Ấn tượng về chuyến cứu trợ miền Trung

21:17 | 01/12/2015

1,814 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Cách nay đã 5 năm, vào tháng 10-2010, miền Trung từng phải hứng chịu liên tiếp những trận lũ lụt có sức tàn phá ghê gớm, lũ chồng lên lũ đã cuốn trôi hàng trăm ngàn ngôi nhà, hàng chục người thiệt mạng…

Cơn đại hồng thủy trăm năm mới gặp đã khiến nhiều đồng bào Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể, rơi vào cảnh khốn khổ, thương tâm.

Để góp sức chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đồng bào, ngay sau khi xảy ra lũ lụt, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng với Công đoàn ngành Dầu khí đã kêu gọi toàn thể người lao động dầu khí ở các đơn vị khẩn trương quyên góp, ủng hộ người dân miền Trung. Nhiều đơn vị đã trực tiếp cử người tới tận nơi xảy ra lũ lụt để ủng hộ đồng bào.

an tuong ve chuyen cuu tro mien trung
Trao quà và tiền cứu trợ gia đình ông Nguyễn Hữu Kỷ (73 tuổi) - người cựu chiến binh vẫn đang phải chăm lo cho đứa con trai 29 tuổi bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ

Hồi đó, tôi đang công tác tại Hội đồng Thành viên Tập đoàn, kiêm Phó chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam. Tôi được cử dẫn đầu đoàn công tác của Tập đoàn, phối hợp với Báo Công an Nhân dân về tận vùng rốn lũ tại Nghệ An và Hà Tĩnh để thăm hỏi động viên và trao tiền cứu trợ cho người dân các xã chịu thiệt hại nặng nhất.

Quyết định cử đoàn đi công tác được ký vào trưa ngày 18-10 thì 15 giờ hôm ấy, chúng tôi xuất phát đi miền Trung, mang theo 2 tỉ đồng tiền mặt và nhiều thùng quà, quần áo để trực tiếp ủng hộ đồng bào. Cùng đoàn đi có đồng chí Trưởng ban Trị sự Báo Công an Nhân dân cùng các cán bộ, phóng viên và cán bộ Công đoàn Dầu khí.

Sáng sớm ngày 19-10, chúng tôi đã có mặt tại trụ sở Công an tỉnh Nghệ An và phải nhờ tới sự giúp sức của lực lượng công an tỉnh chúng tôi mới có thể vào đến những vùng ngập lũ nặng nhất của các huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên. Cùng với Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, chúng tôi đã tới thăm hỏi và trao tiền ủng hộ tận tay cho những gia đình người dân vừa bị mất người thân, bị mất nhà cửa.

Chiều 19-10 chúng tôi tiếp tục vào Hà Tĩnh. Lúc này cả thành phố Hà Tĩnh chìm trong biển nước, Quốc lộ 1A bị chia cắt, giao thông hoàn toàn tê liệt. Hương Sơn, Hương Khê có nhiều xã bị cô lập hoàn toàn không thể ứng cứu. Hàng cứu trợ từ khắp mọi miền ùn ùn đổ về nhưng thiếu phương tiện để chuyển đến tay bà con.

 Đoạn từ Vinh đi Hà Tĩnh có chỗ ngập sâu gần một mét nước, chúng tôi lại phải nhờ tới sự giúp sức của lực lượng công an mới có thể vào được vùng ngập nặng nhất của huyện Thạch Hà bằng xuồng máy và canô. Đến Thạch Hà phải thêm một lần “tăng bo” bằng xuồng rồi lội qua hàng trăm mét đường làng mới có thể đến được các gia đình đang bị ngập nặng ở xã Thạch Tân.

Lúc này mặc dù mưa đã ngớt và trong khi các huyện thượng nguồn nước đang có chiều hướng rút thì ở các xã vùng hạ lưu nước lại đang dâng thêm. Huyện Thạch Hà lúc này có hơn 1.200 nóc nhà chìm trong lũ. Quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập dài 32km, có khoảng 10km đường bị sạt lở nặng. Bằng xe đặc chủng, chúng tôi vượt qua mấy chục km chật cứng các loại xe ôtô đang bị dồn lại trên đường. Chập tối ngày 19-10, phải nhờ đến canô chuyên dụng rồi lội nước đến bụng chúng tôi mới tiếp cận được gia đình chị Lê Thị Tam, 48 tuổi, ở xóm Văn Minh, xã Thạch Tân. Chị Tam bị mù hai mắt ở cùng mẹ già Trần Thị Vân, 91 tuổi. Đã mấy ngày hai mẹ con tàn tật, neo đơn phải chống cự với cơn lũ dữ, nước ngập ngang nhà, kiến lửa và chuột bu kín xung quanh, tất cả đồ đạc bị cuốn trôi hết, cầm hơi bằng mấy gói mì sống. Gặp mẹ con chị, không ai cầm được nước mắt thương tâm.

Cũng tại xóm này, chúng tôi đã lội vào cứu trợ gia đình ông Nguyễn Hữu Kỷ, người cựu chiến binh 73 tuổi đang phải chăm lo cho đứa con trai 29 tuổi bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ. Ngày thường vốn đã khó khăn, nay lũ về bất ngờ cuốn đi hết phần lương thực, thực phẩm ít ỏi dành dụm được nên càng thống khổ.

Vào thời điểm ấy, đoàn cứu trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Báo Công an Nhân dân là một trong những đoàn sớm nhất tiếp cận được hiện trường. Không phải là những món tiền, thùng quà mà chính sự xuất hiện của chúng tôi trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy đã khiến người dân nơi đây xúc động nghẹn ngào.

Nhờ sự trợ giúp của công an địa phương nên chúng tôi đã trực tiếp đến trao tận tay nhiều gia đình khó khăn nhất những món tiền, thùng quần áo, lương thực khi trời vẫn mưa ngày càng nặng hạt.

Rời Thạch Hà, sáng sớm ngày 20-10, đoàn chúng tôi tiếp tục về huyện Đức Thọ, huyện có 3 người chết do nước lũ cuốn trôi, 27/28 xã bị ngập nước, trong đó có 16 xã ngập sâu 3-5m. Đoàn đã tới thăm, tặng quà và trao trực tiếp hơn 100 triệu đồng cho các gia đình bị thiệt hại nặng và ủng hộ hàng chục triệu đồng cho lực lượng công an, những người đang ngày đêm xả thân mình cứu dân trong khi chính nhà cửa của họ bị nước lũ nhấn chìm, tài sản bị cuốn trôi.

Chiều 20-10, chúng tôi tiếp cận rốn lũ Hương Khê với trên 20.000 hộ bị ngập nước, trong đó bị ngập sâu 2-3m có hơn 17.000 hộ (với khoảng 73.000 nhân khẩu). Xã Lộc Yên ngập nặng nhất vẫn đang bị cô lập với bên ngoài.

Cảm động rưng rưng nước mắt khi gặp chúng tôi, ông Nguyễn Kim Túc, 70 tuổi, nhà ở xóm Trung Thượng cho biết, gia đình ông có 3 người, ngày 17-10, cơn mưa lớn ập xuống đã khiến mực nước sông Ngàn Sâu dâng lên nhanh chóng, ngôi nhà cùng toàn bộ tài sản, thực phẩm của ông theo đó cũng bị nhấn chìm. Rất may nhờ người dân xung quanh và lực lượng cứu hộ đã có mặt kịp thời đưa ông và người thân thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Rồi chị Ngô Thị Hường kể, nước lũ bất ngờ dâng lên quá nhanh khiến hai vợ chồng chị mỗi người chỉ kịp ôm một con nhỏ mà chạy, tài sản, nhà cửa đành phó mặc cho dòng nước lũ. Cùng hoàn cảnh bị lũ cuốn sập nhà, còn có chị Nguyễn Thị Quyên, gia đình bà Hoát, ông Trúc… những ngày đói, khát có thể qua nhưng còn chỗ tá túc thì chưa biết đến bao giờ…

Sáng ngày 21-10, chúng tôi tiếp tục hành trình đến huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh, nơi đây cũng tan hoang, đổ nát, nước vẫn đang ngập trắng nhiều xã. Đến xã Hương Minh, đoàn đã trao tặng 50 suất quà cho các gia đình bị thiệt hại nặng, thăm hỏi và tặng quà động viên các lực lượng quân đội đang làm nhiệm vụ ứng cứu giúp dân trong lũ. Ông Phạm Văn Đức - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, trận mưa lũ lịch sử này đã nhấn chìm toàn bộ 10 xóm với 636 hộ dân. Trong số đó có tới 410 hộ bị ngập 1-3m. Thiệt hại trước mắt và lâu dài là rất lớn.

Trước những thiệt hại nặng nề của người dân Hương Khê và Vũ Quang, ngoài hàng trăm suất quà bằng tiền mặt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Quỹ Xã hội từ thiện Báo Công an Nhân dân, một số nhà hảo tâm và đoàn công tác đã quyết định phối hợp với công an các địa phương dựng lại 11 căn nhà tình thương cho những trường hợp gia đình chính sách, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi căn nhà trị giá 15 triệu đồng.

Trở về Hà Nội sau chuyến đi 4 ngày, cả đoàn thấm mệt vì phải dầm mình trong mưa lũ, nhưng chuyến đi đã để lại những kỷ niệm sâu sắc và cảm động bởi những cuộc hội ngộ với hàng trăm người dân đang gánh chịu thiên tai, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an và quân đội đang oằn mình cứu dân, những cán bộ xã, huyện, tỉnh đang vất vả lo cho dân vượt qua khó khăn. Kịp trao hàng trăm thùng quà và toàn bộ số tiền mặt mang theo cho nhân dân và các cán bộ, chiến sĩ vào lúc nguy nan ấy, chúng tôi rất vui vì đã mang được tấm lòng, tình cảm của người lao động dầu khí tới đồng bào miền Trung thân yêu. Chúng tôi tự hào vì đã góp phần nhỏ bé sức lực của mình để bảo tồn, phát triển và duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống của những người đi tìm lửa dầu khí.

 

Hoàng Xuân Hùng

Năng lượng Mới 478

DMCA.com Protection Status