Vietsovpetro: Tiết giảm chi phí chế tạo nhờ sử dụng chung khối bệ đỡ

08:09 | 03/10/2023

2,072 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Xuyên suốt hơn 40 năm xây dựng và phát triển, hoạt động sáng kiến sáng chế ở Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro không ngừng lớn mạnh, ngày càng hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, cách triển khai và hiệu quả hoạt động.

Các công trình của Vietsovpetro đã khai thác và vận hành suốt 40 năm qua nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất. Việc duy trì và phát huy hoạt động sáng kiến, sáng chế và hoạt động khoa học công nghệ trong giai đoạn hiện nay đóng một vai trò vô cùng quan trọng nhằm sử dụng tối ưu các tài nguyên và kéo dài thời gian vận hành an toàn hệ thống công nghệ sẵn có.

Hoạt động sáng kiến, sáng chế còn phát huy tối đa khả năng sáng tạo của cán bộ công nhân viên, một nét đẹp văn hóa trong sản xuất đã hình thành và duy trì kể từ khi thành lập Vietsovpetro đến nay.

Trong chương trình tổng kết “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, Công đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành kế hoạch và giao chỉ tiêu, Công đoàn Vietsovpetro hưởng ứng tham gia dưới sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội đoàn thể và người lao động Vietsovpetro.

Có thể khẳng định rằng, chương trình "01 triệu sáng kiến" đã đáp ứng nhu cầu lao động sáng tạo của cán bộ công nhân viên, mang lại hiệu quả kinh tế to lớn, tiết giảm một cách hiệu quả chi phí vật tư, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất của Vietsovpetro.

Vietsovpetro: Tiết giảm chi phí chế tạo nhờ sử dụng chung khối bệ đỡ
Vietsovpetro: Tiết giảm chi phí chế tạo nhờ sử dụng chung khối bệ đỡ
Giàn khai thác cố định dạng MSP, RP trước và sau khi tháo tổ hợp khoan

Nổi bật trong các sáng kiến của Vietsovpetro tham gia chương trình “01 triệu sáng kiến” là sáng kiến “Sử dụng một phần bệ đỡ tháp khoan di động có sẵn trên giàn MSP-3 để lắp cho giàn MSP-10 nhằm tiết giảm chi phí chế tạo khối kết cấu bệ đỡ cho tổ hợp khoan di động”.

Theo nội dung sáng kiến, hiện nay tại khu vực mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng, Vietsovpetro đang khai thác các giàn cố định dạng MSP, RP với khối thượng tầng bao gồm các block module phục vụ khai thác và xử lý, các block module phục vụ khoan… Do không còn nhu cầu sử dụng, nhằm tiết giảm chi phí vận hành, giảm tải cho các khối chân đế, Vietsovpetro đã tiến hành tháo dỡ các block module phục vụ khoan (tổ hợp khoan) của các giàn MSP, RP nói trên.

Sau khi tháo dỡ tổ hợp khoan, cần thiết phải tiến hành chế tạo và lắp đặt sẵn khối kết cấu bệ đỡ cho tổ hợp khoan di động để phục vụ cho công tác sửa giếng và hủy giếng khi cần. Do thiết kế các giàn MSP và RP là gần như tương đương, thiết kế khối kết cấu bệ đỡ cho các giàn này cũng giống nhau.

Vietsovpetro: Tiết giảm chi phí chế tạo nhờ sử dụng chung khối bệ đỡ
Khối kết cấu bệ đỡ cùng Tổ hợp khoan di động

Khối kết cấu bệ đỡ bao gồm có 2 phần chính: phần đường ray trượt (90 tấn) và kết cấu MSB (102 tấn) để lắp đặt tổ hợp khoan di động lên trên. Theo thiết kế ban đầu, từ trước tới năm 2020, toàn bộ khối kết cấu bệ đỡ (bao gồm cả phần đường ray trượt và MSB) đã được chế tạo và lắp ráp cố định lên 8 giàn (MSP-1,3,4,5,6,7,8,9). Khi có nhu cầu sửa giếng/hủy giếng, tổ hợp khoan di động cùng các thiết bị liên quan được chuyển từ giàn khác sang, đặt lên kết cấu bệ đỡ này để tiến hành công việc.

Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng các tổ hợp khoan di động trên các giàn cố định là không thường xuyên, mỗi năm chỉ thực hiện trên 1-2 giàn. Trong khi đó, chi phí chế tạo và lắp đặt khối kết cấu bệ đỡ hoàn chỉnh cho giàn MSP theo dự toán khoảng 2 triệu USD, chưa kể chi phí bảo dưỡng chống ăn mòn sau khi lắp đặt trên các giàn.

Trước tình hình đó, nhóm tác giả đã đặt ra vấn đề cần tìm kiếm giải pháp mới thực hiện công việc để tiết giảm chi phí. Nhóm tác giả đã đưa ra một số phương án khác nhau, cùng nhau xem xét và thảo luận, tính toán mức độ an toàn về mặt kết cấu, cũng như tính khả thi khi sử dụng tàu cẩu để dịch chuyển khối kết cấu bệ đỡ từ giàn này sang giàn khác để đưa ra đề xuất phương án mới chế tạo và lắp đặt khối kết cấu bệ đỡ cho các giàn MSP, đó là chỉ chế tạo một phần khối kết cấu bệ đỡ (phần cố định), phần còn lại (phần di động) chuyển từ giàn khác đã có sẵn khối kết cấu bệ đỡ sang.

Giải pháp này đã được áp dụng thành công trong giai đoạn 2019-2020 cho trường hợp giàn MSP-10 sau khi tháo dỡ tổ hợp khoan. Giải pháp tiết giảm được chi phí mua sắm vật tư sắt thép và chi phí chế tạo khối kết cấu bệ đỡ (khoảng 102 tấn kết cấu thép); tiết giảm chi phí bảo dưỡng (sơn chống ăn mòn) định kỳ cho khối kết cấu bệ đỡ tháp khoan trên các giàn; tận dụng được năng lực tàu cẩu của Vietsovpetro; rút ngắn thời gian thi công khối kết cấu bệ đỡ nhằm đáp ứng yêu cầu của bên khoan. Hiện nay, Vietsovpetro còn một số giàn chưa có khối kết cấu bệ đỡ. Sáng kiến này cũng sẽ giúp tiết giảm chi phí khi thực hiện cho các giàn nói trên, góp phần tiết giảm chi phí vận hành chung, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất hàng năm của Vietsovpetro.

Vietsovpetro nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ quản lý sản xuất trực tiếpVietsovpetro nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ quản lý sản xuất trực tiếp
Xí nghiệp Cơ điện Vietsovpetro thực hiện thành công dịch vụ sửa chữa tuyến cáp điện ngầm STV CPP - SVNEXí nghiệp Cơ điện Vietsovpetro thực hiện thành công dịch vụ sửa chữa tuyến cáp điện ngầm STV CPP - SVNE
Nâng cao sức mạnh truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp tại VietsovpetroNâng cao sức mạnh truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp tại Vietsovpetro
Cán bộ, đoàn viên, người lao động tiêu biểu Vietsovpetro tham quan thực tế tại Cà MauCán bộ, đoàn viên, người lao động tiêu biểu Vietsovpetro tham quan thực tế tại Cà Mau

N. Hiển

DMCA.com Protection Status