Vì sao Trung Quốc rơi vào khủng hoảng năng lượng?

14:30 | 14/10/2021

3,140 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong nhiều tuần qua, dân cư tại một số khu vực ngay tại thủ đô Bắc Kinh bị cấm sử dụng thang máy, cấm bật máy điều hòa nhiệt độ và nhiều thành phố ở Trung Quốc chìm trong bóng tối vì mất điện như thời mấy chục năm trước.
Vì sao Trung Quốc rơi vào khủng hoảng năng lượng?

Hãng tin Bloomberg cuối tháng 9/2021 đưa tin, 17 tỉnh thành của Trung Quốc ở các vùng đông nam và miền bắc đã liên tục bị mất điện. Tờ báo Hồng Kông South China Morning Post nêu bật lo ngại Trung Quốc lâm vào hỗn loạn do thiếu hụt năng lượng. Những năm gần đây, bước vào mùa đông, một số nhà máy Trung Quốc thường phải tạm cho nhân viên nghỉ việc một vài ngày để tiết kiệm điện. Nhưng chưa khi nào ngay cả dân cư thành phố và các khu nhà ở cũng bị ảnh hưởng. Bài toán năng lượng của Trung Quốc căng đến nỗi một số thành phố cắt luôn điện từ các cột đèn đường, đèn giao thông để tiết kiện được chút nào hay chút nấy.

Vì sao có hiện tượng thiếu hụt năng lượng tại “công xưởng của thế giới”? Theo chuyên gia Mary Françoise Renard, giáo sư kinh tế tại đại học Clermont-Ferrand, Pháp, có nhiều lý do trùng hợp trong cùng thời điểm. Một là hiện tượng giá than đá và khí đốt tăng lên và điều đó ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới chứ không chỉ riêng gì Trung Quốc. Giá nguyên liệu tăng cao bởi vì kinh tế thế giới đang phục hồi, các nhà máy lại sản xuất như trước khi xảy ra đại dịch. Thống kê cho thấy tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc hiện tại cao hơn cả so với trước khi có đại dịch. Trung Quốc lệ thuộc nhiều vào than đá.

Lý do thứ nhì là Bắc Kinh bắt đầu chú trọng đến yếu tố môi trường, giảm khí thải gây ô nhiễm. Một số báo cáo gần đây chỉ trích một số tỉnh của Trung Quốc không tuân thủ các chuẩn mực về môi trường cho nên chính quyền trung ương đã quyết định siết chặt thêm các biện pháp giới hạn thải khí carbon. Điều đó ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy. Đồng thời do không thể trông chờ vào than đá, thì Trung Quốc phải sử dụng năng lượng ít gây ô nhiễm hơn, thí dụ như chuyển sang dùng khí đốt.

Điểm thứ ba là từ cả năm nay quan hệ giữa Trung Quốc và Úc căng thẳng. Bắc Kinh ngừng nhập khẩu than đá của Úc nên đã vội vã quay sang các nhà cung cấp của Indonesia và Mông Cổ… Hệ quả kèm theo là giá khí đốt, hay than đá trên thị trường quốc tế bị đẩy lên cao do luật cung-cầu. Nói cách khác nhu cầu tiêu thụ tăng cao, trong lúc khả năng cung cấp của các nguồn sản xuất than đá, dầu khí, dưới tác động của dịch Covid-19 từ gần hai năm nay, thì lại bị giới hạn.

Than đá bảo đảm đến 60-70 % nguồn cung cấp điện cho nước đông dân nhất thế giới và cũng là công xưởng của thế giới. Trung Quốc đang ráo riết ve vãn các tập đoàn than của Indonesia và cũng đang rất chiều chuộng các quan chức trong vùng Nội Mông giàu than đá. Trong mọi trường hợp, công nghiệp than của Trung Quốc vẫn còn tương lai. Sau cùng cơn khát năng lượng của Trung Quốc cho thấy, các doanh nghiệp Âu, Mỹ lao đao nếu như cỗ máy sản xuất của Trung Quốc bị trật đường ray. Trong kịch bản ngược lại nếu hoạt động quá tốt thì Trung Quốc hút hết năng lượng của thế giới, tạo ra lạm phát đe dọa tăng trưởng toàn cầu.

Đối với Bắc Kinh câu hỏi đặt ra là phải tính sao nếu như hiện tượng nhà máy đóng cửa kéo dài, công nhân không được trả lương? Công luận Trung Quốc liệu có kiên nhẫn trước những đợt mất điện triền miên, các trung tâm thương mại sầm uất mất khách vì phải đóng cửa sớm? Đài CNN nói đến hiện tượng khan hiếm năng lượng nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc từ một chục năm qua. Năm 2011, một trận hạn hán dài ngày làm tê liệt các nhà máy thủy điện Trung Quốc khiến 10 tỉnh trên toàn quốc bị thiếu hụt năng lượng trong đó có tỉnh Quảng Đông, nơi sản xuất đến 10 % hàng made in China. Lần này, tác động còn nghiêm trọng hơn vào lúc cỗ máy kinh tế Trung Quốc đang hoạt động tốt sau đại dịch Covid-19 nhưng cũng đã bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi. Tổng cục Thống kê Trung Quốc ghi nhận đà phục hồi của thế giới còn bấp bênh, tiêu thụ nội địa vẫn trong thế bất cân đối và (Trung Quốc) sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để củng cố nền tảng của đà phục hồi và bảo đảm phát triển vững vàng.

Khí đốt của Nga: Chủ đề chính gây bất đồng tại thượng đỉnh Ukraine-EUKhí đốt của Nga: Chủ đề chính gây bất đồng tại thượng đỉnh Ukraine-EU
Không chỉ Trung Quốc, Ấn Độ cũng bên bờ vực khủng hoảng điệnKhông chỉ Trung Quốc, Ấn Độ cũng bên bờ vực khủng hoảng điện
Đối mặt khủng hoảng năng lượng, châu Âu kêu gọi ủng hộ điện hạt nhânĐối mặt khủng hoảng năng lượng, châu Âu kêu gọi ủng hộ điện hạt nhân
Nước Anh sai lầm khi xử lý khủng hoảng năng lượng?Nước Anh sai lầm khi xử lý khủng hoảng năng lượng?

Nh.Thạch

AFP

DMCA.com Protection Status