Bộ Công Thương ban hành quy chế bảo quản và hủy bỏ giếng khoan dầu khí

08:40 | 22/07/2020

10,892 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 17/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 quy định việc tiến hành các hoạt động bảo quản và hủy bỏ giếng khoan dầu khí với mục đích bảo vệ tài nguyên, môi trường và cấu trúc tự nhiên của lòng đất, ngăn ngừa các hành vi dẫn đến việc tạo thành những vật cản hay những xáo trộn về trạng thái của môi trường biển cũng như trên đất liền.

Thông tư được áp dụng đối với người điều hành, liên doanh dầu khí và tổ chức, cá nhân (gọi chung là người điều hành) thực hiện các hoạt động bảo quản và hủy bỏ giếng khoan trong quá trình tiến hành các hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mở và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ đất liền, đảo và quần đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia Việt Nam.

Kế hoạch kết thúc giếng khoan dầu khí

Khi triển khai kết thúc giếng, người điều hành phải trình kế hoạch kết thúc giếng trước thời hạn 5 ngày làm việc để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, chấp thuận trước 2 ngày làm việc. Trong quá trình triển khai, người điều hành phải phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thông báo kế hoạch kết thúc giếng theo quy định.

Kế hoạch kết thúc giếng phải bao gồm các nội dung: lý do kết thúc giếng; các số liệu cơ bản về giếng khoan và quá trình khai thác, sử dụng, các tài liệu địa chất, địa vật lý; sơ đồ cấu trúc giếng khoan; phương pháp đặt các nút cơ học và nút xi măng; kế hoạch thu dọn và khảo sát quanh khu vực miệng giếng khoan; thời điểm, thời gian tiến hành, kế hoạch kiểm tra định kỳ đối với các giếng bảo quản; kế hoạch ứng phó sự cố, các hoạt động bảo vệ môi trường biến theo quy định.

Người điều hành phải nộp báo cáo về quá trình kết thúc giếng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời hạn 30 ngày sau khi hoàn tất công việc.

Công tác bảo quản giếng

Căn cứ vào tình trạng giếng, các giếng cần bảo quản được chia làm 3 loại:

Loại 1: Giếng khoan cần bảo quản lâu dài (từ 3 năm trở lên), gồm các giếng mà kết quả nghiên cứu cho thấy có thể sử dụng để khai thác đem lại hiệu quả kinh tế nhưng chưa có phương án sử dụng.

Loại 2: Giếng khoan cần bảo quản tạm thời (từ 1 - 3 năm) gồm các giếng nằm trong phương án khai thác nhưng thuộc loại dự phòng.

Loại 3: Giếng bảo dưỡng ngắn hạn (dưới 1 năm), gồm các giếng đang sử dụng, tạm dừng hoạt động để sửa chữa hoặc chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Đối với bảo quản lòng giếng, quá trình đặt các trang thiết bị hoặc gia cố nút bảo quản giếng phải đảm bảo kiểm soát áp suất tích tụ bên dưới các nút trước khi tháo bỏ trong quá trình mở lại giếng.

Đối với bảo quản các đầu giếng trên bề mặt, phải được lắp cây thông trên miệng giếng. Tất cả các tay van trừ van kiểm tra phải được tháo rời. Các đường ống nhánh, các áp kế giảm áp kiểm tra phải được tháo bỏ và phải có các bích mù, nút bịt lắp vào các đầu ống, chân áp kế. Trên miệng giếng phải gắn một biển hiệu ghi tên mỏ, giếng, tên người điều hành có trách nhiệm bảo quản, thời gian bắt đầu bảo quản, lý do bảo quản và thời hạn bảo quản.

Riêng với các giếng khoan khai thác trên đất liền còn được bảo vệ bằng một hàng rào chắn bằng bê tông cốt thép, biển hiệu được gắn trên hàng rào.

Người điều hành có trách nhiệm kiểm tra các giếng đang được bảo quản bằng phương pháp, thiết bị phù hợp theo thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế nhằm phát hiện những bất thường tại khu vực giếng. Trường hợp phát hiện bất thường tại khu vực giếng, người điều hành phải tiến hành xử lý để đảm bảo an toàn.

Công tác hủy bỏ giếng

Yêu cầu chung đối với công tác hủy bỏ giếng khoan dầu khí là giếng phải đảm bảo duy trì được tính toàn vẹn của lòng giếng, không để xảy ra tình trạng lưu thông các chất lưu giữa các thành hệ với nhau hoặc với bề mặt đáy biển, mặt đất. Sau khi hoàn tất công tác hủy bỏ giếng, khu vực đáy biển hoặc bề mặt xung quanh vị trí giếng khoan phải được dọn sạch, không được để lại các vật cản hoặc làm xáo trộn trạng thái ban đầu của môi trường tự nhiên.

Thông tư quy định chi tiết về các hoạt động: cắt, thu hồi ống chống, đầu giếng, thiết bị lòng giếng; vị trí các nút chặn trong đoạn giếng thân trần; vị trí đặt các nút chặn trong đoạn giếng đã chống ống; phương pháp hủy bỏ đoạn giếng khoan đã được bắn mở vỉa; các biện pháp gia cố bổ sung; đặt nút chặn trong trường hợp cắt ống; đặt nút chặn trong trường hợp để lại thiết bị lòng giếng; yêu cầu về việc thử nút chặn; dung dịch dùng trong công tác hủy bỏ giếng; xi măng dùng để hủy bỏ giếng.

Người điều hành phải đảm bảo rằng sau khi hủy bỏ một giếng khoan thì khu vực đáy biển xung quanh miệng giếng khoan phải được khảo sát cẩn thận để đảm bảo chắc chắn toàn bộ các vật cản được dọn sạch.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/9/2020. Quyết định số 37/2005/QĐ-BCN ngày 25/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quy chế bảo quản và hủy bỏ giếng khoan dầu khí hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Bảo quản giếng là việc sử dụng dung dịch phù hợp, gia cố các nút chặn và lắp đặt các thiết bị trong giếng nhằm đảm bảo cho giếng khoan được an toàn trong một thời gian nhất định và sau đó có thể tiếp tục các công việc thăm dò, thử vỉa, khai thác một cách thuận lợi.

Hủy bỏ giếng là việc thu hồi các thiết bị lòng giếng, gia cố các nút xi măng, đặt nút cơ học, cắt bỏ và thu hồi một số đoạn ống trong giếng khoan, thu dọn các vật cản (nếu có) xung quanh miệng giếng, đầu giếng.

Theo Báo Công thương

bo cong thuong ban hanh quy che bao quan va huy bo gieng khoan dau khiPVEP và SK Innovation hoàn tất giao dịch chuyển nhượng quyền điều hành Lô 16-2
bo cong thuong ban hanh quy che bao quan va huy bo gieng khoan dau khiPV Drilling đạt lợi nhuận khả quan trong 6 tháng đầu năm 2020
bo cong thuong ban hanh quy che bao quan va huy bo gieng khoan dau khiBài 2: Vài câu chuyện hợp tác dầu khí Việt - Ru

DMCA.com Protection Status