Việt Nam trong lòng các bạn Nga

20:20 | 01/09/2012

1,626 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Không chỉ với những ai từng sống ở nước Nga, nhiều thế hệ người Việt, khi nhắc đến mảnh đất này đều cảm thấy dâng lên trong tim mình tình cảm hết sức ấm áp, chân thành. Xứ sở bạch dương cùng những con người hào sảng đôn hậu và nền văn hóa Nga đặc sắc đã dệt trong tâm thức chúng ta những cung bậc tình ca sâu lắng.

Nguyễn Tiến Dũng

Sớm biết đến Việt Nam

Nhà sử học, TS Anatoly Sokolov, Phó giáo sư của Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, cũng là nhà Việt Nam học hàng đầu của Nga hiện nay, bằng những tư liệu chính xác đã khẳng định: “Lần đầu tiên ở Nga người ta được biết về Việt Nam là từ năm 1783”, nghĩa là suýt soát 230 năm trước - cuối thế kỷ XVIII - vào triều đại nhà Tây Sơn ở Việt Nam. Theo Anatoly Sokolov, khi đó, xưởng in Trường đại học Moskva đã phát hành bộ sách nhiều tập dịch từ tiếng Pháp mô tả các nước khác nhau. Một trong những tác giả là Samuel Baron, con trai của đại diện Công ty Đông Ấn Hà Lan tại Bắc Kỳ đã dành 65 trang để nói về khí hậu, tôn giáo, quân đội, hệ thống tài chính và các phong tục dân gian của Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và cán bộ lãnh đạo Petrovietnam tới thăm và chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Điều khiển hệ thống phân phối Gas của Gazprom

Nửa sau của thế kỷ XIX, nhiều ấn phẩm về Việt Nam từng được xuất bản tại Moskva, như cuốn “Phong tục, tập quán và di tích các dân tộc thế giới” có một chương mô tả thiên nhiên, thực vật và động vật, kiến trúc địa phương và trang phục của dân cư Việt Nam. Đặc biệt, các tác giả đã ghi nhận sự thống nhất của dân tộc Việt Nam, họ viết rằng: “Người Bắc Bộ và Nam Bộ là hai bộ phận ruột thịt của một dân tộc duy nhất”. Báo chí Nga trong nhiều năm đã có những bài viết giới thiệu về lịch sử, văn hóa và địa lý của Việt Nam, cũng quan tâm nhiều đến các sự kiện xâm chiếm Việt Nam của người Pháp.

Thú vị là, trong ấn phẩm của mình, các tác giả người Nga đã thể hiện cảm tình rõ rệt đối với cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam và lên án sự tàn bạo của quân đội Pháp tại Việt Nam. Sử gia Anatoly Sokolov cho biết, qua các ấn phẩm này, độc giả Nga mới biết rằng, lịch sử của người Việt Nam đã có 4.000 năm. Nghề chính của người Việt là nông nghiệp, tổ chức chính quyền trung ương từ xưa đã khá vững mạnh, ở Việt Nam không có nô lệ, nhiều người dân Việt Nam biết chữ và trong trường hợp thi đỗ, trước mắt một người học trò nghèo có thể mở ra con đường quan lộc vinh quang.

Một chuyện khá hy hữu từng xảy ra cách đây 120 năm, có một du khách Nga, bá tước Constantine Vyazemsky đã cưỡi ngựa vượt qua Mông Cổ, Trung Quốc và đi thăm cả ba miền Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ của Việt Nam vào năm 1892. Ông đã may mắn được yết kiến Vua Thành Thái, khi đó mới 13 tuổi, các đại thần vì kính trọng tinh thần quả cảm của vị khách Nga đặc biệt này đã dâng biểu xin nhà vua ban cho bá tước Vyazemsky những huân chương cao quý của triều đình.

Những tình cảm hiếm có

Tổng thống V. Putin trong dịp tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi cuối tháng 7 vừa qua từng nhấn mạnh: “Quan hệ Nga - Việt có gốc rễ sâu xa, giữa nhân dân hai nước từ lâu đã có mối thiện cảm to lớn và chính điều này đã giúp chúng ta phát triển mối quan hệ ngày hôm nay”.

Hàng chục ngàn chuyên gia Nga từng sang giúp đỡ Việt Nam trong mọi lĩnh vực, hàng trăm ngàn người Việt đã và đang sống, học tập và lao động tại các nước Liên Xô cũ và Nga hiện nay là những mối dây liên hệ ràng buộc, gắn bó tình cảm và hiểu biết sâu sắc về nhau trong nhiều thập kỷ.

Hẳn nhiều người còn nhớ cuộc gặp gỡ của hàng nghìn cựu sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp các trường đại học của Nga và Liên Xô trước đây tại Hà Nội với Tổng thống Liên bang Nga Medvedev trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 10/2010. Có lẽ, hiếm có ai từng nhận được tới 42 đợt vỗ tay dài từ những người dự khán trong chưa đầy một giờ giao lưu. Những tiếng vỗ tay sôi nổi mang đầy tình cảm đối với nước Nga và với người đại diện cao nhất của xứ sở này.

Câu chuyện xúc động thuở ấu thơ của Tổng thống Nga lúc thân phụ ông, Giáo sư Anatoli Medvedev - Trường ĐH Công nghệ Leningrad còn đang dạy rất nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh đến từ Việt Nam xa xôi đã khiến cho hàng ngàn con tim rung lên vì xúc động. Lúc ấy, Tổng thống Nga đã thốt lên rằng: “Chưa bao giờ tôi nhận được nhiều năng lượng như vậy từ phía cử tọa. Đây quả là một thời khắc mang cho tôi cảm xúc mạnh, đưa tôi về với quá khứ, với những ký ức thiếu thời. Nếu có điều gì chung đã kéo chúng ta lại gần nhau - thì đó chính là sự tôn trọng lẫn nhau và tình bạn. Tôi nghĩ rằng, điều này luôn có và sẽ tồn tại mãi mãi”.

Đoàn cán bộ lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm Trường đại học Dầu khí Liên bang Nga mang tên Gubkin

Còn nhớ, vào năm 1951, nhóm thanh niên Việt Nam đầu tiên đã được gửi sang học tập tại Liên Xô. Liên Xô cũ và Liên bang Nga đã giúp Việt Nam đào tạo 52 nghìn cán bộ khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội (trong đó hơn 30 nghìn người có trình độ đại học, hơn 3.000 tiến sĩ, trong đó có 200 tiến sĩ khoa học), 98 nghìn công nhân kỹ thuật, giáo viên dạy nghề, thực tập sinh nâng cao tay nghề tại các trường nghề hoặc xí nghiệp. Hiện nay có khoảng 6.000 công dân Việt Nam đang theo học đại học và trên đại học ở Nga, trong đó hơn 1.700 người là lưu học sinh theo tuyến Nhà nước.

Đội ngũ ấy và những người Việt hiện đang sinh sống tại Nga đã yêu và gắn bó sâu sắc với nền văn hóa Nga, đã và sẽ là điểm tựa vững chắc cho việc triển khai các kế hoạch hợp tác giữa hai đất nước.

Cuộc chiến anh dũng chống Mỹ cứu nước của Việt Nam đã tác động mạnh vào nơi sâu thẳm con tim của những người Nga. Đó là lý do vì sao những lưu học sinh Việt Nam sống và học tập tại Nga trong thập niên 60-80 của thế kỷ XX gần như được hưởng trọn vẹn tình yêu thương, bù đắp của những người Nga nhân hậu, sự tận tâm tận tình của các thầy cô giáo. Những tình cảm vô cùng quý giá ấy còn lưu dấu ấn sâu đậm trong tâm khảm lớp cán bộ, mà nhiều người giờ đây đã trở thành những lãnh đạo quan trọng của hai nước, chính là nền tảng vững chắc của sự tin cậy trong mọi quan hệ hợp tác.

Trong những lúc vui vẻ thân tình nhất, người Nga thường tự trào về sự chất phác của mình, nhưng hơn ai hết họ hiểu họ là một dân tộc vĩ đại với nền văn hóa truyền thống lâu đời đầy bản sắc, với kho tàng tri thức giàu có, sức mạnh về quân sự, kinh tế hàng đầu thế giới. Người Việt nào đã sống vài năm ở Nga, đặc biệt là vào thời Liên Xô cũ, đều thấy rõ điều đó, cũng thấy rõ sự vĩ đại ấy ở ngay trong những hành xử đời thường, gần gũi, chân thành, giản dị mộc mạc mà vô cùng cao cả, nhân văn.

“Мама - Папаâ” hai từ “Mẹ - Cha” đối với mỗi con người là thiêng liêng nhất. Hai từ ấy đã được biết bao chàng trai, cô gái Việt cất lên để gọi những người Nga. “Дорогой сынок! Дорогая дочечка” - “Con trai nhỏ thân yêu! Con gái nhỏ thân yêu” cũng là cặp từ họ được những người mẹ, người cha ở nước Nga xa xôi từng ân cần, âu yếm gọi. Những con tim được sưởi ấm giữa mùa đông băng giá ly hương, những tấm lòng bao dung xúc động khi mở ra để chở che đùm bọc. Không ở đâu trên trái đất này từng tồn tại thứ nghĩa tình xóa nhòa mọi khoảng cách về giống nòi, dân tộc, vượt thời gian và không gian, chân thành tha thiết và chứa chan đến vậy.

Điểm tựa năng lượng Việt - Nga

Chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cuối tháng 7 vừa qua đã đánh dấu một mốc son quan trọng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước Việt - Nga, một mối quan hệ ngày càng gắn bó, thực chất và đi vào chiều sâu, xứng tầm với 6 chữ vàng “Hợp tác chiến lược toàn diện”.

Tổng thống Nga Vladimia Putin chọn khu dinh thự Tổng thống ở Sochi, nơi chỉ dành để tiếp những người bạn thân thiết, gần gũi nhất của nước Nga để đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Một điều ý nghĩa sâu sắc hơn nữa trong sự lựa chọn này, nơi đây vào năm 1959, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Đảng và Nhà nước bạn. Khi ấy Bác đã ghép cành cây lên cây Hữu nghị trong vườn cây lưu niệm để thể hiện tình cảm gắn bó giữa hai dân tộc.

Trong chuyến thăm Nga lần này, Chủ tịch nước đã có chuyến thăm vùng cực Bắc Nhenhetxki cách Moskva gần 2.500km để cùng cán bộ, công nhân Liên doanh Dầu khí Rusvietpetro làm lễ đưa mỏ dầu mới Tây Khosedaiuskoe vào khai thác công nghiệp.

Ông Alekssey Sjunnerberg, nhà báo lão thành Nga từng nhiều năm theo dõi về Việt Nam và làm việc tại Đài Phát thanh Tiếng nói nước Nga cho rằng, hợp tác dầu khí và năng lượng Nga - Việt hiện “đơm hoa kết trái” nhất và hứa hẹn thành công hơn nữa trong tương lai.

Hợp tác năng lượng chính là điểm nhấn trong quan hệ Việt - Nga. Bên cạnh hoạt động của Liên doanh Vietsovpetro tại Việt Nam, trong những năm qua, hai bên tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí ở cả hai nước, đồng thời cùng nhau đầu tư vào các nước thứ ba. Những tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga như Gazprom, Zarubezhneft, Lukoil và TNK-BP đều đang cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) triển khai các dự án dầu khí. Liên doanh Rusvietpetro đã khai thác dòng dầu đầu tiên tại mỏ Bắc Khosedaiuskoe tháng 9/2010, tại mỏ Visovoi tháng 7/2011 và nay là mỏ Tây Khosedaiuskoe.

Những thành viên của Petrovietnam đang làm việc ở vùng băng tuyết đón Chủ tịch nước ngay tại công trường lớn, tỏ rõ quyết tâm về công cuộc tìm dầu cho Tổ quốc, đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài bằng cách vươn ra hợp tác với các nước, cho dù những chuyến đi xa này vô vàn gian khổ. Thăm dò khai thác dầu khí luôn là vậy, luôn ở những vùng hoang vu, hay giữa biển khơi - những vùng khắc nghiệt nhất với con người về mọi ý nghĩa.

Được biết, cả những cán bộ dầu khí phía bạn và phía ta đều khẳng định, bên cạnh quyết tâm của hai nhà nước và hai tập đoàn, chính tình cảm cá nhân gắn bó giữa những cán bộ dầu khí từng du học tại Nga và những người bạn Nga từng hiểu biết, quý trọng họ đã làm nên thành công của liên doanh này.

Không phải bây giờ, từ hơn 30 năm trước, những người thầy Nga, học trò Việt và những bạn học cùng trang lứa thời ấy đã là tác nhân quyết định việc chúng ta ký được hiệp định với Liên Xô để thành lập Liên doanh Vietsovpetro tại Việt Nam. Chúng ta và những người bạn Nga đã trở thành anh em tin cậy, chân thành và gắn bó cả một đời.

Ông Evgeni Areshev, Phó chủ tịch Ủy ban về Dự trữ địa chất của Liên bang Nga, người có 24 năm gắn bó cùng Vietsovpetro, được Chính phủ Việt Nam trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động kể rằng, lần đầu tiên đến Vũng Tàu, ông đã gặp tại đó hàng trăm chuyên viên của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, những người mà ông từng làm quen khi họ đi thực tế ở Nga: “Cùng với những đồng nghiệp như vậy, tuy tới làm việc ở đất nước nhiệt đới cách xa Nga nhưng ngay lập tức tôi thấy thân thuộc như ở nhà mình. Sau này, mỗi khi lãnh đạo Petrovietnam mời tôi đến Vũng Tàu, tôi luôn nói với mọi người trong gia đình: Tôi về thăm nhà đây”.

Hiện nay có trên 500 người Nga trong tổng số gần 7.000 lao động của Vietsovpetro. Được biết, đã có gần 10 ngàn chuyên gia đã kinh qua quá trình công tác tại Vietsovpetro ngày nay đang làm việc cho các dự án mới nhất trong thăm dò, khai thác thềm lục địa Việt Nam và Liên bang Nga.

Ở những công trường bên Nga, tất cả người Việt đều nói bằng tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ, còn ở Việt Nam, có một thứ ngôn ngữ rất đặc trưng tồn tại mấy chục năm qua. Người Dầu khí gọi là “ngôn ngữ” của tình hữu nghị Nga - Việt, không có trong bất cứ thứ từ điển ngôn ngữ  nào. Ví dụ như: “Давайте đi đánh pаство” (Nào chúng ta đi đánh dung dịch) hay: “Tối qua ты работает nhiều nhiều Давайтe oдыхат thôi!” (Tối qua cậu làm việc nhiều rồi hãy nghỉ ngơi đi thôi).   

Vào năm 2011, kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Dầu khí, tại Hội thi “Duyên dáng Dầu khí” lần thứ 3, hai cô gái Nga của Vietsovpetro đã đoạt những danh hiệu cao quý nhất, Natalia Pogrebniak - Hoa khôi ở lứa tuổi trên 36 và Ekaterina Mazur - Á khôi 1 ở lứa tuổi dưới 35.

Natalia Pogrebniak tâm sự: “Tôi thích đất nước Việt Nam từ ngày đầu tiên đến nơi đây. Một đất nước tuyệt đẹp, đầy nắng và mến khách, ở nơi đây có những con người thật tuyệt vời. Sau khi nhận được giải thưởng cao quý này, chắc chắn là tình cảm và suy nghĩ của tôi còn tốt hơn nhiều nữa, bởi vì tôi tin chắc Việt Nam đã chấp nhận tôi và gắn bó tôi vào gia đình của mình. Đối với tôi, điều rất quan trọng là ở đây, tại Việt Nam, tôi được coi là xinh đẹp và xứng đáng với một giải thưởng cao quý đến vậy”.

Còn Ekaterina Mazur, có thể coi là trí thức đại diện cho thế hệ trẻ của Nga ngày nay, đã dành những lời hết sức tốt đẹp để nói về Việt Nam: “Tôi đã sống ở Việt Nam đủ thời gian để có thể yêu mảnh đất này như yêu quê hương thứ hai của tôi. Văn hóa và lối sống Việt Nam đã trở nên quá gần gũi và gắn bó với tôi, tới mức đôi khi tôi cảm thấy mình đã sống ở đây suốt cả cuộc đời. Công ty của chúng tôi là công ty liên doanh giữa Nga và Việt Nam. Nhiệm vụ của tôi như là một đại diện từ Nga, làm việc vì lợi ích của công ty và bằng mọi cách để góp phần sức lực của mình xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và bền vững giữa hai nước. Quả đúng là, như người ta nói, một lần đến Việt Nam, bạn sẽ yêu đất nước này mãi mãi”.

Tình hữu nghị Việt - Nga dựa trên cơ sở tin cậy, hiểu biết lẫn nhau đã được dày công vun đắp trải qua nhiều thử thách của thời gian, là tài sản vô giá mà hôm nay chúng ta có bổn phận gìn giữ và cùng nhau phát triển.

N.T.D

DMCA.com Protection Status