BDTT lần 4: Nhiều giải pháp kỹ thuật mới được áp dụng

14:06 | 04/09/2020

9,858 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Bảo dưỡng tổng thể (BDTT) NMLD Dung Quất đã đi được gần nửa chặng đường. 7 gói thầu đi đúng tiến độ, thậm chí có gói thầu đã hoàn thành 2/3 khối lượng công việc trên công trường. Trong đó, sự thành công của đợt BDTT phải kể đến những giải pháp kỹ thuật, trong đó gói 2 có nhiều giải pháp mới được áp dụng, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Gói 2 do Liên danh nhà thầu PTSC Quảng Ngãi và NEWWIN thực hiện bảo dưỡng các phân xưởng thuộc khu vực A1, A3 của Nhà máy như: CDU, KTU, NHT, CCR, ISOM, SWS, ARU, CNU, LCO HDT, SRU. Đường găng tiến độ của gói 2 chính là thay thế xúc tác cho 2 phân xưởng NHT và CCR.

0300-1
Hút, nạp xúc tác theo công nghệ mới ở phân xưởng NHT

Thay thế xúc tác - hiệu quả kinh tế

Phân xưởng NHT là phân xưởng xử lý tạp chất cho phân đoạn full range naphtha (FGN) bằng hydrogen để phân tách thành Naphtha nhẹ và Naphtha nặng làm nguyên liệu cho phân xưởng ISOM và CCR. Xúc tác trong thiết bị phản ứng của phân xưởng NHT là xúc tác tầng cố định S-120 của nhà cung cấp bản quyền UOP, được thiết kế cho nguyên liệu dầu thô Bạch Hổ.

Quá trình vận hành, thành phần Nitrogen tổng trong dòng nguyên liệu Naphtha nặng cung cấp cho phân xưởng CCR vẫn không được tách loại triệt để. Tháp Debutanizer T1301 của phân xưởng CCR bị tích tụ muối Amoniclorua làm giảm hiệu quả vận hành. Nguyên nhân của việc trên là do xúc tác S-120 được thiết kế cho dầu thô nhẹ, ít tạp chất (Bạch Hổ) có khả năng tách loại Nitrogen thấp. Các ban chuyên môn BSR đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp thay thế xúc tác S-120 có gốc Co-Mo/A12O3 sang xúc tác có gốc Ni-Mo/A12O3 có khả năng tách loại Nitrogen cao hơn, tăng khả năng xử lý các loại dầu thô nhập khẩu trong tương lai. Và xúc tác HYT-1119 có gốc Ni-Mo/A12O3 đã được chọn thay thế cho xúc tác S-120 cho phân xưởng NHT trong BDTT lần 4.

Theo đánh giá và tư vấn của nhà bản quyền công nghệ UOP thì xúc tác thế hệ mới HYT-1119 có khả năng tách loại hàm lượng sulfur và nitơ tốt hơn so với xúc tác S-120. Đồng thời hoạt tính của HYT-1119 cũng tốt hơn nên nhiệt độ vận hành thiết bị phản ứng và tiêu thụ năng lượng tại lò đốt cũng thấp hơn so với S-120, giúp tiết kiệm chi phí.

0304-2
Các phân xưởng thuộc khu vực A1, A3 thuộc gói 2 của đợt BDTT

Tại Phân xưởng CCR, việc thay xúc tác cũng là phần việc quan trọng, mang lại lợi ích cho BSR. Đây là phân xưởng reforming xúc tác phân đoạn Naphtha nặng; sản phẩm là xăng Reformate chỉ số oc-tan (RON) cao để phối trộn xăng thương phẩm và Hydrogen cung cấp cho các phân xưởng tiêu thụ Hydrogen và một phần làm nhiên liệu cho Nhà máy. Tháp phản ứng của phân xưởng CCR được thiết kế theo công nghệ tuần hoàn và tái sinh xúc tác liên tục, sử dụng xúc tác R-234.

Tính đến nay, xúc tác này đã hoạt động được gần 11 năm. Vì vậy, tính chất và hoạt tính của xúc tác đã giảm, hạn chế khả năng tăng công suất của phân xưởng CCR. Qua kết quả nghiên cứu, BSR nhìn nhận xúc tác R-264 là thế hệ sau của xúc tác R-234, đến nay đã có hơn 130 lượt thay xúc tác mới này tại các nhà máy lọc dầu trên thế giới.

Ông Lê Hải Tuấn - Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển cho biết: Xúc tác R-264 có khối lượng riêng và hoạt tính cao hơn R-234 nên thuận lợi cho việc tăng công suất phân xưởng CCR. Việc sử dụng xúc tác R-246 sẽ giúp tăng lợi nhuận cho BSR khoảng 3,4 triệu USD/năm nhờ cho sản lượng C5+ cao hơn so với sử dụng xúc tác cũ khoảng 1%wt (nếu CCR vận hành ở công suất 100%). Trong kỳ vọng BSR tăng công suất CCR lên 110%, lợi nhuận thu về ước khoảng 15 triệu USD/năm.

0308-3
Công nhân tháo các spring support cũ để thay bằng các thiết bị mới

Máy móc thay cho sức người

Ở những kỳ BDTT trước, việc thay thế xúc tác mới ở phân xưởng NHT được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp thông thường (Sock Loading) - tức công nhân phải vào bên trong tháp phản ứng, sau đó sử dụng tay để phun trải đều xúc tác lên bề mặt. Công việc này làm trong không gian hạn chế, gây ra nhiều nguy hiểm cho công nhân. Hơn nữa, việc nạp xúc tác bằng phương pháp thông thường sẽ không đạt hiệu quả kỹ thuật cao nhất. Được biết, thiết bị phản ứng R-1201 ở phân xưởng NHT có đường kính 2,6m; chiều cao khoảng 10m.

Ở kỳ BDTT này, việc thay thế xúc tác được áp dụng theo giải pháp Dense Loading. Ông Wohd Rosdin - Giám đốc dự án gói 2 cho biết: Giải pháp Dense Loading sử dụng máy móc thiết bị đưa vào trong tháp, được điều khiển bằng con người ở bên ngoài. Giải pháp này giúp lớp xúc tác được trải đều bên trong, giúp tiết kiệm chi phí nạp xúc tác và an toàn cho con người. Bên cạnh đó, giải pháp này giúp tuổi thọ, chất lượng của lớp xúc tác cũng sẽ tăng khoảng 6 tháng cho một chu kỳ vận hành.

Liên danh nhà thầu đang cố gắng hoàn thiện các phần việc bảo dưỡng tại phân xưởng CCR và ngày 4/9 tiến hành nạp xúc tác tại các Reator R1301/02/03/04, dự kiến trong tuần này sẽ hoàn thành việc thay xúc tác.

0311-4

Cắt và cẩu bộ phận đỉnh của tháp T1802 ở phân xưởng SWS xuống đất để chuẩn bị thay thế thiết bị mới

Phấn đấu vượt tiến độ

Tại phân xưởng CCR, việc thay thế 58 spring support/hanger (một thiết bị dạng lò xo) cũng nằm trên đường găng tiến độ. Đến nay, Liên danh nhà thầu PTSC Quảng Ngãi và NEWWIN đã thay thế được 52/58 spring support, dự kiến ngày 7/9 hạng mục này sẽ hoàn thành.

Kỹ sư Đỗ Hồng Quang - Ban Vận hành Sản xuất BSR cho biết thêm: Sau 13 năm vận hành, các spring support đã bắt đầu bị ăn mòn do điều kiện môi trường gần biển. Trong quá trình vận hành, các spring support hỗ trợ cho khả năng dịch chuyển giúp giữ hệ thống đường ống, kiểm soát sự dãn nở trong khoảng nhiệt độ thay đổi (môi trường nhiệt đến 550 độ C và ngược lại). Công tác thay các thiết bị này do các chuyên gia nhà thầu Lisega (Đức) phối hợp với Liên danh gói 2 trực tiếp lắp ráp tại hiện trường.

Ông Đoàn Ngọc Tấn - Phó Giám đốc gói thầu số 2 nhận định rằng công việc lắp spring support vô cùng khó khăn dàn trải những vị trí trên cao, có nhiều vị trí phải dùng cẩu 160 tấn để cẩu spring support lên đưa vào vị trí lắp đặt. Thậm chí cẩu không vươn tới những vị trí cao nhất của phân xưởng CCR, các kỹ sư phải sử dụng kết hợp từ 6 pa lăng để chuyển lên từng sàn platform mới có thể đưa spring support lên vị trí lắp đặt. Khó khăn là vậy nhưng đây là những phần việc được tính toán trước, nên đến nay công việc lắp đặt spring support diễn ra an toàn, vượt tiến độ đã đạt 52/58 vị trí, dự kiến sẽ hoàn thiện vào ngày 07/09/2020.

Ông Đoàn Ngọc Tấn cho biết thêm: Tiến độ thay thế bộ phận đỉnh của tháp T1802 ở phân xưởng SWS cũng là phần việc quan trọng, triển khai luôn trong BDTT lần 4. Qua quá trình kiểm tra ăn mòn dưới lớp bảo ôn (CUI), bộ phận Kiểm tra thiết bị BSR đã phát hiện hỏng hóc ở bộ phận đỉnh này và khuyến cáo thay thế trong BDTT lần 4. Sau đó BSR đã lập đơn hàng mua khẩn vật tư, thiết bị từ Singapore và Hàn Quốc, tiến hành gia công tại xưởng để liên danh nhà thầu triển khai ngay công việc thay thế tại công trường. Dự kiến trong tuần sau sẽ hoàn thiện phần công việc này.

Đức Chính (ghi chép)

Khẳng định năng lực, DQS biến "nguy" thành "cơ" trong khủng khoảng kép
Tái tạo Văn hoá Petrovietnam gắn với hoạt động chung của Tập đoàn
Ngành Dầu khí cần vốn và cơ chế để phát triển
Người dầu khí có quyền tự hào
PVN - Những đóng góp đáng tự hào
Kiên định gói giải pháp "vượt khủng hoảng", PVN nộp ngân sách Nhà nước gần 45 nghìn tỷ đồng
Tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc
45 năm PVN - Nhiều thăng trầm nhưng cũng lắm vinh quang
Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ - “Đứa con đầu lòng” của ngành hóa dầu Việt Nam

DMCA.com Protection Status