Từ Điện Biên Phủ đến giàn khoan

14:57 | 07/05/2014

901 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
60 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa giờ vẫn nhớ như in hồi ức về một cuộc chiến vô cùng gian khổ nhưng hào hùng, đáng tự hào nhất trong cuộc đời binh nghiệp của họ. Trong số đó, có cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ, ông Trần Hồng Trang. Hòa bình lập lại ông chuyển ngành về công tác ở Tổng cục Dầu khí (TCDK) hơn 10 năm. Những kinh nghiệm trên chiến trường, trong quân đội giúp ích ông rất nhiều khi làm công tác cán bộ tại TCDK. Gặp ông trong những ngày tháng Tư lịch sử, với chất giọng hào sảng, ông kể về lịch sử, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về Điện Biên Phủ, về dầu khí...

Năng lượng Mới số 319

Một đời cầm súng

Trước khi đến gặp ông Trần Hồng Trang, tôi đã xem bộ phim “Điện Biên Phủ: Cuộc chiến giữa Hổ và Voi” (The Battle Between a Tiger and an Elephant) của đạo diễn người Pháp Daniel Roussel. Trong phim có đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nếu như con hổ dừng lại thì sẽ bị đâm thủng bởi ngà voi sắc bén. Nằm mai phục trong rừng rậm vào ban ngày, chú hổ leo lên lưng con voi vào ban đêm, cào xé con voi rồi biến mất. Chú hổ sẽ tiếp tục tấn công con voi cho đến khi con voi bị kiệt sức vì mất máu. Điện Biên Phủ sẽ là mồ chôn của con voi”. Và sự tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành sự thật, Điện Biên Phủ trở thành mồ chôn con voi thực dân. Ở tuổi 84, mắt không còn nhìn sáng rõ như xưa và làn da có nhiều nốt đồi mồi vì từng trải qua căn bệnh ung thư da, nhưng ông Trần Hồng Trang kể tôi nghe câu chuyện lịch sử như mới diễn ra hôm qua.

Ông Trần Hồng Trang

Ngày ấy, cậu bé Trần Hồng Trang tham gia cách mạng rất sớm, mới 15 tuổi, ông đã chạy theo dân làng khởi nghĩa. 16 tuổi được nhận là thanh niên cứu quốc. Năm 1946, ông đã là lính vệ quốc đoàn. Nhờ tư chất thông minh, nhanh nhẹn, lém lỉnh mà cậu Trang được cách mạng chọn đưa về núi Mộ Thổ - Bắc Giang để được huấn luyện binh nghiệp. Rồi làm Tiểu đội phó dù ít tuổi nhất trong tiểu đội 12 người, phụ trách cả những anh lính khố đỏ và lính khố xanh mới theo cách mạng. Dù nhỏ tuổi nhất nhưng họ vẫn nể anh tiểu đội trưởng vì có trình độ học vấn cao nhất trong 12 anh lính, lại nói được tiếng Pháp và thật thà, chăm chỉ (đã học xong Thành chung năm thứ nhất, tương đương lớp 5 bây giờ).

Ông Trang bảo rằng, trong cuộc đời binh nghiệp của mình thì giai đoạn ở Điện Biên Phủ là giai đoạn gian khổ nhất nhưng cũng đáng tự hào nhất. Đây là trận chiến quyết định giữa Việt Minh và Pháp. Chính phủ Pháp phải đưa tướng Nava sang, tập trung quân thật nhiều, thật lớn, quyết chí trong vòng mười mấy tháng xóa sổ Việt Minh. Lúc này, chiến sĩ Trang đang ở Sư đoàn 320 Đồng bằng Bắc Bộ. Pháp xây dựng ở Điện Biên Phủ một căn cứ điểm bất khả xâm phạm. Ông Trang nhớ lại, sau khi phân tích nhiều mặt giữa ta và địch có chênh lệch thuận lợi và khó khăn ra sao thì Đảng và Chính phủ thấy ta thuận lợi hơn địch nhiều. Bộ Chính trị quyết định đối đầu với Pháp ở Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, ông Trang chưa tham gia trực tiếp vào chiến dịch ngay từ đầu mà được điều lên bộ phận bảo vệ Bộ Chỉ huy thuộc Bộ tổng Tham mưu. Nhưng với bản tính hiếu động, không thích sống trong không gian tĩnh tại ở văn phòng, nên một năm sau đó ông được chuyển xuống đơn vị chiến đấu. Cùng lúc đó ông đi học các loại vũ khí, các loại pháo binh. Và khi Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra thì ông đã là cán bộ pháo binh.

Ông vẫn nhớ hành trình kéo pháo, chia ra nhiều đường và tổ chức đưa pháo lên Điện Biên Phủ rất gian khổ. Riêng lực lượng pháo binh không đủ sức đưa pháo lên đồi mà phải huy động cả một trung đoàn (một trung đoàn có trên dưới 1.000 người) để hỗ trợ kéo pháo vào, hỗ trợ đào hầm và hỗ trợ kéo pháo ra. Nói về việc phải kéo pháo ra, ông bảo: “Đó là một quyết định lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Ông kể: “Sau này nghe các anh kể lại, Đại tướng đã thức nhiều đêm liền suy nghĩ rồi mới quyết định thay đổi chiến lược”. Đúng lúc tình hình các chiến sĩ đang xáo trộn thì ông Trang được chuyển từ phái viên quân sự sang làm phái viên chính trị. Nhiệm vụ của phái viên chính trị rất quan trọng, trong lúc đó, phải giải thích, giáo dục, tuyên truyền, vận động, thông suốt cho mọi người hiểu vì sao phải kéo pháo ra theo chiến lược mới. Chỗ này lập một toán, chỗ kia một trung đội, chỗ khác một trung đội nên phái viên chính trị phải tăng lên liên tục để giáo dục tư tưởng, chính trị cho anh em yên tâm chiến đấu, không bị xáo trộn tư tưởng.

Ông Trần Hồng Trang trước Tòa nhà Quốc hội Azerbaijan (Ba Cu) năm 1986 (ảnh tư liệu)

Ngay giai đoạn hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ, phải tạm dừng mấy ngày chờ lệnh thì công tác chính trị, công tác tư tưởng phải thật sâu sát để ổn định tình hình tư tưởng các chiến sĩ. Lúc đó, nhiệm vụ của phái viên chính trị càng vất vả hơn. Trong đó có không ít đồng chí Tiểu đoàn trưởng, Đại đoàn trưởng bị phê bình là thiếu kiên quyết, thiếu dũng cảm.

Đến giai đoạn đánh đồi Him Lam, đánh đồi Độc Lập thì ông Trang bị thương. Gối, đùi và chân không đi được phải ngồi xe lăn nhưng ông Trang bảo, từ bụng trở lên đầu vẫn tỉnh táo. Sau đó, ông được chuyển về tuyến sau. Đến bây giờ hồi ức lại, ông thấy vô cùng phục Đại tướng với quyết định kéo pháo ra, thực hiện chiến lược “Đánh chắc, thắng chắc”. Ông kể: “Mấy ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Giáp đi qua vị trí hậu cần, trong đó có rất nhiều thương bệnh binh. Bác hỏi: “Các cậu biết được thắng lợi như thế nào chưa. Nói rồi. Bác bảo, bắt được trọn vẹn bộ chỉ huy của tướng Đờ Cát”. Ông Trang vẫn nhớ như in phong thái Bác Giáp thật điềm tĩnh, vui vẻ, đi qua dãy hậu cần báo tin và nhẹ nhàng tươi cười chứ không hề đắc thắng, kêu ngạo gì cả.

Cho đến cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, ông Trang lại nhớ đến tướng Giáp với mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”. “Còn nhớ hồi Chiến dịch Điện Biên Phủ gay go như thế, các cố vấn quân sự Trung Quốc thảo luận với Bộ tổng Tham mưu của ta phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” nhưng Đại tướng không đồng ý mà phải thay đổi sang chiến lược “Đánh chắc, thắng chắc” để đỡ tốn xương máu của chiến sĩ ta và bảo toàn được lực lượng. Có lực lượng dự bị còn có vốn để đánh lâu dài. Phải nói rằng, các trường hợp khó khăn nhất, gian khổ nhất, chuyển biến nhất thì Đại tướng có đầu óc tỉnh táo nhất. Nay Đại tướng không còn nữa!” - ông trầm ngâm. 

Có lẽ vì thế mà chúng ta không có gì làm ngạc nhiên khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp được suy tôn là vị tướng soái có công lớn nhất với đất nước và có tầm ảnh hưởng lớn đối với lịch sử thế giới trong 10 vị tướng lỗi lạc nhất thế giới. Trong 10 vị tướng lỗi lạc này thì Việt Nam có Tướng Trần Hưng Đạo dưới thời nhà Trần và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới thời đại Hồ Chí Minh.

Sau 1975, ông Trang có dịp gặp lại Đại tướng tại Huế. Lúc này ông đã là Chính ủy Trung đoàn và kiêm Phó chính ủy Đ74 Thừa Thiên - Huế. “Hôm gặp Đại tướng, Người ra lệnh không cần ai đi bảo vệ để được thoải mái trò chuyện. Cả đoàn khoảng 10 người đi dọc sông Hương nói chuyện. Sau Đại tướng dừng lại nói: “Bây giờ giải phóng rồi, thảnh thơi nói chuyện, còn bàn được chuyện súng đạn, giải phóng một hai năm nữa thôi. Còn sau này phải bàn chuyện làm kinh tế. Cho nên bộ đội mai kia phải lo làm kinh tế đấy”. Qua đó thấy tầm của Đại tướng càng lớn lao. Y như rằng, sau đó một vài tháng ông Trang được rút đi học tại Trường ĐH Huế. Lúc này Quân khu phối hợp với ĐH Huế mở lớp về quản lý kinh tế. Chính nhờ dự lớp học đó mà ông Trang gặp ông Đinh Đức Thiện. “Ơ thằng này, mày còn ở đây à. Giờ chính trị, quân sự bớt lại. Lo làm kinh tế đi”, ông Đinh Đức Thiện nói chuyện với ông Trang một cách thân tình như vậy. “Ông Đinh Đức Thiện kêu tôi chuyển về dầu khí làm nhưng tôi còn đắn đo suy nghĩ. Sau ông Thiện mắng tôi một trận: “Mày ham gì cái quân hàm đại tá đấy. Mày cứ sang dầu khí. Mày có năng lực thì sẽ làm được. Mày cứ làm kinh tế đi thì Đảng và Nhà nước sẽ đãi ngộ mày, đâu có gì mà thiệt thòi. Chứ mày chết đi có mang theo tiền đong gạo nước gì không. Ở thì đã có nhà tập thể rồi…”.

Một thời dầu khí

Sau đó ông Đinh Đức Thiện đưa ông Trang về làm ở Công ty Dầu khí 1 Thái Bình. Đây cũng chính là cái nôi của ngành Dầu khí Việt Nam. Từ đây, có rất nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của ngành Dầu khí xuất thân từ Công ty Dầu khí 1 Thái Bình. Ông Trang kể tường tận, nào là ông Trương Thiên, Nguyễn Ngọc Cư, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Văn An, Phan Minh Bích... Về công tác ở Công ty Dầu khí 1 Thái Bình với chức vụ Bí thư Đảng ủy trong giai đoạn đầu cũng không hề suôn sẻ chút nào. Trước khi ông về thì Đảng bộ Công ty Dầu khí 1 Thái Bình như “Nhà trò giữ nhịp”, không có gì nổi bật nhưng nhờ sự năng nổ, xốc vác, ông kêu gọi bộ phận khoan, bộ phận khai thác lấy mục đích chỉ tiêu rõ ràng để phát động thi đua. Sau, ông có dịp làm việc trực tiếp với các chuyên gia Liên Xô. Một chuyên gia Liên Xô nói với ông: “Tôi về đây hai năm mà chưa có dịp làm việc với Đảng bộ Việt Nam. Anh về, chúng ta có dịp làm việc với nhau”.

Đoàn đại biểu Chính phủ do đồng chí Đỗ Mười làm trưởng đoàn đến khánh thành Xí nghiệp Khai thác Khí đầu tiên của Việt Nam tại Thái Bình (năm 1981) (ảnh tư liệu)

Hai năm sau, ông Đinh Đức Thiện và ông Nguyễn Hòa quyết định điều chuyển ông Trang làm Vụ phó rồi Vụ trưởng thuộc Tổng cục Dầu khí. Ông bảo: “Tôi chuyển đi anh em cứ buồn ngẩn ngơ, nhất là khối thanh niên, công đoàn… và bản thân tôi cũng rất luyến tiếc thời làm Bí thư Đảng ủy Công ty Dầu khí 1 Thái Bình. Có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc”. Sau đó vài năm, ông vào phụ trách công tác cán bộ dầu khí ở phía nam. Không may thay, về Vũng Tàu chỉ một thời gian ngắn thì ông mắc bệnh nặng. Cứ tưởng không qua khỏi nên ông viết đơn xin nghỉ việc gửi lên Tổng cục Dầu khí để lo chữa bệnh. May là bệnh mới khởi phát, mổ sớm nên qua khỏi.

Giờ ngẫm lại, ông vẫn thấy rằng, lúc đó từ quân đội chuyển sang dầu khí là cơ duyên trong cuộc đời. Vì hai mươi năm trong quân đội, từ anh chiến sĩ trẻ, sau lên làm Chính ủy, gắn bó rất nhiều kỷ niệm đời binh nghiệp. Nhưng sau nhờ ông Đinh Đức Thiện mắng cho một trận đã giúp ông tỉnh ngộ ra. Thời bình, bộ đội phải tham gia làm kinh tế để góp phần đưa nước nhà thoát khỏi đói nghèo được. Ông Đinh Đức Thiện phân tích rất thực tế, rất giản dị. Khi chuyển về dầu khí, ông Đinh Đức Thiện bảo: “Dầu khí là tài nguyên của quốc gia và tiền đồ của đất nước, của nhân dân, chúng mình làm và con cháu chúng mình sẽ được hưởng”.

Về dầu khí rồi ông mới nhận ra đây là nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp phát triển kinh tế xây dựng đất nước. Làm Vụ trưởng, ông thấy trách nhiệm mình quá nặng. Để đưa Tổng cục phát triển lên tầm cao mới thì việc đầu tiên phải xây dựng thành công việc quy hoạch cán bộ, sử dụng cán bộ cho đúng chỗ, đúng mục đích, đúng chuyên môn. Không ít lần những đề xuất luân chuyển cán bộ của ông khác với lệnh của lãnh đạo ở trên đưa xuống nên bản thân ông cũng vấp phải sự không đồng tình từ nhiều người. Mấy chục năm sau nhìn lại, ông vẫn thấy những quyết định của mình thời kỳ đó là công tâm, sáng suốt. Giờ xem lại cuốn sổ “Trích yếu lý lịch” những người ông từng đề nghị luân chuyển dù vấp nhiều ý kiến phản đối nhưng sau các vị này đều giữ các chức vụ quan trọng trong ngành Dầu khí, như các đồng chí Nguyễn Cảnh, Nguyễn Ngọc An, Phùng Hưng... Đây là những người được ông yêu cầu chi bộ kết nạp Đảng khi họ vì vấn đề này vấn đề kia mà chưa thể kết nạp Đảng.

Ông Trần Hồng Trang (ngồi giữa) và các chuyên gia dầu khí Liên Xô đầu xuân Tân Dậu (ảnh tư liệu)

Trò chuyện với ông Trang mới biết, hóa ra tên thật của ông là Phùng Chí Cử, sau vì chiến tranh loạn lạc và nhiều vấn đề khác mà ông đổi họ thay tên. Ông vẫn nhớ năm 1977-1979 là thời kỳ cực kỳ khó khăn của ngành Dầu khí nước nhà. Rất nhiều người vào ngành rồi lại bỏ ngành. Những người trụ lại ngành nhưng cuộc sống rất vất vả. Ông còn nhớ khi điều động anh em cán bộ Công ty Dầu khí 1 Thái Bình vào làm việc tại Vietsovpetro rất khó khăn. Nhiều người không muốn vào vì lúc này dầu khí chưa có gì cả. Thiếu thốn đủ bề. Chưa kể là lúc đó còn chưa có nhà công vụ cho cán bộ ở.

Giờ đây, nhìn lại quãng đời đã qua, ông nói trong niềm tự hào là may mắn được có mặt trong ngành Dầu khí. Giờ đây có dịp, dù có đau yếu ông vẫn cố gắng đi tham dự để gặp lại những cán bộ dầu khí năm xưa.

Có thể nói cuộc đời ông có nhiều may mắn, lẫn vất vả, gian truân. Trong hai cuộc kháng chiến ông đều đứng trong đội ngũ Bộ đội Cụ Hồ, những quân nhân cách mạng. Nếu kháng chiến chống Pháp ông từng có mặt ở trận Điện Biên Phủ lịch sử thì sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông có mặt ở mặt trận Bình Trị Thiên cực kỳ ác liệt. Sau ông về dầu khí khi khoan được giếng dầu đầu tiên thì ông cùng Tổng cục trưởng Nguyễn Hòa và Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Linh bay ra giàn khoan để hòa chung niềm vui sướng, hạnh phúc đón tấn dầu đầu tiên của đất nước. Mừng đến rơi nước mắt.

Nói về thế hệ dầu khí hôm nay, ông bảo, hạnh phúc cho đất nước nào có biển mà lại có dầu. Dân tộc đó phải đưa nhân lực, tài lực ra để giữ gìn tiềm năng đó và biến nó thành sự thật. Trong khi thế giới có nhiều biến động như hiện nay thì người làm dầu khí cũng là một chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc. Mỗi giàn khoan phải là một cứ điểm bảo vệ Tổ quốc cho vững chắc chứ không đơn thuần là khai thác dầu khí. Thậm chí có lúc phải đối mặt thách thức, có cả hy sinh. Quan trọng hơn nữa Nhà nước phải quan tâm xây dựng đội ngũ người dầu khí có đức tài. Đây là hai tố chất quan trọng để phục vụ ngành và phục vụ tổ quốc vì đất nước mình còn nghèo lắm. Ông vẫn nhớ Đại tướng đã nói rằng: “Đất nước ta đã độc lập, tự do lâu lắm rồi và có điều kiện hơn nhiều nước nhưng tại sao đến giờ dân tộc ta vẫn còn nghèo và đói khổ, kém phát triển hơn nhiều nước xung quanh ta. Nên chúng ta phải biết xấu hổ mà cố gắng vươn lên”.

Những lời Đại tướng nhắc nhở cách đây không lâu cũng như những điều ông Trần Hồng Trang tâm niệm vẫn là câu hỏi đau đáu của những người lao động dầu khí. Qua đó càng thấy trách nhiệm của người làm dầu khí cao hơn, phải làm sao để ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước, góp phần xứng đáng vào việc đưa đất nước thoát nghèo, phát triển vững bền.

Thiên Thanh

 

DMCA.com Protection Status