TS Ngô Thường San:

Ba giải pháp quan trọng để PVN phát triển bền vững

07:03 | 30/12/2015

2,514 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Vietsovpetro, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam - Tiến sĩ Ngô Thường San chia sẻ câu chuyện và cả bài học kinh nghiệm về việc ứng phó với giá dầu giảm sâu trong thập niên 90 của thế kỷ XX. TS Ngô Thường San khẳng định, phát triển khoa học công nghệ, phát huy nội lực và đổi mới cơ chế là 3 nhân tố cực kỳ quan trọng để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phát triển bền vững.  

Ứng phó với giá dầu giảm sâu thập niên 90

PV: Là người gắn bó cả cuộc đời với ngành Dầu khí, từng đảm nhận vị trí quan trọng nhất của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, rồi Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, ông có thể kể câu chuyện thời kỳ giá dầu suy giảm sâu trong thập niên 90 của thế kỷ XX?

ba giai phap quan trong de pvn phat trien ben vung
Tiến sĩ Ngô Thường San

TS Ngô Thường San: Giá dầu hiện nay suy giảm với tốc độ quá nhanh, ảnh hưởng cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Lẽ nhiên, sự suy giảm của giá dầu là theo chu kỳ, trước đây vào khoảng năm 1993-1998 cũng suy giảm rất sâu, đến năm 2000 bắt đầu phục hồi. Thời kỳ này, giá dầu suy giảm trong 6-7 năm liền. Năm 1998-1999 bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế khu vực Đông Nam Á giá dầu cũng rất thấp. Trước đó vào khoảng năm 1990-1991, có lúc giá dầu lên 25-27 USD/thùng nhưng sau đó có thời kỳ giá dầu suy giảm sâu xuống còn 7 USD/thùng, dao động khoảng 9-10 USD/thùng trong mấy năm. Như vậy, giá trị sụt giảm giá dầu thời kỳ này khoảng 50% và nhìn lại sự sụt giảm của giá dầu hiện nay thì cũng mất khoảng 50% (vì quý III/2014 giá dầu đang ở mức 100 USD/thùng nhưng nay ở dưới 50 USD/thùng). So với giá dầu cao và đỉnh sụt mất khoảng 60%. Tuy nhiên, hai bối cảnh khác nhau.

PV: Bối cảnh thời điểm đó và bây giờ khác nhau như thế nào thưa ông?

TS Ngô Thường San: Bối cảnh từ năm 1994-1995 đến năm 2000 là lúc Việt Nam mở cửa và cần rất nhiều ngoại tệ. Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc xuất khẩu dầu thô, nên việc giá dầu giảm sâu đã tác động nền kinh tế nước nhà mạnh hơn. Tuy nhiên, hiện nay giá dầu giảm không tác động nhiều đối với nền kinh tế đất nước vì xuất khẩu dầu thô chỉ đóng góp 6% GDP của đất nước. Do đó, tiêu cực của giá dầu đối với nền kinh tế Việt Nam chưa cảm nhận được, mặc dù thế giới đã cảm nhận rõ. Trên thực tế, sự suy giảm giá dầu có hiệu ứng lâu dài, vài năm sau mới thấy rõ chứ không ngay lập tức. Còn đối với ngành Dầu khí thì bị tác động trực tiếp, hiện nay rất khó khăn.

ba giai phap quan trong de pvn phat trien ben vung
Giàn Công nghệ trung tâm số 2 - mỏ Bạch Hổ

PV: Nhưng ngành Dầu khí cũng có những thuận lợi khách quan chứ, thưa ông?

TS Ngô Thường San: Thời kỳ đó, tôi nhớ, cứ đến quý IV hằng năm thì Chính phủ gọi tôi lên báo cáo, trao đổi ngay, lúc làm Tổng giám đốc Vietsovpetro cũng như lúc làm Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Chính phủ luôn chỉ đạo làm thế nào cố gắng vượt kế hoạch, tăng sản lượng khai thác dầu, đất nước đang rất cần ngoại tệ. Trong khi tăng sản lượng thời đó không phải vài trăm nghìn tấn như bây giờ mà là tăng cả triệu tấn dầu. May mắn là chúng tôi có điều kiện khách quan, sản lượng khai thác ở mỏ Bạch Hổ đang ở đỉnh. Khi dư địa ở mỏ Bạch Hổ còn rất lớn thì đầu tư không lớn. Thuận lợi thứ hai là mô hình của Xí nghiệp Liên doanh khép kín từ khâu đầu đến khâu cuối (trừ chế biến lọc hóa dầu) nên việc phối hợp giữa các xí nghiệp để tăng hiệu quả đầu tư, giảm giá thành mang tính chất cục bộ, dễ điều phối.

Tuy nhiên, không phải dễ dàng cứ mở van là dầu lên mà lúc đó có phong trào tự phát phát huy sáng kiến sáng chế trong nội bộ Vietsovpetro. Trong các cuộc họp Ban Tổng giám đốc cũng như đi xuống đơn vị cơ sở, tôi đều đề nghị lãnh đạo các xí nghiệp và anh em phải phát huy tối đa tính sáng tạo, sáng kiến. Phải đầu tư khoa học công nghệ, dùng khoa học công nghệ để tăng sản lượng, tăng hiệu quả, giảm giá thành. 

PV: Theo ông, liệu có phải trong khó khăn, thử thách yếu tố tinh thần của ban lãnh đạo và người lao động Vietsovpetro ngày đó có vai trò cực kỳ quan trọng?

TS Ngô Thường San: Lúc đó có phong trào đổi mới công nghệ của liên doanh, tuy nhiên đây là giai đoạn đất nước vẫn bị cấm vận kinh tế, nhưng không vì thế mà làm nản lòng anh em. Trong khi nhiệm vụ bức thiết lúc này muốn tăng hiệu quả đầu tư thì buộc phải thay đổi khoa học công nghệ. Lúc này nói Liên Xô không tiến bộ không đúng, mà có tiến bộ một bên. Tôi từng nói, trong thành công và hiệu quả của ngành Dầu khí phải nói đến sự thành công và hiệu quả của phát triển khoa học công nghệ và đến bây giờ vẫn là kinh nghiệm để ngành tiếp tục ổn định và phát triển.

Thời kỳ đó, có những giải pháp đổi mới công nghệ làm tôi rất ấn tượng. Trong đó việc Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan hoàn thiện bộ đo karota khí. Trên thực tế ta có các thiết bị đo karota của Nga, nhưng còn lạc hậu theo công nghệ tương tự (analog). Trong khi yêu cầu cấp thiết là đổi mới công nghệ, với nhiệm vụ đặt ra cho Vietsovpetro lúc bấy giờ là bỏ tất cả các thiết bị của Nga và mua thiết bị karota của tư bản, nhưng trên thực tế họ không bán mà độc quyền và chỉ cho thuê, giá cũng không hề rẻ, lại tăng lên hằng năm. Trong khi chúng ta không có nhiều tiền, giá thành đắt và khi thuê rồi sẽ bị phụ thuộc vào nhà cung cấp.

Tôi đến Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan gặp anh Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Xí nghiệp Địa vật lý, sau khi trò chuyện thì “đẻ” ra vấn đề tự nghiên cứu, đổi mới công nghệ bằng chính nội lực kỹ sư trong xí nghiệp. Từ analog chuyển sang kỹ thuật số để truyền tín hiệu lên bờ giống như công nghệ karota của các công ty tư bản. Lúc đầu cũng có một số anh em e ngại vì thấy khó quá. Nhưng sau với quyết tâm cao thì đã thành công, tất cả bộ đo karota khí của Xí nghiệp Liên doanh đều được đổi sang số hóa, chuyển qua con đường cáp quang đưa vào đất liền mà Vietsovpetro không phải mua thiết bị mới.

PV: Còn giải pháp khoa học công nghệ nào trong thời kỳ này mà ông thấy ấn tượng nhất?

TS Ngô Thường San: Để tăng hiệu quả của công tác khai thác một tấn dầu bằng cách tăng sản lượng chỉ bằng giải pháp khoa học kỹ thuật để giảm giá thành, đó là giải pháp bơm ép nước. Sau này, công trình Bơm ép nước của Liên doanh được giải thưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên từ năm 1993 đến 1994 thì công nghệ này chưa được áp dụng rộng rãi mà chỉ mới thử nghiệm ở Xí nghiệp Khai thác của Vietsovpetro. Bơm ép nước thế nào cho hiệu quả, làm thế nào để tăng sản lượng, tăng hiệu quả khai thác. Đến năm 1996-1997-1998 thì mới triển khai rộng rãi công nghệ bơm ép nước. Vì đặc điểm của mỏ Bạch Hổ là hai độ rỗng, khai thác hai chế độ khác nhau, trong đó có bơm ép nước thứ cấp. Lúc đó chúng tôi nghiên cứu công nghệ vỡ vỉa thủy lực, xử lý axít vùng cận đáy giếng để làm sao tăng độ lưu thông của dầu và kết nối các nứt nẻ với nhau, rộng hơn… Do đó, phải khẳng định, trước yêu cầu của Chính phủ, Vietsovpetro phải tăng sản lượng nhưng việc tăng sản lượng phải đi đôi với giảm giá thành vì giá dầu lúc này rất thấp. Để giảm giá thành không phải hình thức mang tính cơ học mở van cho giếng hoạt động mà là bằng những giải pháp khoa học công nghệ để tăng sản lượng, giảm giá thành khai thác.

PV: Có lần ông đã đề cập rất nhiều đến vấn đề phát huy nội lực. Vậy ngày ấy Vietsovpetro phát huy nội lực như thế nào, thưa ông?

TS Ngô Thường San: Đúng vậy, câu chuyện quan trọng nữa phải kể đó là việc phát huy nội lực trong Vietsovpetro. Tôi nhớ lúc đó có rất nhiều anh em rất đam mê sáng kiến, trong đó có 3 cây sáng kiến tôi vẫn nhớ rất rõ là kỹ sư địa chất Trần Văn Hồi, kỹ sư khoan Lê Quang Nhạc và kỹ sư khoan Hà Ngọc Khuê… Trong công tác khoan, liên doanh yêu cầu phải tăng tốc độ khoan, giảm thời gian khoan, làm thế nào tăng hiệu quả đầu tư và giảm giá thành. Vietsovpetro đã nghiên cứu chòng khoan, chế độ khoan, dung dịch khoan phải khoan qua tầng sét trương nở… khi qua đó phải chống ống thì tốn chi phí tiền ống và thời gian. Bài toán đặt ra là phải nghiên cứu ra dung dịch gì để khi khoan qua tầng sét trương nở không phải chống ống.

Đồng thời ngày ấy ở Xí nghiệp Cơ khí và Xí nghiệp Khai thác có nhiều sáng kiến rất có giá trị, anh em tự tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị đã bị hư hỏng. Trong khi trước đây, nếu thiết bị hư thì mua thay và giờ để tiết giảm chi phí sản xuất thì xí nghiệp tiến hành tự phát huy năng lực nội bộ, sửa chữa thiết bị đó và tiếp tục sử dụng các thiết bị đó. Đó cũng là cách đầu tư khoa học để giảm giá thành.

Trong công tác phát huy nội lực còn phải nhắc đến việc kết nối với bên ngoài để giảm giá thành. Nếu trước đó tất cả các tàu dịch vụ của Vietsovpetro bị hư hỏng, đa phần đều gửi đi Singapore để sửa chữa với chi phí cao và mất nhiều thời gian. Sau đó, chúng tôi có liên kết chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, rồi các hãng đóng và sửa chữa tàu trong nước như Ba Son ở TP HCM, Bạch Đằng ở phía bắc sửa chữa để giảm giá thành… chúng tôi không phải tiêu ngoại tệ mà giá thành lại giảm.

Mệnh lệnh của trái tim

PV: Với kinh nghiệm của một chuyên gia đầu đàn của ngành Dầu khí nước nhà ông có thể phân tích những khó khăn của PVN và đưa ra một vài giải pháp trong giai đoạn hiện nay?

TS Ngô Thường San: Dù bối cảnh bây giờ có khó khăn hơn lúc trước vì chúng ta vào FTA nên không còn rào cản về khoa học công nghệ, kinh tế chứ không như thời kỳ chúng ta bị cấm vận. Ai giỏi, tiến bộ sẽ thắng. Do đó chúng ta khó khăn càng khó khăn hơn khi bị sức ép năng suất lao động, cạnh tranh rất cao.

Đối với ngành Dầu khí hiện nay thì có những yếu tố khó khăn khách quan khác, sản lượng dầu mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ khai thác. Giờ chủ yếu đi “khai thác mót” những mỏ cũ, mỏ nhỏ. Mà đã là mỏ nhỏ thì chi phí khai thác sẽ cao. Nhà cũ thì sửa chữa phải cao hơn nhà mới là đương nhiên. Muốn duy trì và tăng sản lượng khai thác thì phải đầu tư nhiều nhưng để đầu tư hiệu quả thì không còn cách nào khác là bằng các giải pháp khoa học công nghệ mới, phù hợp với mỏ đó.

Hiện nay, mặc dù đối với nền kinh tế chung của đất nước chưa cảm nhận được khó khăn nhưng đối với ngành Dầu khí là rất khó khăn. Cách đây không lâu tôi có tâm sự với các anh em ở Tập đoàn là các anh đang ở giai đoạn khó khăn nhất so với các giai đoạn khác. Hiện nay thuận lợi thì ít mà khó khăn thì nhiều. Nhưng nếu các anh vượt qua thử thách này thì rất vinh quang.

Theo kinh nghiệm của tôi thì chúng ta vẫn tiếp tục khai thác, không thể đóng mỏ được. Đóng mỏ sau này khơi dậy rất khó, giống như một cái nhà không ở, bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng thì sửa rất khó. Đối với đất nước mình, ngành Dầu khí vẫn đóng vai trò không nhỏ trong nền kinh tế, chúng ta không thể sa thải người lao động như các tập đoàn dầu khí trên thế giới. Dù rằng, thời gian qua truyền thông đưa tin các công ty dầu khí trên thế giới cắt giảm gần nửa triệu người lao động dầu khí. Thế nhưng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không thể sa thải mà chỉ sắp xếp lại như thế nào cho hợp lý. Quan trọng là nghiên cứu bài toán làm thế nào để giảm giá thành khai thác, muốn thế thì phải đổi mới công nghệ.

PV: Hội Dầu khí Việt Nam đã có những chủ trương, giải pháp gì để chung tay cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vượt qua thử thách hiện nay thưa ông?

TS Ngô Thường San: Vừa rồi tôi tham gia Ủy viên Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Dầu khí rất có giá trị. Anh em hiện giờ đang làm một cách tự phát mà chúng ta chưa tôn vinh xứng đáng. Trong 40 công trình đưa lên chúng tôi lựa chọn 14 công trình để vinh danh. Các công trình đều có giá trị rất lớn, không chỉ đóng góp về mặt khoa học - công nghệ, tối ưu hóa thời gian, chi phí, đồng thời mỗi công trình tiết kiệm từ vài chục triệu USD đến vài trăm triệu USD chỉ trong thời gian 3-5 năm áp dụng. Sau đó các công trình còn lan tỏa và có giá trị cao hơn. Theo tôi đó là giải pháp mà Tập đoàn phải nghiên cứu để liên kết các nhà sáng kiến lại. Từ đó tạo sức cạnh tranh của PVN với các công ty dầu khí quốc tế.

Tuy nhiên, hiện phong trào này chỉ phát triển trong phạm vi một nhóm nhỏ trong một công ty chứ chưa có sợi dây liên kết giữa các công ty trong toàn Tập đoàn. Cái nhược điểm của Tập đoàn ta bị phân tán, bị xé lẻ. Vì thế, phát huy nội lực bằng cách kết nối những khâu sản xuất đó lại làm một. Từ anh đặt hàng cho đến anh dịch vụ và anh tạo ra sản phẩm có sự kết nối trên tiêu chí là hiệu quả đầu tư trong toàn ngành Dầu khí. Từ anh khai thác, dịch vụ, ra sản phẩm từ khí - điện - đạm - lọc hóa dầu… hiệu quả của công ty này là tác nhân cho công ty kia. Chứ trong lúc khó khăn này mỗi nơi tự che chắn cho mình kín trước tiên còn người khác có bị lạnh thì mặc kệ thì sẽ không bền vững. Hiệu quả ở đây phải tính là hiệu quả chung, còn ban lãnh đạo công ty là nhạc trưởng.

PV: Trong giai đoạn này, những công ty khâu đầu thăm dò - khai thác (E&P) thì khó khăn nhưng những công ty khâu sau như khí - điện - đạm - lọc hóa dầu sẽ thuận lợi hơn. Có nghĩa là bức tranh của PVN không quá xám nhưng làm thế nào để điều hòa, san sẻ giữa các đơn vị thưa ông?

TS Ngô Thường San: Hiện nay trong ngành Dầu khí có những công ty bị tác động trực tiếp là các công ty ở khâu đầu E&P… nhưng còn những công ty khâu sau tác động có độ trễ khác nhau nhưng nếu giá dầu cứ tiếp tục giảm sâu và ở mức thấp như thế này thì tất cả các công ty trong ngành Dầu khí đều chịu tác động chứ không riêng lẻ một ai cả. Trong giai đoạn hiện nay mở cửa, các công ty đều bung ra, sự cạnh tranh rất khốc liệt. Tôi từng báo động, chúng ta không chấn chỉnh trong công tác quản trị, cơ chế hoạt động, linh động điều chỉnh công nghệ thì chúng ta thua thiệt ngay trên sân nhà chứ đừng nói là tiến ra thế giới.

Nhắc thì có vẻ nhàm chán nhưng ở đây tôi vẫn nói, để ngành Dầu khí phát triển thì phải đầu tư khoa học công nghệ. Phát huy nội lực bằng cách liên kết nội lực các công ty trong Tập đoàn lại. Chúng ta có các công trình cơ khí tiêu biểu của PVC-MS, PTSC, PV Shipyard, ở Vietsovpetro cũng có xưởng cơ khí rất mạnh… Tất cả giống nhau như thế mà tại sao chúng ta không liên kết lại để tạo thành sức mạnh tổng thể của ngành cơ khí dầu khí Việt Nam. Lẽ nhiên hiện nay có cơ chế khi cổ phần hóa thì có sự độc lập, riêng biệt, phát huy tính chủ động của từng nhóm nhỏ. Nhưng việc xé lẻ, manh mún như thế dường như không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Các công ty tư bản hiện nay đang trong xu hướng tích tụ với nhau thành những tập đoàn, mới đủ sức cạnh tranh. Một điều quan trọng nữa là Tập đoàn phải nhanh chóng phát triển hoàn thiện ngành công nghiệp khí và chế biến sản phẩm từ khí, tạo giá trị gia tăng và chiếm lĩnh thị trường trong nước.

PV: Ông từng nhắc đến câu chuyện đổi mới cơ chế, đối với Tập đoàn có lẽ bây giờ là thời điểm cần đổi mới để tồn tại và phát triển?

TS Ngô Thường San: Trên thực tế PVEP đang rất khó khăn vì giá dầu giảm sâu, không có tiền đi đầu tư thăm dò, khai thác, phải đi vay ngân hàng. Trong khi đó, PV GAS thừa tiền. Tại sao chúng ta không có một cơ chế để điều tiết trong nội bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Lâu nay chúng ta quen với cơ chế kiểm soát bên trên trong khi bên dưới không được chủ động. Tôi từng có kiến nghị lên Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do tính đặc thù cần được giao quyền chủ động hơn (lẽ dĩ nhiên có sự kiểm soát của cơ quan quản lý của Chính phủ), đối với các đơn vị thành viên cũng nên tạo sự năng động, mạnh dạn giao quyền cho cơ sở, ngay cả trong công tác sắp xếp tổ chức và đầu tư, ứng phó kịp thời với sự biến động của thị trường.

Nói về cơ chế, qua kinh nghiệm bản thân làm lãnh đạo ở Vietsovpetro và ở Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam thì trong việc phát huy nội lực, giá thành luôn luôn giảm. Trong khi theo báo cáo vừa qua, khi Nghị quyết 355 đi vào cuộc sống, thực hiện chỉ định thầu thì giá lại đội lên. Tôi không hiểu tại sao như thế. Tập đoàn nên nghiên cứu lại, có thể do cơ chế về thuế hay do nguyên nhân khác. Chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân, tại sao khi phát huy nội lực trong Tập đoàn thì giá thành lại cao hơn.

Đồng thời, tôi cũng chia sẻ chân thành phải làm thế nào để mỗi người dầu khí trong giai đoạn này hiểu trách nhiệm của mình và làm việc với mệnh lệnh của trái tim chứ không chờ một pháp lệnh của chính quyền nữa. Con người dầu khí từ trên xuống dưới hiểu đây là mệnh lệnh của trái tim, làm việc với thế chủ động “Vì sự nghiệp Dầu Khí” thì Tập đoàn sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Tôi tin vào điều này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thiên Thanh

Năng lượng Mới 486

DMCA.com Protection Status