Yếu tố nào ảnh hưởng tới giá dầu thô năm 2013?

07:00 | 08/01/2013

1,089 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Năm 2012, giá dầu mỏ dao động trong khoảng từ 92 đến 125 USD/thùng. Các chuyên gia dự đoán vào năm tới, mức giá trung bình cũng sẽ duy trì khoảng 100 USD. Tuy nhiên, nếu đột biến tình hình diễn ra ở Trung Đông, dầu mỏ thế giới sẽ đứng trước nguy cơ chạm trần 200 USD.

 

Nếu Iran đóng của eo biển Hormuz, phương Tây sẽ có hành động can thiệp quân sự, khi ấy dầu mỏ thế giới sẽ đứng trước nguy cơ chạm trần 200 USD

Suốt năm 2012, giá bán nhiên liệu tồn tại ở phạm vi thuận lợi đối với nền kinh tế toàn cầu, không xảy ra sự tăng vọt hay tụt điểm mạnh. Như giới chuyên viên nhận xét, đây là tình hình có lợi cho tất cả các bên tham gia thị trường. Vì vậy, có lý do để hy vọng giá dầu mỏ trung bình trong năm 2013 sẽ tiếp tục dao động ở mức tương đương năm 2012.

Tuy nhiên, nếu tình hình Trung Đông vượt ngoài tầm kiểm soát, kịch bản giá dầu như vậy sẽ khó diễn ra. Chuyên gia Denis Borisov, thuộc Ngân hàng Nomos (Nga) khẳng định, nếu xảy ra xung đột vũ trang ở Trung Đông, dầu thô có cơ hội phá vỡ kỷ lục về giá.

“Cuộc bầu cử ở Mỹ đã qua, và giờ đây vấn đề Iran một lần nữa sẽ nổi lên trong chương trình nghị sự. Các kịch bản tiêu cực nhất có thể làm chỉ số dầu biến động khó lường, thậm chí chạm trần 200 USD/thùng”- ông Borisov cho biết.

Một yếu tố khác ảnh hưởng tới giá là những dự án khai thác lớn được đưa vào vận hành. Tuy nhiên trong năm 2013, Vitaly Kryukov, chuyên gia IFD Capital cho rằng, điều này khó xảy ra. “Hiện này, người ta đề cập nhiều tới việc phát triển dầu đá phiến sét, một yếu tố có thế mạnh trong tương lai. Nhưng tôi không nghĩ rằng điều này sẽ tác động đáng kể tới giá dầu trong năm 2013”- Kryukov nhận xét.

Quả là Mỹ đang tích cực phát triển các dự án sản xuất dầu đá phiến sét. Nhưng theo chuyên gia Denis Borisov, "cuộc cách mạng đá phiến" sẽ khó đe dọa châu Âu. “Ngay từ đầu, đá phiến đã không có triển vọng hấp dẫn do tình hình sở hữu đất đai ở châu Âu. Mật độ dân số của châu lục này cao, trong khi cần rất nhiều giếng đá phiến sét. Việc ExxonMobil từ chối dự án tại Ba Lan là một tín hiệu cho thấy sẽ không xuất hiện tràn lan các dự án đá phiến dầu ở châu Âu”- Borisov nói.

Trong khi đó, các công ty Nga đua nhau tăng cường ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ và khí đốt toàn cầu. Chẳng hạn, Rosneft trong năm 2013 sẽ hoàn thành thỏa thuận mua lại tài sản của liên doanh Nga-Anh TNK-BP, để trở thành doanh nghiệp lớn nhất thế giới về tiềm năng dự trữ đã được chứng minh cũng như năng suất khai thác hàng ngày. Theo các nhà phân tích, sẽ có nhiều doanh nghiệp khác của Nga củng cố vị thế khi bắt đầu hoạt động khai thác tại thềm lục địa ngoài khơi.

S.Phương (Theo RIA Novosti)

DMCA.com Protection Status