Tưởng nhớ Tiến sĩ khoa học, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Lê Đông

12:20 | 09/10/2021

8,907 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tiến sĩ khoa học, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Lê Đông - nguyên Tổng Giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Hội Dầu khí Việt Nam, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, đã từ trần vào hồi 19h14 phút ngày 7/10 (nhằm ngày 2/9 năm Tân Sửu), hưởng thọ 74 tuổi.

Ông Trần Lê Đông quê ở xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 1967 đến 1977, ông là sinh viên, sau đó là nghiên cứu sinh tại trường ĐH Dầu hóa Bacu (Azerbaijan). Ông được trao học vị Phó tiến sĩ năm 1978. Từ năm 1978, ông Trần Lê Đông quay trở về Việt Nam làm việc. Năm 2008, ông bảo vệ luận án thành công và nhận học vị Tiến sĩ khoa học tại Liên bang Nga theo 2 chuyên ngành Địa chất, tìm kiếm, thăm dò các mỏ dầu khí và Thiết kế, khai thác các mỏ dầu khí. Ông đã có nhiều đóng góp to lớn cho Vietsovpetro và ngành dầu khí Việt Nam, cho đất nước.

Tưởng nhớ Tiến sĩ khoa học, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Lê Đông
Cuộc đời và sự nghiệp của ông được phác họa trong ký sự “Trần Lê Đông, từ làng quê Trung Lễ đến mỏ dầu Bạch Hổ” (NXB Văn hóa - Văn nghệ - 2020).

Từ năm 1987 đến 1998, ông lần lượt đảm nhiệm các vị trí là Phó giám đốc Xí nghiệp khai thác, Viện phó thứ nhất và sau đó là Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học và thiết kế dầu khí biển (1996 – 1998) thuộc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro (sau này là Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro). Ở bất kỳ cương vị nào, ông luôn là người cần cù, chịu khó, chủ động sáng tạo, cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Từ tháng 10/1996 đến tháng 5/2002, với cương vị là Phó Tổng giám đốc Vietsovpetro phụ trách công tác địa chất, ông đã chủ động tổ chức nghiên cứu, áp dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ tiên tiến trên thế giới trong tìm kiếm thăm dò các vùng mới ở lô 04-3, lô 17, mỏ Đại Hùng. Nhờ vậy, Vietsovpetro lần đầu tiên đã phát hiện ra các vỉa dầu khí trong tầng móng bồn trũng Nam Côn Sơn (mỏ Đại Hùng năm 2003, mỏ Thiên Ưng năm 2004), làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch khai thác mỏ Đại Hùng và triển khai thăm dò tiếp theo các lô khác ở bồn trũng này.

Từ tháng 6/2002 đến tháng 2/2009, ở cương vị Tổng Giám đốc Vietsovpetro, TSKH Trần Lê Đông đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và táo bạo, luôn tạo không khí đoàn kết, điều kiện cần thiết để phát huy hết năng lực, sở trường của các đồng chí lãnh đạo trong Xí nghiệp liên doanh (XNLD) và các đơn vị thành viên để hoàn thành chức trách của mình. Ông là người có nhiều đề xuất và giải pháp áp dụng vào quản lý, tổ chức lao động, luân chuyển cán bộ một cách hợp lý, kết hợp với việc cải tiến bộ máy, cơ chế quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu hướng phát triển của XNLD. Hàng năm, ông cùng tập thể lãnh đạo có sáng kiến gắn nội dung quản lý vào chương trình hành động cụ thể, nhờ đó, công tác kiểm tra giám sát được nâng cao; công tác vệ sinh an toàn, kỷ luật lao động được củng cố và tạo nên không khí cởi mở, công khai, minh bạch và sâu sát hơn trong quản lý sản xuất kinh doanh của XNLD.

Không chỉ là người có những quyết định táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, TSKH Trần Lê Đông còn là doanh nhân bản lĩnh, nhà quản lý giỏi, lấy triết lý “Nhân hòa” làm trọng, đã có đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng khối đoàn kết, tạo không khí hòa hợp, dân chủ trong tập thể lao động Việt - Nga, góp phần xây dựng nên một tập thể lao động Việt - Nga chung sức đồng lòng, tô thắm bông hoa đẹp của tình đoàn kết hữu nghị giữa Chính phủ và nhân dân hai nước.

Từ lúc về hưu cho đến nay, TSKH Trần Lê Đông là Ủy viên BCH Hội Dầu khí Việt Nam, trong đó năm 2014 đến 2018, ông là Ủy viên Thường vụ Hội Dầu khí Việt Nam; ông tham gia các hội đồng khoa học chấm luận án Tiến sỹ, Thạc sỹ tại Khoa Dầu khí Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, tham gia hội đồng khoa học chấm luận án Tiến sỹ tại Viện Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, TSKH Trần Lê Đông chủ biên nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước “Cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí vùng biển Thuận Hải - Minh Hải” (1977 - 1982), cấp nghành “Cấu trúc địa chất và đánh giá tiềm năng dầu khí bể Cửu Long”(1982 - 1985), “Cấu trúc địa chất và đánh giá tiềm năng dầu khí và phương hướng tìm kiếm thăm dò dầu khí trong các năm tiếp theo thềm lục địa Nam việt Nam” (1984 - 1987); là tác giả và đồng tác giả 4 quyển sách chuyên ngành địa chất dầu khí, hơn 100 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học chuyên nghành địa chất và khai thác dầu khí ở trong nước và quốc tế. Ông được Cục sáng kiến sáng chế của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt nam cấp 4 bằng sáng chế độc quyền vào các năm 1996, 1999, 2005, 2006. Ông đã có đóng góp rất lớn trong việc tìm ra giải pháp khai thác thân trong móng mỏ Bạch Hổ, đặc biệt giải pháp bảo tồn áp suất vỉa bằng bơm ép nước vào thân dầu trong móng mỏ Bạch Hổ - là một trong những nội dung thành tựu chính trong đề tài nghiên cứu khoa học nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ năm 2012.

TSKH Trần Lê Đông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Hữu nghị do Liên bang Nga trao tặng; 3 bằng sáng chế độc quyền do Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam cấp; Giải thưởng khoa học mang tên Gupkin do Liên bang Nga cấp; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ do Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng.

Ngoài ra, TSKH Trần Lê Đông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2009) cùng nhiều danh hiệu, bằng khen của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu... trao tặng.

Lễ truy điệu TSKH Trần Lê Đông bắt đầu từ lúc 7h00 ngày 10/10 (nhằm ngày 5/9 năm Tân Sửu) tại nhà riêng, 81/22 Thùy Vân, TP. Vũng Tàu. Lễ động quan vào lúc 8h00 cùng ngày, sau đó đưa đi hỏa táng tại Đài hỏa táng Long Hương, TP. Bà Rịa.

DMCA.com Protection Status