Những ký ức màu xanh ô-liu

07:23 | 01/11/2017

1,442 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sau khi vào ngành và công tác tại Công ty Đầu tư Phát triển Dầu khí (PIDC) do anh Đỗ Văn Hậu làm Giám đốc, tôi may mắn được đồng hành cùng Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) từ ngày đầu thành lập (5-2007) trên cơ sở sáp nhập PIDC ở Hà Nội và PVEP ở TP HCM. Tôi được điều động sang Dự án Tìm kiếm thăm dò dầu khí tại Algeria (PIDC Alger) và gắn bó với dự án tới tháng 2-2011.
nhung ky uc mau xanh o liu
Ông Nguyễn Hùng Sơn

10 năm qua như một chớp mắt, không đủ để con người cảm nhận được hơi thở của thời gian. Mọi thứ cứ cuốn đi, công việc, gia đình, bạn bè, đam mê sở thích… Biết có ai còn nhớ đến cuộc sống ngày trước, khi những thế hệ đầu tiên đặt chân đến Algeria để bước vào một cuộc trường chinh tìm dầu cho Tổ quốc. Có thể nỗi nhớ khác nhau, cách nhớ cũng khác nhau cho từng giai đoạn ở mỗi một cá nhân nhưng chắc chắn một điều, đó là những năm tháng không thể nào quên đối với mỗi con người được một lần tham gia dự án tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí tại Algeria của PVEP.

Cuộc sống nếu nhìn theo chiều dọc suốt hơn 13 năm của cuộc trường chinh lịch sử của PVEP tại Algeria, sẽ chỉ thấy nhiều màu vàng của cát và màu xanh của bầu trời Địa Trung Hải, có phần đơn điệu. Nhưng nếu chú ý quan sát theo chiều ngang, thậm chí có khả năng chia thành từng lát cắt, sẽ nhận thấy đó là những ngày tháng thân thương, đa sắc màu, thú vị và nhiều kỷ niệm.

Cá nhân tôi thường nhớ về cái màu xanh bàng bạc của loài cây tượng trưng cho vùng Địa Trung Hải, đó là màu xanh ô-liu. Sức sống của ô-liu rất ghê gớm, ở nơi nào trên mảnh đất này cũng có sự hiện diện của nó dù có khô cằn sỏi đá đến đâu. Và 10 năm ký ức trong tôi không khi nào phai nhạt, cũng như màu xanh vĩnh cửu ấy.

Khoảnh khắc lịch sử

Ngày 12-8-2015, khi đang ngồi làm việc ở Văn phòng Đại diện PVEP Overseas tại thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, tôi bất ngờ nhận được email từ Tổng giám đốc PVEP Ngô Hữu Hải (lúc đó đang là Phó tổng giám đốc Thường trực). Trong email anh viết: “Xin trân trọng thông báo tới các đồng chí lãnh đạo và toàn thể các anh chị em đồng nghiệp một tin rất vui, sau hơn 1 thập niên chờ đợi: Đúng vào 11 giờ 10 phút ngày 12-8-2015 giờ Algeria (17 giờ 10 phút giờ Việt Nam), hệ thống xử lý trung tâm (CPF) Dự án Phát triển khai thác mỏ Bir Seba (BRS) Lô 433a-416b, Algeria của Nhà điều hành GBRS đã chính thức tiếp nhận dòng dầu của 4 giếng khai thác đầu tiên (BRS-6bis, BRS-9, BRS-12 và BRS-14) và ngọn lửa Flare đã chính thức rực cháy trên Sa mạc Sahara - Algeria”.

Đọc đến đó, mắt tôi bỗng nhòa đi còn trái tim thì bùng lên một niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào. Cảm xúc khi viết những dòng này vẫn còn nguyên vẹn, dù tính thời sự không còn nhưng khi nhớ lại mắt vẫn cay cay. Tôi đã ngồi đọc trọn vẹn lá thư của anh Hải trong cảm xúc lâng lâng, nước mắt cứ chảy ra không gì ngăn lại được vì dòng thác ký ức ùa về bất ngờ và dữ dội. Bức thư kèm theo 3 tấm hình: hình ảnh ngọn lửa trên đuốc flare, hình ảnh sa mạc Sahara lúc hoàng hôn buông xuống và hình ảnh hệ thống xử lý trung tâm (CBF) của mỏ Bir Seba. Đó đều là những hình ảnh quen thuộc trên sa mạc lửa Sahara, có điều đây là những hình ảnh chụp tại mỏ Bir Seba, nơi ghi dấu lần đầu tiên cuộc trường chinh tìm dầu của những người dầu khí Việt Nam trên nước bạn đã đi đến đích.

Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam sẽ mãi mãi ghi nhớ mốc son ngày 12-8-2015 khi có First Oil (FO) của mỏ Bir Seba cũng như đã ghi nhớ thời điểm 12-7-2003, ngày những người Dầu khí Việt Nam đầu tiên đã đặt chân lên Algeria để chính thức triển khai dự án sau khi hợp đồng được ký.

nhung ky uc mau xanh o liu
Thử vỉa Lô 433a&416b - Algeria

Những cánh chim đầu đàn

Để có được những thành công ngày hôm nay không thể quên được những khó khăn gian khổ trong giai đoạn đầu triển khai dự án trên đất Algeria và dấu ấn của những giám đốc dự án, những “thuyền trưởng” trong chiến hạm đầu tiên vượt biển ra khơi của ngành Dầu khí Việt Nam. Ở thời điểm đó (2003), cơ chế đầu tư ra nước ngoài của Nhà nước, các quy trình, quy chế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), cho hoạt động đầu tư nước ngoài còn chưa đồng bộ. Việc triển khai thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn bên cạnh chế độ chính sách cho cán bộ đi làm việc dự án nước ngoài còn nhiều bất cập. Có thể kể đến những khó khăn trong chuyển tiền ra nước ngoài, lương không hấp dẫn so với mặt bằng chung, chế độ đi lại 3 tháng về 2 tuần (12ON/2OFF), điều kiện sinh hoạt, làm việc thiếu thốn, khác biệt về văn hóa tôn giáo, an ninh không đảm bảo vì Algeria vừa trải qua nội chiến…

Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, anh em một lòng đoàn kết, vượt qua mọi trở ngại vì mục tiêu nhiệm vụ chính trị được giao. Cho đến tận bây giờ khi nghĩ lại những ngày tháng ấy, đánh giá chung của đa số anh em là “vô cùng khó khăn, vô cùng vất vả” nhưng ai cũng không giấu được sự tự hào mỗi lần nhắc tới. Sự khó khăn có thể đến từ khác biệt về ngôn ngữ, tôn giáo, môi trường xã hội, điều kiện sống… còn nỗi vất vả thì lại chủ yếu đến từ những trăn trở suy tư các cơ hội tồn tại và phát triển, làm thế nào để thực hiện được những chủ trương của Tập đoàn, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao cho, đưa dự án đi đến thành công.

Không ai hiểu chính xác những khó khăn vất vả này hơn anh Nguyễn Quốc Thập - Phó tổng giám đốc Petrovietnam - người “thuyền trưởng” đầu tiên chỉ đạo công tác thực địa trong giai đoạn thăm dò thứ nhất (2003-2005), trực tiếp điều hành thi công các chiến dịch thu nổ địa chấn và chiến dịch khoan thành công, mở ra những triển vọng tốt đẹp cho dự án. Không chỉ khắt khe yêu cầu từng cá nhân phải đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ, anh còn động viên, khuyến khích anh em tranh thủ học thêm ngoại ngữ để vừa hỗ trợ thêm công việc vừa có thể giao tiếp với người bản xứ.

Anh bảo có vậy mới có thêm những người bạn mà qua đó có cơ hội hiểu thêm về văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, anh quán triệt tư tưởng: “Các em chính là đại diện của Việt Nam, mỗi người cần thể hiện bản thân như một đại sứ ở nước bạn. Đa phần họ không biết người Việt Nam như thế nào, nhưng qua các em, qua từng cử chỉ và thái độ của các em mà họ sẽ hiểu về người Việt Nam”.

nhung ky uc mau xanh o liu
Niềm vui của cán bộ PVEP khi thử vỉa thành công giếng khoan BRS-6bis Dự án Lô 433a&416b - Algeria

Khi dự án đã sang trang, nhiều thế hệ mới tiếp nối giữ ngọn cờ của dự án, anh Thập đã tập hợp anh em ở Việt Nam (sau khi kết thúc nhiệm vụ ở dự án) để thành lập Hội Dầu khí Algeria vào năm 2011. Với thành phần là các cựu cán bộ của PVEP Algeria từ thời sơ khởi (trước khi đấu thầu quốc tế năm 2002), Hội đã quy tụ được nhiều gương mặt lão làng của ngành Dầu khí Việt Nam.

Sau anh Thập là anh Nguyễn Trấn Phòng (xen giữa là một thời gian ngắn anh Nguyễn Quốc Thắng phụ trách dự án). Về cơ bản giai đoạn này không dài nhưng lại có dấu ấn cải cách tới dự án, đặc biệt là tới đời sống của anh em. Đó là 3 việc: Mua xe ôtô, chuyển đổi văn phòng và cải cách tiền lương, chế độ đi lại. Không lâu sau đó, anh Phòng được điều chuyển sang Dự án Tunisia và anh Nguyễn Văn Quế sang thay thế (tháng 4-2008). Sự xuất hiện của anh Quế đã gián tiếp mang đến cho dự án một giám đốc tương lai, đó là anh Lê Bá Tuấn, lúc đó đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Phát triển. Cặp bài trùng Nguyễn Văn Quế và Lê Bá Tuấn (2008-2010), hai vị “thuyền trưởng” mẫu mực đã có mặt ở một thời điểm vô cùng quan trọng đối với dự án, thời điểm chuyển từ giai đoạn thăm dò sang giai đoạn phát triển, với hàng núi công việc tập trung chủ yếu ở các báo cáo đánh giá, báo cáo đầu tư và thiết lập mô hình quản lý điều hành cho giai đoạn phát triển.

Các bên đã trao đổi rất nhiều, cuối cùng mô hình quản lý theo kiểu liên doanh điều hành chung (Groupement) đã được lựa chọn theo sáng kiến của nước chủ nhà. Kết quả đàm phán và phối hợp trong công việc giữa hai anh trong vai trò Giám đốc Dự án và Trưởng phòng Phát triển đã là minh chứng sinh động cho sự đoàn kết, sáng tạo và quyết tâm bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trước các yêu cầu đôi khi phi lý của nước chủ nhà. Chính sách nhân viên của GBRS cuối cùng được xây dựng trên cơ sở 3 chính sách nhân viên của PVEP, PTTEP và Sonatrach, lựa chọn những điểm ưu việt hơn để áp dụng. Trong tiến trình đi tới bước ngoặt mang tính lịch sử của dự án này, hình ảnh và vai trò của anh Nguyễn Văn Quế và anh Lê Bá Tuấn vô cùng rõ nét.

Mặc dù vậy, khoảng thời gian sau đó vẫn rất gian nan, khó khăn vẫn chồng chất. Hơn ai hết, chính anh Nguyễn Vũ Trường Sơn (Thành viên Phụ trách HĐTV, Tổng giám đốc Petrovietnam) hiểu rõ điều này vì thời điểm đó anh đang là Tổng giám đốc của PVEP. Tháng 11-2009, anh sang dự họp MCM và tôi ra sân bay đón. Trên đường, anh hỏi tôi: Em làm bộ phận hành chính, có khi nào em quan tâm tới những vấn đề khác không? “Em có biết những khó khăn hiện tại của dự án này không?”. Rồi không để tôi trả lời, anh nói luôn: “Dự án hiện đang gặp nhiều khó khăn quá. Khoảng cách mong manh chỉ như thế này”. Rồi anh khép hai ngón cái và ngón trỏ lại, nheo mắt nhìn tôi. Tôi nhìn qua kẽ tay, thậm chí không còn thấy một tia sáng. Sau tôi mới biết, đó là lúc các bên đang “cân” bài toán kinh tế cho mỏ, hiệu quả của mỏ Bir Seba tại thời điểm đó chỉ vượt điểm hòa vốn không nhiều.

Cái thuở “vạn sự khởi đầu nan” đã lùi sâu vào dĩ vãng, trong thành công hôm nay tôi nhìn thấy hình ảnh của rất nhiều anh em đã từng sát cánh bên nhau xây dựng PVEP Algeria/GBRS trong suốt 13 năm qua (2003-2016). Thời gian công tác dẫu nhiều hay ít thì tất cả mọi người đều giống nhau ở một điểm là đã dành thời gian và những gì tốt đẹp nhất của mình cho thành công của dự án hôm nay, thậm chí với một số người thì đó là những năm tháng đẹp nhất của đời người.

Nguyễn Hùng Sơn

DMCA.com Protection Status