Công nghiệp dầu khí

Các dấu mốc đáng chú ý

07:00 | 20/05/2018

2,156 lượt xem
|
Nếu so với nhiều nước đang phát triển trên thế giới, riêng trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu mỏ, Việt Nam là nước đi sau và mới chỉ được ghi tên trên bản đồ dầu mỏ thế giới từ hơn 30 năm trở lại đây với cột mốc Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) phát hiện dầu tại mỏ Bạch Hổ.

Hiện nay ở Việt Nam, dầu mỏ và khí thiên nhiên là nguồn tài nguyên năng lượng quý, giá trị kinh tế cao. Đây là nguồn năng lượng có những thuộc tính vượt trội so với các nguồn năng lượng khác. Sản phẩm chế biến từ dầu mỏ là nguyên liệu cho các ngành công nghiệp hóa chất và công nghiệp hàng tiêu dùng. Khí thiên nhiên ngày càng được ưa chuộng sử dụng như một loại năng lượng sạch có khả năng thay thế các loại chất đốt như than, dầu hỏa. Hàng năm dầu khí xuất khẩu đã đem lại nguồn ngoại tệ cho nhà nước mặc dù sản lượng khai thác giảm sút đáng kể trong vài năm trở lại đây.

cac dau moc dang chu y
Giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ

Nhìn ngược thời gian, nếu so với nhiều nước đang phát triển trên thế giới riêng trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu mỏ, Việt Nam chỉ là nước đi sau và mới chỉ được ghi tên trên bản đồ dầu mỏ thế giới từ hơn 30 năm trở lại đây với cột mốc Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) phát hiện dầu tại mỏ Bạch Hổ.

Có thể điểm qua một vài giai đoạn phát triển của ngành Dầu khí non trẻ Việt Nam.

Thời kỳ pháp thuộc (1858-1945), các nhà địa chất Pháp như Jourdy.E (1886), Sarran.E (1888) đã tiến hành các hoạt động khảo sát khoáng sản miền Bắc. Năm 1898, Sở Địa chất Đông Dương được thành lập với nhiệm vụ khảo sát và tìm kiếm khoáng sản khu vực Đông Dương. Các nhà địa chất Pháp đã tiến hành khoan 2 giếng tại núi Lịch địa phận Yên Bái vào năm 1911 với độ sâu 32m, kết quả thu được là cát đen có mùi dầu mỏ.

Năm 1923, Gubler.J khảo sát tại một số điểm trên thềm lục địa thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và khẳng định có những dấu hiệu có dầu. Kết quả nghiên cứu của nhà địa chất Nombland năm 1927 cũng khẳng định về triển vọng dầu mỏ tại Việt Nam.

Thời kỳ trước năm 1975, đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh. Sau chuyến thăm Liên Xô năm 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã tiến hành thăm dò dầu khí tại vùng trũng Hà Nội. Tổng cục Địa chất đã thực hiện giếng khoan đầu tiên với độ sâu khoảng 3.000m, tiếp theo là một loạt các giếng khoan được thực hiện tại khu vực bể sông Hồng với sự phát hiện gây chấn động: Giếng khoan 61 đã phát hiện mỏ khí Tiền Hải C (Thái Bình) vào năm 1975 ở độ sâu gần 1.150m. Đến ngày 4-8-1975, mũi khoan đã đạt độ sâu 2.400m và chính thức phát hiện mỏ khí có trữ lượng 1,3 tỉ m3 khí. Mỏ khí Tiền Hải C đi vào lịch sử ngành Dầu khí, đánh dấu dòng khí công nghiệp đầu tiên của Việt Nam.

Tại miền Nam Việt Nam, các công ty dầu khí nước ngoài đã tiến hành một số chương trình khảo sát địa vật lý tại thềm lục địa phía Nam cuối những năm 60 của thế kỷ XX. Năm 1974-1975, các chiến dịch khoan thăm dò do Mobil và Pecten thực hiện ở bể Cửu Long và bể trầm tích Nam Côn Sơn đã tìm thấy dấu hiệu dầu ở hai giếng khoan (Dừa - 1X và BH - 1X) tại các cấu tạo đứt gãy thuộc Miocen và Oligocen sớm. Khi đất nước thống nhất vào năm 1975, tất cả các hợp đồng của các công ty này hết hiệu lực.

Giai đoạn 1976-1980, Việt Nam bước vào xây dựng đất nước và đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, khảo sát và thăm dò dầu khí. Năm 1978, Tổng cục Dầu khí Việt Nam đã ký 5 hợp đồng dầu khí (2 hợp đồng chia sản phẩm và hợp đồng dịch vụ rủi ro) với 3 công ty dầu khí nước ngoài tìm kiếm, thăm dò thềm lục địa Việt Nam gồm: DEMINEX (CHLB Đức), AGIP (Italia) và Bow Valley (Canada), trên tổng diện tích 30.000km2 của 5 lô thềm lục địa phía Nam. Các công ty này đã khoan một số giếng khoan thăm dò và có 1 phát hiện dầu và 3 phát hiện khí tại Lô 15A - 1X, 04 A - 1X, 12 - B - 1X, 12 - C - 1X. Tuy nhiên các công ty này đã không tiếp tục thẩm định bởi cho rằng, các phát hiện này là không đáng kể, tất cả hợp đồng dầu khí kết thúc năm 1980.

Giai đoạn 1981-1986 vắng bóng các công ty dầu khí nước ngoài hoạt động trên thềm lục địa Việt Nam bởi lệnh cấm vận của Mỹ. Từ năm 1981, khí thiên nhiên được khai thác tại mỏ Tiền Hải C phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ công nghiệp tại địa phương và một số tỉnh miền Bắc.

Vietsovpetro liên doanh dầu khí giữa Việt Nam và Liên Xô được thành lập năm 1981 với mục tiêu khảo sát, tìm kiếm và thăm dò dầu khí khu vực phía Nam. Tiến hành khảo sát địa vật lý cho hầu hết các diện tích phần thềm lục địa từ Bắc vào Nam với hàng loạt các giếng khoan thẩm lượng và khai thác ở khu vực mỏ Bạch Hổ được thực hiện và phát hiện dầu ở tầng cát Oligocen và tầng móng nứt nẻ (một trong những mỏ dầu lớn nhất của Việt Nam tính đến hiện tại). Ngoài ra, các giếng khoan thăm dò ở các cấu tạo Rồng, Đại Hùng đã mang lại kết quả khả quan về phát hiện dầu mỏ. Giai đoạn 1981-1986 là giai đoạn mở đầu hình thành ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

Từ năm 1987-1995 là giai đoạn mở cửa kinh tế, đa phương hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại với Luật Dầu khí được thông qua vào năm 1993. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bắt đầu ký kết hợp đồng thăm dò với với nhiều công ty dầu khí lớn trên thế giới.

Năm 1988 phát hiện tầng dầu sản lượng cao từ đá móng granit nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ với dòng dầu tự phun, có lưu lượng đạt tới 407 tấn/ngày đêm. Mỏ này được xếp vào trong số các mỏ có trữ lượng dầu khí lớn nhất Đông Nam Á. Sau Bạch Hổ, nhiều mỏ dầu mới ở tầng móng như Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc... đã lần lượt được phát hiện và đưa vào khai thác.

Việc phát hiện và khai thác dầu khí trong móng granit nứt nẻ là một thành tựu có giá trị to lớn về khoa học và kinh tế, làm thay đổi rất lớn về đối tượng thăm dò dầu khí truyền thống. Các thành quả này đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới, đánh dấu một bước tiến vững chắc, khẳng định một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

Từ 1996 đến nay là thời đại hợp tác liên doanh dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các siêu công ty dầu khí thế giới: Chevron (Mỹ), BP (Anh), Repsol (Tây Ban Nha), ExxonMobil (Mỹ)…

Đến nay, các mỏ dầu ở thềm lục địa nước nông đã dần trở nên cạn kiệt. Nhu cầu đầu tư khai thác và phát triển các mỏ dầu khí xa bờ đã trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Các mỏ dầu khí mới phát hiện và đang phát triển giai đoạn 2 gồm: Cá voi xanh, Lô B Ô Môn, Sao vàng - Đại nguyệt, Cá Rồng Đỏ. Việc khai thác các mỏ xa bờ cần vốn đầu tư lớn và công nghiệp khai thác hiện đại chưa kể đến việc đầu tư và xây dựng các hệ thống vận chuyển dầu thô và khí trải dài. Giai đoạn này, việc đầu tư và khai thác dầu khí cũng đòi hỏi sự tính toán và cân đối về khả năng thành công và giá thành đầu tư cho toàn bộ dự án.

Việc phát hiện và khai thác dầu khí trong móng granit nứt nẻ là một thành tựu có giá trị to lớn về khoa học và kinh tế, làm thay đổi rất lớn về đối tượng thăm dò dầu khí truyền thống, đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới.

Minh Châu

DMCA.com Protection Status