Tự hào trí tuệ người thợ dầu khí

09:25 | 06/12/2011

750 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Bản lĩnh và trí tuệ của những người thợ cơ khí dầu khí PV Shipyard đã được khẳng định khi chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90m nước lần đầu tiên được tổ chức sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm đầu tay đã giúp PV Shipyard đào tạo được đội ngũ nhân lực trẻ làm chủ được công nghệ tiên tiến của thế giới về thiết kế chế tạo giàn khoan dầu khí, mở ra triển vọng lớn cho việc chế tạo những giàn khoan tiếp theo, mang lại niềm tự hào cho Petrovietnam…

Thử thách và bản lĩnh

Có đến thăm “căn cứ” đóng mới và sửa chữa giàn khoan dầu khí của Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) đặt tại Bà Rịa – Vũng Tàu – nơi chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90m nước, thì mới tận mắt chứng kiến sự trỗi dậy của sức mạnh nội lực từ những người thợ cơ khí dầu khí Việt Nam.

Khối giàn khoan khổng lồ – Giàn Tam Đảo 03 – hiện ra sừng sững tại bãi chế tạo của PV Shipyard khiến mọi người có thể choáng ngợp khi lần đầu tiếp cận. Nhìn cận cảnh mới thấy bên trong phần thân giàn là những cụm thiết bị công nghệ tối tân. Tất cả đều được thiết kế, lắp đặt công phu chính xác dưới bàn tay thạo nghề của những người thợ cơ khí. Theo thông tin từ PV Shipyard, để chế tạo giàn khoan này, các công nhân, kỹ sư đã phải thi công khoảng 9.685 tấn kết cấu, 950 tấn đường ống công nghệ, 1.748 tấn thiết bị, các hạng mục như điện, điện tự động, kiến trúc nội thất.

Giàn khoan tự nâng 90m nước Tam Đảo 03

Kỹ sư Nguyễn Văn Đức, 36 tuổi, Giám đốc Nhà máy Chế tạo giàn khoan của PV Shipyard, người tham gia quản lý thi công giàn khoan tự nâng 90m nước từ những ngày đầu, chia sẻ: “Công trình có quy mô đặc biệt về khối lượng và kích thước nên một trong những thách thức lớn khi chế tạo là phải chống và sửa biến dạng trong quá trình lắp đặt. Điều này đòi hỏi phải cực kỳ chính xác từ khâu thiết kế khối chân đế cho đến phần thân giàn. Đối với hệ thống nâng hạ giàn khoan cũng phải đảm bảo dung sai chính xác từng milimét”. Theo kỹ sư Đức, chính những yêu cầu khắt khe của giàn khoan tự nâng về công nghệ cao đã đòi hỏi lượng chất xám đáng kể từ lực lượng công nhân, kỹ sư của PV Shipyard.

Quy mô công trình lớn và phức tạp, lại yêu cầu rất khẩn trương, điều đó buộc Tổng thầu PV Shipyard tính toán kỹ càng các khâu mua sắm, đặt hàng vật tư thiết bị phải hết sức nhịp nhàng. Ngoài ra, công trình cũng gặp không ít thử thách trong thời điểm đầu triển khai, khi phải tiến hành đồng thời các công việc thiết kế, mua sắm, lắp đặt thiết bị. Để thi công đúng tiến độ, công trình phải huy động một lực lượng lao động rất lớn, vào lúc cao điểm phải huy động 1.500-2.000 người (đa số là lao động trẻ) từ lực lượng chủ lực của Tổng thầu PV Shipyard cùng sự tham gia của các nhà thầu phụ PTSC-MC, PVC-PT, PVSB…

Chính nhờ những người thợ trẻ của PV Shipyard với hàng chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong suốt quá trình triển khai dự án, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí đáng kể, mà còn đánh dấu sự phát triển vượt bậc về công nghệ. Có thể kể một số sáng kiến điển hình như: Ứng dụng phần mềm chuyên dụng để thiết kế 3D cho dự án; Cải tiến phương án thi công; Cải tiến phương thức cẩu khi lắp dựng nhà xưởng; Áp dụng phương pháp hàn cao; Nghiên cứu, lựa chọn, tính toán và lập quy trình hạ thủy giàn khoan tự nâng; Thiết kế hệ thống công nghệ xử lý mùn than; Quản lý lựa chọn thiết bị trong hệ thống điện, thiết bị khoan trên giàn khoan…

Và từ những cải tiến trên đã giúp tăng năng suất thi công rõ rệt, một số hạng mục giảm được 30% thời gian thi công. Điển hình như thi công phần chân đế, theo tính toán thực tế thời gian thi công là 160 giờ công/tấn sản phẩm, nay nhờ sáng kiến đã giúp giảm còn 100-120 giờ công/tấn sản phẩm.

Người thợ cơ khí của PV Shipyard miệt mài trên công trình

Tính từ ngày khởi công vào tháng 3/2010, sau 18 tháng thi công với 85% tiến độ công việc đạt được, dưới bàn tay, khối óc cùng mồ hôi công sức của những người thợ cơ khí dầu khí, giàn khoan tự nâng với trọng lượng hiện tại hơn 9.400 tấn đã được tiến hành hạ thủy vào tháng 9/2011.

Theo đánh giá của các kỹ sư PV Shipyard, việc hạ thủy giàn khoan tự nâng là một công đoạn khó khăn do yếu tố công nghệ mới, cộng với khó khăn do khối lượng lớn của giàn khoan và các ảnh hưởng bất lợi về thời tiết như thủy triều, luồng nước… Tập thể những người thợ PV Shipyard đã phải làm việc liên tục 24/24 giờ trong suốt 7 ngày liên tục để hạ thủy thành công giàn khoan này.

Kỹ sư Đào Đỗ Khiêm, Trưởng phòng Kỹ thuật, Phó giám đốc Ban Dự án đóng mới giàn khoan tự nâng 90m nước, nhớ lại thời điểm ấy: Do khối lượng giàn khoan quá lớn, không thể sử dụng phương pháp truyền thống là dùng cẩu nâng – hạ xuống biển, tập thể cán bộ, kỹ sư PV Shipyard đã quyết định sử dụng phương pháp “trượt bằng trên hai đường trượt” – một phương pháp vận chuyển hiện đại mới được áp dụng tại Việt Nam. Theo đó giàn khoan được hệ thống kích kéo thủy lực chuyên dùng đặt nằm ngang với phương hạ thủy, kéo, đẩy trượt theo đường trượt để dịch chuyển giàn khoan từ vị trí chế tạo trên công trường xuống xà lan. Xà lan sau đó được đưa ra bãi cạn cách bờ 4km và được đánh chìm, đưa giàn khoan xuống biển.

Việc hạ thủy thành công giàn khoan tự nâng đã đánh dấu hoàn thành giai đoạn chế tạo quan trọng của giàn khoan. Trong ngày tổ chức Lễ hạ thủy, PV Shipyard hân hạnh được đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến tham dự. Chủ tịch nước đã chúc mừng, biểu dương các thành tích vượt bậc và bày tỏ lòng tự hào về trí tuệ, đức tính cần cù chịu khó học hỏi của những người thợ PV Shipyard, đồng thời kêu gọi tập thể cán bộ, công nhân viên PV Shipyard tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trí sáng tạo, phấn đấu vượt qua khó khăn để hoàn thiện những công việc còn lại và bàn giao giàn khoan trước tiến độ.

Thông qua việc chế tạo giàn khoan tự nâng này, kỹ sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Nhà máy Chế tạo giàn khoan của PV Shipyard khẳng định tay nghề và trình độ công nhân đã trưởng thành rất nhiều từ việc gia công chế tạo, kết cấu, lắp đặt thiết bị đến việc chạy thử nghiệm thu và đồng bộ hóa thiết bị. Theo hợp đồng chế tạo thì khoảng tháng 5/2012 giàn sẽ được bàn giao, tuy nhiên PV Shipyard đang phấn đấu bàn giao cho chủ đầu tư trước thời hạn 2-3 tháng.

Từ công trình giàn khoan tự nâng 90m nước, những người thợ của PV Shipyard đã rút ra nhiều bài học hữu ích. Đối với các kỹ sư thi công và kỹ sư quản lý đã trưởng thành nhiều mặt. Họ đủ sức đảm đương các dự án lớn hơn trong việc chế tạo giàn khoan tự nâng và làm chủ được công nghệ chế tạo giàn khoan. Họ có quyền tự tin hơn trong việc nghiên cứu, triển khai đóng mới loại giàn khoan di dộng nửa nổi nửa chìm phức tạp và hiện đại nhất hiện nay (trong tất cả các loại giàn khoan di động).

Khẳng địnhthương hiệu Shipyard

Toàn cảnh giàn khoan tự nâng 90m nước

Được biết dự án chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước được tiến hành toàn bộ khâu thiết kế chi tiết tại Việt Nam do các kỹ sư thiết kế PV Shipyard thực hiện dưới sự giám sát và hướng dẫn của 5 chuyên gia thiết kế nước ngoài có kinh nghiệm phụ trách các lĩnh vực kết cấu; điện và điện tự động; thiết bị khoan; đường ống. Với tỉ lệ nội địa hóa ước đạt 35% (chủ yếu từ công tác thiết kế chi tiết, thi công lắp đặt, quản lý dự án, cung cấp vật tư) đã đánh dấu sự thành công bước đầu của chủ trương phát huy nội lực của Petrovietnam.

PV Shipyard cũng được sự hỗ trợ rất thiết thực từ Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp, hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”. Điều này góp phần giúp các kỹ sư thiết kế và thi công của PV Shipyard nhanh chóng nắm bắt công nghệ chế tạo giàn khoan của nước ngoài áp dụng linh hoạt vào điều kiện thi công tại Việt Nam.

Theo dự kiến sau khi chạy thử và tổ chức bàn giao giàn khoan tự nâng 90m nước vào tháng 3/2012, PV Shipyard sẽ tiếp tục đóng giàn khoan di động thứ 2 cho Vietsovpetro và một số đối tác nước ngoài khác. PV Shipyard đánh giá việc dự án chế tạo giàn khoan tự nâng đầu tiên đang được thực hiện đúng tiến độ, đạt chất lượng và kiểm soát được chi phí. Ngoài sự nỗ lực của cán bộ, công nhân, kỹ sư, PV Shipyard thì các chính sách đúng hướng của Chính phủ, các bộ, ngành và đặc biệt là các quyết định mang tính đột phá của Petrovietnam đã góp phần rất lớn cho việc thực hiện thành công một chủ trương lớn về phát triển ngành công nghiệp Cơ khí Việt Nam.

Ông Phan Tử Giang, Tổng giám đốc PV Shipyard khẳng định: Với những kiến thức, kinh nghiệm và bài học đã tích lũy được qua sản phẩm đầu tay, cùng với đội ngũ nhân lực đã có kinh nghiệm, đã được đào tạo và hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư chuyên sâu cho lĩnh vực đóng giàn khoan, chúng tôi sẽ nhanh chóng hoàn thành những công việc còn lại của dự án đóng mới giàn khoan tự nâng đầu tiên này và cùng hướng tới những sản phẩm tiếp theo với thời gian thi công nhanh hơn và giá thành rẻ hơn.

Nhìn từ Dự án đóng giàn khoan 90m nước, có thể nói, chỉ sau gần 2 năm quyết tâm và đầu tư mạnh mẽ của PV Shipyard, một căn cứ chế tạo giàn khoan dầu khí quy mô và chuyên nghiệp đã hình thành ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Căn cứ hiện tại đã cho phép PV Shipyard triển khai thi công cùng lúc 2-3 giàn khoan tự nâng. PV Shipyard hiện đang sở hữu 1 cẩu 1.250 tấn và là loại cẩu bờ tự hành lớn nhất Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, cùng với việc đầu tư ụ khô tại giai đoạn 2 của dự án trong một vài năm tới sẽ hội tụ đủ điều kiện để PV Shipyard bắt tay vào chế tạo hệ thống giàn bán chìm đầu tiên của Việt Nam, các loại phương tiện nổi và giàn khoan phức tạp khác của ngành Dầu khí.

Ngay từ khi chính thức đi vào hoạt động vào tháng 7/2007, PV Shipyard đã nhanh chóng tiến hành hàng loạt các nghiên cứu nhằm mục đích làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo giàn khoan, đào tạo nguồn nhân lực triển khai ngay các hạng mục của Dự án đóng mới giàn khoan tự nâng 90m nước. PV Shipyard đã và đang từng bước triển khai đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng nhà máy chế tạo trên tổng diện tích gần 40ha, với chiều dài cầu cảng 273m, mực nước sâu bến đạt 10,2m, bãi chế tạo phức hợp gồm nhà xưởng máy móc, các thiết bị chế tạo và nâng hạ tại cảng Sao Mai Bến Đình. PV Shipyard mang sứ mệnh trở thành công ty chế tạo giàn khoan hàng đầu tại Việt Nam, mở ra cơ hội cạnh tranh trên khu vực và thế giới bằng ngành sản xuất giàn khoan công nghệ cao mang thương hiệu Việt Nam, khẳng định bản lĩnh của người thợ cơ khí dầu khí PV Shipyard.

Giàn khoan tự nâng 90m nước là dự án cơ khí trọng điểm quốc gia, ứng dụng công nghệ cao. Đây là một tổ hợp giàn khoan di động, tự nâng, có quy mô lớn trên biển, được sử dụng để khoan thăm dò, sửa giếng hoặc khai thác dầu khí. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD, do Petrovietnam làm chủ đầu tư và PV Shipyard làm tổng thầu chế tạo.
Với chiều cao chân giàn là 145m, giàn khoan có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 90m cùng hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 6.000m dưới đáy biển. Giàn khoan được thiết kế có khả năng chịu được tác động khắc nghiệt của môi trường biển như sóng, gió, dòng chảy, ăn mòn, động đất.

Thế Vinh

DMCA.com Protection Status