Ba yếu tố chính gây biến động thị trường dầu mỏ toàn cầu
Những biến động của giá dầu đang phản ánh tác động qua lại giữa các yếu tố địa chính trị và kinh tế, ảnh hưởng đến thế giới ngày nay, nhất là yếu tố xung đột quân sự, chính sách tăng lãi suất và Covid-19. Ngoài những hậu quả từ cuộc khủng hoảng Ukraine, thị trường dầu mỏ thế giới ghi nhận ba yếu tố bất ổn chính hiện nay.
Thứ nhất, đó là động thái của các nước thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trước các lệnh trừng phạt của Mỹ/phương Tây nhằm vào Nga. Đầu tháng 3, Mỹ, Anh đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga. Điều này tác động tiêu cực đến cả những nước không cấm vận dầu thô Nga, cũng như những khách hàng tiềm năng mua dầu thô của Nga thông qua các trung gian tài chính do nhiều ngân hàng Nga bị ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Trước đó vào ngày 16/3, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, hậu quả của những biện pháp cấm vận có thể gây thiếu hụt khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 4 tới. Trong năm 2021, tiêu thụ dầu toàn cầu đã đạt khoảng 98 triệu thùng/ngày. Sự gián đoạn trên thị trường đầy biến động được minh họa rõ nhất bằng sự chênh lệch giá giữa dầu Brent và dầu Urals. Vào ngày 31/01, mức chênh lệch là 0,6 USD, nhưng đến ngày 18/3, mức chênh lệch đã tăng lên gần 30 USD.
Do đó, quyền lực và ảnh hưởng to lớn trên thị trường đang tập trung vào hai nhà sản xuất có nhiều khả năng nhất để bù đắp nguồn cung từ Nga là KSA và UAE. Cho đến nay, hai quốc gia này đã từ chối các đề nghị tăng đáng kể sản lượng. Tại cuộc họp sản lượng của OPEC+ vào đầu tháng 3 vừa qua, các thành viên của liên minh chỉ xác nhận kế hoạch tăng thêm sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 4 tới. Cuộc họp tiếp theo được lên kế hoạch diễn ra vào cuối tháng này và sẽ được theo dõi chặt chẽ. Quyền lực của KSA và UAE trên thị trường sẽ khiến ngay cả những điều chỉnh nhỏ trong những tuyên bố công khai của họ cũng có thể gây ra những biến động lớn về giá dầu.
Yếu tố thứ hai là khả năng lấp đầy khoảng trống nguồn cung bởi các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Trong giai đoạn 2010 – 2015, sản lượng khai thác dầu tại Mỹ đã tăng vọt, khiến giá dầu sụt giảm và làm suy yếu tầm ảnh hưởng của OPEC. Tuy nhiên, các điều kiện trong nền kinh tế Mỹ đã thay đổi nhiều kể từ thời điểm đó. Các nhà phân tích và giới chuyên gia đang bày tỏ sự hoài nghi về khả năng bù đắp của dầu đá phiến Mỹ bởi các nguyên nhân sau. Trước hết, những điều kiện về cấp tín dụng không còn hấp dẫn như trong thời kỳ “bùng nổ dầu đá phiến”. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay và năm 2023. Một yếu tố khác cản trở sản xuất là nhu cầu lao động cao ở Mỹ. Vào cuối tháng 02 vừa qua, ngành dầu khí Mỹ chỉ tuyển dụng thêm hơn 128.000 người, trong khi vào thời điểm cuối năm 2014 là hơn 200.000 người. Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,8% và các nhà tuyển dụng phải vật lộn để lấp đầy các vị trí trống, khó có thể huy động thêm hàng chục nghìn người lao động vào lĩnh vực đá phiến. Ngoài ra, thái độ trong lĩnh vực đá phiến cũng đang thay đổi. Các công ty dầu mỏ Mỹ và các nhà cho vay, nhà đầu tư của họ đang cảnh giác hơn với việc vay nợ. Các ngân hàng và công ty quản lý tài sản bị ràng buộc bởi các quy định nghiêm ngặt về môi trường. Yếu tố này đã và đang làm tăng chi phí. Trong quý IV/2021, các công ty thăm dò và khai thác đã báo cáo mức tăng mạnh về chi phí thuê và vận hành trong vòng 6 năm qua. Các công ty khoan đang nỗ lực hết sức để kỷ luật tài chính, tránh lãng phí vốn.
Yếu tố thứ ba và phức tạp nhất gây ra sự biến động giá dầu liên quan đến nhu cầu. Chiến dịch “zero Covid” của Trung Quốc đang bộc lộ những hạn chế. Trong ngày 20/03, nước này ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm cao nhất kể từ khi bắt đầu bùng phát đại dịch. Hàng chục triệu người đã bị cô lập ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Thâm Quyến. Các chuyên gia của Platts cho rằng, các biện pháp hạn chế do đại dịch ở nước này có thể làm nhu cầu sụt giảm 650.000 thùng/ngày trong tháng 3. Con số này xấp xỉ với khối lượng sản xuất dầu ở Venezuela.
Ngay cả trước khi thực hiện các biện pháp kiểm soát đại dịch, đã xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo về sự suy thoái trong nền kinh tế Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Nguồn thu ngân sách từ việc bán đất tại các địa phương của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm đã giảm 30% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số bất động sản Hang Seng gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Trong khi đó, các nhà chức trách đang bị giằng co giữa chính sách giảm đòn bẩy tài chính trong lĩnh vực bất động sản và mong muốn đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững. Bất kỳ dấu hiệu chậm lại nào của Trung Quốc sẽ gây ra những xáo trộn mới trên thị trường hàng hóa.
Để giảm dần sự biến động trên thị trường dầu mỏ thì ba yếu tố gây lo ngại, sự không chắc chắn nêu trên phải giảm dần. Mỗi một yếu tố cũng đã đủ để gây ra những biến động mạnh về giá cả. Và khi chúng kết hợp với nhau, hoàn toàn có thể gây ra một cú sốc lớn trên thị trường.
Tiến Thắng