Triết lý "kiễng chân" của một nhà khoa học thực nghiệm

09:17 | 04/09/2012

1,735 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Chúng tôi gặp Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọ đúng lúc ông đang đóng gói một công trình khoa học cấp Nhà nước, chuẩn bị nghiệm thu. Ông vào độ tuổi sắp lên lão, có dáng người dong dỏng cao đầy nét trí thức, giọng nói ấm áp, nét mặt phúc hậu, hiền lành đặc trưng của người nông dân Bắc Bộ. Từ ông Ngọ toát ra vẻ trầm tĩnh với mái tóc gần như bạc trắng màu thời gian, sự nếm trải đủ mọi đắng cay của đời.

Ông là TSKH Nguyễn Văn Ngọ, một thương binh, cựu chiến binh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và Dịch vụ kỹ thuật thuộc Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC).

Xin được giữ một “chốt” nhỏ trong khoa học

Ông Nguyễn Văn Ngọ thời trẻ

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Xứ Đoài, theo tiếng gọi miền Nam ruột thịt, chàng thanh niên Nguyễn Văn Ngọ lên đường nhập ngũ vào tháng 5/1972. Sau hơn 2 tháng huấn luyện ở Hòa Bình, ông cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến trường khu V.

Cùng nhiều đồng đội đồng trang lứa, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 15 công binh, khi đó đang làm nhiệm vụ tại núi Đức Liên, Ba Tơ, Quảng Ngãi. Năm 1973, đơn vị ông nhận nhiệm vụ giữ chốt tại Sa Huỳnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi.

Trước hiệp định đình chiến có vài ngày, bên ta đánh chiếm Sa Huỳnh cắt đôi miền Nam. Trong thời gian mấy tuần, liên tục diễn ra nhiều trận đánh vô cùng ác liệt, giằng co giữa ta và địch vì bên ta quyết chiến còn địch cũng ngoan cố muốn giành lại những cao điểm đã mất. Những trận pháo bầy của địch rầm rập trên đầu suốt ngày đêm.

Cuối năm 1973, đơn vị của ông Ngọ được điều ra Quảng Nam. Thời gian đầu Tiểu đoàn 15 công binh tham gia công tác chống địch tái chiếm, sau đó tham gia Chiến dịch Nông Sơn - Trung Phước vào giữa năm 1974 và tiếp tục giữ chốt vào thời gian sau đó.

Vào ngày 4/10/1974, ông cùng đồng đội lên giữ chốt do đơn vị bạn mới đánh chiếm được vài ngày trước. Ông Ngọ cùng 4 chiến hữu đào hầm chống pháo suốt đêm đến 10 giờ ngày hôm sau mới tạm nghỉ để ăn trưa. Mọi người ngồi dựa lưng vào thành hầm mới đào vừa ăn vừa tranh thủ nghỉ ngơi chợp mắt.

Sau bữa ăn, anh Kính chính trị viên đại đội leo ra khỏi hầm để quan sát trận địa, ông Ngọ thì đi tìm nước. Ngay lúc ấy, địch nã pháo dữ dội vào chốt, chỉ vài phút mà cứ điểm vừa được dựng lên gần như bị san bằng, những công sự khét lẹt, mùi khói của đạn pháo. Một quả pháo khoan đã đánh trúng ngay hầm trú ẩn của các anh mới đào.

Bị địch đánh bất ngờ, ông Ngọ đã lao trở lại chốt, dùng hai tay bới đất cứu đồng đội. Sau ít phút, ông đã tìm được người đầu tiên đó là anh Kính. Vét lộ đầu và cổ, cầm tóc lắc lắc, thấy mắt anh Kính chớp chớp, biết vẫn còn sống, ông lại bổ đi tìm người khác.

Mặc dù đang bị chôn vùi, hơi thở rất yếu, anh Kính vẫn dặn ông: “Hãy cứu lấy thằng Hà, nó nằm ngay ngực anh đây này…”. Ông lại bổ xuống bới đất đến khi lả người ngất đi. Một mảnh đạn pháo cối đã phang vào lưng ông tự lúc nào, máu chảy đẫm lưng mà ông không biết. Đồng đội còn lại đã khẩn cấp đưa ông trở ra an toàn khu chạy chữa. Hình ảnh các đồng đội đã hy sinh, những tháng ngày sát cánh bên nhau, bám đất, giữ chốt oanh liệt đã trở thành cá tính, niềm tin, máu thịt trong con người TS Nguyễn Văn Ngọ suốt quãng đời còn lại. 

Tháng 4/1975, ông được chuyển ra Bắc an dưỡng và được cử đi học lấy bằng bổ túc văn hóa tại Trường Văn hóa Quân khu Hữu Ngạn để thi vào đại học trước khi ra quân.

Do đỗ điểm cao, cuối năm 1976, ông được chuyển ngành về học tại Khoa lưu học sinh, Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội và được phân sang học tại Liên Xô. Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành Hóa Công nghệ vật liệu silicat năm 1983 tại Trường đại học Hóa Công nghệ mang tên Mendeleev, Mátxcơva, chuyển tiếp nghiên cứu sinh năm 1984 và tốt nghiệp tiến sĩ đầu năm 1987.

Từ cuối 1989 đến tháng 3/1993, ông làm việc tại Viện Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng, sau đó là Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Từ tháng 4/1993, TS Ngọ về đầu quân cho DMC vì ông biết rằng nơi đây những nghiên cứu của mình sẽ có đất diễn, được áp dụng vào thực tế.

TSKH Nguyễn Văn Ngọ

Càng tiếp xúc lâu, tôi cảm nhận ông Ngọ rất thực tế, sâu sắc pha chút châm biếm nhưng không làm nhạt đi cái chất lính mộc mạc, khiêm tốn, thật thà trong từng lời nói, hành động. Khi nghiên cứu một đề tài khoa học, ông Ngọ cũng dành thời gian đáng kể cho việc tìm hiểu thực tế đối tượng cần được ứng dụng, đảm bảo kết quả cũng như tăng cường trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với các chuyên gia có kinh nghiệm khác.

Ông Phan Văn Minh, người đã cùng học với ông Ngọ từ thời sinh viên, nay là cộng sự của ông Ngọ cho biết: “Anh Ngọ như một người anh trai của tôi. Từ khi còn đi học đến nay được làm việc, nghiên cứu bên anh tôi luôn cảm nhận được sự lo lắng, chăm sóc của anh với mọi người. Trong công tác có những khi chúng tôi gặp khó khăn, ngã lòng nhưng chỉ cần nhìn thấy anh, cùng nhau chia sẻ là chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Trong anh như có ma lực huyền bí khiến ai bên cạnh anh cũng thấy ấm áp, an toàn”.

Ông Ngọ thường cảnh báo các cộng sự việc nghiên cứu khoa học thiếu thực tế. Cách so sánh của ông cũng đầy chất lính, hài hước: “Làm khoa học mà thiếu thực tế như đem một xạ thủ đẳng cấp quốc gia, không được huấn luyện chiến thuật, ra chiến trường. Xạ thủ hăng hái lắm, nhưng do thiếu trau dồi chiến thuật, có thể chưa tiếp cận địch tới khoảng cách mà súng mang theo phát huy tốt tác dụng, đã có thể bị đối phương loại khỏi vòng chiến đấu hoặc bị tiêu diệt”.

Mỗi khi giao lưu với thế hệ trẻ, ông Ngọ thường đem những trải nghiệm của cuộc đời mình tâm sự với anh em: “Đời lính của tôi chưa bao giờ tham gia vào các trận đánh lớn, chủ yếu tôi chỉ được giao nhiệm vụ tham gia giữ chốt mà thôi. Có lẽ vì vậy mà tôi tư duy rằng phải bám sát thực tế, chọn những việc phải cụ thể, sờ nắn được. Cả đời tôi chỉ muốn giữ một chốt nhỏ trong khoa học thực nghiệm”.

Khắc khoải với vùng cận đáy giếng

Trong khi nhiều người làm khoa học ở Việt Nam có xu hướng lựa chọn những đề tài có vẻ hoành tráng để được nhiều người nể, nhưng khó đưa ứng dụng để khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả, thì TS Nguyễn Văn Ngọ lại chọn con đường thực hiện những công trình “vừa sức” nhưng có khả năng ứng dụng và được kiểm chứng nhanh về hiệu quả. Ông nói rằng, đó là kiểu làm việc theo tác phong “đánh du kích, đánh trận nhỏ, nhưng chắc chắn ghi được chiến công”.

Từ năm 2006, TS Nguyễn Văn Ngọ cùng các cộng sự bắt đầu nghiên cứu vấn đề xử lý vùng cận đáy giếng, loại trừ lắng đọng muối trong cần khai thác nhằm tăng hiệu quả khai thác giếng dầu.

Vùng cận đáy giếng được hiểu là vùng vỉa chứa lân cận đáy giếng. Thường thì, sau một thời gian khai thác, mao quản đá vỉa vùng này bị bít nhét bởi các hạt rắn vô cơ đi theo lưu thể khai thác (hạt rắn mịn bứt ra từ khoáng vật đá vỉa, muối sa lắng hình thành trong nước đồng hành khai thác). Các chất lắng đọng hữu cơ như asphanten, nhựa và một số chất có trọng lượng phân tử cao trong dầu cũng gây bít nhét đáng kể mao quản đá vỉa vùng cận đáy giếng, nhất là khi áp suất vỉa giảm mạnh so với trước đó. Muối vô cơ cũng có thể hình thành, tích tụ làm giảm tiết diện cần ống khai thác trong giếng, dẫn tới giảm năng suất khai thác của giếng.

Chúng tôi được biết, cho tới thời điểm hiện tại, TS Nguyễn Văn Ngọ cùng cộng sự của mình đã thực hiện 4 công trình trong lĩnh vực xử lý vùng cận đáy giếng được đưa vào ứng dụng thử nghiệm thành công tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

Theo đánh giá của Viện NIPI, ứng dụng thử nghiệm các công trình này đều mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Lãi sau thuế thu được từ các đợt ứng dụng thử nghiệm lần đầu, chỉ với thời gian theo dõi 3 tháng đều đã đạt cái ít thì hơn 500.000USD, cái nhiều tới gần 3.000.000USD.

Ấy vậy mà khi được nhắc đến giá trị của cụm công trình này, ông Ngọ cho đó chỉ là những đóng góp nhỏ, không đáng kể. Theo ông, đã có nhiều phương pháp xử lý vùng cận đáy giếng và loại trừ lắng đọng muối được nghiên cứu và ứng dụng trên thế giới. Cụm công trình khoa học xử lý vùng cận đáy giếng chỉ là quá trình nghiên cứu “làm chủ” công nghệ và áp dụng vào điều kiện địa chất, sản xuất ở Việt Nam mà thôi.

Cái tính cách muôn đời khiêm tốt của anh lính cụ Hồ xưa nay vẫn thế. Cái việc mà ông cho là nhỏ, là không đáng kể ấy không phải bất cứ ai cũng làm được. Để có thể chuyển giao công nghệ, hơn nữa còn phát triển hiệu quả hơn cái vốn có đã khiến khoa học kỹ thuật ngành Dầu khí nước ta luôn tiến bộ, tiết kiệm và đem về cho đất nước hàng triệu USD. Có được những thành công này, TS Nguyễn Văn Ngọ cho rằng, chính tinh thần tiến công, tính quyết liệt, tinh thần chung lưng đấu cật của người lính năm xưa cùng với niềm say mê khoa học đã giúp ích cho ông rất nhiều trong công tác nghiên cứu thực nghiệm.

TS Nguyễn Văn Ngọ đang kiểm tra nhiệt độ máy trộn hóa chất xử lý vùng cận đáy giếng trên giàn khoan dầu khí mỏ Bạch Hổ

Trong câu chuyện của chúng tôi, TS Ngọ nhắc đi nhắc lại nhiều lần tầm quan trọng của việc “kiếm được đất” nuôi dưỡng ý tưởng nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế. Ông bảo, nếu kể công, đầu tiên phải nhắc tới tinh thần hợp tác, sự thiện chí của lãnh đạo và các chuyên gia ở Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. “Về phần mình, chúng tôi cũng chỉ chọn những đề tài nghiên cứu mà khi “kiễng chân lên là có thể thực hiện được”, tức chọn cách luôn vượt lên chính mình, mà không chọn công việc phải đánh đu với nó, tức phiêu lưu quá sức mình để phía đối tác đã giúp mình có thể gặp rủi ro”.

Ông Ngọ chia sẻ, các cộng sự của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và Dịch vụ kỹ thuật làm việc với tinh thần người lính, hành động theo hướng để các đơn vị bạn ngày càng tin tưởng cho tiếp tục “phối hợp chiến đấu, lập công chung”. Cụm công trình các phương pháp xử lý vùng cận đáy giếng đã đem lại cho ông Ngọ nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Lần đầu được giao giếng khoan để xử lý, ông không được “tự tin”, luôn thấy hồi hộp và lo lắng. Sự tin tưởng của các đồng sự Vietsovpetro, các cộng sự trong DMC, sự thành bại của công việc liên quan đến cả triệu USD… đã khiến ông Ngọ như mang theo cả tấn áp lực.

Đợt xử lý giếng đầu tiên đã thành công, các số liệu hệ số khai thác dầu tăng đều và ổn định khiến ông Ngọ thở phào nhẹ nhõm. Niềm tin được củng cố, tốc độ cũng như hiệu quả công tác cũng tiến nhanh hơn. TS Nguyễn Văn Ngọ thường xuyên nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu thêm các công nghệ xử lý hóa chất tiên tiến trong công nghiệp khai thác dầu của thế giới. Hiện nay ông đã trở thành chuyên gia hàng đầu về xử lý vùng cận đáy giếng tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Ngọ trầm ngâm chia sẻ: “Có lẽ do thành công liên tục mà nhiều người cho rằng công việc của chúng tôi “có vẻ dễ” nên gần đây chúng tôi đã gặp một lỗi và áp lực rất lớn trong công tác xử lý cận đáy giếng”.

Cuối năm 2011, Trung tâm của ông Ngọ được giao xử lý 3 giếng trên giàn Bạch Hổ. Lúc xử lý giếng thứ nhất, TS Ngọ đang đi công tác nước ngoài mà Vietsovpetro lại bàn giao giếng sớm hơn kế hoạch nên anh em đã xử lý thất bại. Tin xấu truyền về, lập tức có nhiều ý kiến phản biện, những lời xì xầm bình phẩm rất phiến diện đến tai các cấp lãnh đạo. Ngay lập tức ông Ngọ và các cộng sự đã có mặt tại giàn Bạch Hổ. Ông uất muốn nổ tung lồng ngực nhưng vẫn phải nhẫn nhịn, kiên trì hỏi cặn kẽ kíp xử lý giếng từng bước đã thực hiện. Mọi người ai cũng chịu áp lực rất lớn và lo lắng vì đã phụ lòng tin của anh em Vietsovpetro cũng như lãnh đạo Tập đoàn.

Khi phát hiện ra nguyên nhân từ khâu trộn hóa chất trước khi bơm xuống giếng ông Ngọ đã lập tức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và thực hiện xử lý 2 giếng còn lại rất thành công. Có lẽ tai nạn nghề nghiệp này khiến tính “chua chát” trong ông Ngọ tăng cao.

Khi trao đổi về việc Việt Nam có hơn 9.000 giáo sư, tiến sĩ mà tại sao năm 2011, Việt Nam không có một công trình khoa học ứng dụng nào đăng ký bản quyền tại Mỹ và báo cáo của UNESCO cho thấy trong thời gian 2000-2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng ký được 19 bằng sáng chế… (nguồn: báo Dân trí bài “Hơn 9.000 giáo sư sao không có bằng sáng chế).

Như chạm đến nỗi lòng sâu thẳm, ông Ngọ đã rút ruột với chúng tôi: “Nếu muốn nổi tiếng thì tôi đã đi đăng ký từ lâu rồi, sau đó làm vài bài báo lăng xê vung vít thế là thành ông nọ, bà kia. Làm khoa học thực sự ai cũng luôn thầm lặng cống hiến. Bản thân tôi chỉ muốn được nghiên cứu, được làm cái mình thích. Gặp vạ miệng có khi không còn đề tài mà làm nữa ấy chứ”. 

Chia tay với TS Nguyễn Văn Ngọ, điều tôi thấy xúc động nhất khi chứng kiến phút ông chợt nhớ về những hy sinh của vợ, những thiệt thòi của hai người con trai mà ông thấy rằng đã không có nhiều thời gian chăm sóc.

Ông chia sẻ, làm khoa học phải say mê, phải có “một cái đầu tĩnh”, gặp lúc bế tắc, vài tháng không tìm được hướng đi, bẳn gắt, ăn không ngon, ngủ không yên. Bà nhà đã phải chịu đựng ông rất nhiều. Có một lần thấy ông liên tục khó ngủ nhiều đêm, sức khỏe lại yếu do vết thương cũ nên vợ ông lo lắm. Bà cằn nhằn: “Ông bỏ quách đi, làm việc khác cho xong”.

Ông Ngọ đùa lại vợ: “Tôi không rượu, không chè, không thuốc… có mỗi niềm đam mê thế này. Nếu bà muốn tôi mê cái khác thì tôi bỏ”.

Từ câu nói đơn sơ ấy mà ngành Dầu khí có thêm một cán bộ, một người lính cụ Hồ trên mặt trận nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ.

NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG CỦA DMC TĂNG THU HỒI DẦU:

Từ ngày 28/9/2007 đến 26/9/2008, đề tài “Công nghệ sử dụng các hợp chất axít để nâng cao hệ số sản phẩm của giếng khai thác bà độ tiếp nhận của giếng bơm ép thuộc Oligoxem dưới mỏ Bạch Hổ”. Theo Viện NIPI, lãi sau thuế: 319.417USD.

Từ ngày 14/11/2007 đến 16/2/2009, đề tài “Công nghệ hóa nhiệt nâng cao hiệu quả khai thác dầu”. Theo Viện NIPI lãi sau thuế: 1.075.630USD;

Từ ngày 29/5/2009 đến ngày 11/3/2011, thực hiện đề tài “Dịch vụ áp dụng công nghệ mới làm sạch lắng đọng muối trong ống khai thác, hệ thống thu gom và xử lý dầu”. Theo Viện NIPI, lãi sau thuế: 2.940.560USD;

Từ tháng 11/2010 đến hết tháng 12/2011, thực hiện đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tăng sản lượng khai thác dầu nhờ bơm các thành phần không có tính axít để tạo thành hỗn hợp axít tại đáy giếng khi tiến hành xử lý vùng cận đáy vỉa”. Theo Viện NIPI, thu lãi: 499.300USD.


Thành Công

(Năng lượng Mới số 151+152, ra thứ Sáu ngày 31/8/2012)

DMCA.com Protection Status