Lời sẻ chia tâm huyết

07:00 | 29/01/2013

475 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Vào những ngày đất nước đang vào Xuân Quý Tỵ, trong Hội nghị Tổng kết công tác năm 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có một bài nói chuyện đặc biệt ý nghĩa với hàng ngàn người lao động dầu khí tại 7 điểm cầu truyền hình.

Cảm xúc còn lưu lại mãi sau hội nghị này bởi phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thực sự là một câu chuyện sẻ chia đầy tâm huyết, là sự hiểu biết và quan tâm, là sự đồng cảm sâu sắc của một trong những người đứng đầu Chính phủ đối với ngành Dầu khí.

Dễ dàng nhận thấy niềm vui bộc lộ không chỉ bằng lời mà còn cả trên nét mặt của ông khi thay mặt Chính phủ biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã đạt được trong năm 2012, một năm đầy những dấu tích khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta. Petrovietnam có quyền được tự hào về những thành tích rất ý nghĩa đó.

Có lẽ, những người lao động Dầu khí lần đầu tiên được nghe về những nỗ lực lãnh đạo, điều hành đất nước vượt qua khó khăn của Đảng và Nhà nước trước áp lực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, khu vực... dưới một hình thức gần gũi và thẳng thắn đến như vậy. Không bằng giấy mực, không phải những lời lẽ được soạn sẵn khô khan, cũng không chỉ thị hay hô hào khuôn sáo mà chỉ là những sẻ chia tâm ý, tin cậy giao trọng trách cho những con người đã và đang xứng đáng được tin cậy và hy vọng.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công trình đầu tư không chỉ hiện tại mà cho cả tương lai

Sự thấu hiểu của Phó Thủ tướng đối với ngành Dầu khí, những kinh nghiệm xử trí các mối quan hệ kinh tế, công nghệ ở tầm vĩ mô, những bài học từ thực tiễn sản xuất kinh doanh... qua câu chuyện của ông, những người Dầu khí như được nhìn nhận về tình hình đất nước trên một góc độ bao quát hơn, toàn diện hơn và càng cảm nhận được nhiệm vụ của Tập đoàn quan trọng đến mức nào trong thời điểm hiện nay.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cũng như các bộ, ngành địa phương, các doanh nghiệp đã hết sức nỗ lực và đặt mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội lên hàng đầu. Phó Thủ tướng cho biết, dù tăng trưởng kinh tế chúng ta chỉ đạt được 5,02%, không được như kế hoạch đề ra, nhưng về lạm phát, chúng ta đã kiềm chế được xuống 6,81% - đó là một kết quả  hết sức tích cực; hệ thống ngân hàng được từng bước sắp xếp, đặc biệt là lãi suất được giảm liên tục; chúng ta cũng đã tiếp tục thực hiện hiệu quả việc đàm phán các hiệp định thương mại với quốc tế, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU, tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.

Chỉ bằng một vài số liệu dẫn chứng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khái quát đầy đủ bức tranh kinh tế, giáo dục, y tế, giao thông, an sinh xã hội... của đất nước, đồng thời khẳng định hội nhập quốc tế là con đường duy nhất, đó là thách thức rất lớn nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, trong đó có ngành Dầu khí, mở rộng thị trường để phát triển và song hành là phát huy nội lực. "Nếu không làm được việc đó là chúng ta thất bại, chúng ta sẽ trở thành nhà tiêu thụ ngay trên đất nước mình, tức là bị nô lệ ngay trên mảnh ruộng của mình" - ông nói.

Đối với Petrovietnam, những thành công hôm nay được Phó Thủ tướng nhìn nhận là có ý nghĩa hết sức lớn. Song phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Với cách nói chuyện cởi mở, với những ví dụ sinh động, đề cập trực tiếp nhất, ông đã dành thời gian trao đổi nhiều vấn đề mang tính chiến lược lâu dài.

Đó là vấn đề năng lượng và năng lực cạnh tranh. Việt Nam chúng ta là quốc gia thiếu năng lượng, tính theo cân bằng năng lượng đến năm 2020 chúng ta sẽ trở thành quốc gia nhập năng lượng. Năm 2015 sẽ phải nhập 6 triệu tấn than, đến năm 2020 dự kiến phải nhập 36 triệu tấn than, trong kế hoạch chúng ta sẽ phải nhập 4.000MW điện từ các nước khác. Chúng ta phải có sự chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng nhanh của đất nước đồng hành với chương trình tiết kiệm, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta phải làm được vì nó quyết định khả năng phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh của quốc gia. Những thành tựu của Petrovietnam, do đó càng quan trọng đối với nhiệm vụ chiến lược này.

Những định hướng về khai thác dầu và khí của Petrovietnam, đặc biệt là việc gia tăng trữ lượng cả trong nước và vươn ra nước ngoài, đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò ở khu vực nước sâu, xa bờ là những định hướng chiến lược đúng đắn. Việc đầu tư cho các nhà máy lọc hóa dầu, sản xuất xăng dầu, điện, phân đạm... cũng là những đầu tư cho sản phẩm chiến lược hết sức cần thiết, cho dù có thể trước mắt chưa có lãi hoặc lợi nhuận thấp, cho dù phải vượt qua nhiều trở ngại, thậm chí cả những ý kiến phản đối, nhưng nếu chúng ta không dám, không kiên quyết làm hôm nay, ngày mai chúng ta sẽ không có gì để cạnh tranh, để duy trì sự ổn định của đất nước.

Để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao trong những năm tới đây, tiếp tục phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt lưu ý Petrovietnam về vấn đề tái cấu trúc, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp: "Chương trình tái cơ cấu Petrovietnam đã được Chính phủ phê duyệt, nhưng tái cơ cấu và mô hình hoạt động của doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng và các đồng chí chính là người phải tìm ra, phải đề xuất ra mô hình tối ưu đó, làm thế nào để sau khi thay đổi sẽ phát huy tốt nhất năng lực của Tập đoàn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động, nâng cao năng lực của từng cá nhân trong tổ chức bởi ngành Dầu khí là ngành công nghệ cao, yêu cầu hàm lượng chất xám cao".

Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng: "Việc các đồng chí đề nghị xem xét, rà soát lại để trình Bộ Chính trị một nghị quyết mới về ngành Dầu khí là việc hết sức cần thiết. Nếu đã thấy được ngành Dầu khí trong tầm nhìn trăm năm, như vậy thì phải có những giải pháp, những chiến lược dài hạn".

Theo Phó Thủ tướng, công tác quy hoạch ngành trước những thách thức về an ninh năng lượng, nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu cần có tầm nhìn rộng và xa; đặc biệt là quy hoạch cán bộ, nguồn nhân lực phải thực sự được quan tâm, có bài bản, lâu dài: "Chúng ta vẫn chưa quan tâm, vẫn chưa phát huy được hết năng lực của các cá nhân trong tổ chức. Người tài vẫn còn ở đâu đấy mà chưa được nhìn tới, chưa được sử dụng".

Với Petrovietnam, việc nhận thức được đầy đủ những bài học kinh nghiệm và tồn tại là rất quan trọng để thực hiện những giải pháp khắc phục, tạo nên sức mạnh tổng lực để vượt qua những thách thức to lớn hơn trong thời gian tới.

Toàn bộ câu chuyện của Phó Thủ tướng mang đến một thông điệp rằng, Đảng, Nhà nước rất tin tưởng, luôn dành sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo sát sao và sẵn sàng tạo mọi điều kiện để Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển; một câu chuyện tâm huyết, lưu lại những ấn tượng tốt đẹp và mang giá trị cổ vũ động viên lớn lao.

Nguyễn Tiến Dũng

DMCA.com Protection Status