Giá dầu thế giới và ứng xử của Petrovietnam

07:00 | 16/07/2014

1,032 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày nay, giá dầu thô là một trong những chỉ số tác động nhạy cảm đến kinh tế toàn cầu bởi đã quá lệ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch này. Sự tăng giảm của giá dầu thế giới tác động như thế nào đến một nước xuất khẩu dầu thô như Việt Nam và cụ thể là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam)?

Năng lượng Mới số 339

Báo Năng lượng Mới có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Petrovietnam xung quanh những ứng xử của Petrovietnam mỗi khi giá dầu trên thị trường quốc tế biến động.

Đáp ứng điều kiện kinh doanh quốc tế

PV: Thưa tiến sĩ, là người giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt của một tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước với trọng trách liên quan đến khai thác và kinh doanh dầu khí, xin ông cho biết những thay đổi của giá dầu thế giới đang diễn ra từng ngày có tác động như thế nào đến Petrovietnam?

TS Đỗ Văn Hậu: Giá dầu thô thế giới chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố như tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới, sản lượng sản xuất của các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga, nhu cầu dự trữ và tiêu thụ của các nền kinh tế lớn là Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Ấn Độ… Ngoài ra, giá dầu trong các khu vực thị trường còn chịu tác động bởi hàng loạt các yếu tố như thời tiết, đầu cơ, diễn biến giá các nhiên liệu thay thế…

Giá dầu thế giới và ứng xử của Petrovietnam

TS Đỗ Văn Hậu

Do đó, công tác thống kê, đánh giá và đặc biệt là dự báo giá dầu được các công ty dầu đặc biệt chú trọng nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh trong điều kiện thị trường có nhiều biến động như hiện nay.

Đối với Petrovietnam, doanh thu bán dầu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu hằng năm, nộp ngân sách từ nguồn thu bán dầu hiện đạt gần 6 tỉ USD/năm. Giá dầu ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các đơn vị trong toàn Tập đoàn, do đó việc cập nhật diễn biến giá dầu hàng ngày đã được Tập đoàn và các đơn vị thực hiện từ thập niên 90 của thế kỷ trước để có được các quyết sách đúng đắn, kịp thời trong kinh doanh.

Vì vậy, các dự án do Petrovietnam thực hiện đều đã tính đến việc đảm bảo hiệu quả theo các "kịch bản" biến động giá dầu, trong đó phương án cơ sở đã được xây dựng dựa vào các dự báo giá dầu trung và dài hạn được xác định khoa học bằng nhiều phương pháp dự báo và từ nhiều nguồn khác nhau.

PV: Ông đánh giá như thế nào về các đối tác và thị trường xuất khẩu dầu thô chủ yếu của Petrovietnam hiện nay cũng như trong thời gian tới?

TS Đỗ Văn Hậu: Dầu thô Việt Nam là một trong những loại dầu có chất lượng tốt so với các loại dầu trên thế giới và khu vực. Với hàm lượng lưu huỳnh thấp, dầu thô Việt Nam ngoài việc được đưa vào chế biến tại các nhà máy lọc dầu (NMLD) thì còn có thể được sử dụng để làm nhiên liệu đốt trực tiếp cho một số các nhà máy nhiệt điện chạy dầu. Tập đoàn đã cố gắng nỗ lực mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng trong nhiều năm qua và đến nay đã có được một hệ thống khách hàng tiêu thụ rộng khắp các khu vực trên thế giới bao gồm các công ty dầu quốc gia, các công ty đa quốc gia và các công ty kinh doanh dầu lớn trên thế giới.

Theo thống kê, năm 2013 khoảng 50% lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản và Australia, khoảng 25% được các nhà máy lọc dầu Đông Nam Á tiêu thụ, phần còn lại được đưa về các NMLD khác trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ… Dự kiến trong thời gian tới thị trường tiêu thụ dầu thô Việt Nam vẫn tương đối ổn định về cơ cấu. Trong trung và dài hạn khi nhu cầu cung cấp dầu thô cho các nhà máy lọc dầu của Việt Nam gia tăng thì cơ cấu xuất khẩu có thể thay đổi để đạt được hiệu quả kinh tế tổng thể tối ưu.

PV: Là một tập đoàn kinh tế Nhà nước, xin ông cho biết cơ chế xuất bán dầu thô của Tập đoàn ra sao?

TS Đỗ Văn Hậu: Hoạt động xuất bán dầu thô của Việt Nam hiện nay được thực hiện theo Quy chế quản lý hoạt động mua bán dầu thô được Hội đồng Thành viên ban hành kèm theo Quyết định số 10336/QĐ-DKVN ngày 12-11-2010. Theo đó toàn bộ khối lượng dầu thô được chào bán công khai, minh bạch theo chuẩn mực kinh doanh dầu quốc tế thông qua đấu thầu và chào hàng cạnh tranh dưới sự giám sát của các ủy ban bán dầu chung được thành lập bởi đại diện các chủ dầu là các nhà thầu dầu khí quốc tế và các công ty thăm dò khai thác dầu khí của Petrovietnam và tổ tư vấn bán dầu của Petrovietnam.

PV: Vậy trước áp lực chào thầu cạnh tranh đó của thị trường, phải thỏa mãn những điều kiện nào thì Petrovietnam mới bán được giá tốt nhất, thưa tiến sĩ?

TS Đỗ Văn Hậu: Để đạt được hai mục tiêu chính là đảm bảo an toàn và liên tục cho hoạt động khai thác trong điều kiện sức chứa của các kho nổi là hạn chế đồng thời đạt được mức giá tối ưu cần đáp ứng các điều kiện: Có đầy đủ và cập nhật thông tin về thị trường, khách hàng, tình hình hoạt động khai thác của các mỏ; có quan hệ hợp tác tốt với các khách hàng để xử lý tốt các tình huống phát sinh; đội ngũ cán bộ thực hiện nghiệp vụ có trình độ và kinh nghiệm để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của loại hình kinh doanh quốc tế này.

Nhu cầu tăng nhưng giá dầu sẽ giảm

PV: Đối với nhiều quốc gia, giá dầu luôn là một biến số kinh tế vĩ mô nhạy cảm và quan trọng. Đến nay, sau hơn 20 năm được xếp vào danh sách các nước xuất khẩu dầu mỏ, giá dầu ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam, thưa tiến sĩ?

TS Đỗ Văn Hậu: Với mức đóng góp lớn, nguồn dầu thô xuất khẩu của ta luôn là một biến số kinh tế quan trọng ảnh hưởng đến thu ngân sách quốc gia. Bên cạnh đó, với nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm dầu ngày càng cao (khoảng 14-15 triệu tấn/năm) để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, có thể nói giá dầu thô (nhân tố chính ảnh hưởng đến giá sản phẩm dầu) có ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động kinh tế của đất nước và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

PV: Được biết, nhu cầu dầu thô của thế giới đang có xu hướng tăng, tiến sĩ bình luận như thế nào về tổng quan cung - cầu của thị trường cũng như dự báo biến động giá dầu trong thời gian tới?

TS Đỗ Văn Hậu: Theo một báo cáo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nếu giá dầu tăng 10USD/thùng sẽ làm tốc độ phát triển kinh tế của các nước châu Á giảm khoảng 0,8%. Tỷ lệ ảnh hưởng này có thể thay đổi theo thời gian do việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế và hiệu suất sử dụng nhiên liệu. Giá của dầu thô được quyết định bởi cân đối cung - cầu thế giới.

Theo đánh giá của một số tổ chức năng lượng thế giới như Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Trung tâm Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hay Tổ chức Xuất khẩu dầu thế giới (OPEC), nhu cầu dầu của thế giới trong cả năm 2014 ước đạt khoảng 92 triệu thùng/ngày, tăng xấp xỉ 1 triệu thùng/ngày so với năm 2013 do những dấu hiệu tốt lên của kinh tế toàn cầu, nhất là khu vực Bắc Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ là hai thị trường tiêu thụ nhiều dầu mỏ nhất thế giới (chiếm trên 30% mỗi thị trường) và tỷ trọng này sẽ ngày càng tăng với sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi thuộc thị trường này.

Giá dầu thế giới và ứng xử của Petrovietnam

Trạm rót dầu không bến - mỏ Bạch Hổ

Nguồn cung dầu cũng được các tổ chức này dự báo tăng trong những năm sắp tới bởi ngoài sản lượng dầu được khai thác bằng các biện pháp truyền thống, sự phát triển mạnh mẽ của dầu đá phiến đang khiến sản lượng dầu của Mỹ nói riêng và của thế giới tăng cao. Sản lượng khai thác dầu các loại của thế giới năm 2014 ước đạt 93 triệu thùng/ngày (tăng 2 triệu thùng/ngày so với năm 2013) trong đó khoảng 40% đến từ OPEC. Tổng sản lượng khai thác này sẽ có mức tăng trưởng khoảng 2-3%/năm từ nay cho đến năm 2018 do sự tăng lên của dầu đá phiến. Nhiều ý kiến trên thị trường cho rằng mức tăng của dầu đá phiến sẽ không kéo quá dài và sản lượng này sẽ giảm từ 2018 do yếu tố khả năng khai thác.

Mức tăng trưởng mạnh của nguồn cung từ Bắc Mỹ (đặc biệt là Mỹ) và các nước OPEC so với mức tăng hạn chế của nhu cầu (do quan ngại về tăng trưởng kinh tế chưa chắc chắn của thế giới) khiến phần lớn các  tổ chức thông tin năng lượng, kinh tế, ngân hàng thế giới dự đoán giá dầu chuẩn Brent năm 2014 đạt khoảng 106USD/thùng và sẽ giảm dần qua các năm 2015-2016, trong khi đó, giá dầu thô Mỹ chỉ đứng tại mức khoảng 99USD/thùng).

PV: Xin cảm ơn tiến sĩ về cuộc phỏng vấn này!

Nguyễn Tiến Dũng (thực hiện)

DMCA.com Protection Status