Hiểu đúng về hợp đồng EPC

07:36 | 12/04/2013

40,797 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Chúng ta thường nghe nói đến cụm từ “hợp đồng EPC” trong thời gian gần đây, đặc biệt khi thông tin đó liên quan đến những dự án đầu tư lớn của quốc gia, ví như lễ ký kết hợp đồng EPC Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn hồi đầu tháng 1 vừa qua.

Bản chất loại hợp đồng EPC

Nghị định số 48/2010/CP-NĐ ngày 7/5/2010 của Chính phủ quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên định nghĩa: Hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình, viết tắt là EPC (Engineering - Procurenment - Construction) là hợp đồng để thực hiện các công việc từ thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình; hợp đồng tổng thầu EPC là hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư.

Điểm qua một vài hợp đồng lớn trong vài năm trở lại đây được ký theo hình thức EPC như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại II, Thủy điện Na Hang; Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1; gói thầu EPC nhà máy GPP2 Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2; gói thầu số 3 cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải v.v...

Chủ đầu tư và nhà thầu ký hợp đồng EPC Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Hình thức hợp đồng EPC được áp dụng vào Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước. Việc chủ đầu tư lựa chọn hình thức thực hiện EPC là do không muốn tham gia sâu vào quá trình thực hiện dự án trên cơ sở cân nhắc các nguồn lực sẵn có, tính phức tạp của công trình, đồng thời mong muốn chuyển giao các rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng sang cho nhà thầu EPC. Thực hiện hợp đồng EPC tức là một số công việc trước đây do chủ đầu tư đảm nhận... thì nay sẽ được chuyển sang cho nhà thầu EPC đảm nhận. Hiện nay, hợp đồng EPC đang được nhiều chủ đầu tư trong nước và nước ngoài sử dụng cho các dự án xây dựng công nghiệp ở Việt Nam.

Để thống nhất cách hiểu về bản chất loại hợp đồng EPC, về nghĩa vụ và quyền hạn theo hợp đồng của các bên, về sự phân bổ rủi ro cho mỗi bên, Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) đã xây dựng và công bố bộ Điều kiện hợp đồng EPC mẫu vào năm 1999. Trên thế giới, khi áp dụng hình thức EPC người ta sử dụng phổ biến bộ Điều kiện hợp đồng EPC mẫu do Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) ban hành, để thương thảo, đàm phán các hợp đồng EPC. Với việc sử dụng bộ Điều kiện hợp đồng EPC của FIDIC, các bên chủ đầu tư và nhà thầu EPC có cách hiểu thống nhất về bản chất, về quyền và nghĩa vụ của từng bên theo hợp đồng.

Được biết, Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể về loại hợp đồng EPC, ngoài một số nội dung khái quát nêu tại các Điều 30, 31 của Nghị định số 48/2010/CP-NĐ về quyền và nghĩa vụ của bên giao thầu, bên nhận thầu EPC và một số nội dung về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng nêu tại các Điều 20, 21 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004, Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Do đó, khi áp dụng loại hợp đồng EPC này, không phải lúc nào các điều khoản hợp đồng cũng được hiểu và vận dụng đúng, đặc biệt là đối với các trường hợp chọn nhà thầu EPC trong nước, các bên liên quan thường có các cách hiểu, diễn giải khác nhau nên thường phát sinh các vướng mắc, tranh chấp trong quá trình thực hiện, thanh quyết toán hợp đồng.

Những ưu điểm của hợp đồng EPC

Ở Việt Nam, thực tế công tác quản lý đầu tư xây dựng trong những năm qua cho thấy, để tổ chức thực hiện và hoàn thành một dự án hay một gói thầu thì đơn vị chủ đầu tư chuyên ngành, dù thường bị hạn chế về kinh nghiệm, năng lực và nhân sự làm công tác quản lý dự án, vẫn phải thực hiện nhiều loại công việc khác nhau như: chuẩn bị và trình phê duyệt dự án, thuê tư vấn khảo sát thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng, tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng giao nhận thầu, giám sát quá trình thực hiện, giải ngân thanh toán và nghiệm thu bàn giao... đó là cách làm không chuyên nghệp và thiếu hiệu quả. Mặt khác, dễ làm nảy sinh tiêu cực, lãng phí, thất thoát về vốn, kiểm soát và quản lý chất lượng xây dựng công trình lỏng lẻo...

Việc áp dụng hình thức hợp đồng EPC có thể cho phép khắc phục được nhiều nhược điểm, cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu, nhà tư vấn đều có lợi, phát huy được đầy đủ vai trò, tính chủ động và sáng tạo của các chủ thể tham gia quá trình thực hiện, nâng cao hiệu quả thực hiện dự án hoặc gói thầu.

Với chủ đầu tư, việc áp dụng hình thức hợp đồng EPC cho phép tận dụng được trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý của nhà thầu khi thực hiện dự án hoặc gói thầu và trong quá trình thực hiện, do chỉ có một đầu mối chịu trách nhiệm chính nên chủ đầu tư cần đến ít nhân lực và chi phí cho công tác quản lý dự án hơn. Việc cung cấp tài chính cho dự án hay gói thầu cũng sẽ thuận lợi hơn do việc tạm ứng và thanh toán vốn chủ yếu theo giai đoạn thực hiện hoặc theo công trình hoặc hạng mục công trình hoàn thành, tiến độ thực hiện dự án cũng nhanh hơn. Một phần các rủi ro nếu xảy ra trong quá trình thiết kế, cung ứng và xây dựng công trình cũng sẽ được phía nhà thầu chia sẻ.

Đối với nhà thầu, hợp đồng EPC tạo điều kiện để nhà thầu chủ động linh hoạt hơn trong việc điều phối, kiểm tra công việc trên hiện trường theo tiến độ thực hiện hợp đồng mà không bị lệ thuộc nhiều vào sự kiểm tra giám sát thường xuyên của chủ đầu tư cũng như thời gian tiến hành công tác nghiệm thu, qua đó giảm được thời gian gián đoạn, tiết kiệm được một số khoản chi phí do việc kết hợp các khâu công việc trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, phương thức nghiệm thu, thanh toán của hợp đồng EPC đòi hỏi về phía nhà thầu phải tổ chức tốt hệ thống quản lý chất lượng của mình để tự kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng và tiến độ thực hiện các công việc.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhớ rằng, điều kiện quyết định để dự án có thể thành công và đạt hiệu quả cao là việc lựa chọn và đánh giá đúng năng lực của nhà thầu, sau đó là sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư, tư vấn trong quá trình thực hiện hợp đồng EPC.

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 9 tỉ USD với 3 cổ đông chính: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (25,1%); Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait (KPI/KPE) 35,1%; Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) 35,1%. Liên danh nhà thầu xây dựng dự án do Công ty JGC (Nhật Bản) đứng đầu và các nhà thầu khác như Chiyoda (Nhật Bản), GS E&C (Hàn Quốc), SK E&C (Hàn Quốc), Technip France (Pháp) và Technip Geoproduction (Malaysia).


Ngân Hà

 

 

DMCA.com Protection Status