư; tìm kiếm, đàm phán với các nhà cho vay quốc tế với cơ chế “Project Financing”; đàm phán với các bộ, ban, ngành của Chính phủ về cụ thể hóa các ưu đãi đầu tư nước ngoài. Trong đó PVN vừa là nhà đầu tư, đồng thời là đại diện của Việt Nam trong liên doanh nên việc đảm bảo sự hài hòa về lợi ích Quốc gia và lợi ích chủ đầu tư, tưởng chừng là mâu thuẫn, luôn là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi cán bộ PVN tham gia dự án và tôi cũng không phải ngoại lệ.

Môi trường liên doanh rất rõ ràng và đôi khi khắc nghiệt về trách nhiệm của từng cá nhân, từng vị trí và thời hạn. Nhân sự giới hạn về số lượng nên mỗi cán bộ của PVN trong liên doanh đều cần phải nỗ lực hết sức để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình.

PV: Khi tiếp quản công việc, khó khăn cụ thể chị gặp phải trong quá trình tiếp xúc với các đối tác nước ngoài là gì?

PTGĐ Võ Thị Thanh Ngọc: IKC MCI (Nhật Bản) và KPI (Kuwait) là các đối tác nước ngoài có đặc thù văn hóa rất khác ta. Bạn có thể thấy toàn bộ nhân sự nước ngoài, từ cấp quản lý đến cấp chuyên gia đều là nam và rất kinh nghiệm. Hơn nữa, công việc đòi hỏi phải di chuyển rất nhiều, cường độ và độ tập trung đòi hỏi cao nên yếu tố sức khỏe và độ dẻo dai là rất cần thiết, là phụ nữ cần phải cố gắng nhiều hơn. Việc phải san sẻ quỹ thời gian của gia đình cho công việc cũng là yếu tố tác động tâm lý đối với phụ nữ.

Thêm vào đó, trong liên doanh, sự độc lập trong công việc thể hiện qua cả những chuyến công tác. Bay cả chặng dài, tới một nơi xa lạ với một thời gian biểu chặt chẽ, mọi việc đều một mình, từ di chuyển, họp hành, ăn uống… Và cũng nhờ những khó khăn đó, giúp cho tôi rèn luyện bản thân, vững vàng hơn, bản lĩnh hơn. Mà biết đâu, một yếu tố phái nữ cũng đã đem lại cho tôi phần nào lợi thế bên cạnh những khó khăn đó.

PV: Đi nhiều, tiếp xúc với các đối tác chủ yếu là người nước ngoài, bản thân chị phải sử dụng thành thạo bao nhiêu thứ tiếng để công việc có thể trôi chảy?

Trụ sở Ban Quản lý Dự án Công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Ngày 15/1/2013, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ Việt Nam, các văn bản liên quan, thư trao thầu Hợp đồng EPC Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Cùng ngày, lễ ký Thỏa thuận cung cấp dịch vụ bảo hiểm giữa Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bảo hiểm PVI. Theo thỏa thuận này, Bảo hiểm PVI sẽ chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ các loại hình bảo hiểm cần thiết trong quá trình xây dựng dự án cho chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia dự án bao gồm bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng lắp đặt, bảo hiểm cho quá trình vận chuyển hàng hóa thiết bị phục vụ dự án, bảo hiểm trách nhiệm bên thứ ba, bảo hiểm việc chậm trễ đưa dự án vào vận hành… với tổng mức đầu tư khoảng 9 tỉ USD.

Sáng 27/1, tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã tổ chức thành công lễ ký Hợp đồng EPC (thiết kế, xây dựng, vận hành) Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

PTGĐ Võ Thị Thanh Ngọc: Thật may là môi trường liên doanh yêu cầu tiếng Anh là ngôn ngữ thống nhất trong mọi giao dịch, mà bạn thấy, ngành Dầu khí mình thì luôn dùng tiếng Anh. Ngoài ra, tiếng Pháp cũng là ngoại ngữ tôi ưa thích và có thể giao tiếp bình thường.

PV: Mọi người đều bảo dầu khí là ngành rất đặc trưng, phụ nữ dầu khí hy sinh rất nhiều. Dấn thân vào nghề này chị có động lực gì không?

PTGĐ Võ Thị Thanh Ngọc: Mẹ tôi nói, từ bé tôi đã thể hiện sự độc lập, ít tâm sự, không nũng nịu. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhà chỉ có hai chị em nên cũng khá được chiều chuộng, có bạn gọi tôi là “gà công nghiệp”. Thế mà tốt nghiệp chưa được 1 tháng là xách vali vào Vũng Tàu, với một suy nghĩ rất đơn giản: “Dầu khí là Vũng Tàu, ở Hà Nội thì chỉ làm bản giấy” (năm 1997 Việt Nam chưa có nhà máy lọc dầu). Ba mẹ khóc sướt mướt tôi vẫn quyết tâm lên đường, chọn đi tàu hỏa để được ngắm chiều dài đất nước.

Tôi nghĩ đó là tính cách, tôi thích thử thách khám phá, không ngại cái mới, không ngại di chuyển. 16 năm trong ngành, tôi cũng trải qua vài công việc khác nhau ở một số công ty. Có lẽ là sự may mắn của tôi, cho tới bây giờ, tôi luôn thấy từng chặng đường, từng công việc đều rất thú vị. Vậy nên có lẽ với tôi không phải là hy sinh, mà ngược lại, tôi cảm ơn ngành đã đem lại cho tôi cả thuận lợi và khó khăn, cho tôi sự say mê và cho tôi cơ hội thể hiện bản thân mình.

Bỏ lại công việc phía sau khi về nhà

PV: Chị có quá khiêm tốn không khi mà chị đã góp công sức không nhỏ trong một dự án được đánh giá có tính chất bước ngoặt không chỉ với dầu khí mà với cả nước Việt Nam?

PTGĐ Võ Thị Thanh Ngọc: Đây là dự án đầu tiên thế chấp bằng chính dự án, nghĩa là đối tác phải tin vào những điều kiện đầu tư ở Việt Nam cho dự án để đầu tư và thỏa mãn điều kiện ngặt nghèo của các ngân hàng quốc tế cho khoản vay 5 tỉ USD. Và để đạt được thỏa thuận hợp tác này, đó là cả quá trình bền bỉ chỉ đạo đàm phán từ các cấp cao của Chính phủ các bộ, ban, ngành, các lãnh đạo Tập đoàn và sự góp sức của các cán bộ Tập đoàn. Dự án là kết quả của sự phối hợp nhuần nhuyễn của tất cả các thành viên, ngoài ra là sự đóng góp to lớn của lãnh đạo các cấp tỉnh Thanh Hóa, khu kinh tế Nghi Sơn và những người dân đã nhường những mảnh đất mảnh ruộng ông cha cho dự án.

Trong tháng 1/2013 vừa rồi, các văn bản pháp lý quan trọng đã được ký kết đánh dấu bước chuyển mình của dự án, báo chí cũng đã có nhiều thông tin về dự án và tầm quan trọng đối với Tập đoàn và Quốc gia. Phần công sức nhỏ bé cá nhân của tôi không thể đáng kể với công sức của bao thế hệ và bao người. Bạn phỏng vấn nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, tôi chợt nhớ mấy năm nay ngày 8/3 nào tôi cũng ở đâu đó với các cuộc họp, không biết năm nay có khác gì không.

Sa bàn Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn

PV: Hóa ra chị vẫn nhớ mình là “phái yếu”. Xin hỏi, trong công việc, trong quá trình làm việc của chị cho tới bây giờ, chị thấy phụ nữ có sắc đẹp sẽ có nhiều lợi thế hơn không?

PTGĐ Võ Thị Thanh Ngọc: Có chứ, ai trong chúng ta cũng đều thích cái đẹp, đàn ông hay phụ nữ đều vậy. Nên đương nhiên sắc đẹp luôn có lợi. Nhưng trong công việc chỉ khi sắc đẹp phối hợp cùng với trí tuệ thì mới có thể phát huy đúng và hết sức mạnh.

PV: Một người thành công như chị thì điều gì quan trọng hơn: gia đình hay sự nghiệp?

PTGĐ Võ Thị Thanh Ngọc: Gia đình. Mọi thứ tôi làm để cho gia đình nhưng điều quan trọng là làm sao hài hòa được quỹ thời gian và hiệu quả cho công việc và gia đình. Hạnh phúc của gia đình là mục đích sống của tôi. Và họ chỉ hạnh phúc khi thấy tôi khỏe mạnh, vui vẻ, tự tin trong xã hội. Vậy nên, những thành công của tôi trong công việc dù nhỏ hay lớn đều là niềm vui cho gia đình và đây cũng chính là động lực quan trọng cho công việc. Nếu hiểu từ “thành công” trong quan điểm này thì tôi xin nhận.

PV: Nhưng một người bận rộn, chị làm thế nào để tránh mang áp lực về nhà?

PTGĐ Võ Thị Thanh Ngọc: Với một môi trường phức tạp đan xen lợi ích như liên doanh thì áp lực trong công việc là không thể tránh khỏi. Cố gắng hiểu nguyên nhân, đặt mình vào vị trí đối tác để suy xét, cương quyết giữ những nguyên tắc cơ bản và cố gắng tốt nhất có thể dung hòa và tạo thiện chí giữa các bên.

Bản thân tôi luôn cố gắng khi đã ra khỏi văn phòng, dù muộn, là gác công việc lại và  không đem những tâm trạng không tốt của công việc về nhà, tách biệt rõ ràng công việc và gia đình. Dù quỹ thời gian dành cho gia đình là không nhiều, thường xuyên vắng nhà và muộn bữa tối, tôi rất tự hào là cả ba mẹ và con gái luôn cảm nhận được tình yêu và trách nhiệm của tôi dành cho họ. Gia đình là cán cân thăng bằng cho cuộc sống. 

Tôi tự hào về ngành Dầu khí

PV: Là một người nữ thành công với ngành, chị có chia sẻ gì với những bạn nữ trẻ bắt đầu bước chân vào ngành Dầu khí?

PTGĐ Võ Thị Thanh Ngọc: Tôi rất tự hào về ngành Dầu khí, với công việc mình đang làm. Với những bạn trẻ đã chọn ngành Dầu khí, tôi tin rằng các bạn đã có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp, về sở thích cũng như sở trường của mình. Như vậy, đã chọn, đã làm thì nên kiên trì đến cùng và nếu có thể hãy đốt cháy mình cùng niềm đam mê. Sự thành công sẽ không đến với sự hời hợt. Đừng ngại bày tỏ quan điểm của mình, mở rộng kiến thức chuyên môn cũng như xã hội, đừng ngại đặt câu hỏi và thành thật nói “tôi không biết”.

PV: Và chị đã học được gì từ công việc của mình?

PTGĐ Võ Thị Thanh Ngọc: Bước chân đầu tiên vào ngành là sự may mắn, ở môi trường Trường cao đẳng Nghề dầu khí, tuy xa nhà, tôi có sự quan tâm giúp đỡ của cấp trên, sự chia sẻ cuộc sống và tình thân như anh em một nhà giữa các đồng nghiệp giáo viên. Sau này, trải qua một vài công ty, vui có, buồn có, nhưng đọng lại trong tôi luôn là tình cảm thân thiết, chân thành của đồng nghiệp mà khi không còn làm việc trực tiếp với nhau, chúng tôi trở thành anh em, bạn bè. Tình người trong công việc là chỗ dựa tinh thần lớn cho tôi.

Dầu khí là một ngành kỹ thuật tiên tiến. Tôi luôn được tiếp cận với các kiến thức mới, đa dạng, những con người năng động, tinh tế, sắc sảo mà không kém phần trẻ trung, vui nhộn trong các hoạt động xã hội. Tôi luôn cảm nhận những điều mới mẻ mỗi ngày, từ những điều tưởng như đơn giản nhất. Dường như mỗi ngày đều là một trang sách mới.

PV: Và mong ước hiện tại của chị là gì?

PTGĐ Võ Thị Thanh Ngọc: Mong muốn thì nhiều lắm. Nhưng có lẽ với tôi, được làm công việc mình tâm huyết, được sự tin tưởng và chia sẻ của bạn bè đồng nghiệp, được sống với gia đình là những đều tôi luôn cố gắng.

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn được triển khai tại khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa có tổng mức đầu tư 9 tỉ USD, giai đoạn 1 có công suất 200 nghìn thùng/ngày (khoảng 10 triệu tấn/năm) gấp 1,5 lần công suất thiết kế của Dự án Lọc hóa dầu Dung Quất và là liên hợp lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam.

Khi đi vào vận hành thương mại, với các sản phẩm chính gồm: 2,3 triệu tấn xăng/năm, 3,7 triệu tấn dầu diezel/năm, khí hóa lỏng LPG…, tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và Nhà máy Dung Quất sẽ đáp ứng được 50% nhu cầu xăng dầu trong nước. Nguyên liệu của nhà máy từ dầu thô do phía Kuwait cung cấp.

Các sản phẩm chính là LPG, xăng (RON 92, 95), dầu Diesel (cao cấp, thường), dầu hỏa/nhiên liệu phản lực, nhựa PP, para-xylene, benzene và lưu huỳnh.

Dự án do 4 đơn vị kinh tế lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI), Tập đoàn Dầu khí Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) và Tập đoàn Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) tham gia góp vốn thành lập Công ty Liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn.


Thành Công - Thái Linh (thực hiện)

DMCA.com Protection Status