Cần phải có chính sách bảo hộ dịch vụ dầu khí nội địa

05:47 | 04/06/2022

6,586 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị cần có chính sách bảo hộ dịch vụ dầu khí nội địa, có lộ trình chung để phát triển năng lực khoa học kỹ thuật công nghệ quốc gia; dần gỡ bỏ tiềm thức doanh nghiệp nội chỉ làm gia công.

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) chiều 3/6, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến đề nghị cần thể chế hóa, bổ sung hoặc có Nghị định hướng dẫn cụ thể một số chính chưa thể hiện rõ trong các quy định của dự luật.

Gỡ bỏ tiềm thức doanh nghiệp trong nước chỉ làm gia công

Cụ thể, bổ sung các chính sách về dịch vụ kỹ thuật dầu khí, cần phân chia và quy định rõ những nhóm dịch vụ nào thì các nhà thầu trong nước có năng lực thực hiện; những nhóm dịch vụ/dịch vụ nào khuyến khích nhà thầu nước ngoài tham gia, với yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các quy định, tiêu chí này để khuyến khích, bảo hộ ngành dịch vụ dầu khí nội địa.

Có chính sách về ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nặng sản xuất vật liệu phục vụ ngành công nghiệp dầu khí nói riêng và công nghiệp nặng nói chung để tạo sự chủ động, thuận tiện, tránh phải nhập khẩu, phụ thuộc vào bên ngoài; các chính sách về đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực để hoàn thiện năng lực dầu khí Việt Nam đối với các mảng dịch vụ công nghệ cao.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến

Lý do cần phải cân nhắc bổ sung các chính sách này, theo bà Yến, qua thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực dầu khí ngoài khơi (ở các giàn khoan) và lĩnh vực công nghiệp dầu khí trên bờ của Việt Nam chưa theo kịp yêu cầu, nói rõ là không cạnh tranh và theo kịp các nước.

Cụ thể, đối với lĩnh vực cơ khí dầu khí ngoài khơi, thực tiễn nước ta đã có các nhà thầu/tổ hợp nhà thầu có khả năng làm chủ công nghệ để tham gia đấu thầu quốc tế và cạnh tranh được với một số nhà thầu trong khu vực.

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế do hai nguyên nhân chính là không có phương tiện, thiết bị phục vụ các công tác ngoài biển (vận chuyển, lắp đặt, rải ống cần các tàu cẩu, tàu rải ống chuyên dụng); và phải nhập khẩu phần lớn vật tư, nguyên liệu, thiết bị từ nước ngoài với giá thành cao, tốn thời gian; khó kiểm soát về chất lượng đi cùng với các rủi ro về giao dịch, vận chuyển.

Đối với lĩnh vực công nghiệp trên bờ, bà Yến cho rằng, hiện nay chưa có nhà thầu Việt Nam nào có thể tự chủ về công nghệ để đáp ứng được năng lực làm tổng thầu thiết kế, mua sắm, thi công xây dựng hoàn thiện.

Các dự án công nghiệp trên bờ hiện nay khi đấu thầu đều do các nhà thầu nước ngoài (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga….) đảm nhiệm vai trò nhà thầu chính chiếm hầu hết giá trị và công nghệ của gói thầu (khoảng 80% giá trị), các nhà thầu Việt Nam nếu tham gia thì chỉ đơn thuần thực hiện các phần việc thi công xây lắp có giá trị thấp, thâm dụng nhiều lao động cơ bản, hàm lượng chất xám ít và khó có khả năng phát triển về trình độ khoa học kỹ thuật.

Cho nên, đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị cần phải có chính sách bảo hộ dịch vụ dầu khí nội địa, có lộ trình chung để phát triển năng lực khoa học kỹ thuật công nghệ quốc gia.

Từ đó giúp cho ngành dầu khí dần gỡ bỏ tiềm thức chỉ làm gia công, thi công, chế tạo đơn thuần và đưa các doanh nghiệp trong nước lên làm chủ về công nghệ, tiệm cận với cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại.

Thăm dò mất cả chục triệu USD là chuyện bình thường

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, hoạt động thăm dò dầu khí có tính rủi ro rất lớn. Nhiều khi khoan hàng trăm mũi mới được vài một mũi mà mỗi mũi tốn hàng vài triệu USD.

Từ đó, ông đề nghị phải có những quy định “rất đặc thù” cho hoạt động thăm dò dầu khí để đảm bảo cơ chế hạch toán cũng như cơ chế quản lý đầu tư xây dựng cho hoạt động này.

“Nếu chúng ta cứ tính theo cơ chế thông thường thì rất bất cập và khó hạch toán, như vấn đề có lãi, thu ngân sách, hạch toán đồng bộ hay theo giai đoạn”, đại biểu Thành nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, ĐB Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) dẫn Điều 65 quy định liên quan đến chi phí tìm kiếm, thăm dò dầu khí không thành công. Cụ thể, dự luật quy định, chi phí thăm dò khi không thành công sẽ được bù đắp từ nguồn lợi nhuận sau thuế hằng năm của tập đoàn và được phân bổ trong thời hạn 5 năm.

ĐB Hoàng Anh Công (Thái Nguyên)

“Quy định là như thế nhưng tôi băn khoăn, vì liên quan đến thăm dò khai thác dầu khí là một lĩnh vực đầu tư rất nhiều tiền. Nếu không nhầm thì một mũi thăm dò vài triệu USD nhưng chuyện thăm khoan nhiều mũi là bình thường và hỏng là chuyện bình thường. Vậy, người quyết định thăm dò khai thác dầu khí nhưng không thành công, mất hàng chục triệu USD sẽ bị như thế nào, có chịu trách nhiệm pháp lý? Chi phí trả là như thế nhưng người quyết định sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?”, đại biểu tỉnh Thái Nguyên đặt vấn đề.

Theo ông Công, đây lại là câu chuyện “dám nghĩ, dám làm”. Nếu không có quy định rõ ràng về loại trừ trách nhiệm đối với những trường hợp rủi ro như thế này, thật sự như giai đoạn hiện nay là rất khó để ai dám quyết định tiếp tục tìm kiếm thăm dò những mỏ dầu ở vùng khơi xa.

“Theo tôi cần quy định rõ hơn trách nhiệm. Đối với trường hợp này cần quy định về loại trừ trách nhiệm của những người quyết định khi thăm dò, khai thác dầu khí. Đồng thời cần có quy định chống lợi dụng chỗ này. Bởi vì đây là chỗ rất dễ mất, mất một cách chính đáng. Cần có quy định ràng buộc để tránh tình trạng lợi dụng gây thất thoát tài sản của DN, của nhà nước. Nhất là khi đây lại là DN 100% vốn nhà nước”, đại biểu lưu ý.

Theo Vietnamnet

Thông qua Luật Dầu khí sửa đổi: Thúc đẩy ngành năng lượng phát triển bền vữngThông qua Luật Dầu khí sửa đổi: Thúc đẩy ngành năng lượng phát triển bền vững
Cần đẩy mạnh điều tra cơ bản trong khai thác dầu khíCần đẩy mạnh điều tra cơ bản trong khai thác dầu khí
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV: Cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khíKỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV: Cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc: Luật Dầu khí (sửa đổi) góp phần đảm bảo tự chủ về năng lượngĐại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc: Luật Dầu khí (sửa đổi) góp phần đảm bảo tự chủ về năng lượng
Để thực sự đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khíĐể thực sự đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Phân quyền cho Petrovietnam gắn với cơ chế kiểm tra, giám sátDự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Phân quyền cho Petrovietnam gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát

DMCA.com Protection Status