Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: Người lao động VNPOLY có quyền tự hào

20:02 | 05/01/2022

13,248 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 5/1, tại Hải Phòng, Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) tổ chức Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021, triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 và Hội nghị Người lao động năm 2022.

Tham dự hội nghị, về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Lê Xuân Huyên, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thùy Lan cùng đại diện lãnh đạo các ban, văn phòng Tập đoàn và các đơn vị ngành dầu khí đang sản xuất kinh doanh tại Hải Phòng.

Về phía VNPOLY có Chủ tịch HĐQT Đào Văn Ngọc, Tổng Giám đốc Trần Huy Thư và lãnh đạo các phòng ban, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, đại diện người lao động VNPOLY.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: Người lao động VNPOLY có quyền tự hào
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kiểm tra chất lượng sản phẩm sợi DTY của VNPOLY.

Năm 2021, VNPOLY tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác và ảnh hưởng xấu của dịch bệnh Covid-19 nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, kéo dài, đặc biệt là sự nhu cầu sụt giảm của thị trường TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức đó, với mục tiêu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, bên cạnh việc đảm bảo an ninh và bảo dưỡng Nhà máy, VNPOLY đã tập trung và nỗ lực triển khai thực hiện Hợp đồng gia công sợi DTY với Tổng công ty Shinkong (SSFC) và đối tác trong nước. Đồng thời vẫn nỗ lực thực hiện đào tạo nhân lực sẵn sàng cho kế hoạch nâng công suất sản xuất sợi theo kế hoạch đã thống nhất và điều chỉnh và quyết liệt xử lý quyết toán Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, cùng các tồn tại của những năm trước để tạo điều kiện triển khai mở rộng hợp tác sản xuất kinh doanh.

Ngay sau khi thị trường xơ sợi ấm lên, VNPOLY đã tích cực nâng cao sản lượng sản xuất sợi DTY, với số dây chuyền sản xuất trung bình là 22 dây chuyền trong cả năm. Từ tháng 11/2021, VNPOLY đã vận hành 27/27 dây chuyền gia công sợi DTY. Nhờ đó, sản lượng cả năm của VNPOLY ước thực hiện được 10.700 tấn, đạt 84% so với kế hoạch. Chất lượng sản phẩm sợi tái sinh bình quân đạt 91,5% cao hơn mức thỏa thuận trong Hợp đồng (85% chất lượng AA), sợi nguyên sinh đạt 92% chất lượng AA.

Doanh thu sản xuất sợi DTY cả năm 2021 ước đạt 301,5 tỉ đồng, tăng so với kế hoạch được chấp thuận là 98,8 tỉ đồng. Kết quả này có được là do VNPOLY đã chủ động trong sản xuất kinh doanh ngoài gia công cho đối tác nên đã tự sản xuất kinh doanh sợi để tận dụng tối đa máy móc thiết bị, tăng lợi nhuận để bù đắp một phần chi phí duy trì Công ty.

Trong năm 2021, VNPOLY cũng đã nỗ lực, chủ động tìm các giải pháp và cơ hội thị trường để gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh. Nhờ đó, kết thúc năm 2021, lợi nhuận trước định phí của VNPOLY ước thực hiện cả năm 2021 là 16,58 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh sợi DTY đạt 9,13 tỷ đồng, lợi nhuận từ tự doanh là 7,45 tỉ đồng.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: Người lao động VNPOLY có quyền tự hào
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Đặc biệt trong năm 2020 và 2021, VNPOLY đã chủ động cân đối và thu xếp các khoản chi phí tối thiểu mà các năm trước đó VNPOLY cần sự hỗ trợ của các cổ đông.

Bên cạnh đó, VNPLY cũng đang tích cực phối hợp với SSFC để thực hiện việc cải tạo dây chuyền POY để sản xuất POY tái sinh và lắp đặt thêm máy DTY và đầu tư xây dựng sản xuất Pet chip tái sinh tại nhà máy. Hơn thế nữa, VNPOLY còn hợp tác sản xuất xơ PSF cho các khách hàng hiện hữu, trong đó VNPOLY đã tổ chức ký kết lại được hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm với 9/11 đơn vị thuộc Vinatex.

Để cụ thể hoá các mục tiêp phát triển, mở rộng kinh doanh trong thời gian tới, VNPOLY cũng tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp FDI để thông tin kế hoạch sản xuất xơ PSF của Công ty trong năm 2022. Đồng thời, làm việc với SSFC để hỗ trợ bán hàng trong thời gian đầu khi đi vào sản xuất. VNPOLY hiện là đại lý tại Việt Nam của một số nhà sản xuất xơ Xiangly, Hengyi…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng biểu dương những nỗ lực vượt bậc của tập thể cán bộ công nhân viên VNPOLY, và cho rằng những thành tích của Công ty trong năm 2021 là đáng tự hào với nhiều kết quả nổi bật. Đó là VNPoly đã duy trì nhịp độ lao động sản xuất, đảm bao an toàn sức khỏe, đảm bảo tiền lương, phúc lợi cho người lao động. Tiếp đến là đưa toàn bộ 27/27 dây chuyền sản xuất xơ DTY vào hoạt động, sản xuất được hơn 10 nghìn tấn xơ DTY, đạt chất lượng cao hơn mức phía đối tác SSFC yêu cầu (đạt 92%, yêu cầu phía đối tác SSFC là 85%). Doanh thu đạt 301 tỉ đồng, vượt 49 % so với kế hoạch năm, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả khiến giảm 126 tỉ đồng lỗ kế hoạch.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho rằng các thông số nêu trên rất có ý nghĩa, là sự khẳng định năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm của VNPOLY, giúp các đối tác hiện tại và trong tương lai của VNPOLY có cái nhìn trực quan, thay đổi quan điểm sai lệch trước đây, để các đối tác củng cố niềm tin, tham gia cùng VNPOLY khắc phục khó khăn, đưa vận hành toàn bộ nhà máy trong thời gian sớm nhất.

Mặt khác, VNPOLY cũng hoàn thành cơ bản quyết toán dự án xây dựng Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, có phương án xử lý khu nhà ở cán bộ công nhân viên, xử lý tài sản tại PVTex Kinh Bắc.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: Người lao động VNPOLY có quyền tự hào
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho rằng, các hoạt động nêu trên của VNPOLY thể hiện tinh thần quản trị doanh nghiệp của một người đứng đầu thực thụ, sẵn sàng đối mặt, giải quyết khó khăn, tồn tại trong quá khứ, có quyết tâm giải quyết dứt điểm để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn.

Thứ ba là VNPOLY đã xây dựng được mối quan hệ trong và ngoài ngành rất tốt từ chính những hoạt động sản xuất kinh doanh chân chính của mình, đem lại giá trị thực cho các đối tác. Nhờ đó, VNPOLY đã ký kết lại được 9/11 hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị thuộc Vinatex làm bản lề cho công tác phân phối, bán sản phẩm trong năm 2022.

Những nỗ lực đó chính là cơ sở để Petrovietnam đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền và đã được chấp thuận đưa Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ ra khỏi danh sách các dự án/đơn vị khó khăn, thua lỗ thuộc ngành Công Thương. Ngoài ra VNPOLY còn tham gia hoàn thành công tác xử lý chống phá giá xơ sợi tổng hợp vào thị trường Việt Nam, hoàn thành mẫu D để nhận ưu đãi thuế quan xuất bán sản phẩm xơ sợi theo quy định của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do khác.

"Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ là dự án xứng đáng nhất trong các dự án được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án khó khăn của ngành Công Thương trong năm 2021", Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Năm 2021 đã đã khép lại, triển khai kế hoạch năm 2022, thị trường tiêu thụ các sản phẩm hỗ trợ cho ngành dệt may được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của VNPOLY vì thế sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn, bên cạnh việc phải xử lý các tồn tại kéo dài của những năm trước.

Trước những dự báo đầy khó khăn, thách thức đó, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đề nghị Ban lãnh đạo VNPOLY cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mở rộng thành quả sản xuất kinh doanh trong năm 2021, định hình và xây dựng tương lai cho sự phát triển của Nhà máy Xơ sợi Việt Nam với một số mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như sau:

Giữ vững, phát huy tinh thần và niềm tin của năm 2021 để VNPOLY tiếp tục đi tiếp trên con đường phát triển. Đánh giá kỹ thị trường và cơ hội của VNPOLY trong năm 2022.

"Đây là cơ hội lớn cần phải nắm bắt vì thế giới đang vào đà phục hồi kinh tế, lượng cầu sẽ rất lớn. Đơn cử ngành dệt may Việt Nam mỗi năm cần tới 400 triệu USD, nếu VNPOLY có thể tận dụng cung cấp 50% mặt hàng này là việc đáng suy ngẫm", Tổng Giám đốc Petrovietnam nói.

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng lưu ý, mặc dù hệ thống thiết bị của nhà máy là rất tốt, được bảo dưỡng theo đúng tiêu chuẩn nhưng vì dừng máy quá lâu nên phải tính toán kỹ việc bảo dưỡng, vận hành lại hết bao nhiêu chi phí và phải có sự khẳng định để phân xưởng PSF và phân xưởng Polymer hoạt động tốt; tập trung nguồn nhân lực, đào tạo kỹ sư công nhân vận hành đủ năng lực, trình độ; xử lý các vấn đề về tài chính để tạo cơ sở, niềm tin chào mời các đối tác hợp tác lâu dài...

VNPOLY phải đưa ra kế hoạch hoạt động kinh doanh có tính tham vọng cao như thoát lỗ trong 2 năm (2022-2023); đưa cả 2 dây chuyền dự phòng vào sản xuất sợi DTY trong quý I/2022; đến quý II/2022 đưa xưởng sản xuất PSF vào hoạt động tối thiểu 50% công suất; đặt chỉ tiêu 1 triệu sản phẩm may mặc trong năm 2022…

Tổng Giám đốc Mạnh Hùng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc VNPOLY cần cập nhật thông tin thị trường, tối ưu hóa các lĩnh vực sản xuất kinh doanh để từ đó tìm ra cơ hội có tính đột phá cho sự phát triển của Công ty.

"VNPOLY cần liên tục rà soát, đánh giá tài sản, triệt để phương trâm quản trị biến động để nâng cao vị thế các sản phẩm của VNPOLY trong chuỗi giá trị ngành dệt may Việt Nam, qua đó tối ưu hoá quá trình hoạt động để bước vào giai đoạn phát triển mới", Tổng Giám đốc Petrovietnam yêu cầu.

Thành Công

Chuyện chưa kể về nhà máy xơ sợi Đình Vũ Chuyện chưa kể về nhà máy xơ sợi Đình Vũ
VNPOLY được đưa ra khỏi danh sách các dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả VNPOLY được đưa ra khỏi danh sách các dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả
Lãnh đạo Petrovietnam kiểm tra hoạt động NMXS Đình Vũ và làm việc với các đơn vị dầu khí tại Hải Phòng Lãnh đạo Petrovietnam kiểm tra hoạt động NMXS Đình Vũ và làm việc với các đơn vị dầu khí tại Hải Phòng
Petrovietnam được sử dụng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để xử lý dự án chưa hiệu quả Petrovietnam được sử dụng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để xử lý dự án chưa hiệu quả

DMCA.com Protection Status