Trước hết cán bộ phải gương mẫu
Như đã hẹn, chúng tôi tới. Chủ nhà niềm nở “mở bài”:
- Thật ra thì suốt mấy năm qua chúng ta đã nhắc nhau, đã làm nhiều việc tốt, chính là học và làm theo Bác rồi. Lần này Chỉ thị của Bộ Chính trị mở rộng hơn về nội dung, đó là học tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác. Theo tôi, học được cả ba vấn đề đó thì hay nhất. Nhưng tùy theo nhiệm vụ công tác, bổn phận của mỗi người, có thể chỉ tập trung học Bác, sửa đổi phong cách làm việc cũng đã rất quý.
Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) Hoàng Ngọc Đang |
- Thưa anh, ở PVEP công nhân khai thác dầu khí chỗ các anh mà cứ nói chuyện cao xa học tư tưởng thì e có phần không hợp. Hãy bắt đầu từ việc làm của họ. Nói việc làm, chắc dễ “vào” hơn là phong cách - việc làm sao cho khoa học, tiết kiệm, có năng suất - Khách hưởng ứng.
- Chúng tôi đã đưa vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ các cấp nội dung đẩy mạnh học tập và làm theo Bác, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Rồi căn cứ Chương trình này lại phải cụ thể hóa một bước nữa. Nhưng tinh thần chung theo chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn là xây dựng được một phong trào rộng khắp, bền bỉ: Nêu gương và hiến kế. Ông to thì nêu gương lớn, hiến kế lớn. Ông nhỏ thì nêu gương từ việc nhỏ hằng ngày, hiến kế từ việc nhỏ như con bu-lông.
- Theo anh thì ngoài cách dùng từ quen thuộc lâu nay là học và làm theo Bác, có thể nói một cách cụ thể hơn, “đời” hơn không?
- Ô, chuyện này thú vị. Tôi rất thích nghiên cứu triết học phương Đông. Và thích nhất là luận thuyết về cảnh giới. Chuyện là thế này, nó chẳng cao siêu đến mức không ngộ được đâu. Đó là nhân sinh quan và quá trình nhận thức của con người qua bốn cảnh giới: Cảnh giới tự nhiên, cảnh giới công lợi, cảnh giới đạo đức và cảnh giới thiên địa… Ta đang nói chuyện đạo đức, vậy thì cảnh giới đạo đức là gì? Nôm na là thế này, con người trong cảnh giới đạo đức luôn làm việc vì “nghĩa”. Họ luôn lấy “cống hiến” làm trọng, làm mục tiêu cho mọi hành vi của mình. Những hành động vì mình là bộc phát. Họ hành động vì cộng đồng, tận tâm tận lực là vì “nghĩa”, để đem lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng xã hội. Nay ta thường nói “lợi ích nhóm”, những người thu vén cá nhân, chỉ lo cho “nhóm” của mình thì làm gì có nghĩa. Đạo Phật dạy “từ, bi, hỷ, xả”, đó là đức tính của người sống vì nghĩa.
Cho nên, càng đọc Cụ Hồ, suy ngẫm về lời nói, việc làm của Cụ, tôi càng thấy Cụ đúng là một vị Thánh. Dường như con người Ông Cụ nhuần nhuyễn Đông Tây, Phật pháp, vượt qua cả những cảnh giới kia. Nhưng học Cụ, không phải là học một Ông Thánh. Chúng ta học Cụ là học tinh thần cơ bản, học những điều cốt lõi trong hành trang tư tưởng, đạo đức, phong cách của Cụ. Chớ có học một cách máy móc, như mặc quần áo nâu, đi dép cao-su, không dùng máy điều hòa không khí… Khi Cụ Hồ làm Chủ tịch, đất nước còn trường kỳ kháng chiến, dân ta còn nghèo. Nhưng ngay từ ngày ấy, Cụ đã dặn: Tiết kiệm không có nghĩa là hà tiện, bủn xỉn. Thời nay ta vẫn phải tiết kiệm chứ. Tiết kiệm rất mạnh đằng khác. Hơn một năm nay giá dầu thô thế giới giảm chóng mặt. Điều đó bắt buộc chúng tôi phải thực hiện mệnh lệnh triệt để tiết kiệm. Nhưng tiết kiệm trên một định hướng lớn: tiết kiệm nguồn lực, chứ không dừng lại ở việc tiết kiệm chi phí, cơ sở vật chất. Đấy, tinh thần cơ bản chúng ta học Cụ chính là như thế.
Người lao động PVEP tại giàn Đại Hùng |
- Anh vừa nói đến những con người sống vì nghĩa, việc này Bí thư Đảng ủy “giảng” cho thanh niên trong tổng công ty ra sao?
- Cố gắng thoát li sách vở, cố gắng tránh giáo điều. Tôi chán nhất những anh còn trẻ, thuộc nghị quyết, chỉ thị làu làu, nhưng làm thì dở, chả có điều gì làm gương cho cấp dưới cả. Tôi thường bàn với các bạn trẻ rằng, bây giờ các bạn hưởng lương chuyên viên thấp lắm, thấp hơn trưởng ban, thấp hơn tổng giám đốc. Vậy thì phải phấn đấu để có lương cao hơn, không phải phấn đấu để làm “quan”. Mình làm việc tốt là vì mình, vì tập thể, chứ không phải làm việc cho sếp, vì sếp. Như thế mình chỉ là cái bóng của người khác, mình tự mài mòn cá tính, nhân cách. Ở “Tổng” này có anh, chị em còn rất trẻ được cất nhắc vào các vị trí. Khi xếp lương có thể cho anh em mức cao hơn 5-7 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng lãnh đạo thống nhất với nhau, hẵng xếp mức lương vừa phải thôi, trước hết để thử thách thêm, sau nữa là khỏi tạo tâm lý hơn thua trong đội ngũ cán bộ cùng trà cùng lứa, có khi lại tạo áp lực cho người vừa được đề bạt. Cánh tôi bây giờ “già” rồi, cũng thua nhiều, phải trả học phí nhiều, cho nên cố gắng nói về cái thua để người sau đừng giẫm vào dấu chân mình.
Còn nói về đạo đức thì tôi hay nghĩ về câu nói của Bác Hồ: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng”. Tôi thường nói với các bạn trẻ thế này, rằng cái tài giống như thân cây ấy, đức là gốc cây. Gốc phải vững, rễ phải ăn sâu vào lòng đất thì khi gió bão cây mới không đổ, gốc phải “nặng” hơn ngọn. Cho nên phải chăm sóc cây, không để thân sâu, vào mùa mưa bão, người ta phải đi tỉa cành. Cây cao gió cả, cành càng sum suê càng dễ bị quật gốc.
- Mọi người cùng lo giữ “gốc” thì sẽ bền, việc học và làm theo Bác Hồ sẽ không dừng ở những lớp sóng, khi xô mạnh ào ạt, khi lại phẳng lặng như mặt hồ thu. Theo anh thì để việc thực hiện Chỉ thị 05 lần này làm sao tránh được những nhược điểm trước đây, như đánh giá của Trung ương: “Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên”?
- Cần phải có những tấm gương trong, gương sáng. Cán bộ càng giữ chức vụ cao tiêu biểu tấm gương trong càng tốt. Tôi nhớ, cách đây hàng nghìn năm Nguyên phi Ỷ Lan đã nói với Vua Lý Thánh Tông về người làm quan, rằng phải tự mình tu đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh; dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật… Tự mình tu đức là điều hay lắm. Làm quan phải biết nỗi khổ của dân, phải biết tu thân. Có tu thân thì mới tề gia, trị quốc được. Nhưng, như các anh thấy, hiện thời quá hiếm những tấm gương các vị lãnh đạo có tài, có đức, để cấp dưới nhìn vào mà học. Chẳng hiếm anh mũ cao áo dài, nói làu làu về học Bác Hồ mà toàn làm ngược lại. Mong sao có những ông Bộ trưởng, ông Bí thư Tỉnh ủy sáng như gương để dân nhìn vào. Đọc báo, nghe đài chỉ thấy cựu chiến binh gương mẫu, nhà sư làm từ thiện, bác tổ trưởng dân phố hết lòng vì việc chung…
p đoàn chúng ta thì sao?
- Như tôi đã nói ban đầu, chúng tôi đặc biệt coi trọng việc nêu gương của cấp trên. Tinh thần cơ bản của Chương trình hành động là cấp trên nêu gương, bằng những việc làm cụ thể. Rồi phát cho mỗi cán bộ trong tổng công ty một bản xin ý kiến. Để anh em dễ hình dung, tôi xin nói một số con số điển hình: Những năm qua, PVEP có thêm 14 phát hiện dầu khí trong nước và 5 phát hiện dầu khí ở nước ngoài. Trong đó 7/19 phát hiện dầu khí trong giai đoạn này có được từ các dự án PVEP trực tiếp điều hành. Một số phát hiện tiêu biểu ở trong nước như Kình Ngư Trắng, Kình Ngư Vàng, Hàm Rồng Đông & Hàm Rồng Nam, Thần Nông, Đại Hùng Nam, đặc biệt là việc phát hiện Cá Voi Xanh… Trước những khó khăn, thách thức rất lớn của doanh nghiệp đề nghị các nhà khoa học, cán bộ, công nhân viên hiến kế mấy việc: Làm thế nào để đạt chỉ tiêu gia tăng trữ lượng, đạt sản lượng khai thác? Cụ thể hơn là các vị hiến kế cho, làm sao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; làm sao để nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; làm sao để bảo toàn nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển; rồi làm sao để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất… Vừa qua chúng tôi đã nhận được một số bản “hiến kế” theo sát những gợi ý nêu trên. Có những ý kiến rất tốt. Nhưng cũng phải nói thật, có những điểm phải gỡ từ trên. Thí dụ, đang có những vênh nhau khá lớn giữa công tác chỉ đạo trong hệ thống quản lý và thực tiễn, mà người làm doanh nghiệp thì luôn phải bơi trong sóng gió thị trường, là người làm thực tiễn. Chỉ đạo chung chung, lãnh đạo chỉ “chém gió” thì khó chuyển tình hình. Nói đạo lý bao giờ cũng phải gắn với cái tình cái lý, gắn với những giải pháp cụ thể, làm gì, làm thế nào, khó khăn gì, khắc phục ra sao…?!
- Nhân anh nói về khó khăn, hiện công tác cán bộ ở đây đang khó nhất là cái gì? Chắc là không thiếu nguồn, không thiếu cán bộ trẻ. Liệu có phải khó khăn nhất là đánh giá đúng cán bộ?
- Tôi nói cái chung thôi, không hoàn toàn ở chỗ chúng tôi. Đánh giá cán bộ cũng có hai mặt. Một số vị đánh giá sai cán bộ là do không sâu sát, thiếu thông tin, do không khách quan. Nhưng cái này, phổ biến hơn, thí dụ thôi, không ám chỉ ai, biết là anh A yếu về mặt này, mặt kia, đeo đến quân hàm đại tá đã quá rồi, vậy mà lên đến… Tướng. Anh A lên được là do được đánh giá tốt. Thế là sự đánh giá đó là đánh giá… giả. Vì rằng anh này đức tài đều kém, nhưng biết “chăm sóc”, “thăm nom” thủ trưởng thường xuyên. Căn bệnh chạy chức, chạy quyền ra đời từ đây, nó cần có một phương thuốc là từ nay vứt hết những bản “đánh giá giả” đi! Phải thay đổi cái thước đo cán bộ cong vênh đi. Bác Hồ thường nhắc hai từ “thật sự” là như thế.
- Vâng. Đúng là phải làm thật, làm thật sự thì tình hình mới chuyển. Lần này việc học, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ PVEP sẽ làm thật sự, chuyển biến thật sự?
- Một câu hỏi khó. Quyết tâm chính trị thì rõ rồi! Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc quyết tâm cao. Nhưng khó nhất là lãnh đạo phải làm gương từ việc to đến việc nhỏ. Núi Thái Sơn trước mặt thì ai cũng nhìn thấy. Nói nhiều quá mà không làm thì càng mất niềm tin hơn. Muốn chuyển biến thật sự thì phải có được niềm tin của tập thể. Và chuyển biến rồi thì niềm tin mới được củng cố, được nâng lên. Đó là hai mặt của một vấn đề.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi tạm dừng khi Tổng giám đốc Ngô Hữu Hải xuất hiện. Có việc gấp. Xin phép các nhà báo tôi “mượn” đồng chí Bí thư ít phút. Chuyện thường ngày ở huyện mà… Giá dầu thô thế giới nhúc nhích lên. Đà này có cơ thoát hiểm. Vì vậy mà một núi công việc đang đặt ra.
Nhưng khó nhất là lãnh đạo phải làm gương từ việc to đến việc nhỏ. Núi Thái Sơn trước mặt thì ai cũng nhìn thấy. Nói nhiều quá mà không làm thì càng mất niềm tin hơn. Muốn chuyển biến thật sự thì phải có được niềm tin của tập thể. Và chuyển biến rồi thì niềm tin mới được củng cố, được nâng lên. Đó là hai mặt của một vấn đề. |
Hải Đường - Tiến Dũng