TS Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam:

Tương lai của ngành Dầu khí phụ thuộc vào ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0

09:00 | 26/11/2020

9,746 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - TS Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - cho rằng, sự thành công và hiệu quả của ngành Dầu khí Việt Nam trong tương lai phụ thuộc vào mức độ tiệm cận sâu rộng, ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 nhằm thực hiện các giải pháp công nghệ, tổ chức và quản lý sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, sức cạnh tranh mạnh mẽ... Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới đã có cuộc phỏng vấn TS Ngô Thường San về vấn đề này.

PV: Ông có thế cho biết một vài dấu ấn nổi bật của khoa học - công nghệ (KHCN) trong quá trình hình thành và phát triển của ngành Dầu khí?

Tương lai của ngành Dầu khí phụ thuộc vào ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0

TS Ngô Thường San: Lịch sử phát triển ngành Dầu khí Viêt Nam đã chứng minh động lực phát triển và kết quả mang lại từ nền công nghiệp dầu khí được dựa trên hiệu quả tiếp thu và ứng dụng sáng tạo những giải pháp và thành quả của KHCN tiên tiến trên thế giới, để lại những dấu ấn quan trọng làm tăng uy tín của ngành Dầu khí Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.

Đỉnh cao về hiệu ứng KHCN cần phải ghi nhận đầu tiên sau 13 năm thành lập Tổng cục Dầu khí là sự phát hiện tầng dầu phi truyền thống, chưa có tiền lệ trong khoa học dầu khí và xây dựng phương pháp luận, hệ phương pháp để khai thác hiệu quả tầng dầu đặc biệt - tầng dầu trong đá móng nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ với trữ lượng siêu cấp, riêng ở tầng móng đã trên 4 tỉ thùng và khai thác nhịp độ cao với sản lượng đỉnh trên 13 triệu tấn/năm. Tên mỏ Bạch Hổ và “tầng dầu trong đá móng granit nứt nẻ” đã đi vào các văn liệu dầu khí thế giới là một đóng góp quan trọng cho khoa học dầu khí, có tính lan tỏa để phát hiện thêm nhiều mỏ trữ lượng cao khác ở bể Cửu Long. Thành quả này còn được ghi nhận như một động lực tăng trưởng nền kinh tế khởi đầu thời kỳ đổi mới của đất nước.

Sự hình thành Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Phú Mỹ để đáp ứng nhu cầu về điện tăng nhanh đòi hỏi sớm khai thác mỏ khí lớn Lan Tây ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam đưa vào bờ. Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn dài 370km dẫn khí ở trạng thái 2 pha vào bờ, công suất 7 tỉ m3 khí/năm được xem là một trong những công trình lớn bậc nhất thế giới trong thế kỷ XX, đòi hỏi những giải pháp KHCN bảo đảm tính ổn định, an toàn cao trong vận hành. Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn cũng như công trình thu gom toàn bộ khí đồng hành từ bể Cửu Long đưa vào bờ được vận hành an toàn suốt 20 năm qua đánh dấu sự trưởng thành của KHCN dầu khí Việt Nam, đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp khí, hóa dầu và điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay.

Những thành tựu KHCN khác trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và xây lắp các công trình biển, chinh phục vùng nước sâu trên 100m nước thềm lục địa Việt Nam cần ghi nhận là sự thành công trong thiết kế, xây lắp, hạ thủy an toàn ở vùng nước sâu, xa bờ 300-400km, như các giàn hỗ trợ khoan vùng biển sâu TAD, giàn khai thác và xử lý khí vùng nước sâu Biển Đông, khối chân đế giàn khai thác và xử lý dầu khí siêu trường siêu trọng Sao Vàng - Đại Nguyệt, giàn khoan tự nâng trên 100m nước Tam Đảo 05. Các công trình đều có chứng chỉ quốc tế, là cơ sở để các doanh nghiệp dầu khí vươn ra làm dịch vụ dầu khí ở nước ngoài.

Xây dựng và phát triển ngành chế biến dầu khí Việt Nam cũng là đóng góp quan trọng về KHCN. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau thời gian dài “thai nghén” đã đi vào hoạt động vào năm 2010, đánh dấu khâu cuối cùng trong chu trình hoàn chỉnh ngành công nghiệp dầu khí từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến vận chuyển, chế biến và dịch vụ kỹ thuật, phân phối sản phẩm, thực hiện chương trình xây dựng ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việc vận hành an toàn, với công suất cao, ổn định, tổ chức nhiều đợt bảo dưỡng tổng thể toàn nhà máy an toàn, chất lượng, đánh dấu trình độ KHCN của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến dầu khí, điều khiển, tự động hóa, cơ khí chính xác, quản lý công nghiệp theo chuẩn quốc tế, đặc biệt tạo hiệu ứng chuỗi giá trị kết nối từ khâu lựa chọn phương án nguyên liệu dầu thô, giải pháp hợp lý hóa dây chuyền công nghệ, phương án sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu cầu thị trường...

Tương lai của ngành Dầu khí phụ thuộc vào ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0
Nghiên cứu phát triển sản phẩm tại PVCFC

Đó là những kỳ tích về KHCN đánh dấu sự trưởng thành, phát huy nội lực và hiệu quả của sự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm nhiều năm của những người làm dầu khí.

PV: Theo ông, trong giai đoạn phát triển mới, KHCN có vai trò như thế nào đối với ngành Dầu khí?

TS Ngô Thường San: Nền công nghiệp dầu khí Việt Nam cần có những bước bứt phá mới về KHCN nếu không sẽ khó tránh khỏi tụt hậu, đặc biệt trước sức ép hội nhập đòi hỏi sự cạnh tranh về năng lực, trí tuệ, sức sáng tạo, trước sự biến động của kinh tế dầu khí thế giới theo chiều hướng xấu sau tác động kép của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sự biến động khó dự báo của giá dầu thô tác động tiêu cực nhiều năm đến doanh thu, lợi nhuận và khó có thể sớm tìm được sự cân bằng; các mỏ dầu khí truyền thống sau thời gian dài khai thác đã suy giảm về trữ lượng và sản lượng, cần phải đầu tư tận khai thác và triển khai thăm dò khai thác ra các vùng biển sâu, xa bờ của thềm lục địa với công nghệ hiện đại; giá thành thăm dò, khai thác một tấn dầu khí ngày càng cao, rủi ro lớn, nhưng đòi hỏi phải duy trì sự phát triển bền vững khi tiềm lực còn yếu, sự bất ổn về an ninh, chính trị ở Biển Đông, sự bảo hộ nội địa gia tăng của các nước trong khu vực.

Tương lai của ngành Dầu khí phụ thuộc vào ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0
Cụm giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ

Thực trạng về tiềm năng tài nguyên và nhu cầu luôn cao về năng lượng cho thấy công nghiệp dầu khí vẫn sẽ giữ vị trí hàng đầu trong tỷ phần năng lượng sơ cấp ở Việt Nam và thế giới thời gian dài trong thế kỷ XXI, ít ra cũng đến sau năm 2050. Hơn nữa, sản phẩm dầu khí không chỉ là nguồn năng lượng mà còn là nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp, nông nghiệp.

Một khi chưa có nguồn tài nguyên mới đa dạng về công dụng có thể thay thế dầu khí thì nhiệm vụ trước mắt và trung hạn của Petrovietnam và ngành thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí buộc phải tập trung đầu tư phát triển những giải pháp và quy trình công nghệ hiện đại hơn để tăng hệ số thành công các giếng thẩm lượng và khai thác, tăng hệ số thu hồi dầu, tối ưu khai thác các mỏ nhỏ và phi truyền thống, giảm giá thành công trình và tiết kiệm tài nguyên, tăng hiệu quả và giá trị sử dụng các sản phẩm dầu khí, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Sự chuyển dịch quan trọng, cấp bách mà Petrovietnam phải đối mặt là sự chuyển dịch trong cơ cấu năng lượng gốc hydrocarbon từ dầu sang khí. Đó là yêu cầu thực tế xuất phát từ tiềm năng tài nguyên khí thiên nhiên, suy giảm nhanh sản lượng dầu. Khí thiên nhiên được xem là dạng năng lượng sạch sử dụng hiệu quả cho điện và là nguồn nguyên liệu cho hóa dầu, ít phát thải khí nhà kính. Với tính ưu việt đó, khí thiên nhiên tất yếu sẽ là nguồn nguyên liệu/năng lượng tương lai thay thế dần dầu và than.

Tương lai của ngành Dầu khí phụ thuộc vào ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0
Tương lai của ngành Dầu khí phụ thuộc vào ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0

Vì thế, Petrovietnam cần điều chỉnh chiến lược phát triển công nghiệp khí và xây dựng tổng quy hoạch công nghiệp khí hợp lý cho từng giai đoạn phát triển, bao gồm từ công nghệ khai thác hiệu quả các vỉa/mỏ khí nhiều CO2, tận dụng tạo thêm giá trị gia tăng, xây dựng mạng lưới đường ống, cảng biển và các khu công nghiệp khí phù hợp với quy hoạch kinh tế vùng, sơ đồ mạng lưới điện quốc gia, xây dựng chiến lược thị trường khí và sản phẩm khí với tầm nhìn kết hợp với nhập LNG. Khí hóa lỏng LNG dự báo sẽ có nhịp độ tiêu thụ tăng nhanh.

Tài nguyên khí thiên nhiên còn ở dạng “băng cháy” - Gas hydrat hay Metan hydrat - theo dự báo có tiềm năng lớn ở Biển Đông. Giải pháp kỹ thuật và công nghệ khai thác, xử lý khí hoàn toàn khác công nghệ truyền thống khai thác dầu khí. Việc đánh giá và phân vùng tiềm năng khí hydrat cần được quan tâm, xúc tiến và sớm tiếp cận với công nghệ thăm dò và khai thác dạng tài nguyên này.

Do đòi hỏi khách quan của CMCN 4.0, sự biến đổi khí hậu và tiềm ẩn rủi ro cao về môi trường liên quan chặt chẽ với ngành công nghiệp dầu khí, nên trong tương lai, các công ty dầu phải đối mặt với yêu cầu đa dạng hóa nguồn năng lượng, khai thác nguồn năng lượng mới hiệu quả, sạch hơn và thỏa mãn người tiêu dùng hơn, hạn chế tối đa phát thải khí CO2. Vì thế, ngay từ bây giờ, Petrovietnam cần có chương trình nghiên cứu quy hoạch tổng thể, từng bước phát triển nguồn năng lượng “phi khoáng”, tái tạo, thân thiện với môi trường, đặc biệt hạn chế phát thải CO2 hiệu ứng nhà kính.

Các dạng năng lương tái tạo tiềm năng mà ngành Dầu khí có thể ưu tiên xem xét phát triển dựa trên năng lực của mình là năng lượng gió và năng lượng hydro.

Tương lai của ngành Dầu khí phụ thuộc vào ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0
Khí thiên nhiên là nguồn năng lượng, năng lượng tương lai

PV: Theo ông đâu là những rào cản với KHCN và làm thế nào để KHCN có thể trở thành động lực phát triển của ngành Dầu khí?

TS Ngô Thường San: Mặc dù có những đóng góp nhất định trong phát triển kinh tế, nhưng chúng ta cũng có thể nhận thấy những khó khăn, vướng mắc, chưa hợp lý trong việc xây dựng và tổ chức phát triển KHCN trong cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, khung pháp lý, quản lý Nhà nước của các tập đoàn kinh tế Nhà nước nói chung, không riêng dầu khí, chẳng hạn như:

Chính sách phát triển và ứng dụng KHCN tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh chưa tạo được sự bứt phá, chưa thực sự là động lực thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là chưa phát huy năng lực trí tuệ ở đội ngũ trí thức.

Trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng KHCN, chúng ta mới hạn chế ở nghiên cứu, hoặc ứng dụng hiệu quả công nghệ bản quyền nước ngoài vào điều kiện đặc thù của Việt Nam, hoặc mới ở kết quả thực nghiệm, dạng “pilot”, chưa tạo sản phẩm công nghiệp mới, sáng tạo ra công nghệ độc quyền mang thương hiệu Petrovietnam, tăng hàm lượng nội địa hóa với công nghệ và các sản phẩm do Petrovietnam sản xuất có chất lượng đẳng cấp quốc tế.

Mối quan hệ giữa các viện, cơ sở nghiên cứu và ứng dụng KHCN ở các đơn vị thành viên Petrovietnam chưa có sự hỗ trợ lẫn nhau, chưa hình thành được sự phân tầng về mục tiêu, quy mô, trình độ và sự kết nối giữa ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Mối quan hệ giữa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ còn bất hợp lý, hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Nhiều đề tài chưa sát thực tế. Quản lý Nhà nước về KHCN còn nhiều bất cập, cơ chế chính sách chưa phù hợp...

Để nền công nghiệp dầu khí Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững tương xứng với một tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tàu, phù hợp với tiềm năng và không tụt hậu so với các tập đoàn dầu khí khu vực cần chú trọng một số vấn về.

Tương lai của ngành Dầu khí phụ thuộc vào ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0
BIENDONG POC vận hành khai thác ở khu vực nước sâu xa bờ

Nghiên cứu cấu trúc lại hệ thống KHCN trong Petrovietnam về mục tiêu, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động, quản lý, tạo sự liên thông, hiệu quả hơn trong sử dụng tích hợp các nguồn lực, phát triển công nghệ và sản phẩm có sức cạnh tranh về giá trị trí tuệ.

Trong lĩnh vực KHCN, song song với việc chú ý đến hiệu quả sử dụng công nghệ đang hoạt động, cần tăng hàm lượng đổi mới công nghệ, từng bước chuyển sang nghiên cứu phát triển công nghệ thông minh tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, có nghĩa là chuyển từ R+R&D sang RD&P smart (research, development and smart production).

Về quản lý Nhà nước, cần nghiên cứu cấu trúc lại mô hình phát triển tổ chức KHCN hiệu quả hơn trong các tập đoàn kinh tế, trong đó có Petrovietnam, có cơ chế thông thoáng để tích hợp các nguồn lực đầu tư vào nghiên cứu phát triển KHCN, để KHCN thực sự là động lực cho phát triển.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Phương (Thực hiện)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau là hình mẫu của Petrovietnam
Dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa sẽ thành một thương hiệu mới của Petrovietnam
Công nghiệp khí 30 năm phát triển vượt bậc
Hoa nở từ vùng đất đầy ký ức đau thương
Phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Lễ trao Quyết định bổ nhiệm đồng chí Hoàng Quốc Vượng giữ chức Chủ tịch HĐTV Petrovietnam
Petrovietnam đã có những đóng góp to lớn, tạo những dấu ấn không thể phai nhạt trong tiến trình phát triển của dân tộc
Petrovietnam sáng tạo, làm chủ công nghệ trong hoạt động bảo dưỡng sửa chữa các công trình dầu khí

Mai Phương

DMCA.com Protection Status