Biển Đông 01: "Điện Biên Phủ" của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

07:00 | 29/04/2014

2,019 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Dĩ nhiên là không thể nào so sánh Chiến thắng Điện Biên Phủ với Dự án Biển Đông 01 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Năng lượng Mới số 317+318

Nhưng chẳng hiểu sao, từ khi được ra các giàn Hải Thạch, Mộc Tinh và giàn Xử lý trung tâm thuộc Dự án Biển Đông 01; và trong những ngày này, khi cả nước đang sôi nổi kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên, bỗng dưng tôi cứ liên tưởng đến 2 mốc lịch sử này.

Một sự kiện lịch sử tầm cỡ quốc gia và thế giới.

Và một sự kiện lịch sử mang tầm cỡ của một ngành.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân đội ta đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vốn được coi là “bất khả xâm phạm” của thực dân Pháp. Quân và dân ta đã làm được một điều tưởng như không thể - đó là tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm hiện đại bậc nhất ngày ấy với những vũ khí thua kém hơn rất nhiều kẻ địch. Không những thế, chúng ta phải vượt qua rất nhiều khó khăn gian khổ như vận chuyển vũ khí, lương thực; trang thiết bị thiếu thốn. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương và đã mở ra một chương mới cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trên toàn cầu.

Giàn Hải Thạch và Trung tâm xử lý khí cho Dự án Biển Đông 01

Vậy còn với Dự án Biển Đông 01 thì là gì?

Đó là lần đầu tiên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dám nhận lại một khu mỏ có điều kiện địa chất phức tạp bậc nhất thế giới. Phức tạp đến nỗi mà Tập đoàn Dầu khí BP của Anh đã phải “ngán ngẩm” bỏ cuộc, khi mà họ đã phải đổ vào đây ngót 500 triệu USD, cộng với 7 năm thăm dò, khảo sát. Rất nhiều chuyên gia dầu khí danh tiếng trên thế giới đã khuyến cáo các nhà lãnh đạo Dầu khí Việt Nam không nên phiêu lưu, mạo hiểm. Thậm chí, có những người đã thách thức, cá cược là Tập đoàn sẽ không làm nổi.

Những người không ở trong ngành Dầu khí thì không thể hiểu nổi và thậm chí còn dè bỉu rằng: “Mấy thằng cha dầu khí thì có cái gì, cứ chọc mũi khoan xuống mà hút dầu lên, rồi đem bán… Ai chẳng làm được”. Đúng là nếu ai cũng làm được thì chẳng có việc một tập đoàn dầu khí danh tiếng bậc nhất thế giới là BP (Anh) và ConocoPhilips phải “bỏ của chạy lấy người” .

Khi chúng ta tiếp nhận dự án này, hầu như không có chuyên gia dầu khí nào trên thế giới tin rằng, Việt Nam có thể thành công ở một nơi mà áp suất dòng khí lên tới 952 atmosphere và nhiệt độ đến 2000C. Nếu nói một cách hơi chủ quan thì trên thế giới rất ít có loại mỏ nào như thế này và chẳng ai dám khai thác ở nơi có điều kiện địa chất như vậy!

Ấy vậy mà chỉ sau 4 năm chúng ta đã làm được dự án này và thành công mỹ mãn; đạt được hiệu quả kinh tế rất cao.

Thành công của Dự án Biển Đông 01 là một minh chứng cho làng dầu khí thế giới biết rằng - trình độ của những người làm dầu khí Việt Nam hoàn toàn đủ sức chinh phục những mỏ dầu, mỏ khí có điều kiện địa chất phức tạp nhất. Trình độ quản lý và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhất vào thăm dò, khai thác, phát triển mỏ của Việt Nam cũng hoàn toàn có thể sánh ngang với các tập đoàn danh tiếng về khai thác dầu khí trên thế giới.

Dự án Biển Đông 01 còn thể hiện một cách sâu sắc nhất bản lĩnh, trí tuệ và ý chí của người lao động dầu khí Việt Nam. Chúng ta đã dựa vào sự phát triển khoa học kỹ thuật của nước ngoài nhưng không quá lệ thuộc vào nó. Thời gian đầu, chúng ta có sử dụng đội ngũ chuyên gia nước ngoài nhưng sau đó đã dần thay thế họ rất nhanh. Cho đến ngày hôm nay, 100% công việc của Dự án Biển Đông 01 là do người Việt đảm nhận. Ở đây, có những giàn trưởng mới hơn 30 tuổi. Có những chuyên gia sẵn sàng từ bỏ mức lương cao gấp nhiều lần ở nước ngoài để về đầu quân cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Chính sách sử dụng người tài đã được Ban Quản lý Dự án Biển Đông 01 thực hiện một cách rất uyển chuyển và đặc biệt, lãnh đạo Biển Đông 01 đã khơi dậy được khát vọng “tìm dầu để làm giầu cho Tổ quốc” trong mỗi người thợ ở đây, dù là họ đến từ đâu và xuất thân trong hoàn cảnh như thế nào.

Công trình Biển Đông 01 là một “tấm bằng tốt nghiệp” cho những người thợ dầu khí Việt Nam và mở ra một chương mới cho việc thăm dò, khai thác dầu khí.

So sánh là thế và nếu có gọi Dự án Biển Đông 01 là một “Điện Biên Phủ” trên mặt trận dầu khí Việt Nam thì cũng không có gì là quá!

Cho đến ngày hôm nay, mỗi ngày giàn Hải Thạch - Mộc Tinh thuộc Dự án Biển Đông 01 đã chuyển vào bờ hơn 5 triệu m3 khí và 10.000 thùng condensate.

Mỗi ngày, Dự án Biển Đông 01 đã nộp cho Nhà nước tiền lãi ròng là 500.000USD. Đây thực sự là một con số kỷ lục. Con số này càng có ý nghĩa hơn nữa bởi mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh là nơi có cấu tạo địa chất phức tạp bậc nhất trên thế giới.

Tôi gặp Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng giám đốc Dự án Biển Đông 01. Dạo này trông anh có vẻ thư thái hơn. Tuy nhiên, qua câu chuyện thì vẫn thấy trên gương mặt của anh có một sự ưu tư nào đó và mãi về sau tôi mới hiểu.

Nguyễn Quỳnh Lâm cho tôi biết, giàn khai thác rất ổn định, hệ số phải dừng thời gian rất thấp, nếu như không nói là thuộc loại cao kỷ lục. Kế hoạch đặt ra là đạt 94% thời gian vận hành nhưng anh em đã đảm bảo luôn luôn đạt 98%. Từ đầu tháng 1 đến nay, giàn chưa phải dừng một phút nào. Có được điều này là do công tác thiết kế của chúng ta đã đạt đến mức hoàn hảo, đồng thời đã tính đúng, tính đủ, tính kỹ về các thiết bị dự phòng và được “bày binh, bố trận” hết sức tỉ mỉ.

Một điều phấn khởi nữa là giếng khai thác mở ra rất tốt, hàm lượng condensate tăng gấp đôi so với tính toán ban đầu. Condensate ở đây được bán với giá rất cao, thậm chí còn cao hơn cả giá dầu brent. Nói về tính kinh tế thì Dự án Biển Đông 01 là một dự án được coi là đạt hiệu quả kinh tế cao. Theo dự toán, đến hết năm 2016 thì Tập đoàn sẽ phải đầu tư vào dự án này khoảng 2,4 tỉ USD. Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay, chúng ta mới đầu tư 1,6 tỉ USD nhưng đã thu được khí và dầu thương mại. Nói nôm na là thời gian tới đây, có thể dùng “mỡ nó rán nó”.

Nhận thấy vẻ suy tư của Nguyễn Quỳnh Lâm, tôi gặng hỏi anh thì hóa ra là có câu chuyện thế này.

Dự án đã cơ bản hoàn tất cho nên một đội ngũ chuyên gia, kỹ sư tài năng, trí tuệ và có tay nghề cao đã hết “công ăn việc làm” và anh em đang “rục rịch” tản đi các công trình khác. Điều mong muốn của Quỳnh Lâm là làm thế nào có một khu mỏ mới để những anh em đã làm Dự án Biển Đông 01 lại được quy tụ về với nhau và họ lại được dịp thử thách. Nguyễn Quỳnh Lâm biết việc này là việc khó và rất không đơn giản. Nhưng nếu không khẩn trương có mỏ mới thì nguy cơ bị “chảy máu chất xám” là nhỡn tiền. Thời gian kéo dài càng lâu thì đội ngũ chuyên gia, kỹ sư tài giỏi này hoặc là sẽ đi nơi khác hoặc là sẽ mai một tay nghề và thậm chí ngọn lửa nhiệt huyết trong một con người cũng sẽ bị giảm đi.

Có được một đội ngũ những người làm dầu khí như ở Dự án Biển Đông 01 là không dễ. Và bây giờ, giữ chân họ lại được, xem ra lại còn khó hơn gấp bội. Điều này đúng là một thực tế khắc nghiệt của nghề thăm dò, khai thác dầu khí.

Tôi cũng biết đang có một số mỏ mới được mở ra và chuẩn bị đi vào thăm dò… Nhưng hình như chẳng có nơi nào khó khăn như ở Biển Đông 01.

Hy vọng rằng tới đây, ngành Dầu khí Việt Nam lại có thêm những “Điện Biên Phủ”!

Nguyễn Như Phong

 

DMCA.com Protection Status