Tri ân các gia đình liệt sĩ đảo Gạc Ma tại Thái Bình

22:47 | 14/03/2018

3,112 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tưởng niệm 30 năm ngày hy sinh của các chiến sĩ Gạc Ma - Trường Sa (14/3/1988 - 14/3/2018), ngày 14/3, tại tỉnh Thái Bình, Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Hội CCB Tập đoàn) phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình đã tổ chức gặp mặt, tặng quà thân nhân gia đình liệt sĩ và cựu chiến binh trực tiếp chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa.  

Tham dự buổi gặp mặt có đồng chí Đặng Trọng Thăng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình; đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Bình; Đại tá Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình; đồng chí Trần Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách Hội CCB Tập đoàn cùng đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ Gạc Ma.

tri an cac gia dinh liet si dao gac ma tai thai binh
Đồng chí Trần Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách Hội CCB Tập đoàn trao quà cho bà Nguyễn Thị Gái, mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).

Cách đây 30 năm, ngày 14/3/1988, những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã ngã xuống, bảo vệ đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa.

Tại buổi gặp mặt thân nhân liệt sĩ và CCB tiêu biểu trực tiếp chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa, các đồng chí trong đoàn đã được nghe những câu chuyện cảm động từ thân nhân các liệt sĩ. Trong 64 chiến sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma năm đó có 9 người con của quê hương Thái Bình. Liệt sĩ Nguyễn Văn Phương, chiến sĩ tàu HQ-604, quê xã Mê Linh (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) là người trẻ nhất. Liệt sĩ Phương hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Gái, 81 tuổi, mẹ liệt sĩ Phương vẫn còn nhớ và chia sẻ: “Mặc dù đỗ Trường Sĩ quan Lục quân 1 nhưng Phương không nhập học. Đợi đến đợt tuyển quân, nó đăng ký nghĩa vụ quân sự vào đơn vị hải quân. Nó là người chịu khó, ngoan ngoãn, lanh lợi. Đóng quân ở xa hay gần đều biên thư về cho bố mẹ và các em ở nhà. Trước khi ra Gạc Ma công tác, Phương có gửi thư về cho gia đình nói từ nay không viết thư về nữa vì bận công việc. Từ ấy nó đi biền biệt...”.

Kể từ khi biết con trai hy sinh, bà Gái vẫn luôn giữ bên mình bộ quân phục của con và những lá thư đã ố vàng. Mỗi lần nhớ con bà lại ôm bộ quân phục ấy như đang ôm đứa con yêu của mình. 30 năm qua đi, nay tuổi đã cao, sức đã yếu, đôi mắt đã mờ không còn đọc rõ nét chữ con viết nhưng bà vẫn luôn thầm mong một ngày nào đó tìm được hài cốt của con để đưa về quê hương.

Hay câu chuyện về bức thư của người chiến sĩ hải quân Nguyễn Minh Tâm, nguyên cán bộ Trung đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải quân (xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) gửi cho vợ con trước khi theo chuyến hành trình ra đảo Gạc Ma làm nhiệm vụ.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hà, giáo viên Trường THPT Vũ Tiên (con gái liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm) đã không cầm được nước mắt khi mỗi lần đọc lá thư cuối cùng bố gửi về trước khi hy sinh. Lá thư viết ngắn gọn, nét chữ to tròn còn rõ từng nét mực là một trong những kỷ vật vô giá của Minh Hà về bố.

Cô giáo Minh Hà chia sẻ: “Tôi với bố không có nhiều khoảng thời gian bên nhau vì bố bận công tác ở đơn vị. Duy nhất có lần tôi được bố đưa ra đơn vị ngoài Hải Phòng, ở cùng bố gần 1 tháng trước khi bố vào Đà Nẵng công tác. Lá thư cuối cùng bố viết bảo đã mua một đôi dép và chiếc áo cho tôi. Bố còn hứa sau chuyến đi này về sẽ mua cặp cho con gái đi học...”.

“Biết bố thích ăn khoai tây luộc nên vụ đông năm đó mẹ tôi đã trồng rất nhiều khoai tây. Sau khi thu hoạch, mẹ cất những củ to nhất để dành chờ bố về. Rồi cả nhà nhận được thư bố gửi về nói phải đi Trường Sa đột xuất, không về được. Tết năm ấy bố không về. Mẹ nghe qua đài nên biết thông tin liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma nhưng vẫn chưa tin bố mất nên đã ra đơn vị bố để hỏi. Khi biết bố đã hy sinh, mẹ tôi khóc nhiều lắm. Trên ban thờ, ngày nào mẹ cũng luộc khoai tây để thắp hương bố...” - cô giáo Minh Hà nhớ lại.

Từ ngày bố mất, gánh nặng dồn hết lên vai mẹ. Cuộc sống của giáo viên ngày đó vất vả, khó khăn nhưng bà luôn dặn các con phải cố học, khó khăn thế nào mẹ cũng lo được. Có lẽ, an ủi lớn nhất trong cuộc đời bà kể từ ngày chồng hy sinh chính là nhận được thông tin tìm được 8 bộ hài cốt trong số 64 liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988. Trong số hài cốt tìm được có một phần hài cốt liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm. Ngày 20/11/2009, sau hơn 20 năm xa quê hương, liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm đã được yên nghỉ trong lòng đất mẹ quê hương xã Dân Chủ (huyện Hưng Hà).

Tại buổi gặp mặt, đồng chí Trần Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách Hội CCB Tập đoàn đã động viên, thăm hỏi sức khỏe thân nhân các gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa năm 1988 và trao tặng mỗi gia đình thân nhân một suất quà trị giá 2 triệu đồng cùng bày tỏ sự tri ân sâu sắc tới những liệt sĩ đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền biển đảo và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

tri an cac gia dinh liet si dao gac ma tai thai binh
Đồng chí Trần Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách Hội CCB Tập đoàn trao quà cho thân nhân gia đình liệt sĩ Gạc Ma tại tỉnh Thái Bình và cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Chia sẻ với thân nhân các liệt sĩ, đồng chí Trần Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách Hội CCB Tập đoàn bày tỏ, sự hy sinh của 64 chiến sĩ tại đảo Gạc Ma đã trở thành hình ảnh bất tử tô thắm thêm truyền thống của dân tộc Việt Nam về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Món quà tuy nhỏ không thể sánh được với sự mất mát quá lớn đối với các mẹ, các chị nhưng là tấm lòng thành, tri ân của đội ngũ những người lao động Dầu khí với các liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ - những người đã không tiếc máu xương, hy sinh anh dũng để chúng ta có cuộc sống hôm nay.

tri an cac gia dinh liet si dao gac ma tai thai binh
Đại diện Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình trao hiện vật cho Bảo tàng Thái Bình

Cũng nhân dịp này, đại diện Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình trao hiện vật là bộ quần áo mà thuyền trưởng tàu HQ-505 - Đại tá Vũ Huy Lễ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người con của quê hương Thái Bình mặc trong lúc chỉ huy chiến đấu, trực tiếp chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa cách đây 30 năm cho Bảo tàng Thái Bình để phục vụ công tác trưng bày, nghiên cứu.

30 năm đã qua từ ngày diễn ra trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma, 64 chiến sĩ hải quân năm xưa, trong đó có 9 người con của quê hương Thái Bình đã hóa thành bất tử, đã trở thành biểu tượng ngời sáng cho tinh thần yêu nước. Thế hệ hôm nay và mai sau nguyện sẽ nối tiếp truyền thống sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền đất nước, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Nguyễn Hoan

DMCA.com Protection Status