Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau

Tâm huyết và tự hào

09:42 | 12/06/2018

1,272 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm xây dựng Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã phỏng vấn ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau về những bài học triển khai dự án. 
tam huyet va tu hao

Ông Lê Mạnh Hùng

PV: Xin ông cho biết Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau có vai trò thế nào đối với sự phát triển của ngành Dầu khí cũng như tỉnh Cà Mau?

Ông Lê Mạnh Hùng: Trước khi có Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau thì tỉnh Cà Mau nằm trong danh sách các tỉnh nghèo nhất cả nước với GDP năm 2006 chỉ xấp xỉ 200 tỉ đồng, trong đó nông nghiệp chiếm tới hơn 80%, công nghiệp gần như không có gì. Đặc biệt, hạ tầng giao thông kỳ khó khăn. Chỉ có đường ôtô thông từ thị xã Cà Mau đến 2 huyện Thới Bình và Cái Nước. Cả tỉnh chỉ có hơn 14% hộ dân có điện sinh hoạt.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam với mục tiêu sử dụng nguồn tài nguyên dầu khí khu vực Tây Nam Bộ để sản xuất điện, đạm phục vụ nhu cầu cả nước và tạo ra sức bật quan trọng giúp tỉnh cực Nam Tổ quốc phát triển công nghiệp, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, 1 trong 3 dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2006-2010, bắt đầu triển khai vào năm 2004.

Dự án bao gồm 3 dự án thành phần được xây dựng trên diện tích hơn 200ha tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau: Dự án đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau lấy khí từ mỏ PM3 - CAA (vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia ngoài khơi vịnh Thái Lan) và từ mỏ Lô 46 - Cái Nước (phần biển ngoài khơi của Việt Nam) để sản xuất điện, phân đạm. Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí Cà Mau 1 và 2 với tổng công suất 1.500MW. Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800 nghìn tấn/năm. Cụm dự án do PVN làm chủ đầu tư với tổng mức trên 2,5 tỉ USD.

Đối với ngành Dầu khí, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau là một trong các dự án thành công nhất về cả tiến độ triển khai, chất lượng và hiệu quả cũng như tiết kiệm chi phí (chỉ tính riêng Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau đã tiết kiệm được 200 triệu USD so với tổng mức đầu tư được duyệt). Hơn thế nữa, đây cũng là dự án hoàn thiện chuỗi giá trị về hạ nguồn của ngành Dầu khí, gia tăng giá trị của tài nguyên dầu khí bằng các sản phẩm hóa dầu, chế biến khí… Đặc biệt, trong bối cảnh giá dầu giảm sâu, kéo dài thì Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, liên tục đem lại doanh thu, lợi nhuận tốt cho PVN.

Đối với Cà Mau, dự án đóng góp to lớn vào phát triển công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hằng năm đóng góp trên 50% tổng thu ngân sách của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho gần 2.000 lao động, trong đó trên 40% là người dân địa phương. Mặt khác, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã thúc đẩy chuỗi hạ tầng khu công nghiệp, hệ thống đường giao thông, điện, cấp thoát nước, sân bay đã được hình thành giúp Cà Mau khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản, cũng như kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

PV: Thưa ông, khi Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau chuyển sang vận hành thương mại cũng chính là thời điểm đặc biệt khó khăn với Nhà máy Đạm Cà Mau. Là lãnh đạo trực tiếp xây dựng và vận hành nhà máy, ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm về giai đoạn này?

Ông Lê Mạnh Hùng: Giai đoạn đầu, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) vừa phải tập trung vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau an toàn, ổn định, vừa phải chuyển đổi mô hình quản trị từ quản lý dự án (Ban Quản lý dự án) sang mô hình sản xuất kinh doanh. Với kinh nghiệm còn hạn chế, đội ngũ về kinh doanh còn mỏng, PVCFC gặp khá nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Thời điểm đó, phân bón nhập khẩu, phân bón kém chất lượng đang tràn ngập thị trường, người tiêu dùng tại Cà Mau và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang giữ thói quen sử dụng phân bón bán trực tiếp do các thương lái chuyển về. Khi ấy, chúng tôi đã phải cố gắng suy nghĩ nhằm tìm ra các giải pháp kinh doanh, đồng thời triển khai xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm như tổ chức hội nghị khách hàng, tìm hiểu thói quen của người tiêu dùng…

tam huyet va tu hao

Tôi nhớ mãi đợt tổ chức hội nghị khách hàng đầu tiên, toàn bộ lãnh đạo, nhân viên của PVCFC đã phải thực hiện chế độ “thắt lưng buộc bụng” theo đúng nghĩa đen hướng tới mục tiêu phải sản xuất kinh doanh có lãi ngay từ năm đầu tiên. Khi đó, các ông chủ buôn phân bón tới dự hội nghị bằng những chiếc xe con bóng loáng, sang trọng, trong khi nhân viên kinh doanh của công ty thì di chuyển bằng xe đò, nhễ nhại mồ hôi, lích kích mang vác đồ đạc trong cái nắng nóng của mùa hè năm 2012. Khi khách mời đến đông vượt dự kiến, thiếu chỗ, thiếu suất, nhiều cán bộ của PVCFC đã tự nguyện nhường chỗ cho khách và… để tiết kiệm chi phí. Đó là một kỷ niệm cũng như bài học thực tế sâu sắc nhất đối với tôi và nhiều anh em PVCFC.

Cũng may là hội nghị khách hàng đã thành công tốt đẹp bởi chúng tôi đã thuyết phục được khách hàng về những lợi ích lâu dài của các sản phẩm phân bón Cà Mau khi đem đến cho khách hàng một nguồn cung ổn định, chất lượng luôn được bảo đảm và thuận tiện về vận chuyển, kho bãi. Từ đó, các sản phẩm phân đạm “Hạt ngọc mùa vàng” của PVCFC dần có chỗ đứng trên thị trường và từng bước giành được sự tin tưởng của bà con nông dân Cà Mau nói riêng và người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Từ tháng 1-2012 đến tháng 7-2013, sau 18 tháng hoạt động, nhà máy liên tục được cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như công suất nên đã đạt mốc 1 triệu tấn sản phẩm. Nếu 500 nghìn tấn sản phẩm đầu tiên PVCFC phải mất 10 tháng vừa sản xuất vừa xâm nhập thị trường thì 500 nghìn tấn sản phẩm thứ hai, công ty chỉ mất 8 tháng.

Sau đó, nhờ sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên công ty, cuối năm 2014, PVCFC đã tổ chức IPO thành công, được công nhận là Thương hiệu quốc gia. Sau 5 năm hoạt động, FVCFC đã nâng công suất nhà máy lên 110%, thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển, cho ra đời thêm hai sản phẩm phân bón cao cấp với nhiều đặc tính ưu việt, trong đó có sản phẩm N46.Plus được vinh danh Top 10 sản phẩm “Tự hào trí tuệ Việt Nam”. Nhà máy Đạm Cà Mau được nhận chứng chỉ là một trong các nhà máy vận hành an toàn, ổn định trên thế giới do Nhà bản quyền Haldor Topsoe (Đan Mạch) cấp, đồng thời vinh dự đạt mốc 5 triệu tấn sản phẩm urê vào ngày 24-5-2018. Tháng 10-2017, PVCFC đã triển khai đầu tư tiếp nhà máy sản xuất phân bón phức hợp trên cơ sở sử dụng, tích hợp công nghệ sản xuất dịch ure của Nhà máy Đạm Cà Mau.

Đúng với câu nói “vạn sự khởi đầu nan”, sự phát triển ổn định và bền vững của PVCFC chính là tâm huyết, niềm tự hào của hàng nghìn cán bộ, công nhân viên các thế hệ dầu khí đã dốc tâm sức, nỗ lực xây dựng, vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy Đạm Cà Mau trong 7 năm qua.

PV: Xin cảm ơn ông.

Sau 5 năm hoạt động, PVCFC đã nâng công suất nhà máy lên 110%, thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển, cho ra đời thêm hai sản phẩm phân bón cao cấp với nhiều đặc tính ưu việt, trong đó có N46.Plus được vinh danh Top 10 sản phẩm “Tự hào trí tuệ Việt Nam”.

Thành Công

DMCA.com Protection Status