Những kỷ niệm khó quên

19:01 | 19/02/2015

1,958 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đến bây giờ, sau khi đã nghỉ hưu hơn chục năm, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì đã từng được một thời làm việc với những cộng sự giỏi giang, sắc sảo và chân tình ở PVN.

Năng lượng Mới số Xuân 2015

Cán bộ Dầu khí rất giỏi

(GS.TSKH Hồ Sỹ Thoảng - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam)

Cảm nhận sâu sắc đầu tiên của tôi là cán bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) rất giỏi về nhiều phương diện, đặc biệt là năng lực chuyên môn, điều hành và khả năng sử dụng tiếng Anh. Hình thức hợp đồng PSC mà PVN ký kết với các đối tác, kết quả của một quá trình tham khảo và nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước có hoàn cảnh giống ta, đã chứng tỏ có nhiều ưu việt, bảo đảm tốt quyền lợi của nước chủ nhà. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, các cán bộ PVN còn tiếp tục nghiên cứu thêm và đề xuất hình thức hợp đồng cùng điều hành (JOC) còn hay hơn nữa, trong các hợp đồng này, PVN vừa là đại diện nước chủ nhà, vừa là thành viên tham gia hợp đồng nhưng được ưu đãi là chưa phải góp vốn trong thời kỳ thăm dò.

Trình độ tiếng Anh của các bạn đủ để làm việc với đối tác, dù phát âm không hay lắm. Chắc chắn là thời kỳ đó chưa có doanh nghiệp nào có thể làm việc trực tiếp với đối tác mà không cần phiên dịch như PVN. Mặc dù vậy, tôi muốn cán bộ của PVN còn thành thạo tiếng Anh để có thể tranh luận với các đối tác thoải mái hơn nữa. Chủ trương của PVN dùng kinh phí của mình đưa sinh viên sang Mỹ học hồi năm 1995 là để đáp ứng hai mục tiêu: “Giỏi chuyên môn như Tây và nói tiếng Anh cũng như Tây”.

Về tình người, tôi cảm nhận sâu sắc tình cảm chân thành của mọi người đối với tôi, một người được chuyển từ cơ quan khoa học về làm thủ trưởng. Có lẽ đối với một thủ trưởng ở ngoài về thì thời gian để hai phía hiểu nhau và thiết lập được sự hợp tác chân tình như trường hợp của tôi là hết sức ngắn. Rất nhanh chóng tôi được các cán bộ chủ chốt của PVN chân thành ủng hộ và ngược lại, tôi cũng đã hết sức tin cậy vào họ trong xử lý mọi công việc. 

Đến bây giờ, sau khi đã nghỉ hưu hơn chục năm, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì đã từng được một thời làm việc với những cộng sự giỏi giang, sắc sảo và chân tình ở PVN.

Những kỷ niệm khó quên

(Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, nguyên Phó ban Thương mại Thị trường PVN)

Sau khi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô, năm 1979 tôi về làm việc tại Tổng cục Dầu khí sau này là Tổng Công ty Dầu khí (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Trong 30 năm gắn bó với ngành Dầu khí tôi được làm việc trong một tập thể đoàn kết hợp tác với những con người giàu lòng nhiệt tình, tốt tính và đầy kinh nghiệm. Trong số đó, người tôi muốn nói đến là anh Lê Văn Hùng - người thành lập Phòng Thương mại thị trường đầu tiên của Tổng cục Dầu khí vào năm 1990 và tôi là một trong những đồng nghiệp được anh nhiệt tình giúp đỡ về làm việc từ đó. Tôi cũng muốn cảm ơn anh đã giúp chúng tôi thêm vững vàng, trang bị thêm những kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực thương mại. Những đồng nghiệp của Phòng Thương mại thị trường trước đây và nay là Ban Thương mại thị trường với tôi bao giờ cũng là những người bạn đáng quý, cùng chia sẻ lúc thăng trầm trong công việc và cuộc sống của tôi.

Theo phân công nhiệm vụ làm tổ trưởng Tổ đàm phán mà phái nữ là đa số, tôi đã rất lo lắng và căng thẳng. Lo vì dự án quá lớn mà mình thì thiếu kiến thức thực tế về hợp đồng mua bán khí và chưa có kinh nghiệm đàm phán với một công ty dầu khí sừng sỏ đầy kinh nghiệm như Tập đoàn Dầu khí BP (Anh). Tôi cùng với các thành viên Tổ đàm phán đã phải tự tìm tòi suy nghĩ, nghiên cứu thu thập tài liệu trong, ngoài nước, xây dựng các phương án đàm phán để báo cáo xin chỉ đạo, chuẩn bị cho các vòng đàm phán kéo dài 5 năm (1995-2000) mới kết thúc và ký kết các hợp đồng, đảm bảo mỏ đủ điều kiện phát triển và khai thác, kịp đưa khí vào bờ vào năm 2002. Để đàm phán thành công, chúng tôi đầu tư kiến thức và trí tuệ không chỉ về kỹ thuật mà cả về kinh tế, tài chính và thương mại cho một hợp đồng khí hoàn chỉnh. Vừa học, vừa làm, vừa đàm phán song song các hợp đồng với BP và các hộ tiêu thụ khí là cả một quá trình vô cùng gian nan vất vả, không dễ làm mà Tổ đàm phán chúng tôi phải vượt qua. Nhiều kết quả đạt được sau đàm phán tưởng như xong, nhưng chỉ một ý kiến khác đi là chúng tôi lại phải làm lại từ đầu, không tránh khỏi những cuộc tranh luận nổ lửa, có thể gọi là “cãi nhau như mổ bò”, không phải vì tranh giành địa vị chức tước mà chỉ vì cách hiểu việc khác nhau dẫn đến quan điểm khác nhau, cũng chỉ với mục đích chung là làm sao cho dự án vừa thành công nhưng vừa ít rủi ro nhất. “Tay không bắt giặc” là câu nói mà chị em chúng tôi thường đùa với nhau.

Trách nhiệm của chúng tôi là đàm phán làm sao đạt được mức giá và các cam kết tiêu thụ phải vừa đảm bảo để nhà thầu khai thác BP thu hồi chi phí và có lợi nhuận, đồng thời cũng phải được các hộ tiêu thụ khí trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chấp thuận và Chính phủ phê duyệt. Nhiều lúc đàm phán ách tắc đòi hỏi lãnh đạo và tổ đàm phán đau đầu suy nghĩ, tìm cách đẩy dự án kịp tiến độ và đạt hiệu quả. Nhìn các dự án dầu khác được triển khai nhanh chóng, mọi người hồ hởi đón chào dự án thành công, chúng tôi đã tủi thân ngậm ngùi rất nhiều, nhưng vẫn lặng lẽ tiếp tục các công việc của mình -  những vòng đàm phán kéo dài buồn tẻ trong 5 năm.

Nhìn đi nhìn lại, nhiều khi chỉ còn mấy chị em bên bàn đàm phán, anh em bỏ hết, vịn lý do bận. Song, cho dù khó khăn đến mấy, chán nản đến mấy chúng tôi vẫn lặng lẽ động viên nhau bám trụ đến cùng để hoàn thành dự án một cách tốt nhất. Các chị như Chị Dương Nga (Ban Khí), chị Đào (Ban Thương mại thị trường), Chị Liên (Ban Luật), chị Mai Hoa (Ban Tài chính) và các chị khác nữa -  là những tấm gương sáng về lòng đam mê với nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao. Cám ơn các chị! Nếu không có các chị sát cánh cùng tôi chắc chắn tôi sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Vì lòng yêu nghề đó mà các sếp vẫn phải cần chị em chúng tôi là như vậy!

Thanh Hoa (ghi)

 

DMCA.com Protection Status