Vai trò của sự đổi mới khoa học công nghệ trong quá trình phát triển của Vietsovpetro

12:42 | 26/11/2021

2,408 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro (Vietsovpetro).
Mỏ Cá Tầm đạt cột mốc sản lượng khai thác 1 triệu tấn dầuMỏ Cá Tầm đạt cột mốc sản lượng khai thác 1 triệu tấn dầu
Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro: Khởi công chế tạo chân đế giàn ZWP12 & 15 Dự án phát triển mỏ Zawtika 1DLiên doanh Việt - Nga Vietsovpetro: Khởi công chế tạo chân đế giàn ZWP12 & 15 Dự án phát triển mỏ Zawtika 1D
Vai trò của sự đổi mới khoa học công nghệ trong quá trình  phát triển của Vietsovpetro

Đặc trưng của Vietsovpetro là hoạt động theo mô hình khép kín từ thiết kế, mua sắm, xây dựng và đưa vào vận hành, kể từ khi thành lập đến nay, trải qua một giai đoạn khó khăn chung của đất nước là bị lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ, nếu không có sự đổi mới khoa học, công nghệ, phong trào sáng kiến-sáng chế thì Vietsovpetro khó có thể đạt được những thành tựu trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí như ngày hôm nay. Như ta đã biết: “Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy”. “Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”. “Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”[1]. KHCN và ĐMST trong Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro là chìa khóa để tận thu tài nguyên quốc gia, tăng năng suất lao động, giảm sai sót trong quá trình thiết kế và vận hành, chính xác hóa các dữ liệu địa chất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Thứ nhất, KHCN và ĐMST là yếu tố quyết định để tận thu tài nguyên quốc gia

Từ năm 1986 đến 1995, Vietsovpetro đã khai thác được gần 35 triệu tấn dầu, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước trong bối cảnh đất nước bị cấm vận và đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Song song với quá trình khai thác dầu, sản lượng khai thác dầu ngày càng tăng. Tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro cũng nhận thấy thực tế của việc đốt bỏ khối lượng lớn khí đồng hành (theo thống kê, tổng lượng khí đã đốt bỏ trong giai đoạn 1986-1995 lên đến 6 tỷ m3), với xu thế ngày càng tăng cùng với sự gia tăng sản lượng khai thác dầu. Trong khi đó, Việt Nam đang ở tình trạng thiếu nhiên liệu cho các nhà náy điện trầm trọng, hàng năm đang phải nhập khẩu một khối lượng lớn dầu DO/FO cho nhà máy. Bên cạnh đó, phân đạm, LPG... cũng nhập ngoại với chi phí ngoại tệ khá lớn. Đốt bỏ khí đồng hành, không những làm mất đi nguồn tài nguyên không tái tạo có giá trị và nguồn lợi nhuận rất lớn của Quốc gia mà còn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Thực tế đó đã thôi thúc tập thể các nhà khoa học Vietsovpetro, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ khai thác dầu, đã thực hiện nghiên cứu và sử dụng các giải pháp thu gom, xử lý, vận chuyển và sử dụng khí đồng hành nhằm tăng cường hiệu quả khai thác các mỏ dầu khí và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

Kết quả, năm 1995, sau khai thác dầu đầu tiên, Vietsovpetro lại tiên phong đưa khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào bờ, tạo nên bước nhảy vọt lớn thứ hai của ngành dầu khí Việt Nam. Tính đến 31 tháng 12 năm 2019, Vietsovpetro đã thu gom, xử lý và cung cấp vào bờ hơn 35 tỷ m3 khí, trong đó có hơn 22 tỷ m3 khí từ các mỏ dầu khí ở Lô 09-1 phục vụ nhu cầu phát triển Điện, Đạm, Hóa dầu và dân sinh. Bên cạnh đó, việc thu gom khí đồng hành tại các mỏ ngoài khơi Lô 09-1 đã tạo điều kiện cho Vietsovpetro thực hiện khai thác dầu bằng phương pháp gaslift, giúp nâng cao hiệu quả khai thác dầu ngoài khơi. Việc thu gom và sử dụng khí đồng hành ngoài khơi tại các mỏ ở Lô 09-1 đã giúp Vietsovpetro thay thế được nguồn nhiên liệu cho động cơ phát điện tại các công trình dầu khí biển, tập trung hóa nguồn điện ngoài khơi, chủ động trong công tác sản xuất, không phụ thuộc vào các yếu tố khách quan (nguồn cung cấp nhiên liệu dầu DO/FO và các yếu tố thời tiết ngoài khơi), mang lại hiệu quả vô cùng to lớn, làm lợi và tiết kiệm hàng tỷ đô la Mỹ. Việc thu gom khí đồng hành ở các mỏ dầu khí của Vietsovpetro và vận chuyển thành công vào bờ là tiền đề quan trọng để Việt Nam phát triển ngành Công nghiệp Khí – Điện – Đạm trên bờ lớn mạnh như hiện nay[2].

Thứ hai, KHCN và ĐMST là chìa khóa đểtăng năng suất lao động, tăng chất lượng và giảm thiểu sai sót trong quá trình thiết kế và vận hành, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Từ vẽ bằng tay, chuyển sang sử dụng các phần mềm vẽ chuyên dụngmô hình 3D, đến ứng dụng các phần mềm mô phỏng & tính toán kỹ thuật cao.

Trong giai đoạn hoạt động đầu tiên của Vietsovpetro, khi mà công nghệ thông tin chưa phát triển, các bản vẽ thiết kế phải thực hiện thủ công bằng bút chì, thước kẻ và compa, các tài liệu tính toán kỹ thuật phải sử dụng hàng trăm phép lặp, tốn nhiều thời gian và công sức, độ chính xác không cao,gây ra sự khác biệt giữa bản vẽ thiết kế và thực tế thi công tại công trình. Các kỹ sư Viện NCKH&TK thường xuyên phải chỉnh sửa lại bản vẽ trực tiếp trên công trình cho phù hợp với điều kiện thực tế, dẫn đếnlàm phát sinh vật tư, chậm tiến độ xây dựng. Khi công nghệ thông tin phát triển, Vietsovpetro đã nhanh chóng bắt nhịp những tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng các phần mềm vẽ chuyên dụng như AutoCad, SmartMarine 3D, PDMS vào thiết kế, giúp mô hình giàn khai thác bằng 3D trực quan, chính xác, các lớp dữ liệu của mô hình 3D có thể trích xuất ra bản vẽ thi công và vật tư thi công,giảm thiểu được rất nhiều nhân công và rút ngắn thời gian thực hiện thiết kế. Ứng dụng các phần mềm mô phỏng và tính toán kỹ thuật cao giúp các kỹ sư thực hiện các tính toán phức tạp với độ chính xác cao, đưa mô hình tính toán về sát với các điều kiện thực tế, giảm bớt các yếu tố dự phòng, tối ưu hóa và giảm chi phí. Các phương pháp quản lý dự án hiện đại cũng được áp dụng, như thực hiện các đánh giá an toàn, phân tích Hazop, Hazid, SIL, các buổi xem xét mô hình 3D, đã giúp cho sản phẩm thiết kế của Vietsovpetro ngày càng tối ưu và an toàn. Phong trào ĐMST, SKSC và sự phản biện trong các đơn vị của Vietsovpetro là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng thiết kế và áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất.

Áp dụng KHCN, ĐMSC trong lĩnh vực khoan để tăng tốc độ khoan thương mại, giảm giá thành giếng khoan

Với việc ứng dụng một loạt thành tự mới của KHCN trong lĩnh vực khoan, tốc độ khoan thương mại tăng và giảm đáng kế giá thành giếng khoan.

Về mặt thiết kế giếng khoan, đã sử dụng các các phần mềm tiên tiến nhất của các công ty hàng đầu thế giới như Drilling Office của Schlumberger, Landmark của Halliburton để nghiên cứu mô hình địa cơ (Geomechanic), tối ưu quỹ đạo giếng khoan, chế độ khoan, gia cố giếng khoan, nhất là chống đụng giếng khi mà số lượng giếng ngày càng nhiều và đan dày với mục đích làm giảm thiểu sự cố, phức tạp trong thi công giếng khoan.

Chuyển từ phương pháp khoan bằng bàn rô to truyền thống trên các giàn cố định sang khoan bằng động cơ topdriver trên các giàn tự nâng; đưa vào áp dụng đại trà phương pháp khoan xiên định hướng bằng hệ thống RSS tiên tiến của các hãng Schlumberger và Baker Hughes... thay thế cho việc khoan và chỉnh xiên giếng khoan bằng tuốc-bin cong cùng với Singleshot và bộ khoan cụ không điều khiển như trước đây. Đặc biệt, bước tiến rõ rệt nhất thể hiện choòng khoan móng:nếu như trước kia số mét khoan đạt được cho mỗi choòng răng phay chỉ trên dưới 20m, với choòng răng cắm chỉ đạt trên dưới 100m trên choòng, thìbây giờ, số mét khoan trên choòng khoan móng được cải thiện rõ rệt, đạt trung bình vào khoảng 200m nhờ sử dụng hàng loạt công nghệ tiên tiến trong chế tạo khoan như pha trộn hợp kim cứng, răng cắm bọc kim cương ở vùng đối côn… Choòng khoan răng cắm bọc kim cương ở vùng đối côn được sử dụng đầu tiên ở Vietsovpetro và ngày nay đã trở thành tiêu chuẩn cho choòng khoan móng ở tất cả các công ty khoan khác đang hoạt động tại Việt nam. Về choòng khoan, còn phải kể tới việc sử dụng đại trà choòng kim cương đa tinh thể (PDC) cùng với hệ thống RSS đã góp phần lớn trong việc tăng tống độ thương mại; Đã thay các hệ dung dịnh của Liên-Xô (cũ) là hệ dung dịch hệ dung dịch ức chế phân ly Lignosulphonat và hệ dung dịch ức chế phèn nhôm – kali (FCL-AKK) với nhược điểm là khả năng ức chế sét kém, dẫn tới phức tạp giếng khoan và tốc độ khoan thương mại thấp bằng sử dụng một số hệ dung dịch của các hãng MI và DMC là hệ dung dịch ức chế KCL (Glydrill, Glytrol, Ultradrill, Protrol), các hệ dung dịch này có khả năng ức chế sét tốt, dẫn tới tốc độ thương mại tăng đáng kể. Ngoài ra nhằm chủ động trong thi công dung dịch cũng như giảm chi phí từ năm 2014 Vietsovpetro đã tự phát triển thành công một số hệ dung dịch riêng của mình là hệ dung dịch ức chế tổng hợp (KGAC, KGAC- PLUS, KAGAC- PLUS M1 có chất lượng ngang bằng so với hệ Glydrill của MI SWACO hay hệ Glytrol của DMC, nhưng giá thành chỉ bằng khoảng một nửa và quan trọng hơn, chủ động được hóa phẩm sẵn có tại Việt Nam.

Từ đốt đuốc bằng tay đến hệ thống đánh lửa từ xa

Trong gia đoạn đầu tiên, khi chưa đưa khí về bờ, hình ảnh giàn khoan với ngọn lửa cháy rừng rực là biểu tượng của ngành dầu khí. Nhưng mấy ai biết rằng để mồi ngọn lửa, người thợ khai thác phải quấn giẻ vào một ống thép nhỏ, tiếp theo tẩm dầu, đốt ở dưới chân đuốc rồi đem lên để mồi vào đường khí nuôi. Vào mùa khô còn đỡ, thỉnh thoảng đuốc mới tắt, nên việc mồi lửa tương đối đơn giản. Còn mùa gió chướng, có khi đuốc tắt mỗi ngày mấy lần nên việc leo lên đuốc để mồi lửa là một cực hình. Đuốc Trung tâm của giàn Công nghệ Trung tâm số 2, khi đưa vào cải hoán năm 1993 cũng trang bị bộ đánh lửa từ xa, nhưng thực tế vận hành lúc được lúc không. Khi khởi động lại giàn, vẫn phải dùng súng bắn đạn lửa mới đốt được đuốc. Còn trên giàn cố định thì đến tận năm 1996, khi đưa giàn Nén khí Nhỏ vào hoạt động thì trên giàn MSP-4 mới được trang bị đầu đuốc có hệ thống đánh lửa từ xa của hãng Kaldair. Năm 1997 và 1998 mới trang bị thêm đầu đuốc có hệ thống đánh lửa từ xa cho giàn MSP-1, MSP-8 và ngọn đuốc bên phải của giàn RP-1 cũng của hãng Kaldair. Từ năm 2001 trở đi, các công trình biển khác lần lượt được trang bị các hệ thống đuốc với cụm đánh lửa từ xacủa các hãng chuyên về chế tạo đầu đuốc khác nhau và được hiện đại hóa hơn nhiều so với phiên bản của hãng Kaldair. Điều này đã cải thiện điều kiện làm việc của thợ khai thác lên rất nhiều, đặc biệt là trong mùa biển động không phải lo ngay ngáy chuyện đuốc bị tắt.

Hệ thống báo cáo sản xuất trên các công trình biển: Từ gọi điện thoại và ghi chép tay chuyển sang cơ sở dữ liệu số

Những ai đã từng làm đốc công khai thác ngoài giàn giai đoạn trước năm 2002 đều không xa lạ với việc định kỳ 17:00 hàng ngày là gọi điện thoại về Trung tâm điều độ để báo cáo tình hình sản xuất, thông số giếng khai thác và các thiết bị công nghệ chính trên giàn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào được bắt đầu từ năm 2002 bằng chương trình Lotus Note, các file báo cáo sản xuất từ các công trình biển đã được gửi về bờ. Tuy vậy chương trình Lotus Note có nhược điểm là người dùng hạn chế, cũng như hạn chế dung lượng của file gửi đính kèm. Tiếp theo sau đó hệ thống email biển-bờ được triển khai và việc trao đổi thông tin được nhanh chóng và thông dụng hơn. Từ năm 2010 các dữ liệu của các CTB được đưa lên trang Web-svodka sau khi trang này được nâng cấp. Hiện nay trang web-svodka này đang tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp và lưu trữ dữ liệu sản xuất của các CTB. Đến ngày hôm nay thì dữ liệu từ một số giàn Công nghệ Trung tâm, giàn khai thác đã được được truyền online theo hệ thống SCADA về Trung tâm điều hành sản xuất. Hệ thống này sẽ được hoàn thiện tiếp sau khi mua và lắp đặt các thiết bị bổ sung. Các giàn khoan tự nâng đã được truyền online từ biển về Trung tâm điều hành sản xuất theo chương trình UMB-ISUB.

Trong lĩnh vực xây dựng công trình biển

Với các công trình dầu khí biển đầu tiên, toàn bộ thiết kế, vật tư đồng bộ dạng module được đưa từ Liên xô cũ sang, kể cả các nút cho chế tạo các khối chân đế. Dần dần, với các kinh nghiệm được tích lũy cùng với sự sáng tạo của đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề và các phương tiện hiện đại các chi tiết cho một giàn khai thác dầu khí đã được “Vietsovpetro hóa” phần lớn như các ống kết cấu kích thước lớn, các bình áp lực, các skid công nghệ… Với các phần mềm thiết kế chuyên dụng, các máy đo kích thước chính xác… nên hiện nay các phần của khối chân đế, khối thượng tầng được chế tạo tối đa dưới đất, trong nhà xưởng và sau đó mới tổ hợp không gian. Các kết cấu kim loại trước đây được thi công bằng hàn tay thì nay hầu hết được thi công bằng hàn tự động hay bán tự động. Điều này làm tăng năng suất, chất lượng, và hơn thế nữa đó là cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động khi thi công chế tạo trên bờ.

Việc di chuyển khối chân đế, khối thượng tầng từ nơi chế tạo xuống phương tiện vận chuyển đã có thay đổi đáng kể. Trước đây khối chân để sau khi tổ hợp xong sẽ sử dụng hệ thống đường trượt, bàn trượt, các puly, cáp kéo, cẩu Demag để di chuyển xuống 2 ponton. Các module của khối thượng tầng được tổ hợp ngay sát bờ cảng để các tàu cẩu Hoàng Sa, Trường Sa có thể cẩu lên boong và đưa đi lắp đặt biển. Ngày nay với hệ thống trailer, việc di chuyển các khối kết cấu vài trăm tấn tương đối dễ dàng nên việc bố trí thi công được chủ động hơn và không cần thiết phải thi công ngay sát các cầu cảng. Thay cho việc vận chuyển bằng ponton nhiều rủi ro và rất nguy hiểm khi thi công thì hiện nay việc vận chuyển khối chân đế, khối thượng tầng sử dụng sà lan chuyên dụng; việc di chuyển từ bờ xuống sà lan hiện đã chuyển sang sử dụng trailer hoặc bằng skidding (tùy theo khối lượng cần di chuyển) kết hợp với hệ thống ballast sà lan trong quá trình hạ thủy.

Trong thời kỳ đầu, việc rải ống trên biển sử dụng các phao sắt để treo ống khi đẩy ống ra khỏi phần lái của tàu rải ống Côn Sơn để bảo đảm độ cong của ống được rải cho đến khi chạm đáy biển. Đến những năm của thập niên 1990 đã sử dụng stinger thay cho phao sắt cho quá trình rải ống. Việc thay đổi này khiến cho quá trình rải ống nhanh, chính xác hơn, an toàn hơn. Bên cạnh đó các công nghệ hàn tự động, bán tự động, kiểm tra bằng siêu âm tự động (AUT), siêu âm tự động công nghệ mảng điều pha (PAUT) góp phần làm tăng chất lượng, năng suất và an toàn thi công đường ống ngầm. Trước đây việc kiểm tra mối hàn nối ống sử dụng kỹ thuật chụp ảnh bức xạ bên ngoài nên năng suất thấp và đặc biệt là tạo ra các mối nguy về bức xạ trong quá trình làm việc. Việc chuyển sang công nghệ kiểm tra bằng siêu âm tự động từ năm 2001 đã làm giảm thời gian kiểm tra chất lượng mối hàn từ khoảng 20 phút/mối xuống còn 3-5 phút mối và loại bỏ hẳn nguy cơ về bức xạ.

Năm 2001, hệ thống ROV đầu tiên được đưa vào sử dụng ở VSP. Đây là phương tiện thi công rất hữu hiệu cho phần thi công ngầm các công trình biển. Trước khi có ROV, việc thi công ngầm bị yếu tố may rủi lấn át vì đa số thi công phần ngầm dựa vào tính toán ban đầu và kinh nghiệm vì không thể quan sát được trong quá trình thi công phần ngầm nên không thể điều chỉnh khi có yếu tố phát sinh hay phải thực hiện các công việc ngầm có yêu cầu độ chính xác cao. Hiện nay việc thi công ngầm như đưa chân đế vào vị trí đã khoan trước (lồng vào các docking pin), thi công các đường ống (nhất là rải qua các vị trí đã định trước), cáp điện, khảo sát các tuyến ống ngầm … luôn có ROV tham gia bên cạnh các công việc do các thợ lặn thực hiện.

Thứ ba, KHCN và ĐMST là yếu tố then chốt trong việc minh giải các dữ liệu địa chất.

Khó khăn, thách thức và một số khuyến nghị

Trong những năm đầu tiên khi Vietsovpetro chính thức đi vào hoạt động, tất cả công việcliên quan đến minh giải, xử lý các dữ liệu địa chất-địa vật lý đều dựa trên nền tảng công nghệ của Liên xô trước đây. Công tác khảo sát địa vật lý như từ, trọng lực, địa chấn được tiến hành trên thềm lục địa Việt Nam do Liên đoàn Địa vật lý Viễn Đông Liên Xô thực hiện với các tàu POISK, ISKATEL, Viện sỹ Gamburxev, Malugin theo các mạng lưới từ khu vực đến chi tiết. Dựa trên các kết quả nghiên cứu và minh giải dữ liệu địa vật lý trên, Vietsovpetro đã phát hiện ra hai mỏ dầu lớn Bạch Hổ, Rồng trên bể trầm tích Cửu Long. Trong giai đoạn này, các hoạt động khoa học công nghệ không ngừng được tăng cường và cũng cố, đã ứng dụng rất nhiều thành tựu và tiến bộ mới của nhiều nền KHCN các nước khác nhau trên thế giới, điển hình là trong công tác địa chấn:(1) từ khảo sát theo từng tuyến với kết quả lát cắt địa chấn hai chiều (2D) đến khảo sát đồng thời nhiều tuyến với lát cắt thằng đứng trong không gian ba chiều và nằm ngang (time slices) ở các độ sâu khác nhau (3D);(2) và gần đây nhất là công tác thu nổ địa chấn 3D/4C với ưu điểm là có thể thu được đồng thời các sóng dọc (P) và sóng ngang (P) phục vụ cho công tác nghiên cứu địa chất nhằm mục đích tận thăm dò các cấu tạo tiềm năng nhỏ, phân bố hẹp, cận biên, quy mô tài nguyên dầu khí không lớn, cấu trúc địa chất phức tạp.Đồng thời với chất lượng dữ liệu xử lý địa chấn khá tốt từ các tài liệu khảo sát mới trên thì bức tranh về tiềm năng dầu khí trong lòng đất sẽ được rõ ràng và sáng tỏ hơn. Điều này sẽ làm tiền đề nhằm định hướng cho công tác nghiên cứu và tìm kiếm các đối tượng phi truyền thống cũng như các cấu tạo triển vọng còn lại tồn tại trong lòng đất dưới dạng các kiểu bẫy phi cấu tạo trong tương lai.

Trong công tác minh giải dữ liệu địa chất, đo vẽ bản đồ thì trước đây chủ yếu được ghi chép và thực hiện bằng tay thì hiện nay với sự phát triển và tiến bộ của khoa học công nghệ, các số liệu về địa chất, địa vật lý với dung lượng rất lớn sẽ được số hoá và đưa vào các phần mềm chuyên dụng để minh giải như IP, Techlog, GeoFrame, Petrel, Landmark, Eclipse, Petromod,...sẽ cho kết quả tương đối chính xác, nhanh chóng và hiệu quả hơn để có thể kịp thời ra các quyết định liên quan đến công tác tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ.

Có thể nói rằng, KHCN và ĐMST đóng một vai trò quan trọng và là yếu tố then chốt trong từng giai đoạn đã giúp cho Vietsovpetro trong hơn 40 năm xây dựng và phát triển đã đạt được thành tựu trong công tác nghiên cứu địa chất-địa vật lý như: khảo sát hàng trăm kilômét tuyến địa chấn 2D, hàng chục nghìn kilômét tuyến 3D; và gần đây là vào năm 2015 đã tiến hành khảo sát gần 900 kilômét địa chấn 3D/4C trên lô 09-1, cũng như giúp Vietsovpetro đã phát hiện thêm 6 mỏ dầu-khí mới có giá trị công nghiệp ngoài Bạch Hổ và Rồng như Đại Hùng, Nam Rồng-Đồi Mồi, Thiên Ưng, Gấu Trắng, Thỏ Trắng, Cá Tầm. Đặc biệt nhấtlà một phát hiện mới nhất vào năm 2020 tại cấu tạo Sói Vàng trong Oligocen D - đối tượng ít được quan tâm trước đây. Trong tương lai, Vietsovpetro sẽ tiếp tục tăng cường công tác ứng dụng khoa học công nghệ theo các thành tựu mới mà ngành dầu khí thế giới mang lại như có thể tiến hành khảo sát địa chấn 4D, xây dựng, số hoá và phân tích dữ liệu lớn (big data), phát triển các ý tưởng về "mỏ dầu định hướng theo dữ liệu" (data-driven oilfield) nhằm tiếp tục công tác tìm kiếm, tận thăm dò các mỏ nhỏ và cận biên với chi phí thấp nhất đồng thời kịp thời ra quyết định nhằm tối ưu hoá việc đầu tư vào các dự án thăm dò dầu khí mới.

Thành quả và thách thức

Như đã nói ở trên, trải qua 40 năm hình thành và phát triển, với việc nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ của KHCN và tích cực triển khai công tác ĐMST, Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro đã đạt được thành tích ấn tượng trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí. Sự phát triển của Vietsovpetro là động lực cho sự phát triển của ngành dầu khí Việt nam, hơn thế nữa đã giúp nâng cao thu nhập và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều cán bộ công nhân viên.

Hiện nay Vietsovpetro đang đối mặt với nhiều thách thức, cụ thể là [3]: “Lô 09-1 bước vào giai đoạn suy kiệt sản lượng dầu, trữ lượng đã phát hiện và các khu vực tiềm năng còn lại ít. Lô 09-3/12 có sản lượng và trữ lượng nhỏ. Kết quả mở rộng vùng hoạt động ở các lô khác chưa có gia tăng trữ lượng. Đa số công trình biển, căn cứ, phương tiện, thiết bị đã cũ, xuống cấp, tăng nguy cơ mất an toàn, cần sửa chữa, nâng cấp, thay thế hoặc dỡ bỏ. Khối lượng công việc về khoan và xây dựng công trình biển tại Lô 09-1 giảm mạnh. Đội ngũ CBCNV tiếp tục già hóa sau 5 năm ít tuyển dụng mới. Mô hình cơ cấu tổ chức, quản lý, đầu tư, sử dụng lao động còn một số bất cập, chậm thích ứng khi thị trường biến động. Đây là bài toán rất khó khi Vietsovpetro đặt mục tiêu giữ vững ổn định, tạo tiền đề cho phát triển lâu dài”. Hơn thế nữa đại dịch Covid-10 chưa thể kết thúc trong thời gian ngắn và làm thay đổi nhiều thói quen cả trong lĩnh vực đời sống, cả trong hoạt động sản xuất.

Các định hướng trong lĩnh vực KHCN & ĐMST trong thời gian tới ở Vietsovpetro

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định khoa học công nghệ vàđổi mới sáng tạo là 1 trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững.

Tại Vietsovpetro lĩnh vực KHCN & ĐMST cần hướng đến việc thực hiện được tối đa công tác thiết kế thi công trong lĩnh vực khoan tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ, khai thác; tăng hệ số thu hồi dầu; tổ chức triển khai các dự án phát triển dầu khí. Các giải pháp cụ thể là:

Đầu tư và mạnh dạn áp dụng công nghệ mới hướng đến sự phát triển bền vững, giảm tiêu hao năng lượng và phát thải ra môi trường trong lĩnh vực khoan và địa vật lý, xây dựng và sửa chữa công trình biển, khai thác, vận chuyển và tàng trữ dầu khí: tận thu lượng khí thấp áp trên các công trình biển để gia tăng giá trị, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải chất gây ô nhiễm; sử dụng nguồn điện tập trung trên mỏ để giảm tiêu hao nhiên liệu trên các tàu khoan và tàu chứa dầu; áp dụng đại trà công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt trên các công trình biển để giảm chi phí sản xuất. Tích cực liên danh, liên kết, hợp tác với các công ty nước ngoài có nhiều kinh nghiệm và công nghệ mới trong các lĩnh vực này để học hỏi, tiếp thu và chuyển giao được các công nghệ mới nhất.

Nghiên cứu ứng dụng thành tựu mới của công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản lý, điều hành và các hoạt động phục vụ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Trong đó, nghiên cứu các công nghệ điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ Internet vạn vật (IoT)… nhằm: 1) Tự động hóa quy trình thu thập và xử lý số liệu trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí đang nằm rời rạc, rải rác ở các phòng ban, đơn vị để tạo ra hệ thống dữ liệu tổng hợp, thống nhất của toàn Vietsovpetro; khai thác tối đa giá trị của khối dữ liệu khổng lồ đã được hình thành gần 40 năm qua của Vietsovpetro trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí; 2) Tự động hóa công tác điều hành sản xuất trong lĩnh vực quản trị nhân lực, tài chính, vật tư, thông tin dữ liệu các lĩnh vực,… để hình thành hệ thống báo cáo quản trị thông minh hỗ trợ công tác giám sát và ra quyết định nhanh chóng chính xác cho lãnh đạo.

[1]Theo Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2018 (tại các khoản 1, 2, 16)

[2]Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thu gom, xử lý và sử dụng khí đồng hành ở các mỏ của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro và các mỏ lân cận (phần ngoài khơi)”

[3]Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro nhiệm kỳ 2020-2025.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đăng Tâm - Tùng Sơn

DMCA.com Protection Status