Đại sứ EU và Pháp làm việc tại BSR

11:23 | 26/05/2017

696 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 25/5, ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và ông Lorthalory Bertran, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam đã thăm và làm việc tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Tiếp đoàn có Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên.  

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên cho biết, sản lượng sản xuất lũy kế của BSR từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến 5/2017 đạt khoảng 47 triệu tấn với doanh thu gần 40 tỉ USD. Trong đó, lũy kế số tiền nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỉ USD, gấp 2 lần tổng mức đầu tư (3 tỉ USD). BSR là doanh nghiệp lớn thứ 6 Việt Nam và trung bình mỗi năm đóng góp cho ngân sách tỉnh Quảng Ngãi 1 tỉ USD. Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất là biểu tượng mới của nền công nghiệp Việt Nam, là động lực phát triển công nghiệp miền Trung.

Chỉ còn 10 ngày nữa BSR sẽ dừng nhà máy, tiến hành Bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3 trong vòng 52 ngày. Mọi công việc lên kế hoạch đã hoàn thành, sẵn sàng cho đại công trình bảo dưỡng và phấn đấu rút ngắn thời gian bảo dưỡng 5-7 ngày, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng cho Nhà nước. Trong đó có nhiều phân xưởng sử dụng trang thiết bị từ Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan cũng được bảo dưỡng định kỳ nhằm nâng cao công suất chế biến.

dai su eu va phap lam viec tai bsr
Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên trao đổi với Đại sứ EU Bruno Angelet và Đại sứ Pháp Lorthalory Bertran

Về cổ phần hóa, theo kế hoạch đã được phê duyệt, BSR sẽ thực hiện chào bán lần đầu cổ phiếu ra công chúng trong quý IV/2017. Trong đợt IPO này, BSR dự kiến chào bán từ 5-6%, phần còn lại chào bán cho các nhà đầu tư định danh và các nhà đầu tư chiến lược. Thông qua ngài đại sứ, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên mong muốn các ngài đại sứ bằng uy tín và mối quan hệ gửi thông tin IPO BSR cho các đối tác châu Âu, đặc biệt là đối tác Pháp (Total, Chevron…) trong việc mua cổ phần tại BSR.

Hai ngài đại sứ cũng quan tâm tình hình dự án phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh do Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ làm nhà điều hành. Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 100km về phía Đông, ước tính trữ lượng thu hồi tại chỗ khoảng 150 tỉ m3, gấp 3 lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ thuộc dự án khí Nam Côn Sơn, lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại. Tập đoàn ExxonMobil sẽ đầu tư 1 giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi; 2 cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88km nối vào bờ biển Chu Lai. Trên bờ, PVN sẽ đầu tư một nhà máy xử lý khí để cung cấp khí cho 4 nhà máy điện dự tính xây dựng và cung cấp mỗi năm 1 tỉ m3 khí đã qua xử lý cho NMLD Dung Quất phát triển hóa dầu. Chính phủ Việt Nam đang mời gọi đầu tư nước ngoài hợp tác liên doanh xây dựng 4 nhà máy điện (2 ở Quảng Nam và 2 ở Quảng Ngãi). Các tập đoàn lớn ở châu Á và châu Âu, trong đó có Pháp cũng quan tâm 4 dự án điện khí này.

Lật lại lịch sử, ngay từ cuối thập kỷ 70, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương hình thành một chiến lược xây dựng ngành công nghiệp lọc - hóa dầu để phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu đầu tiên được hình thành năm 1977 hợp tác với Công ty Beicip của Pháp nghiên cứu thực hiện trên cơ sở nguồn tài trợ từ Quỹ UNICO, dự kiến đặt tại Nghi Sơn - Thanh Hóa với công suất 6 triệu tấn/năm, sản xuất nhiên liệu và một số loại sản phẩm hóa dầu. Năm 1979, dự án đã dừng lại vì gặp khó khăn về nguồn vốn.

Sau một thời gian dài tìm kiếm đối tác, năm 1992, Chính phủ chủ trương mời một số đối tác nước ngoài liên doanh đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu, trong đó có Liên doanh là Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN)/Total/CPC/CIDC do Total (Pháp) đứng đầu. Tuy nhiên, đến tháng 9/1995, Total xin rút khỏi dự án do không đạt được thỏa thuận về địa điểm đặt nhà máy.

10 năm sau, một đại diện của Pháp là Công ty Technip France là nhà thầu đứng đầu Hợp đồng EPC 1+4 xây dựng NMLD Dung Quất. Hợp đồng này được ký kết giữa PVN và Tổ hợp TPC gồm (Pháp), Technip Geoproduction (Malaysia), JGC (Nhật Bản), Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha). Từ cuối năm 2005, Thủ đô Paris cùng Yokohama (Nhật), Madrid (Tây Ban Nha) và Kuala Lumpur (Malaysia) là 4 trung tâm thực hiện công tác thiết kế của Tổ hợp TPC. Tại NMLD Dung Quất, nhà thầu cung cấp bản quyền AXEN cũng đã cung cấp thiết bị cho một số phân xưởng quan trọng của nhà máy. Ngoài ra, hiện nay, một số cán bộ quản lý và kỹ sư giỏi của BSR cũng được đào tạo, trưởng thành từ các trường đại học danh tiếng của Pháp.

Như vậy, nước Pháp, cụ thể là ngành công nghiệp lọc dầu Pháp có mối quan hệ truyền thống với lịch sử lọc hóa dầu Việt Nam suốt hơn 40 năm qua.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status