Ngành Dầu khí

Bước chuyển tư duy và hành động

08:34 | 30/01/2018

994 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là sản lượng khai thác dầu thô trong nước vượt 1,29 triệu tấn so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm. Phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Minh Phong xung quanh kết quả đáng ghi nhận này.

PV: Trước hết, xin ông nhận xét đôi nét về những bước vượt khó của PVN trong năm 2017?

buoc chuyen tu duy va hanh dong

TS Nguyễn Minh Phong: Trước hết, phải khẳng định rằng những thành công mà PVN đã đạt được trong năm 2017 như một sự ghi nhận nỗ lực cao nhất của tập thể lãnh đạo và người lao động Dầu khí. Có thể khẳng định rằng, ngành Dầu khí là một trong những mũi xung kích và là động lực tạo nên thành công chung của cả nước.

Trong các nhân tố dẫn tới thành công đó, sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tập đoàn, từ người đứng đầu cho đến những cán bộ có liên quan, điều đó chính là yếu tố then chốt. Đó chính là sự tiếp thu rất nghiêm túc những chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương… đối với Tập đoàn trong các tình huống cụ thể.

Quan sát qua vài năm trở lại đây, chúng ta thấy rằng, PVN đã chống chọi rất hiệu quả với cuộc chiến giá dầu trên thế giới. Ngay cả các tập đoàn dầu mỏ lớn của Mỹ cũng đứng trước nguy cơ bị phá sản, đã có lúc từ 1.500 điểm khai thác dầu xuống chỉ còn 400-500 điểm và hiện nay, khi giá dầu có dấu hiệu phục hồi thì chỉ tăng lên được tới 700-800 điểm, từ đó dẫn đến một nửa công ty dầu khí bị phá sản. Bên cạnh đó, rất nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ khác cũng bị lao đao. Tuy nhiên, PVN đã trụ vững, mặc dù cũng có nhiều tổn thương, nhưng về cơ bản, PVN đã vượt qua một cách đáng tự hào, qua đó có thêm nhiều cơ hội và kinh nghiệm, chủ động ứng phó với những khó khăn trong thời gian tới.

Chúng ta cần phải có tầm nhìn dài hơn, tránh coi ngành Dầu khí là công cụ kiếm tiền để bù đắp ngân sách hoặc chỉ để tăng trưởng bề nổi. Do đó, các quy hoạch phát triển ngành Dầu khí cần phải có định hướng mang tính dài hạn, với những kịch bản đủ tầm, được chuẩn bị kỹ với các phương án khả thi…

PV: Vậy theo ông, có những khó khăn, thách thức nào mà PVN sẽ phải đối mặt trong năm 2018?

TS Nguyễn Minh Phong: Trong những năm vừa qua, PVN đã có nhiều cố gắng, nhưng những khó khăn đối với PVN ngày càng đậm nét hơn. Đó chính là PVN phải đối diện với nguồn tài nguyên cạn kiệt dần. Những nguồn tài nguyên dầu khí theo cấu trúc tự nhiên ngày càng xa hơn, sâu hơn và đặc biệt là những tranh chấp trên Biển Đông cũng tạo ra những khó khăn cho việc tìm kiếm đối tác đủ tầm, đủ lực đối với PVN.

Thứ nữa là việc tái cấu trúc nền kinh tế để giảm dần tỷ trọng của ngành khai khoáng trong sự phát triển kinh tế và tăng các ngành khác lên, đòi hỏi ngành Dầu khí phải có những đổi mới để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tăng giá trị gia tăng. Để sử dụng các sản phẩm hóa dầu và các sản phẩm khai thác được một cách hiệu quả nhất, không thể một sớm một chiều mà cần phải có thời gian, đầu tư vốn lớn, trình độ khoa học kỹ thuật cao, tính tổ chức và phối hợp hoạt động gia tăng giá trị chuỗi dầu khí cùng các hoạt động khác cao hơn rất nhiều so với thời kỳ đơn giản chỉ là khai thác và xuất khẩu thô. PVN sẽ đối diện với những khó khăn liên quan đến tìm kiếm nguồn vốn và từ đó sẽ ảnh hưởng đến việc giữ chân người tài.

buoc chuyen tu duy va hanh dong
Nhà máy Đạm Phú Mỹ

PV: PVN cần phải làm gì trước những dự báo đó, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Với bối cảnh như vậy, tôi cho rằng cần phải có những giải pháp đồng bộ cả về nhận thức, tổ chức và quản trị cùng nhiều yếu tố khác.

Một mặt, từ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cho tới Tập đoàn cần phải tiếp tục coi dầu khí là một trong những lĩnh vực quan trọng của quốc gia. Ở đây không đơn giản chỉ là kinh tế, là khai khoáng, mà còn là ngành công nghiệp chủ lực tạo nền tảng cho sự phát triển công nghiệp hóa dầu và từ đó phát triển công nghiệp hỗ trợ, đồng thời gắn với an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông. Đây có thể nói là nhiệm vụ kép của ngành Dầu khí.

Đặc biệt, chúng ta cần phải có tư duy và tầm nhìn dài hơn, tránh coi ngành Dầu khí là công cụ kiếm tiền để bù đắp ngân sách hoặc chỉ để tăng trưởng bề nổi. Do đó, các quy hoạch phát triển ngành Dầu khí cần phải có định hướng mang tính dài hạn, với những kịch bản đủ tầm, được chuẩn bị kỹ với các phương án khả thi. Từ đó sẽ hình thành nên bộ mặt mới của công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

buoc chuyen tu duy va hanh dong
Nhà máy Đạm Cà Mau

PV: Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị nói đến việc phải tạo quyền cho PVN và để PVN vận hành theo cơ chế thị trường một cách đầy đủ. Ông có thể giải thích thêm về ý nghĩa đó?

TS Nguyễn Minh Phong: Chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chính vì vậy, yếu tố kinh tế thị trường ở đây thể hiện rất rõ ở các điểm:

Đầu tiên cần phải tuân thủ luật, cơ chế thị trường của thế giới.

Thứ hai, các thiết chế mang tính hiện đại, phù hợp với cách mạng về khoa học cũng như toàn cầu hóa, hội nhập.

Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cho tới Tập đoàn cần phải tiếp tục coi dầu khí là một trong những lĩnh vực quan trọng của quốc gia. Ở đây không đơn giản chỉ là kinh tế, là khai khoáng, mà còn là ngành công nghiệp chủ lực tạo nền tảng cho sự phát triển công nghiệp hóa dầu và từ đó phát triển công nghiệp hỗ trợ, đồng thời gắn với an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông.

Với ngành Dầu khí, chúng tôi cho rằng, đó là phát triển theo hướng tiến tới chấm dứt hoàn toàn cơ chế bao cấp, cơ chế chỉ huy hành chính. Không tư nhân hóa ngành Dầu khí, nhưng chúng ta sẽ cố gắng đưa cơ chế thị trường vào ngành Dầu khí theo hướng tìm kiếm các đối tác và quan hệ đối tác dựa hoàn toàn trên cơ sở thị trường, tức là đôi bên cùng có lợi dựa trên quy tắc hạch toán, dựa trên các hợp đồng chứ không còn là bao cấp ngày xưa hay là nằm trong khuôn khổ chính trị thuần túy. Và như vậy, yếu tố hạch toán kinh doanh sẽ nổi bật hơn trong các quan hệ với đối tác nước ngoài.

Cùng với đó, ngay cả bên trong nội bộ, chúng ta cũng thực hiện việc hạch toán đầu tư có lãi, thu hồi vốn, thực hiện cơ chế nhằm tạo động lực cho việc kiếm lợi nhuận cho doanh nghiệp chứ không phải thực hiện việc điều chỉnh cán bộ hay là thay đổi cơ chế làm mất động lực làm giàu, mất động lực tích lũy, mất động lực cống hiến của người lao động, thường xuyên đối mặt với vấn đề tài chính và dòng tiền đầu tư.

buoc chuyen tu duy va hanh dong
Giàn điều khiển công nghệ trung tâm mỏ Sư Tử Vàng

Thứ ba, thực hiện mua bán và chế biến sản phẩm theo xu hướng tạo ra giá trị cao nhất chứ không còn là hoàn thành kế hoạch kiểu khai thác được bao nhiêu, xuất khẩu bao nhiêu là xong. Tập đoàn phải được giao tổ chức những tấn dầu thô đưa lên được tiêu thụ với mức lợi nhuận cao nhất và được hưởng xứng đáng với mức đóng góp cho đất nước bên cạnh bảo đảm các điều kiện khác theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: PVN phải trở thành tập đoàn tài chính mạnh

buoc chuyen tu duy va hanh dong

Hiện nay, trên thế giới, các loại năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Ôtô điện tự lái bắt đầu xuất hiện từ năm 2018 và trở thành xu thế tất yếu, tác động lớn đến tiêu thụ xăng dầu và khí, khiến ngành Dầu khí thế giới phải điều chỉnh hoạt động của mình.

Trong thời gian tới, PVN vẫn phải tiếp tục khai thác dầu, đặc biệt là khai thác khí, đồng thời đẩy mạnh hoạt động chế biến, bảo đảm hiệu quả kinh tế cao nhất. Tôi hy vọng PVN sẽ tiếp tục vận dụng khoa học công nghệ hiện đại để giảm thiểu các chi phí về thời gian và tiền bạc.

Năm 2015, Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị nêu rõ: Phải phát triển PVN theo hướng cơ chế thị trường một cách đầy đủ, phải tạo cho ngành Dầu khí một cơ chế đặc thù về tài chính... Đây là sự ủng hộ rất lớn của lãnh đạo Đảng đối với PVN.

Ở các nước trên thế giới, các tập đoàn dầu khí đều là những tập đoàn rất mạnh về tài chính, về khoa học công nghệ. Nếu như chúng ta so sánh PVN với Tập đoàn Dầu khí Malaysia (PETRONAS) thì quy mô của của họ lớn hơn nhiều.

Là người nghiên cứu lâu năm trong ngành kinh tế, tôi rất ủng hộ việc có những cơ chế chính sách đặc thù riêng cho ngành Dầu khí. Tôi nghĩ rằng, để làm được việc này, Tập đoàn nên chủ động mời các nhà khoa học, các nhà kinh tế, các nhà hoạch định chính sách… cùng thảo luận những đề án khả thi và trình lên lãnh đạo cao nhất để tạo điều kiện cho PVN trở thành một tập đoàn tài chính mạnh, một tập đoàn phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ của đất nước.

Diệu Thuần

DMCA.com Protection Status