Vietsovpetro: Biểu tượng đẹp của tình hữu nghị Việt - Nga

06:34 | 26/09/2013

2,082 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đến hôm nay, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro vẫn là “anh cả” ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), trong đó, biểu trưng của Liên doanh là tình hữu nghị Việt - Nga, từ nền tảng đó đã sinh ra rất nhiều giá trị văn hóa Vietsovpetro khó lẫn vào đâu bên cạnh những giá trị văn hóa chung của Petrovietnam. Phóng viên PetroTimes có cuộc trao đổi với Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro Đặng Minh Hồng về những giá trị văn hóa của Vietsovpetro được xây dựng trong 30 năm qua.

PV: Trong lịch sử hình thành và phát triển của Vietsovpetro, văn hóa dầu khí Việt Nam và văn hóa Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro có sự cộng hưởng chặt chẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Minh Hồng: Nếu ngành Dầu khí Việt Nam có hành trình trên 50 năm tìm lửa thì Vietsovpetro có hành trình 30 năm. Trong giai đoạn 1981-1991 cả ngành Dầu khí tập trung sức người, sức của xây dựng Vietsovpetro. Bản thân Vietsovpetro khi đó là động lực phát triển của toàn ngành. Nhiều cán bộ giỏi đã phát triển từ Vietsovpetro và trở thành lãnh đạo của ngành và các đơn vị dầu khí khác. Văn hóa là do con người. Do đó, có thể nói, đến hôm nay văn hóa ngành Dầu khí còn mang đậm văn hóa Vietsovpetro và trong văn hóa Vietsovpetro lại mang đậm văn hóa Việt - Nga. Tôi xin trích nguyên văn câu nói của Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 hình thành Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro: “Một nửa số trang trong lịch sử 30 năm của Vietsovpetro do các bạn đồng nghiệp người Liên Xô, người Nga viết…”.

Bí thư Đảng ủy Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro Đặng Minh Hồng

Trong văn hóa dầu khí có hai nét cơ bản. Đây là một ngành công nghiệp hiện đại nhưng rất mới ở Việt Nam và cũng là nơi tập trung những con người rất ưu tú, được đào tạo bài bản, trí tuệ từ công nhân đến kỹ sư và những chuyên môn cao hơn. Nên dù hình thành trong một thời gian ngắn nhưng ngành Dầu khí nước nhà rất phát triển, trên nền tảng đó Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro ra đời. Ngoài thành tựu chung về kinh tế, Vietsovpetro còn là nơi có truyền thống văn hóa được xây dựng trong suốt 30 năm qua bởi người Việt Nam và người Nga. Do đó, rất nhiều lãnh đạo trong nước cũng như lãnh đạo phía Nga trước đây cũng như hiện nay đều nói: “Vietsovpetro là biểu tượng đẹp, sinh động của tình hữu nghị Việt - Nga”.

PV: Đó là trên tổng thể, còn nói một cách cụ thể thì theo ông những giá trị văn hóa Vietsovpetro nào dễ nhận biết?

Ông Đặng Minh Hồng: Có thể nói Vietsovpetro là một môi trường đa văn hóa. Khi mới thành lập, tất cả các khâu liên quan đến khoa học công nghệ, kỹ thuật khó khăn đều do phía người Nga đảm nhận, lúc đó kỹ sư người Việt Nam đa số mới ra trường. Tuy nhiên, khoảng thập niên 90 thế kỷ XX thì chúng ta đã làm chủ một số công nghệ quan trọng. Trên các giàn khoan chật hẹp của Vietsovpetro là một tập thể lao động quốc tế, không chỉ có văn hóa của người Nga, người Việt mà còn có văn hóa người Azerbaijan, người Ucraina… nhưng họ sống với nhau rất hòa thuận, đoàn kết. Từ thành công của những công trình nhỏ, tập thể nhỏ, kề vai sát cánh với nhau đã góp phần làm nên những công trình lớn, thành công lớn có giá trị cực kỳ to lớn cho ngành Dầu khí, cho đất nước. Có thể nói tinh thần đoàn kết, vượt khó, tương thân tương ái, sẵn sàng bỏ qua những rào cản văn hóa… là một trong những đặc trưng khá nổi bật của người lao động Vietsovpetro.

Minh chứng cho điều này, tôi có thể kể câu chuyện trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, căng thẳng của Liên doanh trong năm 1986-1987, khi tìm dầu trong tầng móng, lúc đầu có thể có những quan điểm khác nhau nhưng sau đó hai bên đều giải quyết dựa trên cơ sở đồng thuận, đặt tập thể lên trên hết, nhiều cán bộ phía Việt Nam như anh Ngô Thường San, anh Nguyễn Văn Đức, anh Trần Hồi, còn phía Nga có ông V.S.Vovk… và nhiều người khác luôn kiên định với quan điểm của mình và cuối cùng đã thành công. Do đó, người lao động Vietsovpetro luôn có phong thái tự tin, ung dung, bình tĩnh trước những khó khăn, thử thách.

PV: Có lẽ vì vậy mà hơn 3 năm qua, tôi luôn cảm giác rằng, họ thường kiệm lời về mình mà chỉ nói về tập thể, ông có thể giải thích?

Ông Đặng Minh Hồng: Đúng vậy, đó là một trong những nét văn hóa đặc trưng không chỉ của người lao động Vietsovpetro mà còn là của người lao động dầu khí nói chung. Vì trong ngành công nghiệp dầu khí thì một cánh én chẳng làm nên mùa xuân mà đây là ngành công nghiệp của một tập thể có trí tuệ cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu, được rèn luyện trong môi trường công nghiệp rất khắc nghiệt, nhiều thử thách.

PV: Trong giai đoạn hiện nay, nhất là sau khi Hiệp định Liên chính phủ giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga tái ký thì văn hóa Vietsovpetro có thay đổi ít nhiều gì không, thưa ông?

Ông Đặng Minh Hồng: Tôi nghĩ không có gì thay đổi vì văn hóa Vietsovpetro có được là nhờ truyền thống 30 năm qua. Từ năm 2010 Vietsovpetro đã có những bước phát triển mới vượt bậc, trong đó phải kể đến sự thành công trong xây dựng các công trình nước sâu. Nhất là từ năm 2011, Vietsovpetro đã triển khai xây lắp thành công các giàn khai thác ở vùng nước sâu, xa bờ (trên 100m nước) cho các mỏ Đại Hùng, Hải Thạch, Mộc Tinh, khẳng định năng lực to lớn của Vietsovpetro trong lĩnh vực xây dựng công trình biển. Đồng thời, giai đoạn này, Chính phủ đã mạnh dạn giao cho Vietsovpetro phát triển những lô mới trên thềm lục địa Việt Nam. Hiện nay, ngoài Lô 09-1 theo hiệp định hai phía đã ký thì Vietsovpetro còn triển khai công tác tìm kiếm thăm dò tại 7 lô khác trên thềm lục địa Việt Nam theo các hợp đồng dầu khí.

Những người thợ Việt - Nga trên một giàn khoan

Tuy nhiên cũng từ sau năm 2003, mỗi năm sản lượng khai thác Vietsovpetro giảm trên một triệu tấn và theo sơ đồ công nghệ dự báo trước năm 2008 thì đến 2010 sản lượng còn dưới 5 triệu tấn từ Bạch Hổ và Rồng. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, từ 2009-2012, trong bốn năm liền, nhờ tích cực đẩy mạnh công tác thăm dò, tận thăm dò ở Lô 0-91 và tích cực bổ sung các giếng mới vào khai thác, Vietsovpetro đã duy trì liên tục trong 4 năm sản lượng đạt trên 6 triệu tấn. Đây là con số rất đáng ghi nhận của tập thể người lao động Vietsovpetro không nản lòng, không buông xuôi trước nhiều khó khăn như vậy.

Bên cạnh đó, trong 30 năm qua, Vietsovpetro luôn có đội ngũ lao động giỏi và lao động sáng tạo. Thể hiện nhiều thành tựu, hai lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng; còn lao động sáng tạo thì Vietsovpetro là đơn vị dẫn đầu toàn ngành trong nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới và áp dụng phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, chiếm trên 70% sản lượng toàn ngành. Trong đó, có nhiều công trình không chỉ đạt giải trong nước mà còn đạt giải quốc tế, và có những công trình áp dụng khoa học - công nghệ mới đã tiết kiệm nhiều chục triệu đôla cho đơn vị.

PV: Như vậy, bên cạnh những giá trị văn hóa góp phần rất lớn cho sự thành công của Vietsovpetro thì văn hóa Vietsovpetro còn thể hiện trong các lĩnh vực khác như thế nào thưa ông?

Ông Đặng Minh Hồng: Phải nói, Vietsovpetro là nơi phát triển rất mạnh công tác an sinh xã hội (ASXH). Trong nhiều năm liền ngành Dầu khí gọi Vietsovpetro là cánh chim đầu đàn của ngành, nghĩa đó là toàn diện và hiện nay câu nói này chưa lạc hậu. Vietsovpetro không chỉ sản xuất giỏi mà còn là nơi có sự giao thoa nhiều nét văn hóa khác của những con người đang làm việc nơi đây.

Hằng năm, hai Chính phủ đồng ý cho Vietsovpetro trích ra 3 triệu USD để làm công tác an sinh xã hội (ASXH) để xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương, hỗ trợ các các địa phương gặp nhiều khó khăn bằng các công trình phúc lợi xã hội… 50% số tiền trên thực hiện theo điều phối chung của Tập đoàn. Bên cạnh đó, hằng năm người lao động Vietsovpetro đóng góp 4 ngày lương với tổng số tiền khoảng 8-10 tỉ đồng để phục vụ công tác ASXH như hỗ trợ các quỹ xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, quỹ tương trợ dầu khí, quỹ hỗ trợ những người Vietsovpetro gặp khó khăn, quỹ vì thế hệ trẻ, quỹ vì nghĩa tình đồng đội cùng các hoạt động từ thiện khác.

Để chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động, Vietsovpetro đã xây dựng các thiết chế văn hóa khá đồng bộ như Trung tâm Văn hóa thể thao Tiểu khu 2 phục vụ cho hàng nghìn CBCNV. Những người lao động sau khi đi biển về có nơi tham gia các môn thể thao như bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, bơi lội, tennis. Trung tâm không chỉ dành riêng cho người lao động Vietsovpetro mà nhiều công ty trong ngành cũng thường xuyên sử dụng dịch vụ này. Nhờ những thiết chế văn hóa đó đã tạo điều kiện để mọi người giao lưu, học hỏi; bên cạnh đó là các buổi nói chuyện chuyên đề, các chị em được hướng dẫn nữ công gia chánh, thể dục thẩm mỹ… Người Nga thì có Tiểu khu I. Cả hai tiểu khu I và II đều nằm trong khu nhà 5 tầng… Ngoài ra, hằng năm, người Việt và người Nga đều có những buổi giao lưu văn hóa. Còn trong thể thao đôi khi không phân biệt đâu là người Nga - đâu là người Việt, vui nhất là những môn thi như kéo co, đơn vị nào nhiều người Nga thì chắc chắn thắng. Còn trên các công trình biển của Vietsovpetro đều có một phòng văn hóa, khu để chơi bóng bàn, có sân bóng chuyền…

PV: Vietsovpetro đã thực hiện công tác phúc lợi xã hội đối với người về hưu như thế nào?

Ông Đặng Minh Hồng: Chế độ dành cho người về hưu hay người có nhiều thành tích cống hiến cho Vietsovpetro luôn được ban lãnh đạo quan tâm. Kể từ năm 2008 đến nay thì Vietsovpetro có chính sách trợ cấp nửa tháng lương cho người lao động mỗi một năm công tác. Ví như ai công tác ở Vietsovpetro được 30 năm, nghỉ hưu thì được hưởng 15 tháng lương cho chức danh cuối cùng.

Còn chính sách nhà ở cho người về hưu thì không thực hiện được vì Chính phủ không cấp đất cho Vietsovpetro xây nhà bởi đây là liên doanh. Hiện nay nhà ở của CBCNV Vietsovpetro là nhà ở công vụ nên chúng tôi không được quyền hóa giá và bán cho người về hưu. Đương nhiên người về hưu sẽ được thuê nhà với giá thấp hơn so với giá thị trường.

PV: Thực hiện vai trò “anh cả” trong sản xuất kinh doanh và cả trong công tác ASXH đối với các đơn vị khác trong Tập đoàn như thế nào? Vì hiện nay cũng có những đơn vị trong Tập đoàn đang gặp khó khăn?

Ông Đặng Minh Hồng: Đúng vậy, trong bao năm qua, Vietsovpetro vẫn luôn giữ vai trò người anh cả trong ngành Dầu khí, tạo điều kiện hỗ trợ các đơn vị bạn đang gặp khó khăn. Thí dụ, hầu hết các công trình xây dựng của Vietsovpetro đều do PVC - IC thuộc PVC thực hiện; Nhà máy Đóng tàu Dung Quất được chỉ định thầu sửa chữa hầu hết các tàu của Vietsovpetro và hầu hết các công trình trên biển bờ đều do PVI thực hiện bảo hiểm... Hỗ trợ các đơn vị đang gặp khó khăn trong Tập đoàn cũng là thể hiện văn hóa nhân ái - trách nhiệm của Vietsovpetro.

Các cô gái Nga hát dân ca ở Liên doanh Vietsovpetro

Ngay trong công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác nếu sản lượng của Vietsovpetro sụt giảm nhanh thì ngành Dầu khí nước nhà cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay mối quan hệ giữa Vietsovpetro và các đơn vị trong ngành rất tốt. Hiểu biểu lẫn nhau, đoàn kết, dù rằng có những giai đoạn Vietsovpetro đứng một mình, còn bây giờ có nhiều lĩnh vực Vietsovpetro phải nhường bước để tạo công ăn việc làm cho các đơn vị khác. Còn những công việc khó, đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao như làm chân đế ở vùng nước sâu trên 100m, kinh nghiệm chế tạo hay sửa chữa giàn khoan thì Vietsovpetro vẫn phải đảm nhiệm. Nhưng nhiều người hiểu nhầm nói là Vietsovpetro cạnh tranh nhưng không phải như vậy, chúng tôi chủ trương không cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật với các đơn vị trong Tập đoàn khi cung cấp dịch vụ ra bên ngoài. Đây là trách nhiệm của Vietsovpetro. Ở đâu đó có vấn đề cạnh tranh đơn hàng, công việc với các đơn vị khác thì chúng tôi điều chỉnh ngay.

Với lợi thế hơn 30 năm xây dựng và phát triển, chúng tôi có những điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ người lao động rất vững chắc. Có được những lợi thế trên thì chúng tôi phải chia sẻ và chuyển giao cho các đơn vị khác trong Tập đoàn, cùng san sẻ khó khăn lẫn nhau.

PV: Phương châm hành động của Vietsovpetro có bổ sung thêm nhân tố nào khác với phương châm của Tập đoàn không thưa ông?

Ông Đặng Minh Hồng: Trong bao năm qua thì giá trị cốt lõi của Vietsovpetro là cánh chim đầu đàn của ngành Dầu khí Việt Nam, là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị Việt - Nga. Đó là cái đặc trưng cơ bản của Vietsovpetro chưa lẫn với các đơn vị khác trong ngành. Với sứ mệnh tiên phong trong lĩnh vực tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí, điều này có thể sẽ trùng lặp với PVEP nhưng hiện nay Vietsovpetro vẫn là đơn vị tiên phong; đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong lĩnh vực này. Trên cái nền đó, chúng tôi đưa ra phương châm hành động là Đoàn kết - Hữu nghị - Chuyên nghiệp - Kỷ cương - Nhân ái - Trách nhiệm. Trong phương châm hành động của Vietsovpetro bổ sung thêm cụm từ “hữu nghị”. Theo tôi, “An toàn - Chắc chắn” đã nằm trong cụm từ “Kỷ cương”.

Ngoài ra, nói đến văn hóa Vietsovpetro thì không thể không nhắc đến văn hóa gia đình nhiều thế hệ làm việc nơi đây. Giờ đây, ở liên doanh có thế hệ thứ hai là con em người Việt và người Nga đang làm việc với nhau. Chính điều này đã tạo nên nếp truyền thống ở Vietsovpetro được liên tục, không bị đứt gãy. Tình hữu nghị, cha truyền con nối.

PV: Vậy Đảng ủy, tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ… có vai trò như thế nào trong việc xây dựng văn hóa Vietsovpetro cũng như phát huy vai trò, vị trí, thế mạnh của người lao động dầu khí trong việc phát triển văn hóa của đơn vị?

Ông Đặng Minh Hồng: Các tổ chức chính trị xã hội phía Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với phía Nga, mà cụ thể là tổ chức công đoàn phía Nga để xây dựng văn hóa dầu khí Vietsovpetro. Chúng tôi tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị 2 lần anh hùng với những giá trị vô giá đã được tạo ra bởi nhiều thế hệ trong tập thể lao động quốc tế hơn 30 năm qua. Đó là tinh thần lao động giỏi, lao động sáng tạo, kỷ luật cao, đoàn kết và hữu nghị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Các tổ chức chính trị xã hội trong Liên doanh Vietsovpetro đã đưa vào chương trình hoạt động của mình nhiệm vụ xây dựng văn hóa dầu khí theo các tiêu chí chung của toàn Tập đoàn trong điều kiện cụ thể ở Vietsovpetro. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức nhiều phong trào thi đua trong lao động sản xuất, các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các tập thể lao động, sự quan tâm chu đáo của tổ chức đến từng CBCNV, thông qua đó các giá trị văn hóa Vietsovpetro được phát huy và duy trì bền vững.

PV: Ông có cho rằng, việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thời gian qua và việc xây dựng “văn hóa dầu khí” có mối liên hệ chặt chẽ, bổ sung lẫn nhau?

Ông Đặng Minh Hồng: Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa lớn của nhân loại. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là học văn hóa Hồ Chí Minh. Theo tôi, các tiêu chí văn hóa dầu khí đã cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về “cần, kiệm, liêm, chính”, về “chí công vô tư”, về tình yêu thương đồng bào, yêu thương nhân loại… Vì vậy, việc học tập và làm theo Hồ Chí Minh đã và đang có tác động tích cực đến việc xây dựng văn hóa dầu khí. Và chính việc xây dựng văn hóa dầu khí đã và sẽ làm cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Thiên Thanh (thực hiện)

DMCA.com Protection Status