Yêu nghề cháy bỏng (Kỳ I)

09:59 | 05/12/2011

201 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ông có cách nhìn sắc sảo của một nhà khoa học, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm với những quyết định chính xác trong những thời điểm gay cấn nhất, khó khăn nhất của đơn vị, dù là khi ở Công ty Dầu khí I Thái Bình, ở Vietsovpetro, PVEP hay Cửu Long JOC… mà dân trong ngành Dầu khí hay đùa: "Ông An số đỏ, đi đến đâu là thấy dầu đến đó".

Kết quả đó không phải là chuyện ngẫu nhiên hay may mắn trong cuộc đời mà là cả một quá trình học tập, lao động, hăng say nghiên cứu và yêu nghề cháy bỏng của TSKH Vũ Ngọc An (nguyên Giám đốc Công ty Thăm dò – Khai thác Dầu khí (PVEP), nguyên Tổng giám đốc Cửu Long JOC và hiện nay là Tổng giám đốc Công ty Dầu khí 100% vốn nước ngoài Mitra Energy Ltd. (Vietnam).

Kỳ I: Thế hệ thứ hai

Cơ duyên nghề nghiệp

Nói về sự ra đời, trưởng thành và phát triển của ngành Dầu khí nước nhà chúng ta không thể không nhắc đến câu chuyện giai đoạn trước khi nước nhà thống nhất hàng chục năm, Đảng và Nhà nước đã có tầm nhìn chiến lược khi cử hàng trăm học sinh đi du học về dầu khí ở Liên Xô (cũ) và các nước XHCN khác. Trong đó, TSKH Vũ Ngọc An thuộc thế hệ thứ hai của ngành (cùng các ông Trần Ngọc Cảnh, Nguyễn Quang Bô, Trần Lê Đông, Nguyễn Văn Tuyến, Lê Văn Chương, Lương Đức Hảo, Đỗ Đình Luyện…) hay còn gọi là thế hệ xây dựng và phát triển ngành, sau thế hệ thứ nhất (các ông Nguyễn Văn Biên, Đinh Đức Thiện, Lê Văn Cự, Phan Tử Quang, Nguyễn Văn Diêu, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Văn Bột, Đặng Của, Hồ Đắc Hoài, Ngô Thường San, Phan Minh Bích, Trương Thiên, Nguyễn Ngọc Cư, Trần Ngọc Toản, Nguyễn Trí Liễn, Nguyễn Giao…) là thế hệ thiết lập và xây dựng nền tảng cho ngành. Để sau này, khi làm việc với các đối tác nước ngoài, ông An rất nhiều lần tự hào khi nghe họ trầm trồ thán phục tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam ngay từ những năm chiến tranh ác liệt.

Còn ông, vì sao yêu ngành đến thế, cơ duyên cuộc đời, sự may mắn của số phận hay niềm tin – ý chí vững chắc vào những điều mà mình tin tưởng, dường như có tất cả nhưng quan trọng hơn là ông hiểu được trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm đối với những người cùng thế hệ với mình. Thời chiến, khi bạn bè cùng trang lứa lên đường ra trận thì ông được cử đi học; hòa bình lập lại người thì hy sinh, người là thương bệnh binh, người thì đường công danh dang dở… còn ông đã có nghề nghiệp ổn định, có niềm tin, có ước mơ và hoài bão để thực hiện…

yeu nghe chay bong ky i
TSKH Vũ Ngọc An (thứ 2, từ phải qua) trong Lễ cắt thép khởi công đóng giàn khai thác mỏ Sư Tử Vàng tại đảo Batam, Indonesia (năm 2005)

Năm 1972, tốt nghiệp loại ưu Đại học Dầu – Hóa Bacu, Vũ Ngọc An cùng 3 sinh viên Việt Nam trong lớp là Bùi Công Quế, Trần Ngọc Cảnh và Phạm Dương được nhà trường giữ lại để học tiếp nghiên cứu sinh. Ông còn nhớ như in trong buổi tiệc chia tay học trò, 4 vị giáo sư – tiến sĩ Liên Xô tóc bạc trắng, đối diện với bốn tân kỹ sư dầu khí Việt Nam đã nói: “Các em phải nhớ, nghề dầu khí không phải là nghề bàn giấy, mà là nghề phải lăn lộn thực địa để tích lũy kiến thức thì mới thành công. Mỗi người trong số các thầy trước khi về đây giảng dạy, nghiên cứu đều đã có hàng chục năm lăn lộn ngoài thực địa. Hiện nay, tuy đã là có bằng cấp, địa vị cao, lớn tuổi, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên xuống cơ sở trau dồi thêm kiến thức để không lạc hậu với thực tế đang biến đổi từng ngày…”.

Thấm nhuần lời dạy của thầy, sau khi ra trường về nước, ông đã không ngần ngại xông pha trận mạc là những công trình trọng điểm nhất của dầu khí qua từng thời kỳ; từ nơi đầu tiên là Công ty Dầu khí 1 Thái Bình, rồi về mảnh đất mới đầy thách thức là Vietsovpetro, PVEP, Cửu Long JOC… Khi ông tình nguyện từ giã Cơ quan Tổng cục Dầu khí (Hà Nội) về Thái Bình hay về Vietsovpetro (Vũng Tàu) công tác, không ít người thắc mắc, sao phải đi xa thế, ở miền Bắc, giữa thủ đô vẫn sướng hơn nhưng ông luôn quan niệm: “Làm nghề Dầu khí mà không đến nơi có dầu khí để làm thì phí quá”.

Và ông vẫn nhớ như in cái thời kỳ gian khó của ngành Dầu khí trong cái khó chung của đất nước thời kỳ bị cấm vận, chưa tìm thấy dầu, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Một số ít anh em không trụ được đành bỏ ngành và tìm kế mưu sinh khác, còn lại hầu hết vẫn quyết trụ lại với ngành, vừa làm chuyên môn vừa lo trồng lúa, trồng sắn, đóng gạch, nung vôi nuôi nhau, vượt qua thời buổi gian khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chờ cơ hội mới…

May mắn thay, năm 1986 đất nước tiến hành cải cách mở cửa, đã mở ra bao vận hội mới cho nước nhà nói chung và cho ngành Dầu khí nói riêng. Ông khẳng định: “Cải cách, mở cửa là đường lối vô cùng sáng suốt của Đảng ta, không phải là câu tán dương cửa miệng mà đó thực sự là một nhận thức rất sâu sắc của cá nhân tôi cũng như nhiều anh chị em trong ngành Dầu khí. Những người thuộc thế hệ chúng tôi và các thế hệ sau này, nhất là các cán bộ kỹ thuật và quản lý, đã được hưởng rất nhiều thành quả cụ thể của chính sách này. Nó như cái cẩm nang thần kỳ, không những làm cho đất nước giàu mạnh mà qua hội nhập với thế giới mỗi chúng tôi đều có cơ hội học hỏi, trưởng thành vượt bậc về mọi mặt”.

Sau 5 năm làm việc ở Công ty Dầu khí I (Thái Bình), bước những bước đi chập chững đầu tiên trong nghề cùng với những bước đi chập chững của ngành; 3 năm ở cơ quan Tổng cục Dầu khí, 5 năm ở Vietsovpetro (VSP) trực tiếp tham gia cùng cán bộ kỹ thuật của VSP và Tổng cục tìm ra dầu khí trong móng – một chiến công rạng ngời của ngành Dầu khí Việt Nam, ông quay lại Bacu và chỉ trong 2 năm (1990-1992) đã hoàn thành xuất sắc luận án TSKH trên cơ sở tài liệu nhận được sau hàng chục năm lăn lộn ngoài thực tế.

Về nước lần này, ông hồ hởi đón chào vận hội mới của ngành Dầu khí và của đất nước đã bước vào thời kỳ đổi mới.

Những tháng ngày ở PVEP

Vào những năm 1992-1995, Tổng Công ty Dầu Khí Việt Nam (PVN) giao cho Công ty Thăm dò – Khai thác Dầu khí (PVEP) triển khai một loạt các đề án khảo sát địa chất, địa vật lý và khoan sâu tại những khu vực nhạy cảm – nơi có nhiều nước tranh chấp như Vịnh Bắc Bộ, khu vực Tư Chính – Vũng Mây… Lúc đó, với tư cách là Phó giám đốc kỹ thuật địa chất rồi Giám đốc PVEP, ông An được phân công trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trên.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công việc, công ty gặp phải những thách thức vô cùng to lớn về kỹ thuật, hậu cần và đặc biệt là về công tác bảo vệ an ninh ngoài biển khi các công ty dầu khí nước ngoài từ chối tham gia hoặc tham gia rất hạn chế vì sợ va chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của họ; thêm nữa, một số nước láng giềng luôn cử tàu chiến và các loại tàu cá vũ trang đến do thám, cản phá, đe dọa; cộng với các khu vực này thường xa bờ mấy trăm cây số nên điều kiện hậu cần rất khó khăn. Mặt khác, ở các vùng này chưa có nghiên cứu địa chất, địa vật lý hoặc có nhưng rất sơ sài cộng với kinh nghiệm làm việc (nhất là khoan trong đá vôi) của ta tại các đối tượng này hầu như chưa có; khó khăn nữa là PVEP chưa trực tiếp tự điều hành các giếng khoan trên thềm lục địa bao giờ nên hạn chế về kinh nghiệm chuyên môn…

Để khắc phục những khó khăn và thử thách trên, PVEP đã liên hệ, phối hợp chặt chẽ với lực lượng hải quân và an ninh dầu khí làm tốt công tác bảo vệ trên đất liền, ngoài biển. Có lúc ta đã huy động tới 8 tàu chiến ra trực chiến 24/24 giờ và huy động lực lượng không quân bay tuần tra tại khu vực dầu khí đang khoan.

Nhiều lần đã quá nửa đêm, ông An vẫn cùng các sĩ quan Hải quân chụm đầu trên hải đồ tác chiến theo dõi di chuyển của các con tàu lạ quanh khu vực giàn khoan và bàn phương án xử lý khi tình huống xấu xảy ra… Gần 20 năm đã qua kể từ ngày ấy mà trong ông vẫn nguyên vẹn tình cảm gắn bó ruột thịt với các anh em Hải quân. Nói chuyện với chúng tôi ông cứ nhắc đi nhắc lại: “Bọn tôi làm dầu khí còn đỡ chứ anh em Hải quân vất vả lắm, đặc biệt là các chiến sĩ trên tàu. Đứng trên giàn khoan nhìn xuống, biển cả mênh mông, sóng dữ bạc đầu. Chiếc tàu bảo vệ của ta trông nhỏ bé, mỏng manh như chiếc vỏ trấu giữa trùng khơi, trồi lên, trụt xuống theo từng con sóng. Lúc đó nghĩ đến các chiến sĩ ta trên tàu mà thắt cả ruột gan!”.

Về mặt kỹ thuật, PVEP đã tranh thủ tối đa những kinh nghiệm của ngành Dầu khí (đặc biệt là Vietsovpetro) có được cho đến lúc đó và một điều đặc biệt mà trước thời kỳ mở cửa chưa từng có đã xảy ra là các chuyên gia dầu khí tư bản đang làm dầu khí ở Việt Nam (BP, BHP…) đôi lần cũng tham gia đóng góp một số ý kiến tư vấn quan trọng cho ta lúc giếng khoan gặp sự cố khi khoan vào tầng đá carbonat… Tuy rằng, lúc đó họ cũng không rõ các giả thuyết tình huống kỹ thuật được đưa ra thảo luận đang xảy ra ở đâu, lúc nào…

Trải qua bao khó khăn, thử thách, cuối cùng PVEP đã thực hiện thành công hàng loạt đề án khảo sát địa chất, địa vật lý tại thềm lục địa Vịnh Bắc Bộ và thềm lục địa phía nam (khu vực Tư Chính – Vũng Mây). Đồng thời PVEP hợp đồng với Vietsovpetro khoan thành công 2 giếng thăm dò ngoài biển. Ông nhấn mạnh: “Chính các kết quả thu được trên đây đã góp phần đáng kể trong công tác đánh giá tiềm năng dầu khí của thềm lục địa Việt Nam, đặc biệt là các khu vực nhạy cảm. Các tài liệu thu được cùng với các tài liệu khác là cơ sở quý giá để đàm phán với các nước về phân chia ranh giới thềm lục địa sau này”.

Những ngày cùng tập thể cán bộ kinh tế – kỹ thuật của PVEP nghiên cứu và bảo vệ thành công quyền lợi của Việt Nam trong mỏ dầu XX và các lô Y, Z mà phía nước ngoài trả lại, để lại trong ông nhiều kỷ niệm không phai mờ.

Tại mỏ XX, sau một thời gian tiến hành công tác khoan các giếng thăm dò, thẩm lượng bổ sung và khai thác thử, nhà thầu nước ngoài yêu cầu phía Việt Nam sửa lại các điều kiện ăn chia trong hợp đồng PSC theo hướng có lợi cho họ với lý do họ đã thăm dò, thẩm lượng xong cho toàn mỏ và đi đến kết luận là trữ lượng mỏ trên thực tế thấp hơn nhiều so với con số dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, qua nghiên cứu toàn diện mỏ XX, tính toán lại trữ lượng bằng chính phương pháp do nhà thầu nước ngoài đang dùng và sử dụng các số liệu đầu vào mới nhất thu được ở Việt Nam, PVEP kết luận: “Trữ lượng của mỏ XX qua số liệu mới nhận được quả thật có giảm một cách đáng kể nhưng không phải giảm tới mức như nhà thầu đưa ra. Mỏ XX chưa được thẩm lượng đầy đủ, do đó chưa thể đưa ra con số cuối cùng về trữ lượng. Đặc biệt vẫn còn những vùng có tiềm năng dầu khí tốt nhưng chưa được khoan và đánh giá đúng mức như móng nứt nẻ, trầm tích đá vôi của cánh sụt phía đông…”. Nếu họ trả lại thì ta tự làm!

Sau này, khi các công ty nước ngoài rút khỏi đề án mỏ dầu XX (một lý do khách quan nữa là lúc đó giá dầu thế giới quá thấp: 10-15USD/thùng), theo phân công của PVN, PVEP đã trực tiếp điều hành đề án trong 6 tháng một cách an toàn trước khi trao lại cho VSP, mang lại lợi nhuận cho nhà nước hơn 20 triệu USD theo thời giá lúc bấy giờ.

Thời gian đã chứng minh những kết luận của PVEP lúc đó là hoàn toàn đúng đắn. Sau này ta đã tìm thấy thêm trữ lượng dầu mỏ ở cánh sụt phía đông, móng nứt nẻ và các khu vực khác.

Từ đó cho đến nay, mỏ dầu XX liên tục được VSP rồi lại quay về PVEP để tự điều hành khai thác và mang lại nhiều lợi ích to lớn cho đất nước. Và mới đây thôi, ngày 26/10/2011, Lễ đón dòng dầu đầu tiên từ mỏ XX (giai đoạn 2) vừa được PVEP tổ chức long trọng tại Hà Nội, đưa sản lượng khai thác dầu của mỏ từ 4.000 – 5.000 thùng/ngày (giai đoạn 1), lên mức 12.000 thùng/ngày và sẽ tiếp tục khoan các giếng phát triển khai thác tại mỏ XX nhằm tăng sản lượng lên 18.000 thùng/ngày vào quý I/2012. Cho chúng tôi xem tấm giấy mời của lãnh đạo PVEP và mỏ XX đi dự Lễ mừng công tại Hà Nội, ông không khỏi tự hào nhớ lại những ngày “chiến đấu” oanh liệt cùng các “chiến hữu” ở PVEP nhằm bảo vệ mỏ XX hơn 15 năm về trước.

Nhớ lại những ngày sôi nổi ở PVEP, ông hay nhắc đến công lao dìu dắt của các bậc đàn anh với lòng biết ơn chân thành và ông hay nhắc đến các cán bộ trẻ ngày nào đã từng sát cánh bên ông nay đều trưởng thành, đã và đang đảm nhiệm những trọng trách của PVEP và của ngành Dầu khí.

Sau một thời gian gắn bó với PVEP đến tháng 11/2001, ông Vũ Ngọc An được PVN cử sang làm Tổng giám đốc Cửu Long JOC (CLJOC) – Liên doanh điều hành chung đầu tiên của Petrovietnam với các đối tác tư bản nước ngoài là ConocoPhillip (COP, Anh – Mỹ), KNOC, SK (Hàn Quốc) và Geopetrol (Pháp). Lại một bước ngoặt mới trong hành trình đi tìm lửa của TSKH Vũ Ngọc An…

TSKH Vũ Ngọc An

Sinh ngày 1/10/1948

Quê quán: Minh Tân, Hưng Hà, Thái Bình

Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ khoa học (Địa chất – Khoáng vật học)

Quá trình công tác:

- 1966 – 1976: học Đại học và Phó tiến sĩ (Tiến sĩ) địa chất, địa vật lý tại Học viện Dầu – Hóa Bacu (Liên Xô).

- 1976 – 1980: Cán bộ kỹ thuật Công ty Dầu khí I (Thái Bình).

- 1980 – 1985: Cán bộ rồi Phó phòng Địa vật lý, Vụ Kỹ thuật Tổng cục Dầu khí (Hà Nội).

- 1986 – 1990: Phó giám đốc Xí nghiệp Địa vật lý, Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro.

- 1990 -1992: Nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học ngành Địa chất khoáng vật tại Viện hàn lâm khoa học Azerbaijan (Bacu, Liên Xô).

- 1993 – 1998: Phó giám đốc Công ty Thăm dò – Khai thác Dầu khí (PVEP) thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.

- 1998 -1999: Quyền Giám đốc PVEP.

- 1999 - 2001: Giám đốc Công ty PVEP.

- 2001 – 2009: Tổng giám đốc Công ty Liên doanh điều hành Dầu khí Cửu Long (CLJOC).

- Từ tháng 2/2009 đến nay. Sau khi nghỉ hưu tháng 2/2009 được mời làm Tổng giám đốc Công ty Dầu khí Mitra Energy Vietnam (100% vốn nước ngoài, Anh Quốc)

Khen thưởng

- Liên tục được Tổng Công ty Dầu khí tặng bằng khen trong các năm 1997-2007.

- Tổng Cục An ninh – Bộ Công An cấp bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo vệ an ninh dầu khí 1994-1998.

- Bộ Quốc phòng cấp bằng khen về công tác quốc phòng toàn dân năm 1994-1998.

- Danh hiệu “Nhà quản lý và doanh nhân dầu khí xuất sắc 2007” của ngành Dầu khí.

- Ba lần được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong các năm 1999, 2002 và 2006.

- Được Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1999.

- Năm 2003 được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba

- Năm 2008 được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

(Xem tiếp kỳ sau)

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status