Ưu tiên phát triển sản phẩm mang thương hiệu DMC

14:28 | 22/10/2012

563 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Dự báo nhu cầu hóa chất phục vụ khai thác của công nghiệp dầu khí Việt Nam đến 2015 sẽ tăng 7-10%/năm và tăng thêm khoảng 25% so với hiện nay. Đây là cơ hội để Tổng Công ty Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC) có những bước phát triển nhảy vọt trong sản xuất. Trong đó, DMC xác định sản xuất sản phẩm mang thương hiệu DMC là bước đi chiến lược, có trọng điểm.

Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang quản lý 64 dự án dầu khí, bao gồm 46 dự án trong nước và 18 dự án ở nước ngoài. Trong đó, 28 dự án trong giai đoạn phát triển khai thác, 14 dự án với 20 mỏ dầu khí đang hoạt động khai thác ổn định tại Việt Nam. Dự báo nhu cầu hóa chất phục vụ khai thác của công nghiệp dầu khí Việt Nam đến 2015 sẽ tăng 7-10%/năm và tăng thêm khoảng 25% so với hiện nay. Đây là cơ hội để Tổng Công ty Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC) có những bước phát triển nhảy vọt trong sản xuất. Trong đó, DMC xác định sản xuất sản phẩm mang thương hiệu DMC là bước đi chiến lược, có trọng điểm.

Sản phẩm truyền thống đã làm nên thương hiệu của DMC như Barite, Bentonite, Safe Carb (hay bột Canxi cacbonat) và hiện nay, các sản phẩm này vẫn là thế mạnh của DMC. Về sau này, DMC có phát triển thêm một số hóa phẩm dầu khí như Ximang G, Silica Flour, Biosafe, Super Lub...

Barite - API là sản phẩm chủ lực của DMC

Tổng sản lượng sản xuất trung bình 5 năm gần đây (2006-2010) khoảng 60.000 tấn/năm. Tuy nhiên, tổng doanh thu trung bình 5 năm gần đây (2006-2010) chỉ chiếm 10,6% tổng doanh thu của tổng công ty. Sản lượng sản xuất và doanh thu như trên là chưa tương xứng với tiềm năng của DMC. Dự kiến đến năm 2015, DMC phấn đấu đạt sản lượng sản xuất 600.000 tấn/năm, doanh thu từ sản xuất chiếm 20% tổng doanh thu của tổng công ty (tương đương 1.000 tỉ đồng).

Trong nhiều năm qua, với sự phát triển nhanh, mạnh của ngành Dầu khí, ngoài các hoạt động khoan, khai thác dầu khí, ngành Dầu khí còn mở rộng sang các lĩnh vực lọc hóa dầu, tàng trữ và vận chuyển dầu khí... Sự mở rộng này dẫn đến yêu cầu DMC phải bổ sung, hoàn thiện các loại hóa chất, hóa phẩm dầu khí sử dụng cho tất cả các lĩnh vực của ngành Dầu khí.

Đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất, đặc biệt là nguyên liệu Barite là mục tiêu ngắn hạn của DMC. Việc các mỏ đang khai thác cũng dần cạn kiệt; mỏ trong nước có trữ lượng thấp và mỏ Barite tại huyện Vilabouly, tỉnh Savanakhet (Lào) chưa đưa vào khai thác khiến nguồn cung nguyên liệu của DMC gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, cùng với giá Barite liên tục tăng và thị trường luôn trong trạng thái “khát hàng”, việc tìm kiếm các mỏ Barite ở xa hoặc nghiên cứu công nghệ tuyển và làm giàu Barite trở nên rất cần thiết. Đối với mỏ nguyên liệu Bentonite và CaCo3, yêu cầu về mỏ nguyên liệu không cấp thiết như mỏ Barite, tuy nhiên việc sở hữu các mỏ này để chủ động nguồn nguyên liệu và ổn định chất lượng nguyên liệu đầu vào cũng rất cần thiết.

Việc khánh thành và đưa vào sử dụng Nhà máy Hóa phẩm Dầu khí Cái Mép là động lực mới cho công tác sản xuất của DMC. Được khởi công tháng 7/2011 với tổng mức đầu tư 173,92 tỉ đồng; bao gồm các hạng mục: dây chuyền sản xuất xi măng giếng khoan G, công suất 15.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất Bentonite, công suất 20.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất Silica Flour, công suất 8.000 tấn/năm; hệ thống nhà kho, nhà xưởng tổng diện tích 12.600m2… Nhà máy đang hoạt động 2 dây chuyền sản xuất xi măng giếng khoan G công suất 15.000 tấn/năm và dây chuyền sản xuất Bentonite công suất 20.000 tấn/năm.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng đang được ban lãnh đạo DMC hết sức quan tâm. Do vậy,  DMC tập trung nghiên cứu các dự án có quy mô như dự án sản xuất chất chống kết khối cho Urê UFC85/Formaldehyhe, dự án sản xuất chất tẩy rửa LAB, MEG, Petroleum Resins... trong đó kỳ vọng vào tính khả thi của dự án UFC85/Formaldehyhe. Hiện dự án dự kiến được hợp tác nghiên cứu, triển khai cùng với Đạm Phú Mỹ. Các dự án này sẽ giúp DMC bước vào giai đoạn sản xuất mới.

Ngoài ra, trong hoạt động sản xuất cốt lõi, DMC hiện đang nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư phân xưởng sản xuất và cung cấp hóa chất khai thác và gia tăng thu hồi dầu. Dự án này phục vụ việc phát triển hóa chất khai thác với thị trường tiềm năng khoảng 40 triệu USD/năm (mục tiêu chiếm lĩnh khoảng 15% thị phần) và nâng cao năng lực xử lý vùng cận đáy giếng của DMC (mục tiêu xử lý 15 giếng/năm, tức khoảng 20% thị phần).

Mới đây nhất vào thượng tuần tháng 10, DMC chính thức phát hành thêm 15 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 500 tỉ đồng. Từ ngày 8/10 đến 5/11/2012, DMC sẽ chính thức phát hành thêm 15 triệu cổ phiếu. Đợt phát hành thêm cổ phiếu lần này nhằm mục đích bổ sung vốn đầu tư vào hai dự án trọng điểm là Dự án xây dựng Nhà máy Hóa phẩm Dầu khí Cái Mép tại Vũng Tàu và Dự án đầu tư hệ thống thiết bị làm sạch bồn bể, kho chứa dầu ngoài khơi, tàu chở dầu. Đồng thời, bổ sung vốn điều lệ cho Công ty TNHH DMC - VTS tại Lào và Công ty TNHH MTV Dung dịch Khoan và Dịch vụ giếng khoan (DMC - WS).

Với quyết tâm phát huy kết quả đã đạt được, giữ vững vị trí trong top 50 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam từ 2009 đến 2011, DMC sẽ tập trung tối đa mọi nguồn lực để đẩy mạnh, mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2012.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status